Đi tìm một nửa thế giới trong nhạc Việt

07/03/2017

Mối quan hệ giữa âm nhạc với phụ nữ là câu chuyện dài cho các nhạc sĩ có thể “tán” hết nghìn lẻ một đêm vẫn chưa tới hồi kết.

Quả thật có nhiều điều để nói về hình tượng phụ nữ trong tác phẩm âm nhạc và khối thứ đáng kể về vai trò phụ nữ trong hoạt động âm nhạc. Hình tượng ấy không thể thay thế cho dù các quý ông có tài ba cỡ nào, vai trò ấy đáng được ghi nhận cho dù cánh mày râu vẫn “gia trưởng” đến đâu.

Bởi, có lẽ chẳng ai trong số họ lại không muốn thừa nhận một điều: âm nhạc và phụ nữ có một điểm chung, ấy là cái đẹp!

Phụ nữ trong âm nhạc

Nếu như “một nửa thế giới là đàn bà”, thì trong thế giới âm nhạc, cái nửa mang tên “phái yếu” này lại có phần nổi trội hơn nửa kia. Âm nhạc cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác luôn tôn vinh cái đẹp, vậy thì phái đẹp là nhân vật xuất hiện nhiều nhất và được ngợi ca nhiều nhất trong tác phẩm cũng là lẽ tự nhiên.

Đẹp với vẻ duyên dáng bên ngoài, đẹp ở tấm lòng, đẹp trong tâm hồn, những người mẹ, người chị, người con gái Việt Nam đời này qua đời khác đã đi vào âm nhạc, sống trong giai điệu và lời ca, từ nhạc cổ đến nhạc mới, từ nhạc dân gian đến chuyên nghiệp, từ thể loại ca khúc quần chúng đến tác phẩm khí nhạc.

Phụ nữ trong nhạc cổ

Chắc không ai lại chưa từng biết đến một vẻ đẹp con gái mộc mạc chân quê trong giai điệu quen thuộc “Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc...” dựa trên câu ca dao:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc bên đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
      (Cây trúc xinh - Dân ca quan họ Bắc Ninh)        

Nàng xinh đến nỗi chàng chẳng thể làm ngơ mà phải ngỏ lời tức thì trong câu hát giao duyên:

Thấy nàng mắt phượng môi son
Mây ngà da tuyết đào non trên cành
Cho nên anh muốn tự tình
Hỏi nàng quê quán tính danh là gì?
      (Hát giao duyên - Trống quân)

Nàng duyên đến mức người dưng đâu chỉ thương một mà tính ra đến cả chục thương:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng láng hột huyền kém thua
Năm thương cổ hãy đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương ăn nói khôn ngoan
Tám thương má phấn lại càng thêm xinh
Chín thương cô ngủ một mình
Mười thương mắt biếc đưa tình cho ta.
      (Lý mười thương- Dân ca Huế)

Và đã gặp cô nàng rồi thì ôi thôi anh chàng quên hết mọi sự trên đời:

Kỳ này anh quyết đi tu
Ăn chay nằm đất ở chùa Hồ Sen
Anh thấy cô mình má phấn răng đen
Nam mô di Phật lại quên mất chùa.
      (Điệu chèo sâu - Hò sông Mã)

Cái nết đánh chết cái đẹp, thế nên đẹp người chưa đủ, mà phải đẹp nết như lời mẹ khuyên con:

Ngôi lê đôi mách chớ màng
Làm thân con gái lo toan việc nhà.
      (Hát ru)

Vẻ đẹp bền lâu của người phụ nữ không ở nhan sắc mà ở cái hiếu cái tình. Hiếu với ông bà cha mẹ là bài học được gửi vào lời ru:

Gái nữ nhi lấy chi nuôi mẹ
Bắt cua còng nấu hẹ mẹ ăn.

Ai từng nghe mà lại có thể quên được những câu hát ru đằm thắm “con cò mà đi ăn đêm” của xứ Bắc hoặc “gió mùa thu mẹ ru con ngủ” ở phương Nam? Lời ru của mẹ cũng như tình mẹ mang một vẻ đẹp vĩnh cửu, nơi ấy chất chứa bao sự đời và luôn ấm áp tấm lòng người đàn bà chịu thương chịu khó lo cho chồng chăm cho con:

Con ơi con ngủ cho lâu
Mẹ còn đi cấy ruộng sâu chưa về

và:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
      (Hát ru)

Để cho trọn chữ tình, người đàn bà luôn biết đợi chờ. Trên mảnh đất ngàn năm chinh chiến, bao nhiêu thế hệ đàn ông ra đi, bấy nhiêu thế hệ đàn bà đợi chờ. Cái đức thủy chung son sắt đã trở thành một nét đẹp truyền thống cho phụ nữ Việt Nam:

