Đinh Ngọc Liên những tổng phổ bi trang
Hơi bị sững sờ khi nghe tin NSND đại tá Đinh Ngọc Liên nguyên là ông Quản Liên chỉ huy nhạc kèn quân đội Pháp sau trở thành Chỉ huy dàn nhạc binh QĐND Việt Nam vừa tuột mất Giải thưởng Hồ Chí Minh… Xuân Ba gửi đến trang Trần Nhương một bài viết cũ ( năm 2004) ngõ hầu để bạn đọc biết thêm về ông Quản Liên cũng như một quá vãng mà thời buổi nay dẫu ban ngày có đốt đuốc tìm cũng chả thấy…
... Gan bàn chân tôi đang rời rợi mát thứ hỗn hợp đất nện với chút xi măng mà ngày trước các cụ hay tạo nền cho những ngôi nhà chưa phải cổ nhưng cu cũ như cái nhà năm gian thấp tè lợp ngói liệt của xứ đạo gốc Phú Nhai hiếm hoi còn sót lại này. Trên thượng lương mờ mờ hàng chữ chủ nhân làm vào một ngày lành của cái năm thuộc hoàng triều Bảo Đại. Chủ nhân, cụ ông lẫn cụ bà cũng mờ ảo những tấm ảnh thờ trong tư thế truyền thần khăn xếp áo the trên một cái xà thấp nhất.
Xứ đạo Phú Nhai nổi tiếng với xã Xuân Phương đã góp cho giáo hội 64 vị linh mục và 2 đức Giám mục, lại có người của Phú Nhai hiện giữ chức sắc quan trọng trong Bộ truyền giáo Vaticăng... Ây là bên đạo, bên đời ở Phú Nhai còn nổi danh không kém một người. Đó là ông Quản Liên, trước làm chức quản trong lính kèn của quân đội Pháp sau này là trung tá, nghệ sĩ nhân dân chuyên chỉ huy và phụ trách đội quân nhạc của Quân đội nhân dân Việt Nam Đinh Ngọc Liên mà tôi hiện đang ngồi trong ngôi nhà của song thân ông để lại!
Những là thánh thót chuông sớm chuông chiều xứ đạo. Những âm thanh trầm buồn của chuông chùa Bắc chùa Trung và tiếng trống tế của đền Bảo Lộc của thôn Đoài thuộc Tổng Thuỷ Nhai Huyện Giao Thuỷ Phủ Xuân Trường quê hương dường như đã ám vào cậu bé mới 8 tuổi nhưng đã được cha xứ chọn vào hội trắc. Hội trắc chừng độ hai chục em ở độ tuổi tám đến mười chuyên phục vụ cho những đám rước nhà thờ. Hai thanh tre trong tay chúng sẽ là nhịp điệu nhịp nhàng và rộn ràng trong đám rước. Cậu bé ấy nhỉnh hơn chúng bạn không phải sức vóc mà tám chín tuổi đã chơi được đàn hồ đàn tam. Biết cử lưu thuỷ khi mừng khách và lâm khốc khi làng có đám. Mười tuổi đã thạo sáo. Mười ba tuổi đã chơi được kèn Tây pixtông... Ngoài khiếu nhạc lại vẽ giỏi nữa. Cha Phúc, chánh xứ Giao Lạc quý lắm, cho theo hầu luôn... Cha không những giỏi tiếng Pháp Latin mà còn Hán, Nôm. Cha muốn rèn cặp cho cậu bé làng Phú Nhai có tài và sớm có ơn thiên triệu này sau sẽ làm linh mục! Con tên thật là gì? Dạ thưa cha con là Đinh Đức Điến ạ. Tên này không hay. Từ nay con là Đinh Ngọc Liên. Rồi dùng bút lông viết một hàng chữ Hán bảo về đưa cho bố. Cha cậu bé giở ra liên sinh ư nê, bất nhiễm ư nê. Cha viết gì hở bố? Cậu được giải thích, tên cậu là hoa sen, mọc trong bùn mà không nhiễm thứ ô uế của bùn. Luôn phải sống trong sạch ngay thẳng... Rồi tất tật những lần lễ bé lễ lớn cậu trở thành người giúp lễ cho cha xứ. áo dài trắng quần trắng, nhiều lần chĩnh chiện ngồi đàn Acmônium những bản thánh ca trước ràn rạt những con chiên dự lễ...
