Dàn hợp xướng trẻ Boston đến Việt Nam
Dàn hợp xướng trẻ Boston sẽ có chuyến thăm Việt Nam, biểu diễn tại Hà Nội và TP HCM vàocuối tháng 6 tới.
Boston Globe gọi dàn hợp xướng như là một "thiên thần sáng chói", trong khi Quốc vương Abdullah II của Jordan ngợi khen họ thật tuyệt vời. Federico Cortese của Dàn nhạc dây New England ca ngợi họ như một trong những lực lượng đang nổi lên trong đời sống âm nhạc Boston.
Dàn hợp xướng trẻ Boston là một bộ phận của tổ chức xã hội và văn hóa Boston, khai thác sức mạnh và niềm vui âm nhạc để kết nối cộng đồng, được công chúng biết đến với những tư tưởng tốt đẹp nhằm thay đổi xã hội, xóa đi những ranh giới khác biệt chủng tộc thông qua âm nhạc. Đó là nơi mà các bạn trẻ có cơ hội trau dồi nhân cách, kỹ năng lãnh đạo và mỗi thành viên với vai trò là một đại sứ hòa hợp.
Dàn hợp xướng trẻ Boston
Với sự tham gia cố vấn của các nghệ sỹ chuyên nghiệp hàng đầu, các học giả trong lĩnh vực âm nhạc, giáo dục âm nhạc như Mỹ, Anh, Venezuela…dàn hợp xướng đã có nhiều chuyến lưu diễn thành công khắp trong và ngoài nước Mỹ như Mexico, Nhật, Jordan, Anh và rất nhiều thành phố khác của Hoa Kì.
Dàn hợp xướng đã có nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn mang tính nhân văn hàng đầu nước Mỹ. Năm 2011, giải thưởng Margaret Hillis công nhận dàn hợp xướng như một tổ chức nghệ thuật xuất sắc và cũng là dàn hợp xướng trẻ đầu tiên trên nước Mỹ có buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp vào khung giờ vàng trong ngày lễ Luther King với hàng triệu người xem trên khắp nước Mỹ.
Dàn nhạc được thành lập bởi Hubie Jones, một lãnh đạo dân tộc, người đã lao động trong suốt gần 5 thập kỉ nhằm giải quyết những vấn đề xã hội mà những nhóm cộng đồng và trẻ em dễ bị tổn thương ở Boston phải đối mặt.
Hubie Jones muốn thúc đẩy sự phát triển xã hội, sự hòa nhập xã hội thực sự của những thanh thiếu niên thuộc các chủng tộc khác nhau. Và để hàn gắn xã hội nhờ một tổ chức âm nhạc như thế này.
Jones nghĩ rằng một nhóm các trẻ em không phân biệt chủng tộc có thể giúp chữa lành những vết sẹo mà Boston vẫn mang từ cuộc chiến xấu và đôi khi bạo lực nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở học đường vào những năm 70. Thậm chí đến bây giờ, sau 40 năm, hệ thống trường học ở Boston vẫn còn sự phân biệt chủng tộc. Hầu hết các trẻ em da trắng ở Boston học tại các trường có đa số trẻ da trắng. Hầu hết trẻ em da đen và La-tinh học tại các trường mà họ chiếm đa số.
Martin Luther King đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Chiếc dương cầm của cuộc đời chỉ có thể ngân lên những giai điệu của tình anh em khi những phím đen cũng được xem là cần thiết, quan trọng và đẹp đẽ như những phím trắng”. Dàn hợp xướng trẻ Boston cũng đồng tư tưởng như vậy.
(Nguồn: http://vietnamnet.vn)