Cuộc gặp gỡ NSND Quách Thị Hồ

18/06/2015

Tôi gặp cụ Quách Thị Hồ lần đầu tiên vào tháng tư dương lịch năm 1976. Đất nước mới vừa thống nhất, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Nhuận có viết thư mời tôi về Hà Nội để gặp gỡ các anh em nghệ sĩ và trao đổi kinh nghiệm.

Bên Pháp, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Hội đồng quốc tế Âm nhạc (thuộc Unesco), Viện nghiên cứu Âm nhạc theo phương pháp đối chiếu do Giáo sư Alain Danielou, biết tôi sắp về Việt Nam lần đầu sau hơn 27 năm vắng mặt, nên giao phó cho tôi nhiệm vụ gặp gỡ các nghệ nhân để ghi lại những bộ môn Âm nhạc nào mà từ lâu vắng mặt trên thị trường dĩa hát quốc tế.

Năm đó tôi đã thành công vì đã ghi đủ tư liệu về Ca Trù, Hát Quan Họ và Hát Chèo.

Một buổi sáng, anh Đỗ Nhuận đã tổ chức một buổi gặp gỡ giữa tôi và các nghệ nhân trong giới Ca Trù, hai cụ Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, nhạc sư Đinh Khắc Ban, nhà thơ Trúc Hiền (chuyên cầm chầu cho các buổi hát Ả Đào) và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Tô Vũ.


Bà Quách Thị Hồ – Bà Nguyễn Thị Phúc (1952. Ảnh do cháu Nguyễn Tường Lân gởi tặng tôi)

Giáo sư Tô Vũ sau này có thuật lại cho tôi biết rằng khi ông gặp bà Quách Thị Hồ trong hành lang có hỏi cụ Quách Thị Hồ: “Hôm nay có ông Trần Văn Khê từ Pháp về nước nghiên cứu, cụ có hát bài gì cho ông ấy nghe không?” thì bà trả lời: “Hội mời tôi đến đây để dự buổi tiếp khách người Việt nước ngoài về thì tôi đến, chứ tôi không hát bài nào cả, bởi vì ông khách ở bên Tây có biết gì về Ca Trù đâu mà mình hát”.

Lúc vào phòng họp, sau lời giới thiệu của anh Đỗ Nhuận, tôi đứng dậy chào các cụ và những thành viên hiện diện trong buổi họp và nói: “Kính thưa các cụ nghệ nhân, thưa các bạn, tôi sanh ra trong một gia đình bốn đời là nhạc sĩ chuyên đàn theo phong cách nhạc tài tử Miền Nam, tôi chưa có dịp nghe tận tai, thấy tận mắt một buổi biểu diễn truyền thống Ca Trù, hôm nay được anh Đỗ Nhuận bố trí cho tôi gặp các cụ nghệ nhân để tôi có dịp học hỏi về Ca trù, cám ơn anh Đỗ Nhuận đã có công tổ chức buổi gặp gỡ hôm nay”.

Trước kia, tuy chưa được gặp gỡ các nghệ nhân Ca Trù, nhưng trong khi soạn luận án Tiến sĩ về Âm nhạc Việt Nam, tôi đã nghe nhiều dĩa hát của hai hàng Bêka và Columbia, trong đó có ghi tên nghệ sĩ như: Chu Thị Năm, Quách Thị Hồ ngâm Sa mạc, Bồng mạc, hát những bài Gửi thư, Mưỡu, Hát Nói. Và sau này có thêm loạt dĩa do cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và chị Thái Thị Liên ghi âm để làm dĩa tại Bắc Kinh mang hiệu “Tiếng hát Việt Nam”, bà cụ Quách Thị Hồ có hát bài “Tỳ bà hành”, thơ của Bạch Cư Dị đời Đường do Phan Huy Vịnh dịch ra Việt ngữ. Tôi có được nghe bà Nguyễn Thị Phúc hát lối Gửi thư, Xẩm huê tình, ngâm Sa mạc, Bồng mạc.

