Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam: Chương trình hòa nhạc đặc biệt II

08/05/2017

Chương trình hòa nhạc đặc biệt II của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam được tổ chức tại Nhà hát Lớn vào 20h 12-5-2017.

Chương trình

Mussorgsky: Những bức tranh trong phòng triển lãm

Glinca: Ouverture trong vở Ruslan và Ludmila

Rachmaninov: Rhapsody on a Theme of Paganini

 

Thông tin nghệ sĩ

Nguyễn Thế Vinh - Piano

 

Nguyễn Thế Vinh sinh năm 2000, bắt đầu học chuyên ngành Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự dìu dắt của nghệ sĩ dương cầm, Tiến sĩ Nguyễn Trinh Hương.

Năm 2010, em dự cuộc thi Asia International Piano Academy Festival and Competition và giành được huy chương Vàng. Năm 2012 cũng là năm em gặt hái được nhiều thành công với giải Nhì và giải Người chơi nhạc cổ điển hay nhất tại Cuộc thi Piano Quốc tế Lần thứ Hai tại Hà Nội; giải Nhì Concerto Category Bảng A trong Cuộc thi Piano ASEAN Quốc tế lần thứ năm tại Malaysia.

Năm 2014, Nguyễn Thế Vinh đoạt giải Nhì trong Cuộc thi Tài năng Trẻ Steinway Việt Nam. Tháng 8/2014, em được lựa chọn tham gia chương trình “The No.1 Steinway Historical Roadshow” tại Thành phố Hồ Chí Minh – Nhân dịp kỉ niệm 161 năm thành lập của thương hiệu Steinway.

Tháng 5/2015, em tham gia biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại Phòng hòa nhạc Lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Mỹ Clay Couturiaux. Đặc biệt, Vinh vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử làm đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự liên hoan âm nhạc Thiếu nhi Quốc tế “Âm điệu của các thế hệ” Lần thứ 3 tổ chức tại phòng Goerge thuộc điện Kremlin cùng với dàn nhạc của Tổng thống Liên Bang Nga vào ngày 31/5/2015. Vinh còn là khách mời danh dự, biểu diễn trong đêm khai mạc “Pyeongchang Special Music Festival” lần thứ 3 tại Hàn Quốc, và tham dự Festival Nhật Bản - Việt Nam lần thứ 2 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11/2015 và tại Hà Nội vào tháng 7/2016.

Nguyễn Thế Vinh còn được mời biểu diễn trong đêm nhạc “Chào năm mới 2016” do Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiêu đãi đại sứ các nước tại Việt Nam, được mời biểu diễntại Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (2016). Tháng 4/2016, Vinh đoạt Giải Nhất tại Cuộc thi Tài năng Trẻ Steinway lần thứ 3 tại Việt Nam và đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết Châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia vào tháng 7/2016.

Nguyễn Thế Vinh tham gia nhiều đêm nhạc gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo, đồng bào bị lũ lụt, hạn hán… trên khắp cả nước. Các năm gần đây, Nguyễn Thế Vinh tham gia nhiều đêm diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện em đang theo học Piano lớp TH 8/9 (TC 3) tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh.

Em luôn là học sinh giỏi và được trao học bổng cấp Nhà nước và Học bổng TOYOTA dành cho các tài năng âm nhạc trẻ.

 

Honna Tetsuji - nhạc trưởng

 

Honna Tetsuji học với Giáo sư C. A. Buente Yamada Kazuo và Inoue Michiyoshi; và theo học tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw (1989 - 1991) và tại London Sifonietta (1995 - 1996). Honna được bổ nhiệm làm chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995-2001) và là chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1998-2001). Ông được DNGHVN mời làm Cố vấn Âm nhạc và Chỉ huy dàn nhạc (2001-2009). Ông trở thành Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam kể từ năm 2009.

Các giải thưởng của ông bao gồm:

Giải Nhì tại cuộc thi chỉ huy Quốc tế Tokyo (1985), Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Arturo Toscanini - Italia (1990), Giải Nhất và giải Bartok tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải Fresh Arrtist của giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel Music (1995), Giải Khuyến khích của Sân khấu Nghệ thuật Osaka sau khi chỉ huy tất cả các bản giao hưởng của Franz Schubert (1997), Giải thưởng của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (2009), Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2011), Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Năm 2001, Honna đã chỉ huy trong chuyến lưu diễn TOYOTA CLASSIC qua 8 quốc gia Châu Á, bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Phillipines, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei với Dàn nhạc Nagoya Philharmonic.

