Điều kỳ diệu không khó!

10/06/2014

Với thông điệp xuyên suốt “Đánh thức điều kỳ diệu cùng âm nhạc”, chương trình nghệ thuật “Điều kỳ diệu- The Miracle” đã được nghệ sĩ piano Trang Trịnh đưa từ chương trình El Sistena của Venezuela về Việt Nam.

Chị cho biết, “chương trình này ở Venezuela đã có lịch sử phát triển 40 năm, dành cho những trẻ em thiếu may mắn. Năm 2007, lần đầu được nghe các em biểu diễn ở nước ngoài, tôi đã rất xúc động. Không phải chỉ vì chất lượng âm nhạc mà còn bởi chính những câu chuyện phía sau các em, những đứa trẻ thiệt thòi đã thay đổi bản thân nhờ sự diệu kỳ của âm nhạc. Từ chỗ là những em bé nhút nhát, các em đã trở nên mạnh dạn hơn, dám nghĩ và dám ước mơ. Và trên thực tế ở Venezuela, nhiều số phận kém may mắn đã được thay đổi khi được tiếp cận với âm nhạc. Từ buổi biểu diễn ấy, tôi đã ấp ủ một kế hoạch đưa nó về Việt Nam để những trẻ em thiếu may mắn của đất nước mình được tiếp cận”.

Nhiệt huyết và tin tưởng, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nghệ sĩ Trang Trịnh không nghĩ nó lại khó khăn đến thế. Ngoài vấn đề muôn thuở là tài chính để đào tạo miễn phí cho các em, đầu vào của dự án là khâu lựa chọn các em rất khó khăn. Chị cùng nhóm tình nguyện viên đến gõ cửa ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em thiệt thòi, làng trẻ SOS… nhưng phần lớn đều nhìn với ánh mắt nghi ngại, rằng các em học nhạc để làm gì… Từ chỗ mong muốn dàn hợp xướng sẽ có từ 30-40 người, nhưng vì chính sự nghi ngại đó mà dự án chỉ tuyển được 18 em. Trong suốt 8 tháng (từ tháng 10/2013), không chỉ phụ trách việc giảng dạy, nghệ sĩ Trang Trịnh còn phải tìm kiếm sự ủng hộ của các đơn vị khác để đảm bảo cho dự án được hoạt động lâu dài. Sự quyết tâm của chị đã thuyết phục nhiều người song hành với mình, trong đó có cả chồng chị, nghệ sĩ người Hàn Quốc Park Sung Min, đồng thời cũng chính là người chung tay cùng vợ dạy nhạc cho các em.

Format của Venezuela nhưng khi đến với hơn 50 nước, dự án El Sestema lại không có mô hình nào giống mô hình nào mà có sự linh hoạt giữa thực tế các nước. Chẳng hạn như ở Việt Nam, với trẻ em thiếu may mắn thì âm nhạc là một sự xa xỉ chứ không như trẻ em các nước, họ được sống trong môi trường âm nhạc nên rất dễ bộc lộ khả năng. Hơn nữa, hát trong dàn hợp xướng còn khó hơn rất nhiều so với việc hát solo hay chơi một loại nhạc cụ nào đó. “Rất nhiều người nói với tôi rằng dự án này rất khó khả thi nhưng tôi nghĩ, nếu điều kỳ diệu mà dễ xảy ra như vậy thì không còn là điều kỳ diệu nữa”, nghệ sĩ Trang Trịnh nói. Và khi chứng kiến những “viên ngọc thô” đã biết thế nào là soprano, hát bè alto cho đến khi biểu diễn nhuần nhị một bài hợp xướng…nghệ sĩ Trang Trịnh đã xúc động đến rơi nước mắt. Cuối cùng, thông điệp của sự thay đổi nhờ âm nhạc đã được minh chứng bằng một buổi biểu diễn trước các nhà hảo tâm và khán giả vào 17h30 ngày 14/6 tới đây tại Trường BVIS (Royal City). Dù vậy, mục đích mà chương trình hướng đến không phải là để các em trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, “đó sẽ là một phạm vi khác, còn ở đây, chúng tôi chú trọng đến sự thay đổi nhận thức của các em về âm nhạc, về cuộc sống. Thông qua đó, để các em biết cảm nhận vẻ đẹp và biết ước mơ”, nghệ sĩ Park Sung Min nói.

(Nguồn: http://giadinh.net.vn/van-hoa)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.