Đặng Thế Phong và cuộc tình huyền thoại đi vào tình ca
Thi sĩ Hàn bệnh cùi nặng nhưng vẫn được Mộng Cầm bầu bạn, chăm sóc tận tình. Còn ông, cũng được một người yêu tên Tuyết – một mối tình lớn và duy nhất trong đời – chăm sóc ông trong những ngày ông bị bệnh lao nặng và đến lúc qua đời.
Chính người con gái đó đã làm tâm hồn ông dậy sóng và đi vào những bài tình ca bất hủ mà ông để lại trong 24 năm của kiếp người. Ông là Đặng Thế Phong – thiên tài của âm nhạc Việt Nam của giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Đặng Thế Phong, sinh ngày 5 tháng Tư năm Mậu Ngọ (tức năm 1918)
ở phố Hàng Đồng, xứ Nam Định.
Cuộc đời lang bạt kỳ hồ và sự đoản mệnh được dự báo trước
Đặng Thế Phong, sinh năm vào ngày 5 tháng Tư năm Mậu Ngọ (tức năm 1918) ở phố Hàng Đồng, xứ Nam Định. Ông là con thứ hai trong một gia đình có đến 6 anh em, gồm 2 trai và 4 gái. Cha ông – cụ Đặng Hiển Thế – hành nghề thông phán trước bạ của TP Nam Định.
Thế nhưng chính vì cái tính nghệ sĩ trong người cụ Thế cho nên Đặng Thế Phong sống một cuộc sống khá bình dị, có thể nói là gia đình con cái đông đúc, hoàn cảnh khá vất vả. Bà mẹ của Đặng Thế Phong hành nghề buôn bán cau khô và chủ yếu là làm nội trợ nên cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì hơn.
Bước ngoặt cuộc đời của Đặng Thế Phong là khi cha ông chẳng may qua đời sớm, mẹ ông một mình không thể gánh nổi 7 miệng ăn, nên những đứa con bơ vơ. Do đó khi đang học năm thứ hai bậc thành chung (tương đương với trình độ lớp 7 cấp hai thời nay), Phong phải nghỉ học để lao vào đời kiếm sống.
Bỏ học, ông một thân một mình lên Hà Nội để mưu sinh. Khi đó với tư chất mê hội họa từ nhỏ, ít nhiều có tài nên ông kiếm sống bằng cái nghề vẽ tranh minh họa cho Báo Học Sinh. Đây là tờ báo do nhà văn, nhà báo viết truyện trinh thám nổi tiếng Phạm Cao Củng làm chủ bút.
Thời gian này ngoài việc tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày, Đặng Thế Phong còn đăng ký theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng chỉ với tư cách là bàng thính viên, tức là những người không có bằng tú tài, nhưng có đủ trình độ đến học.
Với kiểu học chỉ được dự thính cho không được thi lấy bằng cấp như các sinh viên, học sinh khác trong lớp. Mặc dù vậy Đặng Thế Phong vẫn chấp nhận vì niềm đam mê nghệ thuật.
Có giai thoại kể rằng trong khoảng thời gian này, khi tham gia lớp học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong một phần học, Đặng Thế Phong có vẽ một bức tranh có hình ảnh một cây cổ thụ nhiều cành, lắm nhánh nhưng hoàn toàn không có một chiếc lá nào cả, trơ trụi đến khô khốc.
Bấy giờ người đứng lớp cũng là hiệu trưởng của trường, là giáo sư, họa sĩ Tardieu có khen ngợi về bút pháp của Phong nhưng kèm theo một nhận xét “Bức tranh vẽ đẹp nhưng buồn quá! E rằng số của cậu không được thọ”.
Một câu nói tiên tri như ứng nghiệm vào số mạng của con người tài hoa Đặng Thế Phong. Ngoài ra trong tác phẩm âm nhạc “Giọt mưa thu” (có tên gốc là Vạn cổ sầu) là tác phẩm âm nhạc cuối cùng của Đặng Thế Phong, ông đã mang nỗi lòng để hể hiện vào từng lời ca.
Có nhiều nhạc sĩ cho rằng, từng lời ca như thể hiện nỗi sầu bao la trong một cuộc chia ly mãi mãi. Có lẽ đó là những lời di chúc cuối cùng mà Đặng Thế Phong để lại cho nhân thế.
Trở lại quãng đời Đặng Thế Phong sống, làm việc và học tập tại Hà Nội, sau này nhiều bạn đồng môn của ông kể lại rằng, ông có cuộc sống khá chật vật. Ông cùng người bạn thân là Vũ Đức Toa thuê một căn phòng nhỏ tại một ngôi nhà ở phố Tô Tịch.
