Diệp Minh Tuyền: Nụ hôn in dấu khuyên tròn
Chớp mắt, mà nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đã qua đời 20 năm.
Ca khúc của ông vẫn được hát vang trong những cuộc gặp gỡ nồng ấm “Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ. Ta ca vang triền miên qua tháng ngày. Lượn bay trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa”, hoặc vẫn được hát thầm trong khoảnh khắc xao xuyến thầm kín “Tình yêu như tiếng hát bỗng cất cánh trong tim tình cờ. Tình yêu như tiếng sét bỗng giáng xuống nào ai có ngờ. Phút chốc vai kề vai, phút chốc tay cầm tay. Tình yêu như thế cứ đến, như đã hẹn bao giờ…”.
Sự rộn ràng của giai điệu phần nào khiến hình ảnh nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền che mất hình ảnh nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại những trang thơ của Diệp Minh Tuyền, sẽ dễ dàng nhận ra ông có một chân dung thi ca sắc nét!
Nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền sinh năm 1941 tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Cha mẹ đều là nhà giáo đi theo cách mạng, nên từ năm 9 tuổi Diệp Minh Tuyền đã vào chiến khu Đồng Tháp Mười, rồi được đưa ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. Diệp Minh Tuyền bắt đầu làm thơ khi cùng Lê Anh Xuân trở thành sinh viên ĐH Tổng hợp Hà Nội, Diệp Minh Tuyền học Khoa Văn còn Lê Anh Xuân học Khoa Sử.
Cầm tấm bằng cử nhân về Viện Văn học công tác được 3 năm, Diệp Minh Tuyền xin quay lại miền Nam chiến đấu. Lúc ấy, đó là một quyết định không đơn giản, bởi lẽ ông Diệp Tư - cha của Diệp Minh Tuyền - đã giữ vị trí lãnh đạo một trường đại học tại Thủ đô, Diệp Minh Tuyền hoàn toàn có quyền ung dung dùi mài sách vở để mưu cầu học hàm, học vị.
Thế nhưng, cuối năm 1967, Diệp Minh Tuyền vẫn chọn lựa con đường cam go nhất, con đường vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với niềm tin “Bản đồ chẳng có đường này/ Tim ta vạch lối xóa ngày chia ly”.
Hành trang xuyên Trường Sơn của Diệp Minh Tuyền có một tâm hồn thi sĩ và một cây đàn ghi-ta. Trên đường đi, Diệp Minh Tuyền đã sáng tác ca khúc Người giao liên Trường Sơn với bút danh Thanh Tuyền. Khi vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Diệp Minh Tuyền tiếp tục dùng bút danh Thanh Tuyền để viết lời cho ca khúc Tình Bác sáng đời ta đồng tác giả với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Bút danh Diệp Minh Tuyền chính thức xuất hiện với những bài thơ viết trực diện về không khí cách mạng miền Nam “Khua đêm vắng/ pháo giặc bắn/ rung ánh trăng”.
Diệp Minh Tuyền phản ánh chiến tranh bằng vẻ đẹp nhẹ nhàng và lãng mạn của cô giao liên ở nội thành “Đêm lắng nghe tiếng ca bên kia vách/ vẽ thầm mặt em trong tim anh” hoặc của cô chiến sĩ chốn rừng sâu “cơn gió chuyền cây cho lá rơi đầy/ phủ dấu chân em trên lối mòn năm trước.../ có phải cây này võng em từng treo/ cho lòng anh nay đong đưa nỗi nhớ”.
Năm 1973, Diệp Minh Tuyền tham dự sự kiện trao trả tù nhân chính trị tại Lộc Ninh theo tinh thần Hiệp định Paris, và hạnh ngộ người phụ nữ của cuộc đời ông - Huỳnh Bửu Lan: “Nụ hôn anh in một dấu khuyên tròn/ Trên khuôn mặt em hằn nếp nhăn tra tấn/ Như dấu chấm hết trên trang đời vất vả/ Như nốt nhạc mở đầu chương hạnh phúc ngày mai”.
