Đặng Thế Phong - sống và chết trước khi thời cơ đến (phần 1)
Đặng Thế Phong có hai mảnh đời khác nhau. Cuộc đời của ông khi bố ông còn sống, và cái thời kỳ sau khi bố ông mất độ năm 1935.
Khi bố ông còn sống gia đình của ông được hưởng cuộc sống ổn định, khá giả của một công chức của sở Trước Bạ Nam Định. Gia đình họ Đặng ở nhà số 9 Hàng Đồng là trung tâm thành phố Nam Định. Vì vậy, ông Đặng Hiển Thế, bố của Đặng Thế Phong, cho con mình được học tại các trường uy tín nhất xứ Nam Định là Trường Thành Chung (tức là École primaire superieure franco-indigène de Nam-Dinh) và trường dòng L'École St. Thomas D'Aquin. Khi bố ông mất cuộc đời của ông vào bước ngoặt mới.
Quảng cáo, Học Sinh 5 tháng 5 năm 1939, tr. 18
Nhiều nhạc sĩ Việt nổi tiếng xưa đều bị mồ côi cha sớm giống Đặng Thế Phong bao gồm Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến. Không biết như vậy cũng là nguyên cớ giúp các nhạc sĩ theo nghề xướng ca vô loại, là không bị bố bắt phải học kiếm bằng và lên chức. Với Đặng Thế Phong cũng như Phạm Duy thì tình thế này đã giúp hai người nổi máu giang hồ xách đàn ra đi.
Thời thanh niên của Đặng Thế Phong là rất "thanh niên." Nhà văn Phạm Cao Củng kể rằng nhạc sĩ Phong thích bơi lội và từng đi trẩy Hội Chùa Hương. Phạm Cao Củng kể về lúc hai anh em ngủ trong chùa Ngoài ngắm ánh trăng. Một điều chắc chăn nữa là Đặng Thế Phong là hướng đạo sinh hay đi cắm trại. Trong khoảng thời gian ấy Đặng Thế Phong cũng hay lên Hải Phòng ở với Phạm Cao Củng và làm quen với hai anh em Hoàng Kim Quí và Hoàng Phú (tức hai nhạc sĩ Hoàng Quý và Tô Vũ).
Giống một số nhạc sĩ tiền phong lúc bây giờ như Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn, Đặng Thế Phong học hội họa một thời tại L'École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương). So với các nhạc sĩ được nhắc đến ở trên, Đặng Thế Phong là một người anh, một người đi trước. Có nghĩa là phải cố tìm cách mưu sinh trong thời gian này khi mà tân nhạc chưa có cơ sở để giúp đỡ một người nhạc trẻ kiếm sống bằng con đường nghệ thuật của mình.
"Sáng trong rừng" của Đặng Thế Phong, Học Sinh 22 tháng 6 năm 1939, tr. 7
Các nguồn chính (primary source) về cuộc đời Đặng Thế Phong cũng hiếm, nhưng một giai đoạn của đời ông được chứng minh bằng tư liệu là thời ông làm cho báo Học Sinh ("pour la jeunesse scolaire") do Phạm Cao Củng thành lập. Học sinh là những trang phụ lục của Tiểu Thuyết Nhật Báo dành cho giới trẻ được xuất bản từ 5 tháng 5 1939. Vì cảnh nghèo Đặng Thế Phong phải bỏ dở học hành ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật để kiếm sống. Ông được cái may là được tựa vào một người anh kết nghĩa Phạm Cao Củng và ông cũng đã cho nhạc sĩ này làm cho tờ báo mình.
Tên Đặng Thế Phong xuất hiện trong số báo đầu tiên trong mục quảng cáo "những bài hát của nhạc sỹ trẻ tuổi Đặng Thế Phong đặt ra riêng cho các em nhỏ Học Sinh." Tôi cho lời đó chứng minh rằng Đặng Thế Phong là một người có kinh nghiệm tổ chức và dạy nhạc cho các em hướng đạo sinh, dạy các bài ca Pháp với lời Việt, và đã bắt đầu sáng tác ca khúc cho lứa tuổi ấy.