Dù cuộc sống nghèo khó như thế, bữa no bữa đói nhưng người bạn và kể cả những người thân không hề nghe Phong than vãn gì, bởi ông có một niềm vui khác ở đời để chiến thắng nghịch cảnh, đó là âm nhạc. Cũng chính tại nơi này, ông đã gặp được mối tình lớn, thủy chung của cuộc đời mình.
Đây cũng là thời gian cái tên Đặng Thế Phong được biết đến sau này là nổi như cồn trong làng âm nhạc bởi ông vừa có những bản nhạc buồn đi vào lòng người một cách kỳ diệu, vừa tự thể hiện mình trong một chất giọng ấm áp đến lạ lùng.
Năm 1941, Phong cùng người chú họ, kém ông 2 tuổi, là Nguyễn Trường Thọ, lang bạt vào Sài Gòn rồi tìm đường qua Nam Vang (Campuchia). Ở xứ người, ông mở lớp dạy nhạc cuộc sống cũng không khá nổi, chỉ sống lay lắt qua ngày.
Sau đó 2 chú cháu phải về nước lại, lúc đó căn bệnh lao phổi trong cơ thể của nhạc sĩ trẻ tài hoa đã bùng phát dữ dội. Để rồi một ngày cuối thu (ngày 2 tháng Tám năm Nhâm Ngọ – 1942) người nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh ấy ra đi khi vừa bước qua ngưỡng tuổi 25. Ông mất trong một ngày thu buồn, buồn như những bản nhạc bất hủ của ông viết về mùa thu.
Tình yêu và tình ca bất tử
Đặng Thế Phong là một chàng trai khôi ngô, và đặc biệt có đôi môi đỏ như son, chính khuôn mặt “đẹp” mà như mong manh ấy phần nào nói trước một cuộc đời đoản mệnh.
Đối với gia đình, Đặng Thế Phong rất gắn bó và gần gũi với mọi người, đặc biệt chàng trai này không ngần ngại trao gửi mọi tâm sự cho người chị tên Bạch Yến như một người bạn thân thiết. Kể cả sau này khi yêu một người con gái và đó là mối tình lớn nhất, duy nhất trong cuộc đời thì Phong cũng đều chia sẻ với chị.
Trong thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, một cơ duyên đã đưa chàng nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này gặp gỡ bóng hồng của đời mình, và cũng từ đó những bản nhạc tình, phần chính xuất phát từ mối cảm giữa đời và cảm xúc yêu đương mãnh liệt được ông sáng tác nên là “Đêm thu”, “Con thuyền không bến”, “Vạn cổ sầu” (sau đổi là “Giọt mưa thu”).
Số là hàng ngày, ông phải đi từ nhà trọ ngang qua phố Hàng Bông, ánh mắt của ông vô tình trúng phải tiếng sét ái tình với người con gái bán trong cửa hàng chăn, gối, nệm ở số 63 Hàng Bông. Con tim đa cảm và giàu tình yêu của Đặng Thế Phong đã thúc giục ông phải tìm hiểu về người con gái đó.
Nàng tên là Tuyết, là một thiếu nữ xinh đẹp quê ở Thái Bình, lên Hà Nội bán hàng cho người cô. Thế là sau bao ngày đêm mơ tưởng, tương tư về nàng, một buổi, Đặng Thế Phong quyết định đánh liều viết một lá thơ và lấy can đảm vào cửa tiệm trao cho nàng.
Như duyên tiền định, người thiếu nữ trong mộng của Đặng Thế Phong đã hồi âm và đáp lại tình cảm với ông. Những ngày sau đó, tài tử và giai nhân được sống trong tình yêu đẹp long lanh như cổ tích, duy chỉ có điều nó quá ngắn ngủi.
Đặng Thế Phong đã dẫn nàng về ra mắt gia đình, và gia đình ông cũng hết mực yêu thương cô Tuyết, một người con gái xinh đẹp lại thùy mị nết na, ai cũng mừng thầm và nghĩ chắc đôi lứa sẽ có một kết cục đẹp vào ngày không xa.
Từ tuổi còn chưa vị thành niên, Đặng Thế Phong đã có tài chơi guitar bằng những ngón đàn giàu cảm xúc và giọng hát làm xiêu lòng người. Thế nên trong tình yêu mãnh liệt đầu đời, Đặng Thế Phong đã trút hết tình cảm vào sáng tác ca khúc đầu tay “Đêm thu” vào năm 1940.
