Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hùng Lân

18/11/2020

Hùng Lân là nhạc sĩ và nhạc sư nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam. Ông là tác giả những ca khúc hùng ca nổi tiếng như Khỏe Vì Nước, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Tiếng Gọi Lên Đường, Rạng Đông…, Nhạc sĩ Hùng Lân cũng là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca và đặt lời Việt cho bài Silent Night nổi tiếng có tựa đề là Đêm Thánh Vô Cùng, với các lời hát quen thuộc với công chúng suốt hơn 70 năm qua: “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…”. Ngoài ra, nhạc sĩ Hùng Lân còn là giáo sư âm nhạc nổi tiếng, là một trong những nhà sư phạm âm nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Ông cũng soạn ra nhiều sách dạy nhạc bằng tiếng Việt đầu tiên, với các bộ sách giáo khoa âm nhạc dạy ở trường phổ thông từ trước năm 1954.

Nói về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Hùng Lân, có thể chia thành 3 chủ đề chính: Thánh ca, nhạc kêu gọi thanh niên và nhạc thiếu nhi.Thể loại nhạc kêu gọi thanh niên (tạm gọi là hùng ca) của nhạc sĩ Hùng Lân không nhiều, nhưng đều trở thành bất tử, đặc biệt là bài Khỏe Vì Nước không thể thiếu trong các sự kiện về thể thao trong giới học sinh và thanh niên cả trước và sau năm 1975.

Bài hát này kêu gọi thanh niên Việt Nam phải khỏe mạnh, tráng kiện, để có thể góp phần xây dựng đất nước:Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia.

Đoàn thanh niên ta góp tài ba.
Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạnh trong năm giới.
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.
Khỏe vì nước chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường sống thác ta coi thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm…

Tương tự như Khỏe Vì Nước, ca khúc Cô Gái Việt của Hùng Lân là một bản hùng ca rất phổ biến ở miền Nam trước 1975, thường được vang lên trong các dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng, trong các dịp diễn hành của nữ quân nhân: Lời sông núi bừng vang bốn phương trời.

Giục chúng ta đường phụng sự quyết tiến
Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đời
Dòng máu thiêng còn đượm nồng vạn trái tim

Bản hùng ca nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hùng Lân là Việt Nam Minh Châu Trời Đông, từng được Việt Nam Quốc Dân Đảng sử dụng làm bài hát chính thức. Bài hát được sáng tác vào năm 1944, đạt giải nhất kỳ thi Âm Nhạc Toàn Quốc năm đó. Có thể nói Việt Nam Minh Châu Trời Đông là một tuyệt tác ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp, lịch sử Việt Nam hào hùng, dân tộc Việt Nam sẵn sàng xả thân để bảo vệ sơn hà: Việt Nam minh châu trời đông.

Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng
Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
Xây vinh quang ngất cao bên Thái Bình Dương.

Về mảng ca khúc thiếu nhi của Hùng Lân, đến nay có lẽ vẫn còn nhiều người từng là học sinh Tiểu Học ở Miền Nam trước năm 1975 nhớ đến bài hát đã thuộc lòng như một lời nhắc vui cho việc phải nhớ đánh răng mỗi ngày 2 lần – bài Thằng Tí Sún:

Ê cái thằng Tí Sún Tí Sún,
Nhe cái răng nham nhở vô cùng
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi…

Ngoài ra còn phải kể đến ca khúc vui tươi và hồn nhiên dành cho các em bé đang còn chập chững tập nói, đó là Em Yêu Ai:

Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Rằng em thì em yêu mẹ này
Rằng em thì em yêu cha này
Yêu chị yêu anh, yêu hết cả nhà
Nhưng, nhưng nhất là yêu mẹ cơ… 

Một ca khúc khác nổi tiếng khác của nhạc sĩ Hùng Lân mà học sinh ngày xưa ai cũng biết và cũng thuộc, đó là Hè Về – bài hát mùa hè phổ biến nhất trong những năm thập niên 1950: 

Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng rung nắng ngoài song…

Tiểu sử Nhạc sĩ Hùng Lân: Ông sinh ngày 23/6/1922 tại Hoàn Kiếm – Hà Nội, là người con thứ 4 trong một gia đình Công Giáo với 11 anh chị em. Ông tên thật là Hoàng Văn Cường, nhưng do nhầm lẫn, giấy khai sinh ghi là Hoàng Văn Hường, sau lại đổi là Hoàng Văn Hương.