Sau đám cưới giản dị ở chiến khu Chàng Riệc - Tây Ninh, Diệp Minh Tuyền được đón cô con gái đầu lòng Diệp Bửu Chi mà ông gọi tên một bài thơ là Con ra đời trên nền xưa đại hội quốc dân với niềm hân hoan: “Chính nơi sinh hạ chính quyền/ Giờ con khóc tiếng đầu tiên chào đời/ Vòm xanh rừng ấy là nôi/ Võng treo dã chiến ru hời mẹ đưa”.
Non sông thống nhất, Diệp Minh Tuyền thỏa sức sáng tạo cả nhạc lẫn thơ. Sự nghiệp âm nhạc của Diệp Minh Tuyền bật sáng với những ca khúc Bài ca người lính, Hát mãi khúc quân hành, Tình biển, Tình cờ... Còn sự nghiệp thi ca của Diệp Minh Tuyền chinh phục độc giả với các tập thơ Đêm châu thổ, Tình ca nơi cuối đất, Hòa âm đỏ...
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở thơ Diệp Minh Tuyền là giàu nhạc tính. Dấu vết một người có năng khiếu âm nhạc trong thơ Diệp Minh Tuyền rất rõ ràng qua hai bài Con đường có lá me bay và Mùa chim én bay được Hoàng Hiệp phổ nhạc.
Tuy nhiên, ngoài giá trị bay bổng ca từ, thẩm mỹ thơ Diệp Minh Tuyền có miền xao xuyến riêng trên văn bản chữ nghĩa: “Em chạm khẽ cho vườn anh run rẩy/ Lá vàng rơi thông điệp của mùa thu/ Tình yêu bỗng giữa lòng anh thức dậy/ Nghe mơ hồ như một khúc nhạc ru”.
Điều đáng lưu ý trong thơ Diệp Minh Tuyền chính là chất tự sự mà âm nhạc khó lòng chuyển tải được. Đó là chút bồi hồi bến hẹn quê nhà “Sông mênh mông thở trong chiều nước lớn/ Ven bờ xanh lá dừa nước trở mình/ Trái bần chín chiều nào em hái/ Môi giờ còn chua mãi tuổi thơ”.
Đó là chút nôn nao vọng cổ quạnh hiu “Rau đắng mọc bên nền nhà cũ/ Mưa lâm thâm ướt ngọn trâm bầu/ Anh chết lặng nằm nghe em hát/ Tiếc cho tình sau chỉ... sáu câu”. Đó là chút rung động mùa hoa điên điển “Dáng em bơi thon thả trên đồng/ Chéo một mảnh khăn rằn Nam bộ/ Lau lách giữa mênh mông châu thổ/ Mũi xuồng khua rơi nhẹ cả mùa hoa”.
Thơ Diệp Minh Tuyền chú trọng vần điệu và chú trọng ân nghĩa. Đối với Diệp Minh Tuyền, tình cảm con người phải được thường trú ở con người “Anh chẳng thích làm người tạm trú/ Ghét cay con bướm đậu rồi bay/ Dẫu sống tự do trong vũ trụ/ Vẫn cần hộ khẩu giữa tim này”.
Chỉ một lần về nhà không thấy người thương cũng khiến Diệp Minh Tuyền cồn cào gan ruột: “Chiếc mắc áo trống trơn/ Treo trên tường vôi lạnh/ Khuyết một vùng cô đơn/ Giữa lòng anh vắng lặng”.
Vì vậy Diệp Minh Tuyền bày tỏ thái độ khước từ “Tình yêu thời thị trường” rất dứt khoát: “Tình yêu mới giống như cổ phiếu/ Thỉnh thoảng hay trồi sụt thất thường/ Bọn lừa đảo đầu cơ đủ kiểu/ Lạm phát nhiều hoa hậu với thời trang”.