Honna đã từng chỉ huy trong nhiều dàn nhạc, bao gồm: Dàn nhạc Philharmonic della Scala tại Milano, Dàn nhạc Sinfanica dell Emillia Romagna “Arturo Tócanini”  Dàn nhạc Mozarteum Orrchestra Salzburg Filharmonia London, Dàn nhạc Giao hưởng Radio Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Prague Radio, Dàn nhạc Slovenian Philharmonic, Dàn nhạc Romanian Radio, Dàn nhạc Dàn nhạc Malaysia, Dàn nhạc Thượng Hải, Dàn nhạc Giao hưởng Thẩm Quyến, Dàn nhạc Phillipines Philharmonic  và hầu hết các dàn nhạc tại Nhật Bản.

Honna được mời chỉ huy trong nhiều liên hoan Quốc tế, bao gồm: Carinthischer Sommer tại Áo, the Salzburg Spring Festival,the Bartók Festival tại Hungary, Mostly Mozart Festival tại Tokyo, Liên hoan Mùa thu tại Seoul, Asian Music Festival Tokyo, Oulunsalo Music Festival tại Phần -lan, Suntory Summer Festival, Ditto Festival tại Seoul, Karuizawa International Music Festival “La Folle Journee au Japon” và “Milano Musica”, Liên hoan âm nhạc Đương đại tại Teatro alla Scala,…

Ông cũng từng làm việc với nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới, bao gồm: Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprian Cacaris, Peter Resel, Dang Thai Son, Philippe Entremont, Cecil Licad, Reiner Honek, Christian Tezlaff, Igor Oistrach, Maximillian Hornung, Dieter Fluri, Stefan Shilli, Alessandro Carbonare, Wolfgang Tomböck và Premysl Vojita.

Trong lĩnh vực opera, ông cũng từng chỉ huy trong nhiều vở opera của Mozart, các vở opera hiện đại như:  “Chung Hyang” của Takagi Toroku và “Orpheo of Hiroshima” của Akutagawa Yasushi, “Momo” của Ichiyanagi Toshi và “Satyricon” của Bruno Madera. Tại Vietnam, Honna chỉ huy trong nhiều vở opera, bao gồm: Opera “Cô Sao” của Đỗ Nhuận và Opera “Lá Đỏ” (Công diễn thế giới lần đầu tiên) của Đỗ Hồng Quân,”Yuzuru” của Dan Ikuma,”Bamboo Princess” của Numajiri Ryusuke, Ballet  ”Firebird” của I.Stravinsky và Ballet ”Spider’s Thread” của Akutagawa Yasushi với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Ông đã thu âm nhiều CD với Dàn nhạc Nhật Bản Philharmonic, Dàn nhạc Nhật Bản New Philharmonic, Dàn nhạc Metropolitan, Dàn nhạc La Tempesta Chamber (Phần- lan), Dàn nhac Nipponica và Slovenian Philharmonic.

 

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN) được tách ra từ Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) năm 1984. Sau chặng đường dài hình thành và phát triển, DNGHVN từng bước đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, dàn nhạc đã nâng cao được chất lượng nghệ thuật biểu diễn, không chỉ được khán giả, giới báo chí, giới phê bình âm nhạc và đồng nghiệp ở Việt Nam đón nhận và đánh giá cao mà còn được ghi nhận tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các chuyến lưu diễn trong nước và nước ngoài.

Dàn nhạc biểu diễn khoảng 60 buổi hoà nhạc một năm, với vốn tiết mục đa dạng phong phú từ các tác phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn đến các tác phẩm hiện đại của các nhạc sĩ Việt Nam và quốc tế, xây dựng và biểu diễn các chùm tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới như Mahler Cycle, Beethoven Cycle, Mozart Cycle, Brahms Cycle, R. Strauss Cycle, Schubert Cycle, Bruckner Cycle,.. dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng quốc tế lừng danh như Honna Tetsuji, Jonas Alber, Colin Metters, Olivier Ochanine,.. và các nghệ sĩ độc tấu trứ danh như Imai Nobuko, Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Stefan Schilli, Alan Zavod, Yoshino Naoko, Yamashita Yosuke, vv.  Bên cạnh nhiệm vụ biểu diễn chính, DNGHVN còn vinh dự được thực hiện nhiều chương trình hòa nhạc nằm trong các sự kiện chính trị của Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhà nước giao cho. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng phối hợp với nhiều công ty, đơn vị tổ chức các chương trình hòa nhạc thường niên, như Toyota Việt Nam, Goethe Institut, L’Espace, JVCA, Acecook Việt Nam,.

