Dàn nhạc giao hưởng VN: Đêm nhạc 25&26-6-2014
Thời gian: 20h00 tại Nhà hát lớn Hà Nội
Nhạc trưởng: Andrea Pestalozza
Chương trình:
Alexander Scriabin: Reverie E-major op.24
(Lần đầu biểu diễn tại Vietnam)
Richard Wagner: Prelude và Liebestod từ opera “Tristan und Isolde”
Johannes Brahms: Symphony no.2 D-major op.73
GIỚI THIỆU NGHỆ SĨ
Andrea Pestalozza sinh tại Milan. Sau một thời gian là nghệ sỹ piano và nghệ sỹ chơi nhạc cụ gõ, ông bắt đầu sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc Ensemble Orfeo do chính mình thành lập và biểu diễn lần đầu tiên tại Italia các tác phẩm của Takemitsu và Hosokawa. Sau đó, ông được Berio mời chỉ huy các chương trình thu âm của Mahler và chương trình biểu diễn âm nhạc của Schubert cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp trong khuôn khổ Festival Presence tại Pháp.
Ông chỉ huy các tác phẩm của Bach và các thể loại âm nhạc đương đại mà ông đam mê nghiên cứu. Năm 1990, ông gặp György Kurtág lần đầu tiên và György Kurtág đã có ảnh hưởng quyết định đến phương pháp tiếp cận nghệ thuật biểu diễn của mình. Sau khi biểu diễn tác phẩm Messages of the Late R.V. Troussova tại Pari, Genova và Turin cùng Dàn nhạc Itineraire trước sự chứng kiến của tác giả Kurtág, ông đã được Kurtág mời chỉ huy Dàn nhạc thính phòng UMZE và Dàn nhạc giao hưởng Đài tiếng nói Berlin - Rundfunk-Sinfonieorchester tại Budapest. Lần đầu tiên tại Italia, ông đã thể hiện tác phẩm Morte di Borromini của Salvatore Sciarrino và La Gondole sur la lagune của Hugues Dufourt.
Là một chỉ huy dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm của Toshio Hosokawa, ông đã chỉ huy lần đầu tác phẩm Voyage V của tác giả tại Biennale di Venezia và sau đó tiếp tục chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng đài tiếng nói Đức thực hiện chương trình biểu diễn mang tính chuyên khảo tưởng niệm Toshio Hosokawa. Tác phẩm Metamorphosis là một trong những tiết mục biểu diễn do nghệ sỹ solo Eduard Brunner thực hiện.
Năm 2008, nhân dịp chương trình hoà nhạc tại Đức, ông đã thực hiện chương trình thu âm đầu tiên trên toàn thế giới cho tác phẩm Deva et Asura của Claude Vivier. Năm 2009, ông chỉ huy chương trình biểu diễn tác phẩm Voiceless Voice in Hiroshima của Hosokawa tại Italia cùng với Dàn hợp xướng Hiroshima và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia RAI.
Ông cũng đã chỉ huy các chương trình hoà nhạc tại các học viện danh tiếng ở Pari (Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp), Berlin (Dàn nhạc Festwochen và Konzerthaus), Budapest, Nice (Teatro dell'Opera), Lisboa (Teatro Sao Carlos), Moscow, Leningrado, Krasnoyarsk, Thessaloniki, Milan (Teatro alla Scala, Orchestra RAI, Pomeriggi Musicali), Florenz (Maggio Musicale, Orchestra Regionale Toscana), Venice (Teatro La Fenice, La Biennale), Palermo (Dàn nhạc Sinfonica Siciliana), Bologna (Bologna Festival), Rome (Nuova Consonanza, Filarmonica Romana, Dàn nhạc Lazio), Turin (Dàn nhạc quốc gia Rai, Unione Musicale, De Sono), Ferrara (Ensemble Oriol), vv...
Năm 2010, ông chỉ huy dàn nhạc Oslo Sinfonietta tại Oslo và chỉ huy tác phẩm Cassandre của Jarrell cùng với Fanny Ardant tại Milan.
