Độc đáo đoàn kèn Tây với 800 thành viên ở Nam Định

11/08/2014

Được xem là đoàn kèn Tây lớn nhất cả nước, đến nay Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có trên 800 thành viên.


Hội kèn Phạm Pháo. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Tất cả các thành viên của đoàn kèn đều là những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn,” vừa chơi kèn, vừa làm nông nghiệp.

Yếu tố giúp gắn kết, quy tụ một số lượng rất lớn các thành viên trong Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo chỉ đơn giản là sự đoàn kết, ý thức tự giác và niềm đam mê của mỗi thành viên đối với một bộ môn nghệ thuật trước nay vẫn được coi là xa lạ với người nông dân.

Ra đời từ năm 1910, ban đầu Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo có tên là Hội kèn Phạm Pháo do ông Vũ Văn Ổn, thôn Phạm Pháo, xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định làm trưởng hội chỉ với 30 thành viên và bảy nhạc cụ.

Sau hơn 100 năm hình thành, phát triển và trải qua nhiều biến đổi, đến nay Hội kèn Phạm Pháo đã đổi tên thành Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo với 800 thành viên ở 12 hội trên địa bàn xã Hải Minh.

Ông Phạm Ngọc Ring, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phạm Pháo, cho biết với lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đến nay đoàn kèn vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động một cách bài bản, quy củ.

Hiện nay, đoàn kèn được chia làm 12 hội kèn nhỏ nằm rải rác ở 26 thôn của xã Hải Minh. Mỗi Hội kèn có số lượng thành viên từ 40-100 người ở độ tuổi từ 16-70 tuổi và đều có một Trưởng hội phụ trách công việc giảng dạy hoặc tổ chức các lớp học về kèn cho các thành viên trong Hội.

Bình thường các thành viên trong đoàn kèn sinh hoạt, tập kèn và biểu diễn theo các Hội. Các hội kèn đều thường xuyên mở các lớp đào tạo và mời các nhạc sỹ ở Trung ương hay ở địa phương về giảng dạy như nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên, nhạc sỹ Nguyễn Hữu Quách, nhạc sỹ Thanh Hải...

Vào những dịp quan trọng ở trong và ngoài tỉnh hay Trung ương tổ chức thì thành viên của 12 Hội lại tập trung nhau lại ở đoàn kèn cùng tập luyện để biểu diễn.

Để học thổi được các loại kèn nói chung ngoài năng khiếu rất cần đam mê và sự kiên trì, chịu khó. Các thành viên của đoàn kèn đều xuất thân là những người nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn,” ít được tiếp xúc với âm nhạc cũng như các loại nhạc cụ. Tuy nhiên, kèn tây dường như đã gắn liền với cuộc đời họ từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn lên.

Sống trong âm thanh của tiếng kèn, đắm mình trong tiếng kèn, lại được nhìn những người xung quanh chơi kèn đã hình thành trong mỗi người dân nơi đây tình yêu, niềm đam mê rất lớn đối với kèn tây và khả năng thẩm thấu âm thanh của tiếng kèn rất tốt.

Thường các nam thanh niên công giáo ở xã Hải Minh sẽ được chính thức cho đi đào tạo bài bản về nhạc cụ khi tròn 16 tuổi. Do đã được tiếp xúc với các loại kèn từ nhỏ nên nhiều nhất là một năm các em đã có thể thổi thành thạo loại kèn được học và chính thức trở thành thành viên của đoàn kèn.

Trong đoàn kèn cũng có sự phân chia số lượng người sử dụng các loại kèn khác nhau để tạo ra được sự cân bằng, hợp lý khi cùng nhau chơi một bản nhạc.

Có khoảng hơn 10 nhạc cụ được sử dụng trong đoàn kèn như kèn Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas và dàn trống. Trong đó, loại kèn được sử dụng nhiều nhất và nhiều người chơi nhất là kèn đồng.

Do có nhiều loại kèn khác nhau nên ở mỗi hội kèn đều có sự phân chia cho mỗi thành viên sử dụng một loại kèn tùy vào năng khiếu, sức khỏe của từng người. Toàn bộ số kèn được sử dụng trong đoàn đều được mua ở nước ngoài như Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật Bản.