Các hoạt động tiêu biểu gần đây của DNGHVN bao gồm: Chuyến lưu diễn đầu tiên tới Hoa Kỳ biểu diễn tại Phòng hòa nhạc New York Carnegie Hall và Phòng hòa nhạc Boston Symphony Hall (2011); Hòa nhạc Toyota xuyên Việt hàng năm; Hòa nhạc Toyota 2012 Việt Nam - Lào - Campuchia; Chuyến lưu diễn tại Italia, xuyên qua các thành phố: Venice, Florence và Rome, và đặc biệt được mời biểu diễn trong Phủ Tổng Thống Italia (7/2013); Chuyến lưu diễn xuyên Nhật Bản qua các thành phố Yokohama, Koriyama, Osaka, Nagoya, Tokyo, Nara, đặc biệt có sự tham dự của Thái tử Nhật Bản và phu nhân Thủ tướng Shinzo Abe (9/2013); Chuyến lưu diễn đầu tiên tới Liên bang Nga tại Phòng hòa nhạc lớn Học viện Tchaikovsky của thành phố Mat-xcơ-va và Phòng hòa nhạc lớn St. Petersburg Phiharmonia thành phố St. Petersburg (9/2014); các chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của dân tộc năm 2015 như: Giao hưởng khải hoàn (Tháng 7/2015 - tại Tp Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), Giai điệu mùa thu (Tháng 8/2015 - tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)…

 

Thông tin tác giả - tác phẩm

 

Modest Petrovich Mussorgsky (1839–1881) là nhà soạn nhạc người Nga và là một thành viên của nhóm “The Five” nổi tiếng. Ông là nhà cách tân nền âm nhạc nước Nga thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông đã lao động nghệ thuật hết mình để tạo nên bản sắc âm nhạc độc đáo của Nga trong sự thận trọng không tuân theo các quy chuẩn được đặt ra của âm nhạc phương Tây. Nhiều tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ những câu chuyện, văn học dân gian Nga, và những chủ đề yêu nước khác – đó là các tác phẩm: opera “Boris Godunov”, thơ giao hưởng “Đêm trên núi trọc” và tổ khúc piano “Những bức tranh trong phòng triển lãm”. Nhiều năm qua, các tác phẩm của Mussorgsky chủ yếu được biết đến với những phiên bản được sửa lại hoặc hoàn thiện bởi các nhà soạn nhạc khác.

Tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” (”Pictures at an Exhibition”) bao gồm 10 khúc nhạc của nhà soạn nhạc người Nga Modest Mussorgsky lấy cảm hứng từ lần đến thăm một cuộc triển lãm nghệ thuật. Mỗi một khúc nhạc thể hiện một bức vẽ hay một tác phẩm nghệ thuật trong phòng trưng bày. Mặc dù ban đầu viết cho solo piano năm 1874, “Những bức tranh trong phòng triển lãm” trở nên nổi tiếng hơn với hình thức viết cho dàn nhạc, đặc biệt là khi nó được nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel chuyển soạn năm 1922. Mussorgsky đã soạn tổ khúc này như để tưởng nhớ đến người bạn của ông – họa sĩ người Nga Viktor Hartmann – người đã mất năm 1873 ở tuổi 39. Không lâu sau khi người bạn họa sĩ qua đời, nhà soạn nhạc đã đến thăm cuộc triển lãm nhìn lại quá khứ - trưng bày những bức phác họa, thiết kế sân khấu và nghiên cứu kiến trúc của Hartmann và ông nhận thấy cần phải ghi lại những cảm nhận  bằng âm nhạc. Đầu hè năm 1874, Mussorgsky đã hoàn thành tác phẩm này.

 

Mikhail Ivanovich Glinka (1804–1857) là nhà soạn nhạc người Nga đầu tiên được công nhận rộng rãi trong nước, và thường được coi là người sáng lập nền âm nhạc cổ điển Nga. Tác phẩm của Glinka có ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ soạn nhạc Nga sau đó, đặc biệt là các thành viên của nhóm The Five, những người đã làm theo sự dẫn dắt của Glinka và tạo ra một phong cách đặc biệt cho âm nhạc Nga.

