Đàn tranh sưởi ấm người xa xứ
14 năm gầy dựng Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Mỹ là một chặng đường dài đầy khó nhọc nhưng rất vinh quang đối với bác sĩ Hồng Việt Hải
Những ngày qua, hoạt động của Hội ngộ đàn tranh 2014 (diễn ra từ 30-6 đến 4-7 tại TP HCM) đã để lại dư âm đẹp trong lòng công chúng. Các nghệ sĩ người Việt nhiều nơi trên thế giới đã hội tụ ở quê nhà để cùng cất lên tiếng tơ lòng, hòa điệu trong tình yêu quê hương, đất nước. Ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc hội ngộ lần này phải kể đến các nghệ nhân của Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt đến từ Mỹ.
Chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc của Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt và các
nghệ sĩ đàn tranh các nước tại Mỹ. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Hơn nửa tháng tập dượt cho chương trình biểu diễn tối 30-6 tại Nhạc viện TP HCM là khoảng thời gian quý báu cho các thành viên của Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt học hỏi kinh nghiệm biểu diễn đàn tranh từ các nghệ sĩ ở quê nhà: Huỳnh Khải, Hải Phượng, Võ Vân Ánh, Thu Hiền, Thương Huyền, Châu Minh Tâm, Uyên Trâm, Thanh Thủy… Tám nghệ sĩ của đoàn đã cùng các ban nhạc biểu diễn thật sinh động các tác phẩm: Xàng xê, Sương chiều, Let It Go (đàn tranh và piano), Trống cơm, Nam xuân, Mưa, Cửu khúc Nam Giang, Thoáng quê hương, Bụi đường vó ngựa, Huyền thoại mẹ, Xuân tình chấn, Tứ quý, Ngũ đối thượng, Hò hụi Huế… được khán giả đón nhận bằng thái độ trân quý.
Người dẫn đầu của Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt có tấm lòng yêu quý âm nhạc dân tộc là bác sĩ Hồng Việt Hải, sang Mỹ định cư cùng gia đình từ năm 1992. Ông mê đàn tranh từ năm 10 tuổi và mải miết học cho đến khi qua xứ người. Bên cạnh việc phát triển nghề đông y, trở thành chuyên gia châm cứu có tiếng tại Mỹ, ông xem đàn tranh là bạn đồng hành, san sẻ những niềm vui và thực hiện hoài bão gìn giữ âm nhạc truyền thống Việt Nam trên đất khách.
14 năm gầy dựng Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại tiểu bang Washington là một chặng đường dài đầy khó nhọc nhưng rất vinh quang đối với ông.
“Ở xứ người, điều lo đầu tiên khi gầy dựng phong trào chơi nhạc cụ dân tộc chính là không thu hút được giới trẻ. Họ chịu ảnh hưởng mạnh nhạc pop, phim ảnh và nhiều môn giải trí khác của Mỹ nên việc tìm đến xem văn nghệ dân tộc, nghe hòa tấu đàn tranh với những bài bản cải lương, dân ca của 3 miền thì quả là khó. Thế nhưng, người Việt ta ở bất cứ nơi nào cũng giữ được đạo lý thờ cha kính mẹ nên khi cha mẹ mê đàn tranh, con cái lo đưa đón đi học, đi diễn, nghe rồi mê theo. Được tiếp xúc với đàn tranh, tiếng cội nguồn trong mỗi trái tim trẻ mách bảo, các em gắn kết với âm nhạc dân tộc lúc nào không hay. Cứ thế 14 năm qua, chúng tôi có hàng trăm gia đình người Việt, từ thế hệ ông bà, cha mẹ đến con cháu đều gắn bó với hoạt động của đoàn” - bác sĩ Hồng Việt Hải cho biết.
Trong chuyến về thăm quê và tham gia biểu diễn lần này của đoàn có Thủy Tiên - cô bé sinh ra tại Mỹ, nói tiếng Việt không rành. “Nhờ học đàn tranh mà đến nay, Thủy Tiên đã nghe được và nói bập bẹ tiếng Việt, điều mà trước đó cô bé không dám nghĩ mình sẽ làm được” - bác sĩ Việt Hải cho biết.
Không chỉ mở các lớp đào tạo thế hệ trẻ đàn tranh, qua 14 năm, Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt còn thu hút các thành viên là người nước ngoài. Chị Etsuko Hương, người Nhật sinh sống tại Mỹ, học tiếng Việt và đàn tranh, nay đã là giáo viên dạy đàn tranh của đoàn.
Năm 2007, Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt được chính phủ Mỹ cấp học bổng cho sinh viên của mình và công nhận đoàn là một tổ chức phi lợi nhuận, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng tại nước Mỹ.
Nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và người Việt ở ngoài nước động viên, khích lệ đoàn. Ở Việt Nam, có Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Hải Phượng, thầy Nguyễn Văn Đời; ở Pháp có giáo sư Phương Oanh, Kim Uyên… đã động viên, gửi giáo trình, giáo án và cả việc tặng đàn tranh để đoàn truyền dạy cho giới trẻ.
Sau Hội ngộ đàn tranh 2014, trở về Mỹ, Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt lại tiếp tục cuộc hành trình truyền lửa đam mê đàn tranh đến với thế hệ trẻ người Việt tại Mỹ, một công việc khó nhọc nhưng thật vinh quang như lời của bác sĩ Hồng Việt Hải tâm sự.
(Nguồn: http://nld.com.vn)