Lòng em một mực yêu chàng
Dù đá có nát dù vàng có phai
      (Hò miền Trung)

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Mặc ai một dạ hai lòng
Em ôm duyên thủ tiết loan phòng đợi anh
      (Hò Huế)

Biểu tượng cho lòng chung thủy là hình ảnh người đàn bà chờ chồng đến hóa đá không biết bao nhiêu lần đã đi vào lời ca tiếng hát, từ các thể loại dân ca xa xưa (như ru, lý) đến những khúc hát đời sau (như vọng cổ, tân nhạc):

Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử
Gái trông chồng đứng núi vọng phu
      (Hát ru)

Kìa ai đứng trước đầu non
Bồng con cho bú giống hòn vọng phu
Vọng phu là gái trông chồng
Gió cuốn mắt đẹp má hồng nào phai.
      (Lý vọng phu - Dân ca Nam bộ)

và:

Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
Vọng phu vọng nhớ trông tin chàng.
      (Dạ cổ hoài lang - Vọng cổ)

Chữ tài cũng góp thêm một nét đẹp cho bức chân dung âm nhạc của người phụ nữ. Hát hay và ứng tác nhanh, nữ nhi chẳng hề thua kém nam nhi trong những cuộc hát ví trữ tình:

Đồn đây có gái hát tài
Để ta đối địch một vài trống canh
      (Hát dạo - Hát phường vải)

Không ít bóng hồng tài sắc đã tỏa sáng trong kho tàng nhạc cổ. Nói đến ả đào, người mộ điệu nhớ ngay tới những bài hát nói được coi là “bài Tổ” của “làng” ca trù, với những ám ảnh về một kỹ nữ ôm đàn che nửa mặt hoa, “chau mày tay gẩy khúc sầu/ giãi bày hết nỗi trước sau muôn vàn” (Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị), về những nàng Hồng nàng Tuyết đàn lên “một tiếng Dương tranh” khiến khách phong lưu ngả nghiêng “ngây ngây dại dại với tình” (Gặp đào Hồng đào Tuyết - Dương Khuê).

“Ngâm Kiều” là một cách đưa hình ảnh người phụ nữ tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Du đến với âm nhạc. Có người còn nói đến hiện tượng “Kiều hóa” trong nhiều câu hát phường vải. Và không chỉ vài câu “lẩy Kiều” được hát lên trong một số thể loại nhạc dân gian hay trong nghệ thuật ca trù, mà thân phận trôi nổi của nàng Kiều còn được tái hiện trên sân khấu cổ truyền qua các loại hình chèo, cải lương:

Thói hồng nhan bạc phận xưa nay
Chợt nghĩ đến mà thương cho đấy
Trách hóa công phũ phàng chi mấy
Để thuyền quyên cay đắng nhiều bề.
      (Chèo Kiều)

Trong các vở chèo, vai đào thường nhiều hơn và quan trọng hơn vai kép. Các đào khác nhau về tính cách: đào chính, đào lệch, đào lẳng, đào ghen, đào điên..., nhưng hầu như đào nào cũng đều có sắc - sắc đẹp hoặc chí ít cũng sắc sảo, thêm nữa họ còn mạnh theo những cách khác nhau, mãnh liệt theo bản năng tình cảm hay mạnh mẽ ở ý chí tinh thần, ở thái độ dám đương đầu với thân phận. Thị Kính gặp bao nỗi truân chuyên oan trái mà vẫn nhân ái bao dung, bất chấp thị phi người đời để bao bọc đứa trẻ bị bỏ rơi; Thị Màu không dấu diếm bản tính nồng nhiệt trong khát vọng tự do yêu đương, trong sự phá phách những ràng buộc giáo điều cổ hủ; mẹ Đốp cùng đinh mà thông minh sắc sảo, dám nhạo cả mấy bậc vai vế lắm thói hư tật xấu (chèo cổ Quan âm Thị Kính).

Và còn nhiều mỹ nhân khác trong các tích kinh điển của sân khấu âm nhạc cổ truyền: Thị Hến đùa giỡn xoay vần trong trò chơi của mình cả một đám quan quyền háo sắc (tuồng cổ Nghêu Sò Ốc Hến), nàng Nguyệt Cô tu luyện ngàn năm bỗng chốc mất trắng vì yêu hết mình (tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo), Xúy Vân từ điên giả hóa điên thật trong nỗi khao khát được yêu và tâm tưởng vượt qua rào cản lễ giáo (chèo cổ Kim Nham)...