Các hoạt động của đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo từ khi ra đời cho đến nay đều là biểu diễn phục vụ những ngày lễ của công giáo và các hoạt động xã hội như những ngày tuần chầu, ngày lễ Giáng sinh, các ngày lễ lớn của Giáo xứ trong tỉnh, ngày Quốc khánh, các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm, hội nghị trong và ngoài tỉnh.

Các bản nhạc được đoàn kèn sử dụng thường là các bản nhạc nổi tiếng hoặc các bản nhạc do đoàn kèn tự biên soạn với nội dung ca ngợi ca ngợi quê hương, đất nước như "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh," "Bài ca non sông," "Xuân chiến thắng", các bản nhạc Pháp, các bản hùng ca.

Một năm, ngoài hoạt động biểu diễn tại các thôn, xóm của từng hội kèn, đoàn kèn tập trung đầy đủ tất cả các thành viên biểu diễn ở 5, 6 lễ hội lớn (mỗi lần biểu diễn 5-7 bài). Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện, tính chất sự kiện, đoàn kèn có thể nhận lời mời biểu diễn ở các tỉnh khác. Hiện nay, đoàn kèn vẫn đi biểu diễn với mục đích phục vụ nhân dân là chính, không lấy tiền công.

Một số dịp gần đây, đoàn kèn tham gia biểu diễn ở những hoạt động do Trung ương tổ chức với số lượng thành viên lớn như vào năm 2000, 200 thành viên của đoàn kèn đã tham gia biểu diễn tiết mục Bài ca non sông tại buổi lễ diễu hành ở Quảng trường Ba Đình do Nhạc sỹ Vũ Duy Cương làm nhạc trưởng hay như biểu diễn trong dịp lễ kỷ niệm của Tổng giáo phận Hà Nội với 400 thành viên và dịp lễ kỷ niệm ở Đan viện Châu Sơn (Ninh Bình) với 500 thành viên.

Ông Nguyễn Văn Khoát, xóm 10, xã Hải Minh, là Nhạc trưởng được phân công nhiệm vụ chỉ huy đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo trong mỗi dịp đoàn kèn tham gia biểu diễn cho biết trước mỗi dịp lễ lớn, quan trọng cần huy động cả đoàn kèn thì 800 thành viên trong đoàn sẽ tập trung nhau lại trước đó khoảng 15-20 ngày để khớp bài.

Các thành viên trong đoàn phải học khoảng 30 bài nhạc ở nhiều thể loại khác nhau để có thể biểu diễn ở từng sự kiện khác nhau sao cho phù hợp. Các bản nhạc này là các bản nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước hoặc là do chính các thành viên trong đoàn sáng tác.

Anh Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Hội kèn Phạm Pháo, cho biết mỗi hội kèn ngoài việc tập trung lại với nhau ở đoàn kèn để biểu diễn ở những sự kiện lớn thì còn biểu diễn rất nhiều ở thôn, xóm.

Hiện nay Hội kèn Phạm Pháo có 100 thành viên với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Các thành viên trong Hội kèn phần lớn là làm nông nghiệp ở địa phương, ngoài thời gian lao động sản xuất, thời gian rảnh rỗi hoặc tranh thủ buổi tối lại tập trung nhau lại cùng học kèn.

Nhìn quy mô hoành tráng của Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo mới cảm phục sự đoàn kết cũng như niềm đam mê của những con người nơi đây.

Để có được một đoàn kèn “khổng lồ” như ngày hôm nay là cả một quá trình dài giữ gìn và phát triển của các lớp thế hệ người công giáo xã Hải Minh. Và quan trọng hơn cả chính là sự đam mê, lòng nhiệt huyết và cả sự kiên trì của từng thành viên đối với bộ môn nghệ thuật này.

Với những chiếc kèn tây trong tay, những người “nghệ sỹ” thổi kèn tài hoa Hải Minh đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây./.

(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...