Sau khi đỗ sơ học yếu lược, cậu chăm chỉ học lên nữa... Nhưng cái môn học thuộc lòng bằng tiếng Latinh đã hại cậu bởi cậu rất ngại học thuộc lòng! Kỳ thi ấy cậu trượt. Giấc mộng làm linh mục tan biến. Cậu phẫn chí về làng nhẩy xuống một chiếc đò dọc đi làm thư ký thuyền buôn! Nhưng việc cũng chả đâu với xoan. Lớn lộc ngộc. Thất nghiệp. Buồn tình cậu lấy vợ đúng cái năm 17 tuổi. Nhưng những luỹ tre bít rịt của Phú Nhai không hãm được cậu. Giắt lưng hơn trăm bạc tiền dạy nhạc và dạy vẽ, cậu lên Hà Nội dự định thi vào Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng thi vào đấy phải có bằng Điplôm mà cậu chỉ có Certiphicat. Khi số tiền đem theo đã cạn thì có người làng mách cậu nên tuyển vào chân lính kèn! Cậu hăng hái thử thì trúng. Mười lấy ba. Cậu đỗ đầu. Có sức về làng để lý trưởng áp đồng triện vào lý lịch. Tới lúc này ông bố cậu mới biết kêu trời vật mình vật mẩy! Tưởng lên Hà Nội làm gì chứ làm cái anh lính kèn bu dích! Nhưng sự thể đã vậy thôi cũng đành...
Nhưng cái nghiệp kèn nhà binh lại khơi dậy trong chàng thanh niên làng Phú Nhai ấy năng khiếu âm nhạc lẫn hội hoạ tưởng đâu suýt lún vào cõi mịt mùng. Nhạc thì thăng tiến khá nhanh từ việc học nhạc lý đến viết những tổng phổ cho phối âm phối khí và thành thạo nhiều loại nhạc cụ của đội kèn. Không biết có phải là may mắn không nhưng Đinh Ngọc Liên đã được sự rèn cặp trực tiếp mà dưới quyền của một viên quan tư kiêm nhạc sĩ người Pháp nổi danh ở Đông Dương khi ấy là C. Parmentier. C. Permentier khó tính nghiệt ngã lại ác nữa nhưng Đinh Ngọc Liên biết cách tránh và thoát được lắm ngón vặt vãnh ấy để thụ giáo nghề nghiệp. Một trong cái cách ấy là Liên vẽ khá giỏi. Những bức hoạ dạng truyền thần tặng từ lính đến quan trong đội kèn và đặc biệt những mẫu thêu Liên vẽ cho các bà đầm trong đó có vợ Xếp C. Permentier...
Tôi đang ngồi với ông Đinh Ngọc Hiến, một trong số con trai của Đinh Ngọc Liên trong một căn hộ ở khu tập thể quân đội ở phố Phạm Ngũ Lão. Căn nhà mà người nhạc binh già ấy đã từng ở cho đến những ngày cuối đời... Bên ông là bà Sĩ, cô y tá xinh đẹp trong đoàn văn công trong lần giao lưu với đội quân nhạc do ông Đinh ngọc Liên phụ trách ở Bần Yên Nhân vào những năm đầu sáu mươi. Người chỉ huy đội quân nhạc ấy đã nhắm cô gái đẹp người đẹp nết ấy cho con trai mình tức là ông Hiến đây khi đó đang công tác tít mù trên Sơn La! Ông Hiến bồi hồi trong nghiệp kèn nhà binh, không rõ ông cụ tôi có thuộc vào loại thăng tiến nhanh hay không? Mười lăm năm, từ năm 1930 cho đến năm 1945 từ lính trơn chú quyền rồi bác bếp tiếp đó là thày cai kèn, ngài đội kèn, quan phó quản rồi quan chánh quản. Quản Liên, tên gọi ấy đã trở nên quen thuộc với các hàng chức sắc của chính phủ Nam triều lẫn Pháp bởi bao lần Quản Liên sắc phục trắng toát chĩnh chiện đàng hoàng trong vị trí lẫn vị thế chỉ huy đội nhạc binh cử lên những giai điệu những âm thanh rất ấn tượng trong vô số cuộc lễ lạt... Rồi Quản Liên ngơ ngác trong những ngày Nhật đảo chính Pháp. Macxâye thì không thể nhưng hành khúc người lính khố xanh khi tấu lên thì các quan Nhật nổi cáu vung kiếm doạ chém. Thế là phải miệt mài viết những tổng phổ, những phối âm phối khí cho các ca khúc mang hơi hướng Đại Đông A như Việt Nam minh châu trời đông. Trên đường hưng quốc. Việt nam phục quốc... Và đặc biệt là giai điệu tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước đã vang lên trong một dạ hội của thanh niên sinh viên Hà Nội trong năm 1943! Cuộc hạnh ngộ giữa Lưu Hữu Phước và Đinh Ngọc Liên bắt đầu từ thời điểm ấy. Được sự gợi ý của Lưu Hữu Phước chứ chưa phải giác ngộ gì nhưng Đinh Ngọc Liên đã hoà âm phối khí cho đội nhạc binh của mình cử những ca khúc được coi là tiến bộ thời ấy như Ải Chi Lăng. Người xưa đâu tá. Khỏe vì nước...