Xuất thân trong gia đình Công giáo, từ năm 6 tuổi nhạc sĩ Hùng Lân được theo học tại trường tiểu học Gendreau (hiện nay là trường Hoàn Kiếm, phố Nhà Chung – Hà Nội), sau đó là trường các Sư Huynh Dòng Lasan Puginier.

Ngay từ bậc tiểu học, ông đã bắt đầu được học nhạc với Linh mục P. Dépaulis và được tuyển vào ban hợp xướng của nhà thờ lớn Hà Nội. Đó cũng là hình thức được tiếp xúc với âm nhạc thuở ban đầu thường thấy ở các nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới. Từ năm 1934 đến 1945, ông được học nhạc với linh mục J. Bouis tại Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên ở Phú Xuyên, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), rồi sau đó là Đại chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice) ở Hà Nội. Năm 1938, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay là Tiếng Gọi Lên Đường.

Thời điểm thập niên 1930-1940, các ca đoàn trong nhà thờ ở Việt Nam chỉ hát những bài hát Latin hoặc tiếng Pháp, có rất ít bài được dịch sang tiếng Việt. Vì vậy nhạc sĩ Hùng Lân cùng nhóm sinh viên đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội tiên phong trong việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới. Tháng 7 năm 1945, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng, có nhiều đóng góp trong việc sáng tác nhạc thánh ca. Riêng Hùng Lân đã xuất bản được 3 tập nhạc là “Ca vang lời Chúa 1,2,3” và khoảng 80 bài Thánh Vịnh Ứng Tác.

Năm 1944, ông giành cả 2 giải cao nhất của cuộc thi sáng tác tân nhạc do Hội Khuyến Nhạc Hà Nội tổ chức với 2 ca khúc Việt Mam Minh Châu Trời Đông và Rạng Đông.

Trong 2 năm 1945-1946, những điều không may liên tiếp kéo đến khi mẹ rồi sau đó đến cha của nhạc sĩ Hùng Lân lần lượt qua đời. Đây là lý do chính làm cho ông quyết định nghỉ học ở đại chủng viện để có điều kiện lo lắng cho các em hãy còn nhỏ. Bút hiệu “Hùng Lân” được ông ghép từ hai tên của người em thứ 5 và thứ 8, cho thấy nhạc sĩ Hùng Lân rất thương yêu các em mình. Ngoài ra, khi sáng tác thánh ca ông còn dùng các bút hiệu khác là Nam Hoa (nghĩa là hoa miền Nam) và Lâm Thanh (nghĩa là âm thanh trong rừng). Từ năm 1946, nhạc sĩ Hùng Lân bắt đầu đi dạy nhạc, ban đầu là ở trường Kẻ Giảng, gần quê mẹ của ông ở Phủ Lý – Hà Nam. Trong cùng năm này, ông viết Khỏe Vì Nước. Bài hát nhanh chóng được phổ biến và trở thành bài hát chính cho phong trào thể dục thể thao. Ngày 26 tháng 5 năm 1946, nhân ngày hội khỏe đầu tiên của nước VNDCCH, thanh niên và Tự vệ Thủ đô Hà Nội đã trình diễn bài thể dục đồng diễn trên nền bài Khỏe Vì Nước. Từ đó, cái tên Hùng Lân trở nên nổi tiếng. Thời gian này ông cũng tham gia Việt Minh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên quay lại Hà Nội dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An từ năm 1948. Trước năm 1945 trường này mang tên là Trường Trung học Bảo hộ, thường được gọi là Trường Bưởi.