Từ vài nét phác họa người phụ nữ trong nhạc cổ càng cảm nhận rõ hơn hình ảnh phụ nữ trong nhạc mới với vẻ đẹp của những gì còn giữ lại từ truyền thống cùng những nét đặc trưng cho thời đại hôm nay.

Phụ nữ trong ca khúc

Vì chị em, ấy Hoa của đời
Vì chị em, ấy Hương của đời
Vì chị em, ấy Tiên của đời
      (Bài hát của thiếu nữ Việt Nam - Lưu Hữu Phước)

Hoa - vẻ đẹp bên ngoài, Hương - nét đẹp tâm hồn, Tiên - cái đẹp hoàn hảo. Đẹp hình thức và đẹp tâm hồn thường hòa với nhau để tạo nên sự hoàn mỹ. Có thể thấy những Hoa - Hương - Tiên ấy là yếu tố chính xây đắp nên hình tượng phụ nữ trong nhạc mới, đặc biệt trong thể loại ca khúc.

Những nét “hoa” phản ánh hình thức người phụ nữ trong từng giai đoạn khác nhau hoặc “gu” thẩm mỹ về cái đẹp ở từng tác giả khác nhau.

Kiều nữ thời tiền chiến thường mang vẻ liễu yếu đào tơ, yểu điệu thục nữ, với “đôi môi thắm, đôi mắt nhung đen màu hạt huyền, làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng” (Cô láng giềng - Hoàng Quý).

Những thiếu nữ núi rừng chiến khu nổi bật bởi vẻ trong sáng, tươi tắn với “nụ cười quá xinh” khiến các chàng bộ đội du kích phải nặng lòng thương nhớ (Nụ cười Sơn Cước - Tô Hải, Sơn nữ ca - Trần Hoàn).

Người đẹp ở chiến trường đánh Mỹ lại tràn trề sức sống, nhanh nhẹn, xốc vác và kiên cường: cô thanh niên xung phong giữa rừng Trường Sơn “mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn”, hoạt bát như “con suối nước chảy không ngừng” và tươi tắn trăm hoa rừng “chẳng có hoa nào bằng” (Cô gái mở đường - Xuân Giao); cô giao liên chiến dịch Mậu Thân vừa tròn mười tám đôi mươi, lưng thon, vai căng, đôi mắt “trong vắt hàng mi xanh thắm” (Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn - Phạm Minh Tuấn); cô dân quân cũng tuổi mười tám đẹp như xuân sang, cũng đôi mắt trong xanh tựa như “đôi giọt nước sông La” hiên ngang đứng dưới bom đạn canh bầu trời quê (Người con gái sông La - Doãn Nho, thơ: Phương Thúy).

Người đẹp trong lao động làm xao xuyến lòng người bởi vẻ bình dị và nền nã, khỏe khoắn và chân chất: cô gái “đội mũ tai bèo, đi dép cao su, khoác trên mình màu áo xung phong” biến hoa dại thành đồng lúa mênh mông (Đẹp sao những người con gái - Hoàng Hiệp), cô thợ xây miệt mài trên tầng cao “trong nắng đẫm mồ hôi mà vẫn cười mê say” (Áo em xanh màu mây - Vũ Lê Phú, thơ: Song Hảo), cô gái quê áo nâu sồng “chân lấm tay bùn mà ngỡ gót chân tiên” (Ca dao em và tôi - An Thuyên).

Người đẹp làm nên cả một miền nhung nhớ trong đời người với những bóng dáng rất hiền và nữ tính, thướt tha tóc dài, “tóc xõa vai mềm” (Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang, thơ: Phan Vũ, Thương lắm tóc dài ơi - Phú Quang), với những hình ảnh rất thơ và buồn, rất dịu dàng và mong manh:

Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quê trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi.
      (Như cánh vạc bay - Trịnh Công Sơn)

Còn đây những cô bé thời hiện đại, rụt rè như hoa mắc cỡ và rất duyên với chiếc răng khểnh “môi cười nở thắm những đóa hồng tươi” (Cô bé có chiếc răng khểnh - Trần Thiết Hùng), dễ thương với tóc đuôi gà nhẹ bay trong gió, miệng “chúm chím thật xinh” (Tóc em đuôi gà - Thế Hiển), hoặc rất ấn tượng với “tóc ngắn mắt bồ câu sáng ngời, chạy xe trên phố như chim bay” (Tóc ngắn - Anh Quân, lời: Dương Thụ).