Ông cụ tôi chỉ biết kèn chỉ biết nhạc là thứ tối thượng trên đời... Ông Hiến vừa vất vả chỉ huy hai đứa cháu nội và ngoại vừa tiếp chuyện tôi. Ông gần như thuộc lòng lời ông cụ thân sinh một lần phỏng vấn khi ngưòi ta hỏi có bí quyết gì mà lần chỉ huy đội nhạc binh cũng vừa hùng vừa dũng và khoát đạt như thế? Ông cụ tôi đã cười rằng chả có bí quyết gì mà cụ tôi luôn coi dàn nhạc lẫn người nghe bất kể họ quốc tịch gì lớn nhỏ ra sao cụ tôi đều để hết tâm hồn mình vào việc thể hiện sao cho đúng như tổng phổ đã chỉ dẫn! Lại phải cố truyền nhân điện tình cảm của mình đến từng nhạc công... Chính vì thế nên tôi đã không ngạc nhiên khi ông Hiến kể buổi sáng ngày 19 tháng Tám khi ta vào cướp Trại Bảo an binhaa thì ông Quản Liên đang ngay ngắn ở vị trí làm việc của mình trong trại. Ông không hề biết một tí nào thời cuộc đã đổi thay? Mấy viên đội hốt hoảng ào vào hỏi chỉ huy thì Quản Liên mặc dầu rất hoang mang nhưng đành tỉnh bơ tôi chỉ biết kèn không biết súng! Chỉ khi ông Vương Thừa Vũ dẫn quân vào trại Bảo an binh thấy Quản Liên đang ngồi như bụt mọc và chả hiểu vì sao ông Vương Thừa Vũ biết Quản Liên nghiện thuốc lào đã hỏi độp luôn điếu của cậu đâu?
Sau này Đinh Ngọc Liên có bộc bạch rằng thời điểm đó ông chưa hề biết cách mạng là gì, Việt Minh là chi nhưng nội động thái thân mật mượn điếu ấy của người chỉ huy và ông gần như được giác ngộ ngay cái lúc hai người cùng nhau nhả khói thuốc lào như thế! Và gì nữa, khi theo lệnh Vương Thừa Vũ ông cho tập hợp đội nhạc binh lại... Ông Vũ đứng trước hàng quân vừa dõng dạc vừa thân mật anh em nào vì hoàn cảnh khó khăn không theo cách mạng được muốn về quê thì đứng ra một bên... Đội nhạc binh ấy đã theo người chỉ huy, theo Quản Liên đi với cách mạng đi với kháng chiến...
Theo lời kể rủ rỉ của ông Hiến, tôi cố hình dung ra những ngày hoạt động sôi nổi gần như hết mình của Ban âm nhạc Vệ quốc quân do Đinh Ngọc Liên phụ trách... Đinh Ngọc Liên hơi hoảng suýt rơi cả đũa chỉ huy dàn nhạc binh tấu Tiến quân ca bởi khi biết người đọc Tuyên ngôn độc lập không phải Nguyễn Ai Quốc như ông đinh ninh mà là Hồ Chí Minh, một cụ già gầy gò... Cái thuở ban đầu dân quốc ấy... Đinh Ngọc Liên đã có một kỷ niệm đáng nhớ với Văn Cao. Cụ thể là bài Tiến quân ca.
Tôi bồi hồi cầm tấm ảnh Đinh Ngọc Liên chụp chung với Văn Cao vào khoảng những năm cuối tám mươi. Hai đấng rờ rỡ trên tấm hình năm nao giờ đã ra người thiên cổ! Những dòng ghi dưới tấm ảnh do chính Văn Cao viết một kỷ niệm với cháu Đinh Tuyết Lan ( con gái Đinh Ngọc Liên) với những năm tháng cùng người nhạc sĩ lớn Đinh Ngọc Liên là bạn đồng hành nhiều năm với tác phẩm đầu tiên. Người cùng tôi là đồng tác giả về Quốc ca của Việt Nam dân chủ cộng hoà về sự thay đổi nhịp điệu. Văn Cao. 9-2- 1994. Cái nhịp đi được thay đổi đúng lúc đúng chỗ trong Tiến quân ca ấy đã được tấu trong chiều thu xanh Ba Đình năm ấy và mãi mãi cho muôn lần những năm sau...