Lúc bên Pháp thì chúng tôi chỉ “văn kỳ thinh mà bất kiến kỳ hình”, nay tôi lại gặp được cả hai cụ là một điều rất may mắn cho tôi. Tôi xin được phép thọ giáo với hai cụ để hiểu biết thêm về cách hát, gõ phách và một số bài bản được phổ biến trong làng Ca Trù. Xin học mà không hành vì thời gian rất ít, tôi chỉ ghi âm lại lời nói của các cụ, rồi về Pháp tôi nghe đi nghe lại để thấm nhuần lời giảng dạy của các cụ. Bà Quách Thị Hồ tươi cười mà nói một cách khiêm tốn : “Tôi chỉ là người biết hát Ca Trù từ thuở bé, tôi đâu dám chỉ dạy một Giáo sư Tiến sĩ như ông. Nhưng nếu ông muốn biết thì tôi có thể nói lại cho ông nghe ngày xưa tôi học như thế nào”. Rồi lần lượt cụ cho tôi nghe cách ém hơi, nhả chữ, đổ hột, đổ con kiến và cụ gõ phách cho tôi nghe 5 cổ phách cơ bản. Cụ lại cho tôi biết thế nào là ‘Hát khuôn’, thế nào là ‘Hát hàng hoa’. Về bài bản thì cụ cho tôi nghe những thể điệu Bắc phản, Nhịp ba cung Bắc, Mưỡu, Hát Nói, Gửi thư. Bà Nguyễn Thị Phúc thì cho tôi nghe Điệu Xẩm Huê Tình, Ả Phiền, Hát Ru, Ngâm Thơ Sa Mạc, Bồng Mạc. Tôi không ngờ được cái may là các nghệ nhân sẵn sàng trao lại cho tôi những cái hay cái đẹp của nghệ thuật Ca Trù mà không dấu diếm. Ông Đinh Khắc Ban giới thiệu với tôi về cây Đàn đáy, hình dáng, kích thước và những nét đặc thù của cây đàn, tên gọi các dây, cách lên dây và những kỹ thuật ‘vê’, ‘vẩy’, ‘lia’, ‘nhấn chùn’ và những khổ đàn.

Cụ Trúc Hiền chỉ cách cầm chầu, roi chầu đánh sát mặt trống, tiếng ‘tom’ tiếng ‘chát’ mở đầu phải đánh ba tiếng ‘tom’ như thế nào, rồi đánh chấm câu, đánh tán thưởng bằng nhiều cách đánh mang những tên đầy thi vị như: ‘xuyên tâm’, ‘song châu’, ‘liên châu’, ‘hạ mã’, ‘thượng mã’, ‘lạc nhạn’ …

Trong mấy ngày liên tiếp tôi được học rất nhiều về thanh nhạc, khí nhạc và chức năng đặc biệt của Trống chầu.

Sau ngày đầu, Giáo sư Tô Vũ hỏi bà Quách Thị Hồ: “Lúc sáng bà bảo rằng bà chỉ tiếp khách mà không hát bài nào cả. Thế sao hôm nay bà lại giảng tường tận về cách hát, cách gõ phách và bà lại còn hát rất nhiều bài?”. Bà trả lời: “Tôi cứ tưởng ông đó ở bên Tây về có biết gì đâu mà mình hát, nhưng không ngờ là ông đã có nghe Ca Trù qua dĩa hát và tỏ ra là người biết nghe. Tôi thấy ông đó ở bên Tây mà Ta hơn cả Ta, trong lúc đó ở nước ta có nhiều ông Tây hơn cả Tây”.

Trong mấy ngày gặp gỡ cụ Quách Thị Hồ, ngoài những bài hát tôi còn được bà tâm sự: “Tôi học hát Ca Trù từ năm lên sáu với mẹ tôi là bà Vương Thị Xuyến, mẹ tôi ngày xưa nổi tiếng là người hát rất hay. Khi thi với những người từ nhiều tỉnh lên dự, mẹ tôi đã được tất cả mọi người chấm là đầu xứ nhưng chỉ vì cái phách ‘nhụt tay’ (tức là hơi kém tròn trịa, giòn giã) mà bà cụ bị đánh tuột xuống ‘Á nguyên’ (tức là hạng nhì). Bà cụ hận mãi nên sau này khuyên tôi phải luyện phách cho thật giỏi, tôi nghe theo lời mẹ tôi nên không những học với mẹ mà còn học với dì và cứ nghe tiếng phách của ai hay là cố tìm mà học”.

Ngày nay, tiếng phách của cụ Quách Thị Hồ vẫn còn được xem là hay nhất không ai có thể sánh được. Hai anh Đỗ Nhuận và Nguyễn Xuân Khoát đều xác nhận như thế.

Hôm cụ hát bài “Xuân Năm Rồng” của thi sĩ Chu Hà đến ‘câu keo’ (là câu cuối cùng) ‘Xuân Rồng thẳng cánh rồng bay’, đến chữ ‘bay’ thay vì trở về ‘tinh tang’ bà cho hơi dựng lên một bực cao hơn. Ngạc nhiên tôi hỏi:

- “Thưa bà, hôm nay khi đến chữ chót, sao bà lại cho hơi chuyển lên cao hơn thường một bực?”.