Và cả người phụ nữ của đời thường, đời nay vẫn như bao đời trước, lúc nào cũng tất tả với những việc không tên, có lẽ chỉ khi xa vắng rồi người thân của họ mới nhớ tiếc và cảm nhận được hết giá trị những gì đã mất:

Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai
Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng dáng em gầy.
      (Một mình - Thanh Tùng)

Mỗi nhạc sĩ “vẽ” người đẹp của mình theo cách riêng, cụ thể hoặc khái quát. Tính khái quát đôi khi nâng hình ảnh người phụ nữ thành biểu tượng cho quê hương:

Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió
...Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê
Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre.
      (Dáng đứng Bến Tre - Nguyễn Văn Tý)

Trong lao động và chiến đấu, trong đời sống thường ngày, người phụ nữ đẹp không ở hình thức mà ở việc làm, khi ấy bề ngoài bình dị, không mỹ miều càng làm nổi bật giá trị tinh thần. Là con người của hành động, họ luôn bận rộn trong công việc, ngay cả khi đợi chờ mong nhớ họ cũng chẳng thụ động ngồi không, mà lúc nào cũng luôn chân luôn tay, không làm rẫy thì cũng thêu thùa, đan áo, may khăn (Bóng cây Kơnia - Phan Huỳnh Điểu, thơ: Ngọc Anh, Đợi chờ - Nhật Lai, Chiếc khăn tay - Xuân Hồng).

Vừa quán xuyến việc nhà, vừa gánh vác việc chung, phái yếu chẳng chịu thua kém phái mạnh, từ cô giao liên chèo thuyền chở pháo: “Hỡi người vai sắt chân đồng/ Theo anh mà pháo cũng băng sông vượt đèo” (Chở pháo sang sông - Hoàng Hiệp, thơ: Cao Phương), và cô nông dân “ở làng quê ta cày bừa giờ gái thay trai” (Đường cày đảm đang - An Chung), cho đến cô giáo Tày tự tay đóng bàn ghế, dựng trường mới cho “đàn em nhỏ chưa biết chữ trên đỉnh núi cao” (Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi - Văn Ký).

Thời thế tạo anh hùng, chiến tranh đã cho thấy sức mạnh phi thường của tuổi con gái: “Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi, núi ngả cúi đầu” (Cô gái mở đường - Xuân Giao). Sức mạnh ở tinh thần, ở tiếng hát của một thời “tiếng hát át tiếng bom”, cái đẹp cũng là ở tiếng hát và khi ấy hình thức quả thực chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Không thấy người thấy mặt “chỉ nghe có tiếng hát mà lòng anh yêu thương”, mà bao năm sau nghe tiếng hát trên công trường đang xây vẫn ngỡ em ở đâu đây, vẫn đi tìm người con gái dãi dầu mưa nắng mở đường Trường Sơn năm xưa (Em ở nơi đâu? - Phan Nhân).

Giữa những nữ anh hùng vô danh ấy là các nhân vật có thật, người còn người mất, nhưng họ đều trở thành bất tử trong bài ca. Qua lời ca, người đời mãi còn nhắc tên người con gái miền đất đỏ với bông lê ki ma cài trên tóc (Biết ơn chị Võ Thị Sáu - Nguyễn Đức Toàn), còn biết đến đóa hoa rừng Kan Lịch trở thành dũng sĩ diệt thù (Người con gái Pa-kô - Trí Thanh), và cô gái tuổi đôi mươi Võ Thị Thắng bình thản mỉm cười nghe kẻ thù tuyên án tù hai mươi năm:

Một nụ cười trong như trời xanh
Một nụ cười hiền như đất lành
Một nụ cười qua địa ngục trần gian vẫn tư thế hiên ngang
Một nụ cười như tấm gương thời gian.
      (Nụ cười chiến thắng - Trương Tuyết Mai, thơ: Tế Hanh)

Trong số các tượng đài nữ anh hùng, thì vĩ đại nhất là tượng đài Mẹ. Mẹ gầy, mẹ nghèo, lưng còng, da cháy, mắt hằn dấu chân chim, tóc bạc màu mây trắng... Song mẹ vẫn đẹp nhất, giàu nhất, vì “tình mẹ hơn mọi thứ tình”, vì “mẹ là đất là nước, mẹ là Tổ quốc” (Tình mẹ - Trần Hữu Bích, ý thơ: Nguyễn Hữu Khai).