Glinka là người mở đầu một xu hướng mới trong sự phát triển của âm nhạc ở Nga. Văn hóa âm nhạc Nga đến từ châu Âu, và đặc biệt âm nhạc Nga xuất hiện lần đầu tiên trong những vở opera của Mikhail dựa trên văn hóa âm nhạc châu Âu. Người đầu tiên chú ý tới xu hướng âm nhạc mới này là Alexander Serov. Sau đó Glinka đã nhận được sự ủng hộ từ một người bạn của ông, Vladimir Stasov, người đã trở thành nhà lý luận của xu hướng âm nhạc này. Xu hướng này đã được phát triển bởi những nhà soạn nhạc còn lại trong nhóm các nhà soạn nhạc mang tên The Five.

Khúc mở màn vở opera “Ruslan Ludmila

Ruslan và Ludmila là vở opera gồm 5 màn được Mikhail Glinka sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1837 đến năm1842. Tác phẩm dựa trên bài thơ cùng tên viết năm 1820 của nhà thơ Aleksandr Pushkin. Lời nhạc kịch bằng tiếng Nga được viết bởi các tác giả Valerian Shirkov, Nestor Kukolnik, N.A.Markevich và một số người khác. Cái chết đột ngột trong cuộc đấu tay đôi nổi tiếng đã khiến Pushkin không kịp viết lời nhạc kịch theo như dự kiến. Buổi ra mắt tác phẩm diễn ra tại St Petersburg vào ngày 27 tháng 11 năm1842 tại Nhà hát Bolshoy. Bốn năm sau đó, năm 1846, vở opera đã được trình diễn lần đầu tiên ở Moscow tại Nhà hát Bolshoy.

 

Sergei Rachmaninov (1873–1943) là một nhà soạn nhạc có nhiều thành công lớn. Rachmaninov nổi danh là một trong những nghệ sĩ piano tài hoa nhất thời đại ông và được mọi người biết đến như một trong những đại diện lớn nhất của Chủ nghĩa Lãng mạn trong làng âm nhạc cổ điển Nga. Những ảnh hưởng đầu tiên của TchaikovskyRimsky-Korsakov và những nhà soạn nhạc khác đã tạo cho ông lối viết hoàn toàn mang tính cá nhân, trong đó biểu lộ giọng thơ trữ tình rõ rệt, sự phóng khoáng đến ấn tượng, sự khéo léo trong kết cấu và âm sắc phong phú. Giai điệu piano tập trung làm nổi bật trong các tác phẩm của Rachmaninov. Ông coi việc biểu diễn là cần thiết để khám phá tất cả các khả năng biểu cảm của cây dương cầm. Ngay cả trong các tác phẩm đầu tay của ông cũng đã bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc trong việc viết nhạc cho piano và năng khiếu nổi bật về sáng tác giai điệu.

Rhapsody on a Theme of Paganini Op. 43 là một trong những sáng tác giai đoạn sau trong sự nghiệp sáng tác của Rachmaninov. Tác phẩm được hoàn thành vào mùa hè năm 1934 tại căn biệt thự của nhà soạn nhạc ở Thụy Sĩ. Hai tuần sau khi bản rhapsody này được hoàn thành, Rachmaninov đã viết cho một người bạn của ông: “… Tôi vừa viết song một bản nhạc mới. Nó rất dài, khoảng 20 đến 25 phút – tương đương với độ dài của một bản piano concerto … tác phẩm này rất phức tạp và tôi nên bắt tay luyện tập nó, nhưng mỗi năm qua đi, tôi lại trở nên lười biếng hơn với loại nhạc phẩm chơi bằng ngón tay như thế này…”.

Thực ra, Rachmaninov đã viết tác phẩm này cho chuyến lưu diễn hòa nhạc của ông tại Mỹ. Công diễn lần đầu ngày 7/11/1934 tại Baltimore, Rhapsody on a Theme of Paganini đã gặt hái được thành công vô cùng lớn dẫu cho chính tác giả còn nghi ngờ rằng có điều gì đó chưa hoàn chỉnh trong tác phẩm này.  Rhapsody được Rachmaninov viết dựa trên khúc ngẫu hứng Caprice giọng La thứ, là khúc nhạc cuối cùng trong chuỗi 24 khúc nhạc ngẫu hứng viết cho solo violin. Opus này được gọi là một bản Rhapsody nhưng bản chất nó bao gồm nhiều khúc biến tấu. Mặc dù không nghỉ giữa các chương nhưng về mặt lý thuyết, nó có thể được chia ra làm ba phần tương ứng với cấu trúc của một bản piano concerto truyền thống: khúc biến tấu từ 1 đến 10 là chương một, từ khúc 11 đến khúc 18 là chương hai chậm, còn lại là chương cuối. Về mặt ý nghĩa nào đó, đây có thể coi là bản piano concerto thứ 5 của Rachmaninov.

 

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.