Tôi kính cẩn xếp tấm ảnh cùng với lời của cố GS nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trong một cuốn hồi ký Tôi không bao giờ quên dấu Thăng mà anh Liên góp ý cho tôi đặt trên nốt Rê của câu nhạc thúc quân mở đầu cho đoạn quân hành trong bài Hồn Tử Sĩ ... Những ngày đoàn quân nhạc phục vụ Tuần Lễ vàng và Tổng tuyển cử là thời điểm đã khắc sâu vào tâm trí. Anh em trong đội nhạc binh không có vàng để góp nhưng bất kỳ ai nộp một lạng hoặc một chỉ thì đội nhạc binh đều tấu một khúc mừng. Vác kèn chạy bộ khắp thành phố sang tận Gia Lâm trong những ngày Tổng tuyển cử. Rồi bất ngờ Đinh Ngọc Liên vinh dự nhận được thư của Hồ Chủ Tịch Thân gửi Ban âm nhạc Vệ Quốc quân. Hôm nay ngày 6/1 ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng sớm đến chiều làm cho ngày tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cám ơn và khen ngợi anh em. Chào thân ái. Hồ Chí Minh. Cái tình của người cha linh hướng ( chữ của người Kitô giáo mà Đinh Ngọc Liên đã dùng để thành kính gọi Bác Hồ) không chỉ thể hiện bức ảnh gia đình ông Hiến kính treo trên tường Bác Hồ đang tươi cười bắt tay chú Liên trong một buổi biểu diễn thành công những ngày miền Bắc hoà bình kiến thiết... Lần Bác đi thăm Pháp năm 1946 về, Bác đã đến thăm đoàn quân nhạc và tặng cho chú Liên một bọc tướng. Người tưởng kẹo ( vì khá nặng) người tưởng quần áo nhưng mở ra thì là phụ tùng của các loại kèn. Anh em mừng đến phát khóc vì nhiều nhạc cụ bị treo lâu nay do thiếu đồ thay thế. Trời ơi, bận trăm công ngàn việc mà sao Bác lại biết được điều nhỏ nhặt này nhỉ? Mười sáu nhịp trống hành khúc mà thiếu nhi sử dụng đến tận bây giờ trong thời gian ấy có lẽ là sáng tác đầu tiên của Đinh Ngọc Liên từ khi đi với cách mạng. Mười sáu nhịp trống ấy như là khúc ai điếu cho 16 chiến sĩ trong Ban âm nhạc vệ quốc quân xung phong vào đội cảm tử trong những ngày Hà Nội cháy khói lửa ngút trời Hà Nội ầm vang ấy... Đầu tiên là Clarinét Đinh Văn Định hy sinh! Những ngả đường kháng chiến dài dặc lần lượt nằm xuống những nhạc công tay nghề cự phách: Thiêm Clarinet. Điển Coocnê. Bông Bax. Hoán trống con. Tuân clerông... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thái, cận những ngày toàn quốc kháng chiến giai điệu của những Đanuyp xanh, Phiên chợ Ba Tư, Truyện kể của Hôpman, Carmen... do Đinh Ngọc Liên trực tiếp hoà âm phối khí đã lần lượt được đoàn quân nhạc cất lên trong những cuộc lễ.
70 hòm nhạc cụ. 30 hòm đựng các bản tổng phổ gập gềnh lử cò bợ qua những trận sốt rét rừng và máy bay săn lùng của giặc Pháp theo đoàn quân nhạc lên Việt Bắc phút chốc tan tành sạch bách trong đợt Pháp nhẩy dù tháng 10 năm 1947. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đến thăm nhìn bốn cô nhạc công kiêm ca sĩ trong đoàn đang sợ tái xanh tái tử, cười động viên Nhạc cụ mất rồi thôi cũng được. Nhạc cô còn đó thế là may! Đinh Ngọc Liên ra sức cùng anh em vực đoàn quân nhạc dậy bằng nhiều cách. Bổ sung người. Sáng tạo trong học nhạc lý. Tìm kiếm nhạc cụ. Sáng tạo thêm các loại sáo... Dịp đón đồng chí Lêôphighe, Bí thư Đoàn TNCS Pháp, độc đáo có cả một tiểu đoàn chơi toàn sáo trúc có ghi ta đệm bài Ngày về của Lương Ngọc Trác... Nhân quốc khánh năm 1949, ông được thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3 về thành tích này. Rồi sau đó là chỉ thị quân nhạc lần lượt biên chế sang các đoàn văn công. Có lẽ từ chủ trương ấy nên dịp mừng đại thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng vắng bóng đoàn quân nhạc mà chỉ có Accoocđêông, viôlông và đàn ghi ta nên bớt xôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bật hỏi Đinh Ngọc Liên đâu? Đinh Ngọc Liên khi ấy đang biệt phái mãi tận trường lục quân đóng ở Vân Nam Trung Quốc. Đinh Ngọc Liên đâu cũng có nghĩa là quân nhạc đâu? Ông được điều cấp tốc trở về thành lập tiểu đoàn quân nhạc. Thời gian gấp gáp như thế mà tiểu đoàn quân nhạc do Đinh Ngọc Liên phụ trách dần dà cứng cáp cả về số lượng lẫn chất lượng. 425 nhạc công trong đoàn quân nhạc trong đó có một đại đội sáo trúc đã thăng hoa thêm niềm vui của dân Thủ đô ngày tiếp quản cũng như đợt đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về lại thủ đô. Bây giờ xem Việt Nam trên đường thắng lợi của Rôman Cacmen người ta thấy đạo diễn người Nga ấy hình như dừng lâu hơn ống kính ở đại đội sáo trúc và dàn quân nhạc do Đinh Ngọc Liên chỉ huy!