Đất có bao giờ đất nói như đời mẹ lặng im
Nuôi con không tính tháng ngày, nuôi màu xanh xanh mãi cánh đồng
      (Mẹ và cánh đồng - Lê Anh Trung, thơ: Lê Việt Nga)

và:

Mẹ là nước chứa chan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.
      (Huyền thoại mẹ - Trịnh Công Sơn)

Bao nhiêu câu chuyện về người mẹ Việt Nam đã được hát lên trong bài ca. Mẹ đưa cánh cò trắng vào giấc ngủ bình yên và cánh cò theo suốt cuộc đời con cho con không quên cội nguồn (Mênh mông tình mẹ - Nguyễn Văn Hiên). Mẹ đi trong đám biểu tình cùng đứa con thơ trên tay, mẹ nằm trước xe tăng và mẹ đã thắng không cần vũ khí, “chỉ có niềm tin và sức mạnh chân lý” (Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc - Thuận Yến). Mẹ thức thâu đêm vá áo cho đứa con ngày mai lại vào trận (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa - Nguyễn Văn Tý). Mẹ chuyền cơm qua vách cấm nuôi đứa con tù đầy (Người mẹ Bàn Cờ - Trần Long Ẩn, thơ: Nguyễn Kim Ngân). Mẹ đào hầm dấu cả sư đoàn dưới đất và “nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam” (Đất quê ta mênh mông - Hoàng Hiệp, thơ: Dương Hương Ly)...

Chiến tranh qua đi, nỗi đau còn lại. Vết thương trên da thịt có ngày lành, vết thương lòng mãi chẳng nguôi ngoai. Có người mẹ “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/ các anh không về mình mẹ lặng im” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn, thơ: Tạ Hữu Yên), và mỗi chiều mẹ vẫn ngồi trông đợi, nước mắt mẹ không còn vì đã “khóc những đứa con lần lượt ra đi mãi mãi” (Người mẹ của tôi - Xuân Hồng). Có người mẹ già nua từng chiều nhặt hoa sứ rơi kết thành vòng đem đổi lấy chén gạo nuôi con, “đứa con qua chinh chiến” hiến thân cho đời (Người mẹ và hoa sứ trắng - Thế Hiển).

Ngợi ca người phụ nữ bằng âm nhạc, và cũng bằng âm nhạc người đời cùng sẻ chia nỗi buồn nỗi đau của họ. Đấy là nỗi đau muôn đời của người mẹ mất con, của những người vợ chờ chồng. Vẫn còn đây người đàn bà vọng phu thời hiện đại chỉ thèm một hạnh phúc bình dị “được ghen được hờn, được thương được giận, được thành chồng thành vợ và để cùng hôn con” (Em vẫn đợi anh về - Hoàng Hiệp, thơ: Lê Giang). Hai mươi năm mẹ một mình nuôi con đợi chồng và:

Cả cuộc đời cha đi bộ đội
Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương
Và những vết thương trên ngực cha cứ trở gió lại đau nhức nhối
Chiếc ba lô gió sương đã gội
Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi.
      (Mẹ - Phan Long, thơ: Đoàn Ngọc Thu)

Còn có nỗi buồn thân phận cho người đàn bà không chồng suốt một đời đa đoan chưa từng biết đến hạnh phúc lứa đôi (Chị tôi - Trần Tiến), và cho người đàn bà lấy chồng sớm cả tuổi xuân chẳng biết gì khác ngoài lời ru buồn sau lũy tre làng (Sao em nỡ vội lấy chồng? - Trần Tiến).

Nếu nền ca khúc Việt Nam vẫn được xem như cuốn biên niên sử bằng âm thanh của đất nước, thì nó cũng có thể được coi là cuốn nhật ký bằng âm thanh về đời người phụ nữ.

Phụ nữ trong khí nhạc

Gia tài khí nhạc Việt Nam dù còn khiêm tốn về số lượng nhưng vẫn dành vị trí không nhỏ cho người phụ nữ. Phụ nữ là nhân vật chính trong các thể loại từ nhỏ đến lớn, từ tiểu phẩm cho nhạc cụ độc tấu và hòa tấu thính phòng đến tác phẩm một chương và nhiều chương cho dàn nhạc giao hưởng. Phụ nữ là chủ đề chính trong một chương nhạc, hoặc “choán” hết cả một chương hay một phần của tác phẩm, đôi khi còn “độc chiếm” luôn toàn bộ nội dung tác phẩm nhiều chương, thậm chí nhiều màn (opéra Cô Sao - Đỗ Nhuận).

Khí nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng mang tính khái quát cao nên hình tượng người mẹ trong những bản anh hùng ca bằng khí nhạc cũng thường mang tính khái quát. Mẹ với đất nước không tách rời. Cùng đất nước trong cuộc hành trình mang tính sử thi, mẹ đã đi qua chiến tranh như một huyền thoại (giao hưởng N5 Mẹ Việt Nam - Nguyễn Văn Nam, tam tấu Huyền thoại mẹ - Nguyễn Thị Nhung, giao hưởng Mẹ và đất nước - Đặng Văn Bông, chương III Tình mẹ trong tổ khúc đàn dây Ký ức dòng sông - Hoàng Cương, chương II Nhớ lời mẹ ru trong giao hưởng N8 Quê hương - Đất nước tôi - Nguyễn Văn Nam).