Trong âm nhạc, Diệp Minh Tuyền minh định “tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca”, nên trong thi ca Diệp Minh Tuyền luôn tự vấn về cội nguồn thiêng liêng của sức mạnh cách mạng: “Nhớ khi xưa ngụp lặn trong dân/ Qua đồn bót vẫn tìm về chốn cũ/ Hòa bình rồi, nay sướng tấm thân/ Sao ta lại tự đày biệt xứ”.
Gần dân và xa dân, nỗi băn khoăn ấy nhiều lần trong thơ Diệp Minh Tuyền như một chiều kích văn hóa của nghệ sĩ - chiến sĩ. Diệp Minh Tuyền nhắc nhở bản thân, mà cũng trực tiếp cảnh tỉnh bao nhiêu người khác: “Nhịp cầu tre chỉ còn trong câu ca/ Giờ về làng ta qua cầu đúc/ Đâu còn cảnh cầu xưa lắc lẻo/ Sao lòng ta nay vẫn gập ghềnh?”.
Đi qua bom đạn, Diệp Minh Tuyền thấu hiểu ý nghĩa của tháng năm bình yên. Diệp Minh Tuyền chấp nhận đối diện dư âm chiến tranh với nhiều hệ lụy khôn nguôi “Cơn sốt rét vẫn hành ta dai dẳng/ Đòn giặc tra vợ ta vẫn còn đau/ Bằng liệt sĩ trên tủ thờ nhức nhối/ Thành kiến xưa đâu dễ đến gần nhau”.
Từ mất mát của mình, của gia đình mình, của đồng đội mình, của xứ sở mình, Diệp Minh Tuyền nhìn thấy “vết sẹo trên ảnh” để chia sẻ với Kim Phúc - em bé khốn khổ phải chạy bom napan thuở nào: “Nỗi đau vẫn giữa lòng âm ỉ/ Vết sẹo xưa nào dễ đã quên/ Thịt da phỏng mấy mươi năm còn vết/ Dễ gì lành sẹo ở trong tim?”.
Tinh thần nhất quán cống hiến và tranh đấu của Diệp Minh Tuyền thể hiện qua lời hát nổi tiếng “dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Cho nên, Diệp Minh Tuyền luôn có ý thức hòa hợp và hòa giải khi có cơ hội thuận lợi.
Năm 1994, cựu binh Mỹ - nhạc sĩ Philip Blackburn sang Việt Nam, Diệp Minh Tuyền đã đưa người bạn bên kia bờ đại dương đi một vòng khắp Đồng bằng sông Cửu Long và viết tặng bài thơ May là xưa ta không gặp nhau với mong muốn khép lại quá khứ buồn thương: “Nếu cuộc chiến xưa ta gặp nhau/ Giờ hoặc là anh còn và tôi đã mất/ Hay có thể hoàn toàn trái ngược/ Bởi đạn chẳng nể ai mà da thịt lại mềm/ Giờ mừng cho hai bà mẹ đã sinh chúng mình/ Không phải khóc con và đi tìm hài cốt...”.
Ngày 21-11-1997, cơn bạo bệnh đã buộc nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền rời khỏi cõi nhân gian mến yêu ở tuổi 56, khi ông vẫn đang tràn trề năng lực sáng tạo.
Một trong những bài thơ cuối cùng, Diệp Minh Tuyền vẫn đau đáu và thiết tha: “Trang giấy trắng nằm phơi chân thực/ Ngòi bút tôi nhủ thật với lòng/ Ta phải viết những điều tâm phúc/ Mỗi bài thơ đẹp một đóa hồng”. 20 năm đã trôi qua, nhiều thứ đã đổi thay chóng mặt, nhưng đọc lại thơ Diệp Minh Tuyền, vẫn thấy còn nguyên vẹn lý tưởng ấy!
TP HCM, tháng 5-2017
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)