"Sáng trăng" của Đặng Thế Phong, Học Sinh 24 tháng 8 năm 1939, tr. 8
Ngày 22 tháng 6 1939 bài ca "Sáng trong rừng" của Đặng Thế Phong được đăng trên trang Học Sinh. Bài ca này được "riêng tặng các bạn 'Hương đạo sinh' và Sói con'." Lời ca "Sáng trong rừng" tỏ ra nhiều xúc cảm và đắm mê bởi cảnh đẹp rực rỡ của bình minh - "Tâm hồn ai không say đắm cảnh rừng tuyệt với." Ông soạn một giai điệu có tính vui của hành khúc kèn lệnh, nhưng cũng có nét buồn của điệu rê / D thứ.
Ban Kịch Học Sinh, Học Sinh 23 tháng 11 năm 1939, tr. 14
Bài ca "Sáng trăng" được đăng trên báo Học Sinh ngày 24 tháng 8 1939. Theo nhịp "gai et rythmé" (vui vẻ và nhịp nhàng) Đặng Thế Phong soạn một ca khúc ngắn theo điệu re / D trưởng. Giai điệu này cũng có tính kèn lệnh dễ cho thiếu niên hát. Lời ca của "Sáng trăng" khuyến khích các em hướng đạo sinh vui lên để đỡ buồn nhớ khi cắm trại xa nhà.
Kèm theo các sinh hoạt tòa soạn, báo Học Sinh cũng tổ chức những buổi văn nghệ. Trên trang 13 của số báo ngày 23 tháng 11 1939 có một tấm ảnh với Ban Kịch Học Sinh vừa biểu diễn ở Chợ Phiên Thanh Niên ở Hà Nội hai hôm 18 và 19 tháng 11 1939. Trong tấm ảnh ấy có ba người lớn và bẩy em học sinh. Bên trái là "anh Đặng Thế Phong đứng đầu ban âm nhạc." Còn hai người lớn khác thực hiện dàn cảnh cho ban kịch là "chị Nga" (tức Phạm Thị Trường, vợ của của Phạm Cao Củng) và Vũ Đức Toa (một nhà văn cũng có tên bút Muỗi Sài Gòn). Có bốn người trai trẻ cầm các nhạc cụ như phong cầm, banjo, ghi ta và violon. (Một chi tiết thú vị là người đứng trước chị Nga và cầm cây đàn banjo là Hà Đình Thau sau này được biết đến với tên bút Từ Linh là bạn thân của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Người thiếu nhiên đứng bên cạnh Đặng Thế Phong và cầm kèn phong cầm tên là Hà Đình Kim, chắc là anh của Hà Đình Thau).
Báo Học Sinh không đăng nhiều thông tin về âm nhạc của ban nhạc thiếu niên này biểu diễn. Chỉ có một chi tiết là "hai em Nguyễn Bá Lộ và Hà Đình Thau đã rập ra cùng các bạn hát bài "Quay quanh, quay quanh", hòa với kèn accordéon, rất vui, như dục [giục] hết thẩy các người xem cùng đứng giậy, giắt tay nhau, ca hát và quay tròn..." Bài "Quay quanh" không biết có phải là một tác phẩm của Đặng Thế Phong sáng tác hay là một bài tây đặt lời Việt?
Tấm Cám, truyện của Phạm Cao Củng, tranh của Đặng Thế Phong, Học Sinh 9 tháng 5 năm 1940, tr. 2
Tấm ảnh này chứng tỏ thêm một điều quan trọng là năm đó Đặng Thế Phong là một người nhạc sĩ có đủ trình độ để tổ chức và diễn tập một đội âm nhạc. Ông phải dạy bốn nhạc cụ cho bốn học sinh trẻ. Và trong tấm ảnh ta cũng được gặp một thanh niên đúng 20 tuổi, cao, khỏe, đẹp trai và ăn mặc lịch sự.
