Đặng Thế Phong - Con thuyền không bến
Cuộc hành trình theo lối "thỏa chí tang bồng" của Đặng Thế Phong đã ghi khắc tên ông vào trang đầu của lịch sử tân nhạc Việt
Năm 1938, NXB Mai Lĩnh chuyển từ số 7 Hàng Phèn về số 57 Phúc Kiến (nay là Lãn Ông) được ít lâu, tờ Học sinh - tạp chí ra hằng tuần của Mai Lĩnh dành cho thiếu niên học sinh - nhận thêm một họa sĩ vẽ thuê từ Nam Định lên. Người họa sĩ ấy tên là Đặng Thế Phong.
Đến bây giờ, khi tên tuổi Đặng Thế Phong cùng những tình khúc của ông đã vượt qua sự lãng quên của thời gian, ta mới nhắc lại chuyện xưa như bồi hồi nhớ về một ký ức lành mạnh. Còn khi ấy, các ông chủ của Mai Lĩnh chắc chỉ biết đây là một người học dự thính Trường Kỹ nghệ Hà Nội có khả năng vẽ, nên nhận anh chàng với mục đích tạo điều kiện ăn học cho anh. Chắc các ông chủ của Mai Lĩnh không bao giờ nghĩ rằng mình đang nuôi dưỡng một tài năng âm nhạc dị biệt của nền tân nhạc Việt Nam. Vừa học vừa vẽ thuê cho tờ tạp chí, Đặng Thế Phong đã âm thầm tự học nhạc, tự học chơi guitare và mày mò viết ca khúc. Những ca khúc đầu tay của ông như: "Sầm Sơn, trăng sáng, sáng trong rừng…" đã ra đời vào hồi đó.
Đặng Thế Phong sinh vào đầu tiết Thanh Minh năm Mậu Ngọ (1918) tại thành Nam. Ông thông phán Sở trước bạ Đặng Hiển Thế không hiểu sao tự nhiên gắn bó tên mình vào làm tên đệm của cậu con trai thứ ba và đặt tên là Phong. Ngọn gió mà ông có được đã nhanh chóng tuột khỏi tay ông, tuột khỏi căn nhà ấm cúng mà bà Niệm - vợ ông - ngày ngày lam làm vun vén. Học hết năm thứ hai Trường Trung học Saint- Thomas D’Aquin, Đặng Thế Phong mang tuổi 20 của mình lên kinh kỳ cho "thỏa chí tang bồng". Đấy là lối hành trình của những ông tổ họ Trần (họ Đặng từ họ Trần mà ra) làm ra cả một cơ đồ nhà Trần lẫm liệt trong lịch sử. Riêng với Đặng Thế Phong, cuộc hành trình theo lối ấy đã ghi khắc tên ông vào trang đầu của lịch sử tân nhạc Việt.
Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong nhập ngay vào phong trào Hướng Đạo. Bài "Đêm thu" được ông viết vào năm 1940 cho lửa trại học sinh. Lúc ấy, Nguyễn Bính - thi sĩ đồng hương và đồng niên với ông đã rất nổi tiếng với giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn và đã xuất bản 2 tập thơ: "Tâm hồn tôi", "Lỡ bước sang ngang". Dường như hai nghệ sĩ thành Nam đồng niên mang mệnh thiên thượng hỏa này đều giống nhau một cách hành trình nữa. Đó là cuộc hành phương Nam, cũng rất giống cha ông ngày mở cõi. Nhưng nếu như cuộc hành phương Nam của Nguyễn Bính đã đưa chàng thi sĩ của thơ lục bát thế kỷ này đến với cách mạng thì cuộc hành phương Nam của chàng nghệ sĩ của nỗi u uẩn thế kỷ này lênh đênh ở một "Con thuyền không bến". Với những ngẫm nghĩ vụt đến khi bên hồ Lakét (nay là hồ Vị Xuyên) chiều rung tiếng chuông nhà thờ, hay thẫn thờ bên bến đò Quan để ngơ ngác cùng "cánh buồm nâu", "cánh buồm nâu, cánh buồm…", song phải đến khi lang thang tới Nam Vang - xứ sở của Ăng-ko, của Mê Kông, của hồ Tông-lê-sáp rồi lại quay về sông Thương, Đặng Thế Phong mới hoàn chỉnh được giai điệu lênh đênh cùng "Con thuyền không bến" của mình. Có nỗi niềm chi đó như con sông Thương nước chảy đôi dòng mà ông đã có lần cùng gặp với thi sĩ đàn anh đồng hương Vũ Hoàng Chương khi ấy làm việc ở ga Bắc Ninh.