... Ánh ngày một chiều của tiết lập thu đã nhạt. Trong làn ánh sáng mờ ảo bên bàn nước qua giọng kể lúc đứt lúc nối của hai ông bà bởi lũ cháu chốc chốc lại nghịch quấy, tôi cố gắng chắp nối những thời khắc đáng nhớ... Đinh Ngọc Liên đã có ý tưởng thành lập một đội quân nhạc toàn là nữ và sẽ là rất ấn tượng nhưng không thành như thế nào... Ngày mới giải phóng Sài Gòn, tướng Hoàng Văn Thái quyết định cho Đinh Ngọc Liên vào thăm Sài gòn ( khi ấy mọi thủ tục thể thức đi lại còn khó khăn) để ông đoàn tụ với ba người con trong đợt di cư năm 1954. Chuyện ông gặp lại ở trong đó người em ruột là linh mục. Sự có mặt của một quan quản kèn thời Pháp nay trở thành sĩ quan QĐND sẽ có tác dụng tốt với đồng bào công giáo Nam Định đang ở vùng ven Sài gòn như thế nào vv... Rồi lần phong tặng Thiếu tá rồi trung tá QĐND Việt Nam. Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú rồi Nghệ sĩ nhân dân. Rồi cả những ngày cuối khi ông ra đi thanh thản ở tuổi tám mươi... Hình như ông lại thêm một lần nhẹ nhõm ra đi trong âm điệu trầm buồn của bài Hồn tử sĩ bởi đám tang ông ở Nhà tang lễ quốc gia đã có mặt đội quân nhạc mà cả đời ông đã trút hết tâm sức gây dựng, chăm bẵm! Theo tiêu chuẩn gì gì đó, đội quân nhạc ấy sẽ không có mặt tại lễ tang một trung tá nếu ông tướng về hưu kiêm hàng xóm của Đinh Ngọc Liên là trung tướng Doãn Tuế nguyên Tư lệnh pháo binh không nhiệt tình đề nghị!
Xuôi ngả Vân Đình vào một đêm mưa rét năm 1946 cùng với 70 chiếc hòm đựng nhạc cụ và 30 hòm khác đựng các bản tổng phổ, Đinh Ngọc Liên cùng đoàn quân nhạc lặng lẽ ngoái lại Hà Nội đang ầm ầm rung trong ánh lửa đỏ khé... Có một nơi thật xa mà Đinh Ngọc Liên chả thể nhìn thấy được là làng quê Phú Nhai của ông đang chìm trong đêm đen của vùng tề. Dưới bóng thánh đường ấy đang có bốn người cùng dõi cái nhìn đăm đắm về hướng Hà Thành. Đó là người vợ và mấy đứa con nhỏ của Đinh Ngọc Liên. Họ đã tản về Phú Nhai trước khi chiến sự nổ ra... To cao đẹp trai dáng vẻ khoát hoạt... Phong thái của người chỉ huy quân nhạc quả đã hút hồn không ít các cô gái Hà Thành tham gia kháng chiến. Nhưng đây là một việc nghiêm túc khi Đinh Ngọc Liên cho tuyển vào đội quân nhạc ba cô gái Hà Nội có năng khiếu hát là Bùi Thị Thái, Bùi Thị Dung, Bùi Thị Hồi. Họ chẳng phải ruột rà nhưng qua những gian nan vất vả của đội nhạc binh trên chặng đường lên chiến khu các cô gái gắn bó với các chiến sĩ như anh em một nhà. Một trăm cái hòm đựng nhạc cụ và tổng phổ ấy đã tan tành trong trận Pháp nhẩy dù tháng 10 năm 1947, thời điểm hoang mang bấn bách ấy, trong những động viên an ủi của cấp trên và đồng đội, có lẽ người phụ trách Đinh Ngọc Liên đã tìm thấy niềm an ủi cụ thể sát sạt bên cạnh mình... Khá khen thay cho cụ Nguyễn Công Hoan đã rất tinh khi an ủi đoàn nhạc binh một cách hóm hỉnh nhạc cụ mất rồi thôi cũng được/ nhạc cô còn đó thế là may ! Và cũng có lẽ Đinh Ngọc Liên khi ấy mới ba mươi lăm tuổi phải chịu ơn mặt bằng dư luận vốn rất tiềm tàng về khả năng đàm tiếu thóc mách dị nghị- đã rất ít lời trước mối tình của người chỉ huy đoàn nhạc binh với cô văn công trẻ đẹp Bùi Thị Thái mới hai mươi ba tuổi!