Từ 26 tháng 10 báo Học Sinh bắt đầu quảng cáo một bài ca mới của Đặng Thế Phong. "Đêm thu" mới được đăng trên trang Học Sinh ngày 28 tháng 12 1939 trong số báo đặc biệt dành cho "các em gái." Lời ca của bài ca này cũng vẽ cảnh đẹp của thiên nhiên như "Sáng trong rừng." Buổi sáng thì xôn xao đầy hy vọng của một ngày mới, song ban đêm thì lại "im như mắc buồn." Khác với các bài ca hướng đạo sinh ngắn, "Đêm thu" là một bài ca trọn vẹn mà cũng chuyển điệu từ sol / G thứ sang sol / G trưởng. Các nghệ sĩ biểu diễn bài ca này từ xưa đến nay hay hát đoạn điệu thứ theo nhịp chậm rồi hát đoạn trưởng nhanh hơn. Nhưng, thực ra khi ghi bài "Đêm thu" trên trang báo Học Sinh nhạc sĩ đặt ra nhịp "tempo di valse moderato" nghĩa là toàn bài ca nên biểu diễn theo nhịp valse vừa.
Khi đăng trên trang báo, "Đêm thu" đề tên hai tác giả -- "âm nhạc của Đặng Thế Phong" và "lời ca của Hoàng Thái." Hoàng Thái là ai vậy? Vai tháng sau Hoàng Thái cũng viết một bài giới thiệu mục mới của Đặng Thế Phong trên báo đầu năm 1940, như vậy Hoàng Thái là một người làm việc với báo Học Sinh. Trong Hồi Ký, thì Phạm Cao Củng cho rằng Nguyễn Trường Thọ, người chú họ của nhạc sĩ "là người đã đặt lời nhiều bản nhạc Đặng Thế Phong." Hoàng Thái có phải là Nguyễn Trường Thọ? Hay có thể Hoàng Thái chính là Phạm Cao Củng là người viết lời cho bài ca "Gắng lên chùa" mà được in trên trang tờ báo Tin Mới năm 1940.
Trong quyển Hồi ký một đời người (1993), Phạm Cao Lũy đã trích dẫn những lời kể của Nguyễn Trường Thọ về thời gian đó. Ông Thọ nói rằng lời ca của "Con thuyền không bến" được viết khi hai chú cháu ở chung trong một nhà tranh tại trại hàng hoa Ngoc Hà.'' Ông Thọ hồi tưởng rằng ông viết những lời này do một "tình cảm nặng nề" của một mối tình đầu. Nguyễn Trường Thọ cũng cho rằng lời ca của bài "Vạn cổ sầu" (được phổ biến với tên "Giọt mưa thu") là của Đặng Thế Phong loạn lời với ông Thọ góp ý một ít.
Công việc chính của Đặng Thế Phong ở báo Học Sinh sau một thời gian là vẽ tranh minh họa và tranh chuyện ký. Từ tháng 9 1939 các tranh của ông được xuất hiện trên trang báo với nhiều tên bút khác nhau như Phg, Levent (tiếng Pháp là cơn gió - tức phong), thephong, Tổng Phệ, và Khải Phong. Ông làm minh họa cho các tranh chuyện nhiều kỳ như Giặc cờ đen, Tấm Cám, và Cảnh Lâm, hồ sám (một chuyện mạo hiểm như Tarzan). Từ tháng 6 1940 thì nhiều kỳ của các tranh chuyện được ký tên Bình Phong. Không biết đây có phải là Đặng Thế Phong và họa sĩ Tạ Thúc Bình làm chung. Từ 12 tháng 9 1940 thì Tạ Thúc Bình thành người họa sĩ chính của báo Học Sinh và Đặng Thế Phong vẽ tranh ít hơn.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng, một người đồng hương của Đặng Thế Phong, đã kể cho tôi nghe rằng Đặng Thế Phong với Bùi Công Kỳ đã mở ra một "nhà hàng vẽ" ở Nam Định độ năm 1940. Thực ra Đặng Thế Phong phải làm nghệ thuật thương mại như một thợ vẽ tranh. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ông thiếu tài năng hội họa. Học ở trường mỹ thuật thì ông biết luật phối cảnh, biết cách in đá. Làm tranh chuyện ông cũng phải biết phát triển các nhân vật. Nếu chưa phải là xuất sắc thì nghệ thuật vẽ của Đặng Thế Phong phải coi là chuyên nghiệp.
(Còn nữa)
(Nguồn: BBC Tiếng Việt)