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM
Alexander Nikolayevich Scriabin (sinh ngày 06 tháng 1 năm 1872 – mất ngày 27 tháng 4 1915), là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm người Nga. Ông là nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng trong thời kỳ chuyển giao giữa âm nhạc Lãng mạn và Hiện đại. Tác phẩm đầu tay của Scriabin mang những đặc trưng của ngôn ngữ âm nhạc trữ tình, chịu ảnh hưởng bởi phong cách âm nhạc của Frédéric Chopin. Sau này trong sự nghiệp của mình, Scriabin phát triển một hệ thống âm nhạc với nhiều âm thanh đối nghịch nhau hơn và chủ yếu là không theo điệu thức hay thang âm nào, hệ thống âm nhạc này được gắn với dấu ấn cá nhân của ông về chủ nghĩa thần bí. Ông được một số người coi là nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ biểu tượng nước Nga (chủ nghĩa biểu tượng Nga là phòng trào trí thức và nghệ sĩ phát triển mạnh vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20). Scriabin là một trong những nhà soạn nhạc sáng tạo nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong số các nhà soạn nhạc đầu thời kỳ âm nhạc hiện đại. Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô đã nói về Scriabin : “không có nhạc sĩ nào nhận được nhiều sự khinh miệt hơn và cũng không có nhạc sĩ nào được ban tặng nhiều tình cảm yêu mến hơn Scriabin” Leo Tolstoy từng miêu tả âm nhạc của Scriabin là “biểu hiện thực sự của một thiên tài”. Scriabin đã có nhiều ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới vượt thời gian, và cũng có nhiều ảnh hưởng đến các nhà soạn nhạc như Roy Agnew, Nikolai Roslavets, Sergei Prokofiev và Igor Stravinsky.
Reverie E-major op.24
Reverie, Op . 24 là tác phẩm viết cho dàn nhạc được Alexander Scriabin sáng tác vào năm 1898. Scriabin, một người nghệ sĩ dương cầm, trước đây chưa bao giờ sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng, ngoại trừ một vài tác phẩm chưa được công bố. Tuy nhiên , ông đã độc lập và hoàn toàn bí mật khi sáng tác bản giao hưởng này. Tháng 11 năm 1898 , khi Scriabin đến Saint Petersburg , ông đã mang tặng một món quà cho người bảo trợ của ông và nhà xuất bản MP Belaïeff . Món quà đó là một bản tổng phổ hoàn chỉnh của tác phẩm mang tên Prélude.
Một hôm, người bạn của ông là Nikolay Rimsky-Korsakov đã đến thăm ông và chơi bản nhạc trên cây đàn piano . Ông cho rằng đây là bản nhạc khá thú vị về phong cách hòa âm và phối khí. Vì Belaïeff nghĩ rằng tên tiêu đề bằng tiếng Pháp là Prélude không phù hợp với một tác phẩm viết cho dàn nhạc, ông và Scriabin đã quyết định đổi tên nó thành Rêverie . Sau khi nghe các buổi diễn tập, Scriabin đã viết: "Hãy tưởng tượng niềm vui của tôi, âm thanh của bản nhạc rất tuyệt. Tại buổi diễn tập ngày 1 tháng 12, Korsakov đã chơi tác phẩm thật tuyệt . Ông đã xem từng phân phổ và dành cả một giờ đồng hồ để tập tác phẩm...." Tác phẩm được ra mắt công chúng vào ngày 05 tháng 12 năm 1898 tại Saint Petersburg và được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Sau này , Scriabin biểu diễn tác phẩm với cây đàn piano.
Richard Wagner
Wilhelm Richard Wagner (sinh ngày 22/5/1831 tại Leipzig-Đức; mất ngày 13/2/1883 tại Venice-Italy) là nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà lý luận âm nhạc nổi tiếng người Đức. Sự nghiệp âm nhạc của ông nổi bật nhất là 13 vở nhạc kịch đồ sộ. Khác với các nhà viết nhạc kịch khác, ông tự viết kịch bản và lời thoại cho các vở nhạc kịch của mình. Wagner có vai trò to lớn trong việc tạo lên sự thay đổi trong âm nhạc, thay đổi tận gốc rễ cả về nghệ thuật và tư tưởng trong âm nhạc. Ông là người tiên phong trong sự cách tân ngôn ngữ âm nhạc, thậm trí đã đụng chạm tới âm nhạc chromaticism (sử dụng nhiều các bậc cromatic trên các hợp âm phụ, tạo sức hút lớn cho sự chuyển điệu) và atonality (vô điệu tính) là những nhân tố gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển Châu Âu.
