Đặng Thế Phong và “Thu ca tam khúc”

08/08/2014

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918 ở phố Hàng Đồng, TP Nam Định – quê hương của những tài hoa của tân nhạc Việt thời kỳ đầu tiên như Đan Thọ, Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng,… Cha của Đặng Thế Phong, cụ Đặng Hiển Thế, làm thông phán trước bạ của thành Nam. Khi Đặng Thế Phong đang học năm thứ hai bậc thành chung thì cụ Thế qua đời, để lại gia đình bảy miệng ăn trong hoàn cảnh túng thiếu. Đặng Thế Phong phải bỏ học khi đang học năm thứ hai bậc thành chung tại trường trung học Saint Thomas d’Aquin. Ông lên Hà Nội dạy tư để kiếm sống, và theo học dự thính tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Người ta kể rằng thời gian học ở đây, trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ một cây cổ thụ, nhưng trơ trụi không một chiếc lá. Thầy hiệu trưởng, họa sĩ Tardieu, đã buông một câu nhận xét: “Cậu vẽ đẹp, nhưng buồn quá. E là số của cậu không được thọ”. Lời nhận xét đó, không ngờ, như một lời tiên tri về số phận tài hoa nhưng đoản mệnh của chàng trai trẻ thành Nam.

Trong thời gian học hội họa, Đặng Thế Phong tự học thêm âm nhạc. Năm 1927, Nhạc viện Viễn Đông được mở tại Hà Nội nhưng ba năm sau đã phải đóng cửa vì khó khăn. Những người muốn học nhạc khi ấy, ai may mắn thì tìm được một vị thầy người Pháp, bằng không thì tự học qua sách vở. Và thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của nền tân nhạc nước ta đều tự học mà thành tài. Đặng Thế Phong cũng vậy. Bằng năng khiếu thiên bẩm, ông đã tự học để có thể sử dụng thông thạo nhiều nhạc cụ và sáng tác ca khúc. Trong nhiều năm, Đặng Thế Phong đã sống bằng nghề vẽ minh họa cho báo, vẽ truyện tranh, đóng kịch, chơi nhạc và hát phòng trà, dạy nhạc, từng phiêu bạt từ Hà Nội vào Sài Gòn sang Nam Vang rồi về lại Hà Nội. Cuộc mưu sinh lang bạt trong nghèo túng chật vật đã làm Đặng Thế Phong nhuốm bệnh lao, căn bệnh nan y thời ấy, và ông đã từ giã cuộc đời năm 1942 tại nhà riêng ở phố Hàng Đồng thành phố Nam Định.

Theo những người cùng thời, Đặng Thế Phong còn sáng tác các ca khúc như Sáng trăng, Sáng trong rừng, Sầm Sơn, Gắng bước lên chùa…Tuy các ca khúc này không còn được lưu truyền nhưng chỉ cần ba ca khúc bất hủ Đêm thu, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến thường được người yêu nhạc Việt gọi là “thu ca tam khúc”, Đặng Thế Phong,đã được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng tân nhạc tiền chiến trong âm nhạc hiện đại Việt Nam trước cách mạng tháng Tám 1945, có một phong cách âm nhạc riêng biệt, đặt nền móng cho một dòng nhạc mới mang đậm âm hưởng Việt.

Cả ba ca khúc này của Đặng Thế Phong ra đời trong ba năm cuối cuộc đời ông và đều viết về mùa thu. Nhạc sĩ Phạm Duy coi các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng “nhạc thu” rất đáng chú ý trong tân nhạc Việt, được tiếp nối ngay sau đó với các tuyệt khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn.