Hình ảnh mẹ luôn hiện về cùng giai điệu ru, vì thế mẹ rất hợp với thể loại ru (berceuse) trong nhạc thính phòng (Tiếng ru - Nguyễn Đình Tấn, Hát ru - Hoàng Dương, Khúc hát ru - Ngô sĩ Hiển). Người mẹ trẻ ru đứa con thơ vào giấc ngủ thần tiên, một hình ảnh rất đời thường, rất tự nhiên. Song, trên đất nước còn đầy thương tích chiến tranh này lại có nghịch cảnh mẹ già ru đứa con đã hy sinh vào giấc ngủ ngàn thu (requiem Khúc tưởng niệm - Doãn Nho).

Trong tác phẩm viết cho dàn nhạc, chủ đề mẹ vẫn thường được thể hiện bằng tiếng hát, vì giọng hát là “nhạc cụ” đặc biệt truyền cảm, nhất là khi hát với kỹ thuật vocalise không cần lời ca (chủ đề mẹ trong các giao hưởng: N3 Tặng những em bé mồ côi - Nguyễn Văn Nam, N2 Tổ quốc tôi - Lân Tuất).

Nối tiếp thế hệ mẹ Việt Nam anh hùng hẳn nhiên có những người con gái anh hùng - những cô thanh niên xung phong dành trọn tuổi xuân của mình nơi bom cày đạn xới (phần I Rừng già và thiếu nữ trong giao hưởng thơ Nhớ Trường Sơn - Huy Loan), những thanh nữ Tây Nguyên không ngại ngần chọn cho mình con đường tranh đấu giành lại cuộc sống bình yên (liên khúc giao hưởng K’Nhí - Văn Ký), những người phụ nữ dịu hiền với chồng con, thân thương với bà con chòm xóm mà kiên cường bất khuất trước kẻ thù (giao hưởng thơ Nữ anh hùng miền Nam - Nguyễn Thị Nhung), những cô du kích nằm vùng một thân một mình đối mặt với hiểm nguy bệnh tật vẫn không đánh mất niềm tin (concerto Đất và hoa - Quang Hải).

Không có chiến thắng, không có những người hùng làm nên kỳ tích nếu không có tình yêu. Hiện thân cho tình yêu là người phụ nữ, là vợ của những người anh hùng (Tuổi trẻ anh hùng - Vĩnh Cát), là người con gái tựa như “hòn ngọc Viễn Đông” luôn tỏa sáng trong những khúc quanh cuộc đời:

Em là những dòng sông đang chảy
Là những vì sao trong đêm
Là những mối tình luôn chung thủy
Là ánh nắng lúc bình minh.
      (Chương II giao hưởng N6 Sài gòn 300 năm - Nguyễn Văn Nam)

Nói đến hình ảnh người đẹp trong khí nhạc không thể bỏ qua những nhân vật lấy từ truyền thuyết dân gian hay văn học nghệ thuật cổ truyền: cô Tấm chết đi sống lại trong cuộc giành giật giữa cái thiện với cái ác (giao hưởng Tấm Cám - Đàm Linh), Mỵ Châu chân thành cả tin trong thảm kịch éo le giữa hiếu với tình (kịch múa Ngọc trai đỏ ­- Ca Lê Thuần), Thị Kính nhẫn nhịn cam phận trước mọi oan ức cuộc đời, trái ngược với Thị Màu dám nổi loạn trước lễ giáo phong kiến (ballade Thị Kính Thị Màu - Nguyễn Đình Bảng), Xúy Vân không thoát khỏi si mê cuồng dại là cái giá phải trả cho khát vọng yêu (capriccio Khát vọng ­- Hoàng Dương), Kiều Nguyệt Nga trước sau vẫn “gái thời tiết hạnh làm câu trao mình” (kịch múa Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga - Ca Lê Thuần), nàng Kiều chìm nổi giữa dòng đời thiện - ác để còn lại cho mình một chữ tâm (giao hưởng N7 Chuyện nàng Kiều- Nguyễn Văn Nam).

Vậy đấy, một khi những người mẹ, người chị, người yêu, người vợ, em gái, con gái... - còn là nguồn cảm xúc sáng tạo cho các nhạc sĩ, thì phụ nữ vẫn là một đề tài bất tận trong âm nhạc.

Phụ nữ làm âm nhạc

Không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ, nữ giới còn “đích thân” làm chủ thể sáng tạo, và hơn thế, họ đã không vắng mặt trong bất kỳ “mảng” nào của hoạt động âm nhạc. Họ để lại dấu ấn của mình trong các lĩnh vực: sáng tác - phát hiện và đưa cái đẹp của cuộc sống vào tác phẩm, biểu diễn - thể hiện và đưa cái đẹp của tác phẩm đến với đời, giáo dục đào tạo - góp phần bảo tồn và truyền bá cái hay cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc, nghiên cứu phê bình - phát hiện và tôn vinh cái hay cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc.