Bây giờ tôi chả mấy tin rằng hồi đó đã có một giao kèo hẳn hoi giữa hai người rằng khi đánh đuổi xong giặc Pháp, đất nước hoà bình rồi thì mối tình giữa đôi trai tài gái sắc ấy cũng... chấm dứt?! Hình như khi ấy tình yêu là có thực? Không có tình yêu nào xấu, chẳng có nhà tù nào đẹp? Những gian nan cơ cực của những trận sốt rét rừng những bom đạn và cái đói cố hữu hình như chỉ là thứ gió làm cho cái bếp tình ấy càng thêm nồng đượm vì nó vốn được âm ỉ lâu nay? Một trai hai gái kết quả của tình yêu ấy đã ra đời ở chiến khu như thế... Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn khi đó đang ở chiến khu Việt Bắc quả là người không may mắn bởi ông không chỉ chứng kiến và còn vun đắp cho mối tình của đôi trai tài gái sắc Thái- Liên nhưng khi Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc thì Trần Kiếm Qua, người vợ tao khang từ thuở chiến khu Tấn Sát Ký đã cự tuyệt không nối lại mối dây tình cảm nữa bởi lý do tướng Nguyễn Sơn lúc trở lại Việt Nam đã lấy vợ mới! Cũng tội nghiệp cho tướng Nguyễn Sơn, ông chỉ là nghe tin đồn thất thiệt rằng người vợ và hai đứa con trai của mình đã chết trong một trận càn giặc Nhật vào Diên An! Còn đồng chí Quản Liên của chúng ta thì sao? Thông tin hồi ấy là một cái gì dằng dặc diệu vợi nhiêu khê nhưng không hiểu tại sao từ vùng tề Phú Nhai, bà Đinh Thị Cát, người vợ chạy giặc về quê ngày nổ ra chiến sự ấy mà Đinh Ngọc Liên cưới từ 17 năm trước lại biết được ở chiến khu chồng mình đã có thêm một người nữa? Về tiếp quản thủ đô, Đinh Ngọc Liên cũng tiếp quản luôn cả cái gia đình thân thương bao năm đợi chờ trông ngóng... Tổ chức di cư của địch đã liều lĩnh gặp ông mà cả rằng nếu ông chịu di cư thì chúng sẽ bố trí cho Đinh Ngọc Liên và gia đình một cuộc sống sung túc ở trong Nam và ông cứ việc hành nghề chỉ huy nhạc kèn như cũ! Ông tức khắc thẳng thắn chối bỏ như cái lần sau khi nổi kèn chào phái đoàn ta đi dự hội nghị Phôngtenôblơ thì phía Pháp mơi ông như thế này : bây giờ cú Liên Hiệp Việt Pháp rồi. Nếu ông chấp thuận làm việc cho Pháp thì ngay lập tức ông sẽ được thăng lên hai cấp!
Đinh Ngọc Liên từng đau đớn khi biết trong những năm tháng cam go ở vùng tề vợ con ông đã phải khốn đốn như thế nào. Một đứa con của ông đã phải đi ở nhà người và theo họ vào Nam từ năm 1952. Còn hai đứa nữa thì địch lừa cưỡng ép di cư mà vợ ông không thể cự lại được! Nhưng ông rưng rưng khi biết vợ ông chả phải nghe đồn nữa mà đã biết mười mươi ông thế này thế khác nhưng đã không giận dỗi mà xuôi tay di cư vào Nam! Đã thế bà lại chả hề ỏ ê gỡ cái việc ấy của ông sất mà chỉ ngùi ngùi nhìn ông thày nó dạo này ngó đen tợn...
Bản giao kèo hình như không có! Nhưng oái ăm, sự thực diễn ra sau đó lại na ná như thế! Ông và người đẹp Bùi Thị Thái đã vui vẻ chia tay. Dùng từ vui vẻ ở đây có lẽ hơi bị sái nhưng thực tế không có cái thứ bi lụy hay ầm ĩ mà người ta vẫn thường thấy ở những cuộc rời nhau!