Tại ngôi trường này, có 2 người là học trò của nhạc sĩ Hùng Lân sau này trở thành NSND, nổi tiếng với dòng nhạc đỏ là Quý Dương và Trần Hiếu. Ông Quý Dương nhớ lại: “Tất cả học sinh chúng tôi được học âm nhạc của thầy Hùng Lân, thầy Hùng Lân dạy rất hay, rất nhiệt tình, tận tụy. Một lớp của tôi những 50 học sinh, trong giờ giảng của mình, thầy giáo tuy không thể có thời gian dành riêng cho một học sinh, nhưng âm nhạc và những lời dạy của thầy cứ thấm dần vào tôi khiến tình yêu âm nhạc trong tôi ngày một lớn”. Năm 1949, ông soạn sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm hai tập mang tên Cây Đàn Sống được NXB Thế Giới ở Hà Nội ấn hành. “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ” (tức các lớp phổ thông cấp 2 ngày nay) cũng được nhà xuất bản này cho ra đời trong năm 1952, 1953. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Năm 1951, Hùng Lân lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dung – một thiếu nữ hát rất hay, đã từng hát đơn ca trong ca kịch Tục Lụy của Lưu Hữu Phước và Thế Lữ. Họ và có sáu con gái, một trai.

4 ái nữ của nhạc sĩ Hùng Lân

Đến năm 1954, gia đình nhạc sĩ Hùng Lân di cư vào Nam. Ông trở thành giáo sư âm nhạc của trường Ca vũ nhạc Phổ thông Sài Gòn (tiền thân của trường Quốc Gia Âm Nhạc) và cũng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Ông nội của Hùng Lân vốn là người vùng Sa Đéc, nên cuộc di cư của ông năm 1954 có thể xem là trở về quê hương gốc gác.

Năm 1956, Hùng Lân là một trong những nhạc sĩ đầu tiên tham gia sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn danh tiếng. Từ năm 1957 ông là giáo sư dạy ký-xướng âm tại đây.

Năm 1957, Hùng Lân tham dự Hội Nghị Âm nhạc Đông Nam Á ở Manila. Cùng thời gian này, ông thành lập và làm trưởng ban Ca đoàn Thiên Thanh, hợp tác với đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân Đội.

Năm 1963, ông tốt nghiệp Cử Nhân Giáo khoa Văn Chương Pháp ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn rồi về làm việc ở Trung Tâm Học Liệu. Năm 1965, ông được đề cử phụ trách khâu Phát thanh Học đường.

Phía sau nhạc sĩ Hùng Lân có ca sĩ Trần Ngọc (tức nhạc sĩ Tuấn Khanh – áo đen). Năm 1967, ông được cử đi tu nghiệp về Giáo dục và Truyền thanh tại đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa kỳ).

Năm 1968 trở về nước, ông là tác giả của chương trình “Đố Vui Để Học” đầu tiên do Trung tâm Học liệu phát hình trên đài truyền hình Sài Gòn từ năm 1969 đến tháng 4 năm 1975.

Trong thời gian này ông còn đóng góp cho âm nhạc Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc giá trị, chủ yếu là lĩnh vực nhạc dân tộc. Ông cũng soạn cuốn Sư phạm Âm nhạc Thực hành dùng cho chương trình đào tạo các giáo viên tiểu học.

Từ năm 1971 cho đến năm 1975, ông về Trường Sư phạm thuộc Đại học Đà Lạt dạy môn Sư phạm Âm nhạc.

Sau tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Hùng Lân dạy nhạc tại tư gia trên đường Nguyễn Văn Thủ, Q1.

Ngày 17/9/1986, ông qua đời vì trọng bệnh và tuổi già sức yếu, để lại trên 900 tác phẩm âm nhạc bao gồm các sáng tác và biên soạn.

(Nguồn: https://tranvankhe-tranquanghai.com/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...