Giống như cuộc kiếm tìm hình ảnh phụ nữ trong tác phẩm âm nhạc, hành trình theo vai trò phụ nữ trong hoạt động âm nhạc cũng lại xuất phát từ nhạc cổ.

Vòng sinh tử một kiếp người trong nhạc dân gian được bắt đầu từ thể loại hát ru. Như người đời vẫn nói, hát ru là khởi nguồn cho mọi bài ca của con người và bài hát của mẹ bao giờ cũng đẹp bởi được cất lên từ tình mẫu tử. Mẹ ru cho con ngon giấc, mẹ gửi vào câu hát những buồn vui thân phận và bài học làm người. Đó là bài học đầu tiên về lẽ sống, về cái đẹp và về âm nhạc. Bao nhiêu nhạc sĩ Việt Nam đã đón nhận cùng dòng sữa ấm bài học âm nhạc dân tộc từ người thầy dạy nhạc đầu tiên của mình là mẹ, một “nghệ sĩ nhân dân không tên tuổi”. Không thể phủ nhận công lao của các bà, các mẹ, các chị trong vai trò ứng tác, thể hiện và lưu truyền thể loại hát ru nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung.

Cùng tham gia vai trò sáng tạo và diễn xướng với các liền anh để có thể làm nên canh hát quan họ là các liền chị. Làm sao vắng mặt phụ nữ trong hát đối đáp giao duyên được! Cho dù quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ đến đâu, thì nữ giới vẫn thực sự bình đẳng trong mọi cuộc đối ca nam nữ, một lối hát dân gian vô cùng phong phú với các hình thức hát trong lao động, hát chơi, hát hội hè, với các làn điệu hò, lý, ví, đúm, xoan, ghẹo, giặm, cò lả, sa mạc, trống quân của người Việt, hát khắp của người Thái, lượn của Tày, sli của Nùng… Ngay trong hò đò dọc trên sông Mã tưởng như “độc quyền” của cánh đàn ông cũng vẫn không thiếu những cuộc hát giao duyên giữa trai đò với các nàng khách buôn trên thuyền hoặc với các cô thôn nữ ở dọc ven sông. Giọng hò và tài đối đáp của cô gái trên bờ nhiều khi níu kéo mê hoặc trai đò đến mức thuyền phải cắm lại để hò vài câu với nhau cho đã.

Đối với ca trù, một nghệ thuật tôn vinh giọng người trong sự kết hợp thần tình giữa hát với đàn và nhạc cụ gõ, vai trò phụ nữ rõ ràng nổi trội hơn đàn ông. Là trung tâm cuộc diễn xướng, đào nương vừa hát vừa gõ phách, tức là kiêm thêm nhiệm vụ diễn tấu nhạc cụ. Khi đục khi trong, khi lơi khi dồn, tiếng phách giòn giã với tiết tấu điệu nghệ tạo thêm nét quyến rũ và sức cuốn hút cho nghệ thuật ca trù. Tiếng phách còn đưa ra những hiệu lệnh để đàn đáy và trống chầu cùng phối hợp. Như vậy ở đây ca nương còn là người dẫn dắt “ngầm”, quan trọng như một nhạc trưởng điều khiển bản hòa tấu.

Có một điểm đặc biệt nữa trong lịch sử ca trù là sự ghi nhận công ơn người phụ nữ được phản ánh trong tên gọi sớm nhất và muộn nhất của bộ môn nghệ thuật này. Không biết trên thế giới có loại hình âm nhạc cổ truyền nào lại được gọi theo tên gọi nữ nghệ nhân như thế không? Sử sách đã ghi: từ đời nhà Hồ thế kỷ XV có người ca nương họ Đào lập mưu giết giặc nên về sau để nhớ ơn nàng, người ta gọi những người làm nghề ca hát là ả đào, và đây cũng là tên gọi cổ nhất của thể loại ca trù. Sách còn ghi: đào già dạy nghề được trò tạ ơn bằng món “tiền đầu” trích ra từ tiền thưởng của đào non trong các cuộc hát đình đám, và khi hát ả đào từ thôn quê lan ra tỉnh thành, thì từ “cô đầu” để chỉ ca nương lão luyện bậc thầy trong nghề dần dần biến thành tên gọi mới của nghệ thuật ca hát này.