Prelude and Liebestod from Opera “Tristan und Isolde”
Vở nhạc kịch Tristan and Isolde được viết vào những năm 1857-1859 và được công diễn lần đầu tiên tại Munich ngày 10/6/1865 dưới sự chỉ huy của Hans von Bülow. Vở nhạc kịch nổi bật đáng chú ý về sự cách tân của Wagner trong việc sử dụng chromaticism (sử dụng nhiều các bậc cromatic trên các hợp âm phụ, tạo sức hút lớn cho sự chuyển điệu), màu sắc phối khí và hệ thống hòa thanh. Vở nhạc kịch đã có ảnh hưởng sâu sắc tới những nhạc sỹ cổ điển phương Tây, trong đó có: Gustav Mahler, Richard Strauss, Alban Berg và Arnold Schoenberg, họ có được rất nhiều cảm hứng từ tác phẩm này. Nhiều điều cho thấy vở nhạc kịch đã đánh dấu một sự chuyển đổi phong cách viết từ âm nhạc điệu tính hài hòa cân đối sang một phong cách mới, hướng đạo cho âm nhạc cổ điển tới xu hướng âm nhạc vô điệu tính của thế kỷ 20.
Johannes Brahms (1833 – 1897) là nhà soạn nhạc người Đức và là một nghệ sỹ dương cầm. Ông là một trong những nghệ sỹ tiêu biểu của giai đoạn âm nhạc lãng mạn. Sinh ra tại Hamburg nhưng Brahms lại dành nhiều thời gian cho sự nghiệp tại thủ đô Viên, nước Áo. Theo như lời nhân xét của chỉ huy dàn nhạc thế kỷ 19 Hans von Bülow, tên tuổi cũng như tầm ảnh hưởng của ông trong làng âm nhạc là rất lớn. Brahms được xem như một nhà soạn nhạc truyền thống, đồng thời cũng là một nhà soạn nhạc cách tân. Âm nhạc của ông có cấu trúc và kỹ thuật sáng tác bắt nguồn từ các bậc thầy nhạc Ba – rốc và nhạc cổ điển mang vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn. Là nghệ sỹ piano bậc thầy, ông đã công diễn nhiều tác phẩm của chính mình và cũng đã hợp tác với nhiều nghệ sỹ biểu diễn hàng đầu, trong đó có nghệ sỹ piano Clara Schumann và nghệ sỹ Joseph Joachim. Brahms viết các tác phẩm cho piano, nhạc thính phòng, thanh nhạc và hợp xướng.
Symphony no.2 D-major op.73
Bản giao hưởng số 2 cung Rê giáng trưởng được nhà soạn nhạc Johannes Brahms sáng tác vào mùa hè năm 1877 trong chuyến thăm Pörtschach am Wörthersee, một thị trấn ở tỉnh Carinthia nước Áo . Thời gian hoàn thành bản giao hưởng này là rất ngắn so với khoảng thời gian 15 năm Brahams đã dành để viết bản giao hưởng đầu tiên của mình. Với giai điệu vui nhộn và và mang âm hưởng đồng quê, bản giao hưởng này thường khiến người ta liên tưởng tới bản giao hưởng số 6 của Beethoven, nhưng có lẽ Brahms đã rất hài hước khi viết cho nhà xuất bản của mình vào ngày 22 Tháng 11 năm 1877 rằng: “Bản giao hưởng quá u sầu tới mức bạn sẽ không thể chịu đựng được. Tôi chưa bao giờ viết bất cứ tác phẩm nào buồn đến vậy, và bản nhạc chắc hẳn phải thoát ra từ đám tang."
Bản giao hưởng này đã được dàn nhạc giao hưởng Vienna biểu diễn ra mắt tại Vienna - Ý vào ngày 30/12/1877 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hans Richter. Walter Frisch đã viết rằng ban đầu buổi ra mắt được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 09 tháng 12, nhưng ở một trong những trớ trêu nho nhỏ của lịch sử âm nhạc, buổi ra mắt đã phải trì hoãn vì các nhạc công đã rất bận rộn với việc học vở opera Das Rheingold của Richard Wagner. Một buổi biểu diễn điển hình kéo dài từ 40 và 50 phút. Trong bản giao hưởng số 2, Brahms đã giữ gìn các nguyên tắc về cấu trúc của bản giao hưởng cổ điển.
Giá vé: S-500.000; A-350.000; B-200.000
Sinh viên: 100.000 (Khi nhận vé xuất trình thẻ sinh viên)
Vé bán tại:
Nhà hát lớn Hà Nội, 01 Tràng Tiền, Hà Nội
20 Núi Trúc, Hà Nội. - Tel: 04. 3944 9510
- Shop P, 8 Nhà Trung - Tel: 0168 514 4746
Giao vé miễn phí: 091 348 9858 - 098 306 7996