Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: Mái trường Chiến sĩ – Nghệ sĩ
Ngày 9 tháng 9 năm 2015, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống nhà trường (1955 - 2015), đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và khai giảng năm học 2015- 2016.
Đến dự có các đồng chí: Phạm Gia Khiêm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam; Thượng tướng Phương Minh Hòa - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Quân ủy TW, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trong và ngoài Quân đội.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến dự có: TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội.
Tại buổi lễ, nhiều tác phẩm âm nhạc do các thế hệ giảng viên, học viên của Nhà trường sáng tác đã được các nghệ sĩ – chiến sĩ biểu diễn. Đặc biệt mở đầu là Hòa tấu quân nhạc “Hành khúc Tổng cục Chính trị”, sáng tác: Đức Trịnh, chỉ huy Nam Thắng cùng dàn nhạc quân đội trình diễn. Đây là ca khúc truyền thống của Tổng cục Chính trị với giai điệu hùng tráng, thiết tha tự hào. Các nghệ sĩ, ca sĩ các thế hệ là giảng viên, học viên của nhà trường, các ca sĩ đoạt giải cao tại các cuộc thi Sao Mai, Việt Nam Idol, hội diễn nghệ thuật toàn quốc, toàn quân… đã thể hiện chuyên nghiệp những ca khúc nổi tiếng như: “Tình Bác sáng đời ta” (Lưu Hữu Phước); hòa tấu “Chiến sĩ nghệ sĩ” (Mai Kiên); “Áo trắng đến trường” (Xuân Phương); “Bay qua biển Đông” (Lê Việt Khánh) “Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền); “Cám ơn mẹ” (Đức Trịnh); “Dưới mái trường chiến sĩ - nghệ sĩ” (An Thuyên)…
Đọc diễn văn khai mạc, Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Nét nổi bật nhất là Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo "Chiến sĩ - Nghệ sĩ", góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; đồng thời, tham gia đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ngay từ những ngày đầu thành lập, nhiều học viên được đào tạo ở Nhà trường đã trở thành những nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Đó là các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Tô Hải, Lương Ngọc Trác, Văn An, Doãn Nho, Lưu Cầu, Nguyễn Đức Toàn, Nguyên Nhung, Vũ Lương, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Đôn Truyền, Thuận Yến...; các ca sĩ: Quốc Hương, Ngọc Dậu, Hồ Mộ La, Lê Quang Hưng, Quốc Viễn, Thanh Huyền, Tân Nhân...; các diễn viên múa: Phùng Đệ, Bùi Tòng, Thanh Nga…
Nhiều học viên, sinh viên được đào tạo ở Nhà trường thành đạt, trở thành tướng lĩnh, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học về văn hóa nghệ thuật; nhiều người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú… Trong những năm gần đây, nhiều học viên, sinh viên của Nhà trường đã đạt giải cao trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc và quốc tế.
Có thể khẳng định: 60 năm qua, Nhà trường đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Đảng, của Quân đội, xây đắp nên truyền thống “Chiến sĩ - Nghệ sĩ, Đoàn kết - Chiến đấu, Năng động - Sáng tạo, Quyết thắng - Lập công”.
Thượng tướng Phương Minh Hòa gắn tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phương Minh Hòa đã trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Thượng tướng Phương Minh Hòa đã biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ - nghệ sĩ, học viên của trường đã kiên trì, nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Khuyến khích Nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, thiết thực, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến.
*
* *
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngày 23 tháng 9 năm 1955, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển của Trường Nghệ thuật Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Vì vậy, ngày 23 tháng 9 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Nhà trường.
Nhà trường đã phát triển từng bước và mang các tên gọi khác nhau: Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (1984); Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (1992); Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (1995); Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (2006). Quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà trường trải qua những bước phát triển thăng trầm, nhưng luôn khẳng định được vị thế của một trung tâm phát hiện, nuôi dưỡng, vun trồng những tài năng nghệ thuật cho Quân đội và đất nước.
Hiện nay, Nhà trường đã có 50 chuyên ngành đào tạo Văn hóa Nghệ thuật từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo lực lượng cán bộ, diễn viên cho các đoàn văn công, đoàn quân nhạc; cán bộ, nhân viên văn hóa các đơn vị quân đội... Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều loại hình Văn hóa Nghệ thuật như: sân khấu, điện ảnh, viết văn, biên kịch, đạo diễn, quay phim, báo chí… được cập nhật, đáp ứng yêu cầu cuộc sống xã hội; công tác tuyển sinh được thực hiện đúng quy chế, kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Từ năm 2006 đến nay, nhà trường đã đào tạo gần 7600 học viên, sinh viên; trong đó, có gần 3000 học viên quân sự; gần 2900 sinh viên nguồn nhân lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa; 120 học viên quốc tế; đặc biệt đã đào tạo hơn 1600 học viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tốt nghiệp ra trường các em trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa ở các địa bàn chiến lược.
Vừa đào tạo, vừa tổ chức biểu diễn, cả thầy và trò có điều kiện trải nghiệm trong thực tiễn để trưởng thành trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà trường đã xây dựng và biểu diễn hàng trăm chương trình nghệ thuật lớn, có tính tư tưởng nghệ thuật cao phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân. Điển hình là các chương trình nghệ thuật phục vụ: Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước…
Trải qua 60 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, gắn liền với sự phát triển của Quân đội nhân dân và nền văn hóa nghệ thuật cách mạng, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; trực tiếp là sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
Với những thành tích xuất sắc, Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Xem ảnh tại đây: Chùm ảnh chương trình “Mái trường - Nghệ sĩ” - Trường Nghệ thuật Quân đội