Lúc nào không được gặp người trong mộng là tâm hồn chàng lãng tử tài hoa lại gửi vào thơ nhạc, cái mong manh của tình yêu đẹp, và niềm vui thì ít mà cảm giác về nỗi cô đơn luôn ngự trị “Vườn khuya trăng chiếu. Hoa đứng im như mắt buồn… Bóng cô đơn dường thao thức. Mãi trong đêm nặng sầu thương. Hồn vương…”.
Giữa lúc tình yêu còn đang mãnh liệt, nhưng máu lãng tử đã đẩy ông đến quyết định bỏ tất cả để ra đi lang bạt kỳ hồ cho thỏa chí tang bồng cho biết đó biết đây.
Thế nhưng quyết định sang Nam Vang (Campuchia) đã đẩy ông vào cuộc sống khốn khó nơi xứ lạ, không người thân thích lại kham khổ, cộng với nỗi nhớ về người con gái yêu thương trở thành nỗi quay quắt trong lòng.
Chính cái đau khổ giằng xé của ông đã để lại cho người đời bản nhạc bất hủ “Con thuyền không bến”. Sau đó chịu không nổi cảnh sống bơ vơ, đói khổ nơi xứ người, hai chú cháu ông mới tìm đường quay về quê.
Nhưng có lẽ từ những ngày sống cơ cực, ông đã nhuốm phải căn bệnh được xem là nan y thời bấy giờ là lao phổi.
Cũng trong thời gian này, bài hát “Con thuyền không bến” của ông bắt đầu được phổ biến rộng rãi, dễ dàng đi vào lòng người bởi những lời lẽ duyên dáng, tha thiết.
Nhân vật chính ẩn hiện trong bức tranh được viết thành lời ấy là nàng Tuyết đã cực kỳ hạnh phúc, vui sướng khi được ngồi cạnh Đặng Thế Phong trong buổi công diễn bản nhạc này tại Nhà hát lớn Hà Nội. Kể từ sau khi bản nhạc được công diễn ở sân khấu uy tín nhất thời ấy thì danh tiếng của ông cũng trở nên sáng chói.
Nhưng y học thời ấy còn bất lực trước những căn bệnh hiểm nghèo, nên bệnh lao phổi của Đặng Thế Phong ngày càng trầm trọng. Ở cái tuổi mới ngoài 20, con đường sáng tác lại đang rực rỡ, thế nhưng ông phải rời bỏ cuộc sống tươi đẹp khi vào dưỡng bệnh ở trại hoa Ngọc Hà.
Dù căn bệnh thời ấy bị người đời xa lánh, nhưng người yêu của ông đã tận tụy theo ông để chăm sóc. Trong những ngày dù khát vọng sống của ông mãnh liệt nhưng không thể chống lại căn bệnh ngặt nghèo, nên tinh thần ông xuống dốc một cách trầm trọng.
Thế rồi trong một ngày mùa thu, mưa rơi tầm tã, từng giọt từng giọt rơi như làm lạnh thắt trái tim của Đặng Thế Phong khiến ông chợt gượng dậy viết một mạch bản nhạc mà ông đặt tên là “Vạn cổ sầu” với những lời điệu não nề.
Lời bài hát cũng như sự linh cảm chia cắt với mối tình còn đang son trẻ, nhưng lại sắp đi đến kết cục bi thương. Sau đó những người bạn của ông thấy tên bản nhạc quá bi ai, nên mới đề nghị ông đổi thành “Giọt mưa thu”.
Một thời gian sau, ông lại được đưa về dưỡng bệnh ở phố Hàng Than rồi đến nhà thương Cống Vọng. Nhưng rốt cục bệnh tình của ông không cách nào cứu chữa được, nên gia đình của ông và bà Tuyết đã đưa ông về quê Nam Định để chăm sóc tử tế.
Thời gian ngắn ngủi này bà Tuyết luôn tranh thủ thời gian để bắt xe từ Hà Nội về quê chăm sóc và ở bên cạnh ông. Những ngày cuối đời, dù ở trên giường bệnh nhưng bên cạnh ông luôn có một cây đàn guitar để ông dạo lên bản nhạc yêu thích “Khúc ban chiều” của Frank Schubert.
Cũng vào một ngày thu buồn bã, chàng nhạc sĩ tài hoa đã ra đi khi vừa dạo được vài khúc đàn. Trong tang lễ của Đặng Thế Phong, biết bao người xót xa khi mối tình chung thủy của ông, bà Tuyết là người mặc áo tang tiễn đưa linh cữu…
Nguồn: Phunutoday