Nghe "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong thật thấm thía buồn. Đấy là nỗi buồn bế tắc thời cuộc khi "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước". Cái bế tắc ấy là mầm mống cho một cao trào cách mạng. Nhưng riêng chàng nghệ sĩ mẫn cảm và can đảm nhận ra cái bế tắc ấy thì lại tiếp tục chìm sâu tới đáy cùng của nỗi u uẩn này. Viết "Con thuyền không bến" vào năm 1941 (cũng năm này, Văn Cao viết "Thiên thai" như một lối giải thoát. Đặng Thế Phong viết "Giọt mưa thu" (đầu tiên lấy tên là "Vạn cổ sầu") năm 1942 (cũng năm này Văn Cao viết "Suối mơ").
Nghe đến "Giọt mưa thu" đã cảm thấy ở sự bế tắc cùng cực này hé lộ một thân phận yểu mệnh. Nhưng cái bế tắc là cái thực ở đời, song không hiểu sao khi nó thấm vào âm nhạc Đặng Thế Phong thì lại da diết một nỗi buồn xa vắng, tinh trong lạ lùng. Một nỗi buồn đẹp như một dáng Kiều. Đấy là một nỗi buồn của khát vọng tự do. Làm gì có bến bờ cho một nỗi buồn rất người như thế?
Ngoài chuyện thời cuộc, Đặng Thế Phong còn buồn hoen vì bệnh lao không cách gì chữa được cứ gặm nhấm dần trong mình. Ông rời Hà Nội, về trút hơi thở cuối cùng tại nhà số 9 phố Hàng Đồng – Nam Định, mùa thu năm Nhâm Ngọ 1942. "Con thuyền không bến" trôi hẳn sang cõi bên kia ở tuổi 24 bên cạnh một dáng Kiều yêu dấu. 24 năm sau, thi sĩ đồng hương đồng niên với ông cũng lại "lỡ bước sang ngang" vào cuối đêm trừ tịch sang năm Bính Ngọ 1966.
Dù Bùi Công Kỳ có đổi tên "Vạn cổ sầu" thành "Giọt mưa thu" vì thương cho mệnh hệ của bạn thì sự ra đi của "Con thuyền không bến" Đặng Thế Phong cũng để lại đời một "Dương thế bao la sầu". Có lẽ vì vậy nên tác giả "Ngậm ngải tìm trầm" vốn đã buồn dịu dàng, trước sự ra đi của Đặng Thế Phong, Thanh Tịnh khóc nức nở: "Đêm Phong vũ khóc hoài thiên cổ lụy - đàn mưa reo thổn thức tiếng ly cầm…".
Thoáng chốc mà đã bao năm qua. Năm nay, nếu hai chàng nghệ sĩ còn trên đời thì đã vào trăm tuổi cùng những tác phẩm của họ. Xuân nay, ai tới thành Nam ăn phở Hàng Đồng ngon nổi tiếng, xin hãy quá bộ ghé thăm căn nhà số 9 cùng phố đứng tưởng niệm trước căn nhà người xưa. Nếu bất thần thấy bát hương hóa thì hãy đọc nốt những câu thơ Thanh Tịnh khóc tài năng âm nhạc độc đáo này:
"Ta về gây lại lửa si mê/ Phong ơi! Sinh chí lai hề!/ Đốt trầm hương triệu Phong về trần gian/ Hồn bay trên những phím đàn/ Tiếng tơ đồng vọng qua ngàn trúc ty".
(Nguồn: http://nld.com.vn)