Như nhiều trí thức cùng thời, Đặng Thế Phong hấp thụ và chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nhất là văn học, âm nhạc, hội họa lãng mạn Pháp. Ca khúc Đêm thu sáng tác năm 1940 cho thấy rất rõ ảnh hưởng ấy. “Đêm lắng buồn/tiếng thu như thì thầm/trong hàng cây trầm mơ/… Trăng xuống dần/cỏ cây thêm âm thầm/đông buồn trong ánh sao/như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng/lay hồn ta rồi tan”...Đây có thể coi như khúc valsse Việt Nam đầu tiên, lời ca khá tinh tế, trữ tình, tiết điệu chậm. Tuy vậy, ngay ở bản tân nhạc đầu tay này, Đặng Thế Phong đã sử dụng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, trong hai đoạn của Đêm thu, một đoạn theo âm hưởng mineure của Tây Phương, một phần nghiêng hẳn về nhạc ngũ cung Việt Nam.

Chỉ 1 năm sau, trong ca khúc Con thuyền không bến, chúng ta đã có thể thấy trong âm nhạc Đặng Thế Phong sự kết hợp uyển chuyển hơn nhiều giữa thất cung châu Âu và ngũ cung Việt để vẽ nên một không gian thu xa xăm huyền ảo cùng nỗi buồn thương vô định như “con thuyền không bến”: “Đêm nay thu sang cùng heo may/đêm nay sương lam mờ chân mây/thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/Như nhớ thương ai chùng tơ lòng”. Ở đây, âm hưởng của lối ngâm sa mạc Việt đứng bên cạnh những bán âm chênh vênh của âm giai Tây được lồng trong những lệch phách đảo phách thổn thức của lối hát ả đào: “Lướt theo chiều gió/một con thuyền, theo trăng trong/trôi trên sông Thương/nước chảy đôi dòng/biết đâu bờ bến/thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu/trên con sông Thương/nào ai biết nông sâu?Nhớ khi chiều sương/cùng ai trắc ẩn tấm lòng/biết bao buồn thương/thuyền mơ buông xuôi dòng/bến mơ dù thiết tha/thuyền ơi, đừng chờ mong”.

Sự “giao hòa ĐôngTây” trong âm nhạc Đặng Thế Phong được tiếp tục và thăng hoa hơn ở ca khúc cuối cùng, ca khúc được viết trên giường bệnh, một kiệt tác của ông: Giọt mưa thu. Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong cho ta thấy tân nhạc Việt chắc chắn là sự nối dài của âm nhạc cổ truyền dân tộc. Lối tiến hành giai điệu trộn lẫn trưởng thứ trong cùng một đoạn nhạc của âm nhạc cổ truyền dân tộc là phương pháp tác khúc hiệu quả để tạo nên sự khắc khoải kỳ lạ của tâm tình trong không gian mưa vừa đẹp vừa buồn, vừa gần gũi thân thiết, vừa hiu hắt xa vắng, vừa chìm trong tuyệt vọng, vừa thấp thoáng hy vọng: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi/trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi/nghe gió thoảng mơ hồ/trong mưa thu ai khóc ai than hờ.../Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành/như nhủ trời xanh/gió ngừng đi, mưa buồn chi/cho cõi lòng lâm ly”. Có lẽ cho đến bây giờ, vẫn chưa có một bản nhạc thu nào có thể ám ảnh chúng ta, mãi làm chúng ta thổn thức như Giọt mưa thu: “Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây/lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về/ai nức nở thương đời châu buông mau/Dương thế bao la sầu/Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh/mây ngỏ trời xanh/chắc gì vui/mưa còn rơi/bao kiếp sầu ta nguôi/Gió xa xôi vẫn về/mưa giăng mù lê thê/đến bao năm nữa trời/ vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu”.

Nhạc sĩ Phạm Duy nói rất đúng rằng “tam ca thu khúc” của ĐặngThế Phong có thể mãi quyến rũ và ám ảnh người yêu nhạc Việt bởi đó là những tuyệt tác nảy sinh từ không gian mùa thu Việt, từ yêu thương của một tâm hồn Việt, đó là con thuyền âm nhạc trôi trên một dòng sông dân tộc, sông Thương nước chảy đôi dòng…/.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...