... Nhà số 5 phố Trần Phú có rất nhiều hộ nơi cư trú của người nhà Đài. Ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc một dạo cũng ở đây. Có một căn hộ lui sâu vào mộ trong chần chật mà cánh phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam thường hay lui tới. Người thì ghé thăm giọng đọc vàng Tuyết Mai hơn chục năm nay nghỉ hưu. Người thì đến nhờ chồng bà Tuyết Mai là nhạc sĩ Phan Phúc thẩm định lại chất lượng băng nhạc hay giọng ca. Ông đã quá quen thuộc với giới âm nhạc lẫn người nhà Đài vì liên tục 26 năm ông là Giám đốc, Trưởng đoàn ca nhạc của UB Phát thanh và Truyền hình Việt Nam. Xa hơn, hồi ở chiến khu Việt Bác, rất nhiều người trong Đội thiếu sinh quân Vệ quốc quân đều biết Phan Phúc là cây viôlông có hạng. Cây đàn viôlông khi ấy ông sử dụng là cây đàn của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tặng cho Phan Phúc. Đó là cơ sở chắc chắn để sau này ông tiến xa hơn ở các cương vị: Tu nghiệp và tốt nghiệp hạng ưu tại Học viện âm nhạc Bulgari. Mười năm liên tục là nhạc trưởng kiêm diễn viên độc tấu viôlông của Dàn nhạc giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Hẳn nhiều người còn nhớ, người mặc áo chẽn màu trắng chơi viôlông bên phía tay phải của Bác Hồ trong bức ảnh nổi tiếng của Lâm Hồng Long- Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn- là nhạc sĩ Phan Phúc!
Mưòi một tuổi, trong những ngày sôi nổi của đất nước mới giành được độc lập, cậu bé người Hà Nội Phan Phúc được tuyển vào đội nhạc sinh quân gồm 72 em độ tuổi từ 10- 14 tuổi do chính Đinh Ngọc Liên, khi đó còn mang tên Quản Liên phụ trách. Những kiến thức sơ đẳng và cơ bản về âm nhạc cậu bé Phan Phúc đã được lĩnh hội qua lớp đào tạo này dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Đinh Ngọc Liên. Cách truyền thụ dễ hiểu, phong thái nhanh mạnh dứt khoát cộng với cái tài sử dụng các loại nhạc cụ của ông Quản Liên đã để lại trong tâm trí cậu bé Phan Phúc sự cảm phục rất lớn. Rồi cuộc kháng chiến bùng nổ sau đó đã đưa thày trò mỗi người một ngả nhưng may mắn họ laị được gần nhau ở Chợ Rã bởi đơn vị nhạc binh của Đinh Ngọc Liên đóng gần trường của Đội thiếu sinh quân Vệ Quốc quân. Trong một đêm diễn, Đinh Ngọc Liên vui mừng nhận ra cậu học trò tài năng ấy khi tướng Nguyễn Sơn đã lên tận sân khấu ca ngợi nhiệt thành diễn xuất của cậu bé Phan Phúc chơi viôlông mới 15 tuổi!
Tám năm sau... Không hẳn là một đám cưới nhưng là một cuộc tiệc nhỏ đã được tổ chức ở Hà Nội vào cái năm hoà bình ấy để mừng cho một đôi uyên ương mới. Chú rể là cậu bé dĩnh ngộ chơi viôlông trong đêm diễn nọ kém cô dâu đúng 10 tuổi... Đinh Ngọc Liên cũng được cậu học trò ấy mời dự... Nhưng ông đã chùng chình rồi... không tới! Cô dâu cũng là học trò, một thời học trò thân thiết của ông nhưng bây giờ cái tên Bùi Thị Thái đã thay bằng Tuyết Mai mà bạn nghe đài khắp nơi đều ngưỡng mộ chất giọng phát thanh của cô như Tô Hoài hồi đó đã viết có một giọng chuẩn... Chất giọng chuẩn ấy dường như bắt tai người lắng đài nhiều hơn trong tiết mục đọc truyện đêm khuya cho mãi mấy chục năm về sau này! Ông và cả nhà ông, trong đó có người vợ thuở tao khang cũng thường nghe giọng nói giọng đọc ấy trong những đêm khuya như thế... Chất giọng ấy ông đã nghe đã từng bao năm nhưng nghe qua đài thì vẫn lạ. Bùi Thị Thái quê ở mạn Phòng. Vùng ấy người ta hay nẫn nộn nờ ra lờ. Nhưng tịnh Thái chưa bao giờ nhầm. Nhất tướng nhị thanh. Hình như cũng trời cho. Cô ấy được cả hai thứ... Về sau ông mới biết người phát hiện ra thứ trời cho ấy là bà vợ ông Trần Lâm. Vợ ông Trần Lâm là bà Yến khi nghỉ sinh con, liều bảo Bựi Thị Thái đọc hộ thử ... Thấy bắt, bà Yến bảo Bùi Thị Thái nên kiếm cái tên mới chứ ai lại Việt Khoa và Bùi Thị Thái đọc trước máy nghe nó thế nào... Cái tên Tuyết Mai có từ đó. Ông lạ nhưng vợ ông không lạ. Sau đận tiếp quản một thời gian, một cuộc gặp người có chất giọng đọc ấy do bà chủ động đề xuất với ông. Ông điện trước cho cả hai vợ chồng đằng bên ấy... Đại từ được rút qua cuộc gặp vui vẻ ấy là anh anh em em chị chị em em được duy trì và bền vững cho mãi tận về sau này. Bà Tuyết Mai có lần rủ rỉ với tôi rằng bà Cát vợ ông Liên ấy mà, từng nói với người nhà bên ấy là nghe đài bà chỉ thích giọng đọc của dì Tuyết Mai thôi, nhất là chuyện đêm khuya...