Nghệ nhân cười và trả lời:

- “Con Rồng bay mà cứ trầm trầm thì làm sao bay được? Phải cho hơi dựng lên cao, Rồng mới bay được chứ!”

Tôi rót một ly rượu mời bà: “Thưa bà, xin mời bà một ly rượu để cám ơn bà đã đi ra ngoài truyền thống để cho tôi có cảm giác thấy con Rồng cất cánh bay cao”.

Bà rất vui nên trong khi hát bài Hát Nói về tiếng đàn Tỳ Bà có hai câu:

Người viễn thú biết chăng chẳng biết
Khúc đàn này biết gảy cùng ai?

Bà lại hát: "Người viễn khách biết chăng chẳng biết" và nói: “Tôi đổi hai chữ ‘viễn thú’ ra ‘viễn khách’ là để tặng ông đấy”.

- “Cám ơn bà. Xin mời bà ly rượu thứ hai!”.

Vài tuần sau, khi được phép ghi âm để làm dĩa hát cho Unesco, chúng tôi lại gặp nhau trong phòng cách âm của Đài phát thanh “Tiếng Nói Việt Nam” để ghi nhiều bài bằng hai máy ghi âm của tôi. Cụ Trúc Hiền rất xúc động vì nghĩ rằng truyền thống Ca Trù lần này nhờ có người nghiên cứu từ xa về, sẽ được đem phổ biến trên thế giới, nên trong lúc nghỉ giải lao, cụ đã ghi lại trên một miếng giấy nháp mấy bài thơ tặng tôi. Có một bài Bắc Phản, Mưỡu và Hát Nói.

Xin trích lại mấy câu trong bài Hát Nói nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa người nghiên cứu âm nhạc và những nghệ nhân Ca Trù:

… Bạn Văn Khê từng lịch lãm bao niên
Thì Đông Hải Tây Thiên đâu có lạ
… Khách phong lưu gặp người phong nhã
Dẫu chưa quen mà cũng đã như quen
Có duyên không hẹn mà nên
Kìa ai nghiên cứu một thiên Ca Trù
Đem tài khảo sát công phu
đã thu giọng hát lại thu tiếng cầm
Mới hay: thanh khí tương tầm.

Trúc Hiền

Bà Hồ đọc qua mấy bài thơ thấy thích:

- “Tôi hát tặng ông Khê nhé?”

- “Bà hát đi. Ông Ban đàn theo và tôi cầm chầu”. Cụ Trúc Hiền trả lời.

Tôi ghi âm được bài đó mà tôi cho là quý nhất. Cụ Quách Thị Hồ chỉ đọc qua có một lần mà hát rất hay, cụ Trúc Hiền lắc đầu khen: “Chưa có ai không học thuộc bài, không tập luyện mà hát hay như bà”, bài hát đó không thuộc về bài bản của giới Ca Trù chuyên nghiệp nên không có người nào khác hát và lời thơ của cụ Trúc Hiền cũng rất độc đáo: chưa bao giờ có một nhà thơ mà ca tụng một người nghiên cứu Âm nhạc.

Từ đó tới sau mỗi khi về nước tôi lại tìm đến thăm cụ để nói chuyện chơi hay được nghe cụ hát cho vài bài. Mỗi lần tôi có dịp giới thiệu Ca Trù cho khách nước ngoài thì cụ sẵn sàng minh hoạ cho những bài thuyết giảng của tôi.

Cụ giới thiệu cho tôi con gái và cháu ngoại của cụ mà cụ hết lòng dạy dỗ và mong rằng sau này sẽ nối nghiệp nhà.

Khi tôi đem những băng ghi âm về bên Pháp làm ra một bản gốc để in ra thành dĩa dưới nhãn hiệu của Unesco, ông Jack Bornoff - Thư ký chấp hành của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (thuộc Unesco), và Giáo sư Alain Danielou - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Âm nhạc theo phương pháp đối chiếu tại Tây Bá Linh, đều ký tên trên một bản danh dự để cám ơn bà Quách Thị Hồ đã tham gia vào loạt dĩa mang nhãn hiệu Unesco và trong thư riêng có cám ơn bà Quách Thị Hồ đã giữ gìn một vốn quý của truyền thống Âm nhạc Việt Nam, cũng là vốn quý của nhân loại. Bản khen đó Hội đồng Quốc tế Âm nhạc nhờ tôi chuyển đến bà cụ, nhưng tôi lại sợ, e sở bưu chính làm thất lạc nên trong một chuyến về nước điền dã, tôi đã mang về … Tôi cũng không muốn tự tay mang đến nhà cụ để trao lại cho cụ vì như thế chỉ là do tình cảm của hai người bạn tri âm nên tôi đề nghị với cố Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam) chánh thức và trân trọng trao bản ban khen đó cho cụ Quách Thị Hồ tại trụ sở của Hội. Hôm ấy có lẽ là một buổi họp rất đặc biệt tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà trong đó Tổng thư ký của Hội tôn vinh một nghệ nhân Nhạc truyền thống.