Việc đào tạo ca nữ trong giáo phường ca trù xưa kia đòi hỏi những chuẩn mực rất gắt gao. Các cô bé phải khổ luyện vài năm cho đến lễ “mở xiêm áo” mới được chính thức hành nghề. Đào nương được tuyển chọn hát cửa đình không chỉ hát hay phách giỏi mà nhất định phải là người đức hạnh. Tiêu chuẩn của hát thi cũng vậy, người đoạt giải cần có đủ tài năng - nhan sắc - đạo đức, nên các cô hát hay mà kém nhan sắc cũng bị “đánh” tụt hạng, đủ thanh sắc mà thiếu phẩm hạnh thì cũng... “trượt vỏ chuối”!

Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, khi sinh hoạt ca trù bị đô thị hóa và biến chất, khi các cô đầu hát bị “vơ đũa cả nắm” với các cô đầu rượu, thì từ “cô đầu” lại được hiểu theo nghĩa ám chỉ phường buôn phấn bán hương và hát ả đào bị coi như một thú ăn chơi hư hỏng. Sợ mang tiếng xấu, nhiều cô đào giỏi đã bỏ nghề, thậm chí chẳng dám nhận mình từng hát ả đào. Sau nửa thế kỷ chịu tai tiếng oan uổng, nghệ thuật ca trù tới nay mới lại có ngày hồi sinh. Các nghệ nhân được vinh danh, đặc biệt nghệ nhân Quách Thị Hồ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Phong trào ca trù nở rộ dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ đã đem lại cho các “cựu” đào nương cơ hội trở lại với vai trò “cô đầu” đúng như cái nghĩa ban đầu: người truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu. Họ đáng được trân trọng như “vốn di sản sống” của một bộ môn độc đáo, vừa là một nghệ thuật bác học tinh tế, vừa là một thú chơi nho nhã cao sang.

Đã qua lâu rồi nếp nghĩ cầm ca là nghề xướng ca vô loài và những người theo nghiệp cầm ca, các đào kép, các con hát là hạng đầu đường xó chợ. Cũng đã qua đi những định kiến khắt khe về phẩm giá người phụ nữ trong mối liên quan với âm nhạc, kiểu như “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” hay “nữ đa cầm tắc dâm”.

Thoát khỏi quan niệm trói buộc, phụ nữ ngày nay làm âm nhạc trong sự cộng hưởng những ưu điểm vốn có từ xa xưa với những lợi thế của tuổi trẻ thời đại mới như sự hiểu biết và tự tin, tính sắc sảo và chủ động.

Sáng tác nhạc mới vốn là lĩnh vực ít phụ nữ nhất, trước đây chỉ ít ỏi đôi ba tên tuổi được ghi nhận, nhưng vài năm đầu thế kỷ XXI đã nổi lên không ít gương mặt nữ tác giả trẻ, thậm chí quá trẻ. Trong mảng ca khúc quần chúng mới đây còn xuất hiện cả tác giả chưa qua tuổi teen!

Biểu diễn là nơi chứng tỏ rõ nhất “sức mạnh nữ nhi”. Trong thời chiến có bao câu chuyện diệu kỳ về tiếng hát của các nữ văn công xung kích. Tiếng hát của họ là quê hương, là sức mạnh theo người chiến sĩ ra trận. Tiếng hát của họ chế ngự đau đớn trong cuộc phẫu thuật không thuốc mê thuốc tê ngay giữa chiến trường và khơi dậy khát vọng sống đưa người lính tử thương từ cõi chết trở về.

Trong thời bình, nhất là thời của loại nhạc nghe - nhìn luôn đòi hỏi cái đẹp thấy được bằng mắt, thì dường như ưu thế càng dễ nghiêng về phái đẹp. Một biểu hiện về “quyền lực phụ nữ” là nữ hoàng hay diva nhạc nhẹ có vẻ “sẵn” hơn vua nhạc nhẹ.

Một số hoạt động khác như nghiên cứu và giảng dạy (nhất là dạy đàn cổ truyền, dạy nhạc ở trường phổ thông) xem chừng đang có xu thế “âm” thịnh hơn “dương”. Có lẽ vì tính chất công việc cần đến sự cẩn thận, tỉ mỉ, cân nhắc, kiên nhẫn, khéo léo và nhạy cảm là những bản tính “rất phụ nữ”?

Có thể thấy rằng trong lĩnh vực âm nhạc, phụ nữ Việt Nam đã và đang tạo cho mình một vẻ toàn mỹ, tựa như chuẩn mực trong cuộc thi ca trù xưa kia, đó là sắc, đức và tài.

Đôi điều về phụ nữ và âm nhạc chưa thể gọi là đầy đủ những gì đáng kể. Và câu chuyện không có kết này chắc chắn còn được nhiều người kể tiếp, ở đời nay và muôn đời sau.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...