Tôi nghe mà cứ ngắc ngứ... Quả là thời nay có bói cũng chả ra được một mẫu người mà cứ đêm đêm nghe, nghe một cách thực thà cái chất giọng của một người đã từng có 3 mặt con với chồng mình như thế? Cũng như nghe ông Phan Phúc tâm sự về cái tài cái khéo của ông thày cũ. ễng thày ấy cũng là người chồng cũ vợ mình anh Liên anh ấy được thời Tây đào tạo bài bản lại chịu khó cẩn thận nên thẩm nhạc khá lắm!
Tôi cũng nghe được ông Phúc đâu như đã gặp cả ba người con ông Liên và bà Cát lưu lạc vô Nam cái năm 1954. Rồi không biết hai nhà đã qui ước những gỡ mà cái cộng đồng đông đúc 10 người cả thảy con anh con tôi con chúng ta ấy từng ngần ấy năm có công có việc gì thì lại ngồi lại với nhau thân thiết lắm... Ba người con của Đinh Ngọc Liên với Tuyết Mai tất cả đã phương trưởng. Người con trai sinh ở chiến khu Việt Bắc năm ấy nay là Đại tá ăn lương tướng... Ông Phúc với bà Mai hình như cũng hiếm hoi giời cho một cô con gái xinh xắn nay cũng chững chạc là một vụ trưởng của nhà đài. Gì thì gì cũng kế được nghiệp mẹ. Cô cháu ngoại cũng xinh xẻo như mẹ nó, học lớp 9 rồi mà suốt ngày khư khư chú miu trắng nuột như cục bông trên tay. Nó chỉ cho bà ngoại bế hộ em khi nó bận đi ăn sáng! Dạo ông Đinh Ngọc Liên mất, ông Phúc đã cho phép cô con gái mình để tang. Năm ngoái bà Cát qui tiên cả nhà ông cũng sang đó chịu tang.
Niềm vui nhân đôi. Nỗi buồn xẻ nửa... Sẽ là nhẹ nhõm đi lắm đây sẽ là vơi vợi đi biết bao thứ nặng nề không đáng có và nếu có thì hung cũng trở thánh cát một khi người ta biết ứng xử, biết khu xử mỗi khi mắc vào những chuyện chả dễ chịu gì như chuyện nhà ông Liên như nhà bà Mai đây? Thiện hạ bây giờ phỏng được bao lăm thứ khu xử ấy nhỉ?
Tôi có được xem ké cái allbum dầy cộp nhà ông Phúc. Căng mắt ra mới thấy hình cậu bé kéo viôlông đứng gần Bác Hồ trong dịp Bác 60 tuổi lục tuần đại khánh tại ATK năm 1950. Cái cậu bé xinh xinh này là bác giai đấy ạ? Bà Tuyết Mai hướng cái cười và chất giọng hãy còn thanh thanh của tuổi tám mươi về phía ông Phúc đang lui cui bên bếp ga ( nhiều năm nay bà đau yếu phải nằm một chỗ ông Phúc phải phục vụ cơm cháo thuốc men tận giường như thế ngày ba bốn bận) phải, nhà tôi thì lúc nào cũng xinh xinh như thế...
Tiết Ngâu năm Thân 2004
Ảnh: Bác Hồ với Đinh Ngọc Liên
2- Văn Cao với đinh Ngọc Liên
(Nguồn: http://trannhuong.net)