Đến năm 1983, trong diễn đàn Âm nhạc Châu Á do Unesco, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc và Uỷ ban Quốc gia về Âm nhạc của Nước Cộng Hoà Dân chủ và Nhân dân của Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) tổ chức, bạn Lưu Hữu Phước và tôi có đề nghị đưa bài ‘Tỳ Bà Hành’ do cụ Quách Thị Hồ biểu diễn, trình bày cho ban giám khảo năm ấy. Tiết mục đó được ‘tuyển lựa’ vào danh sách của 9 tiết mục xuất sắc nhất tại diễn đàn Âm nhạc Châu Á năm ấy, và được có mặt trong loạt dĩa hát do Nước Cộng Hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên in ra để kỷ niệm.

Khi trong Nước biết tin vui đó, Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam tại Hà Nội có tổ chức một buổi chiêu đãi để tôn vinh nghệ nhân Quách Thị Hồ. Hôm đó, trong số khách quý có ngài Tổng Lãnh Sự Triều Tiên tham dự, Giám đốc Đài Phát Thanh có tặng một bó hoa rất lớn cho nghệ nhân. Cụ lấy ra 2 bông hồng đến tặng cho tôi và nói rằng: “Cám ơn ông đã khai sinh lại nghệ thuật Ca Trù và giới thiệu nó trên thế giới”, tôi trân trọng tấm lòng của cụ.

Tôi rất sung sướng khi được biết rằng Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng cụ danh hiệu ‘Nghệ sĩ nhân dân’.

Năm 2000, tại Hà Nội một số bạn bè và học trò của cụ định tổ chức một buổi chúc thọ cụ được 90 tuổi và tôi được 80 tuổi. Lúc đó cụ đã yếu lắm rồi, luôn luôn nằm trên giường cả ngày và thân hình gầy, chỉ còn da bọc xương. Hôm đó, những người trong ban tổ chức đã chải tóc, mặc áo cho cụ và cụ cố gắng ngồi dựa lưng vào tường. Mọi người đã họp mặt đông đủ, khi đó tôi vừa đến, học trò hỏi cụ: “Cụ có biết người mới đến là ai không?”. Thay vì trả lời bằng cách gọi tên tôi thì cụ lại ngâm 2 câu thơ, trong một bài Mưỡu cụ đã hát cho tôi ghi âm từ năm 1976:

“Vô duyên đâu dễ chẳng là
Có duyên nên khiến dù xa hoá gần”.

Và cụ thêm 1 câu: “Đẹp lòng gặp lại cố nhân”. Cụ nắm lấy tay tôi và nói nhỏ: “Cố nhân ơi! Cố nhân ơi!”. Cả cụ và tôi không ai cầm được nước mắt. Hôm đó, tôi nhắc lại cho cụ nghe những kỷ niệm đã qua. Học trò của cụ, trong đó có nghệ sĩ Thanh Bảo, ngâm thơ tặng cụ và tôi. Truyền hình Việt Nam, Viện Âm Nhạc Việt Nam và cháu Huỳnh Văn Tươi (trợ lý của tôi) đều có quay phim kỷ niệm giờ phút thiêng liêng đó.


"Đẹp lòng gặp lại cố nhân, cố nhân ơi! Cố nhân ơi!" 
(Ảnh tư liệu của Trần Văn Khê)

Khoảng ít lâu sau, NSND Quách Thị Hồ đã vĩnh viễn ra đi, để lại lòng tiếc thương của gia đình, bạn bè, học trò và những người mộ điệu Ca Trù trong và ngoài nước. Mặc dù cụ không còn trên đời này nhưng giọng hát, tiếng phách của cụ vẫn còn lưu lại mãi mãi và được coi là một di sản rất quý cho giới Ca Trù và nền Âm nhạc truyền thống của nước Việt Nam.


Đám tang của Bà Quách Thị Hồ 1909 – 2001

(Ảnh của cháu Nguyễn Tường Lân - con của ca nương Quách Thị Hồ gởi tặng)

Bình Thạnh, hè Đinh Hợi, ngày 28-07-2007

K

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...