Còn mãi “bài ca tình yêu”
Đã lâu chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng nhạc sĩ Doãn Nho trong căn phòng làm việc của Ông. Lần này không phải là về những kí ức một thời qua những bài hát mà là một dự định sắp tới của nhạc sĩ….
PV: ….đó là gì, thưa nhạc sĩ Doãn Nho?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Viết về thể loại ca khúc trữ tình thì tôi cũng như nhiều nhạc sĩ đều muốn mình có một chương trình Concert Recital. Giới thiệu một số tác phẩm mà biểu diễn là một người hát với piano. Chương trình gồm 9 bài hát, 4 bài dành cho giọng Baryton , 4 bài dành cho giọng mezzo soprano. Và cuối cùng là bài dành cho 2 giọng: Baryton và mezzo soprano song ca.
PV: Vậy hiệu quả của nó sẽ là…
Nhạc sĩ Doãn Nho: Như vậy khi vang lên bằng giọng hát và đàn nó truyền đạt một cách sâu sắc và lắng đọng nhất cái mà tác giả muốn truyền đạt và đồng thời người nghe cũng có dịp thưởng thức với chiều sâu của ngôn ngữ âm nhạc cũng như nội dung của lời ca, nó trái ngược hẳn với thể loại mà hiện nay chúng ta đang dành cho cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Tức là phải có độ vang lớn, ở một quảng trường rộng và âm nhạc không phải chỉ để nghe mà còn để nhìn, nghĩa là phải đi vào với các cấu trúc biểu diễn với các loại hình nhảy, múa ….
PV: tôi hy vọng là mục đích của ông sẽ được người nghe đón nhận và cảm nhận đúng như mong muốn của ông. Nhưng ông có thể cho biết 9 tác phẩm ông chọn trong chương trình theo những góc độ như thế nào để có thể chuyển tải những điều ông muốn gửi gắm?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Để viết những ca khúc trữ tình, ca khúc nghệ thuật thì kinh nghiệm của các nhạc sĩ đều phải dựa vào vốn sống của mình, với tôi cũng vậy. Chỉ có những vốn sống sâu đậm thì theo tôi, khi viết ra mới hy vọng truyền đạt được, truyền cảm được tới công chúng, nhất là với một sự rất hạn chế, là một người hát với một cây đàn piano mà ở đây lại là một chất giọng Baryton và mezzo soprano-hai chất giọng này đều không phổ biến lắm trong các buổi ca nhạc thông thường
PV: Thưa nhạc sĩ, giọng Baryton và mezzo soprano là những giọng hát ít được phổ cập hơn so với những giọng Tenor hoặc Soprano.Vì sao nhạc sĩ lại tổ chức một chương trình Concert Recital với hai giọng Baryton và mezzo soprano như vậy? Và như vậy để tạo nên sự hấp dẫn cho chương trình hẳn là phải từ chính những ca khúc?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Cho nên những ca khúc phải dựa vào những xúc cảm chân thành, sâu lắng của cả cuộc đời mình mà viết thì may ra mới đọng lại được. Ví dụ bài hát “Màu tím chiến khu” là tình cảm của tôi với khu ATK ở Định Hóa –Thái Nguyên, nơi Bác Hồ làm việc trong suốt thời gian chỉ đạo chiến dịch Điện Biên. Những ngày đầu Võ Đại Tướng cũng ở đó, sau đó mới chuyển đến Mường Phăng là nơi chỉ huy trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ.
Còn bài “Người lính mùa xuân về”- thơ Nguyễn Thụy Kha cũng nói về những người bạn của tôi, những đồng đội của chúng tôi cũng có những người trở về lành lặn, cũng có những người trở về mang thương tích và có những người trở về sau khi đã báo tử . Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã chọn một hình tượng rất đắt, rất xúc động, đó là kể về những người lính trở về sau khi đã báo tử một thời gian dài trước sự ngơ ngác của người thân, và người lính ấy trở về - như mùa xuân trở về.
PV: như vậy là hai bài hát trong chương trình đều nói về tình yêu lớn-tình yêu Tổ Quốc…..Và bài hát cuối cùng, cũng là bài hát ông chọn tiêu đề cho chương trình, “Bài ca tình yêu” viết về tình yêu đôi lứa, đây phải chăng là chủ định của ông?
Nhạc sĩ Doãn Nho: đúng vậy, cho nên là “Màu tím chiến khu” rồi đến “Người lính mùa xuân về”; rồi tiếp theo là “Mướp con” một ca khúc của người lớn mà hát về thiếu nhi; rồi sau đó “Có một Thăng Long” mà theo tôi rất hợp với phong cách của NSND Quang Thọ….và cuối cùng là “Bài ca tình yêu” để kết thúc với song ca hai giọng Baryton, và Mezzo sprano và đây cũng là bài hát tôi rất tâm đắc bởi vì tôi viết cho vở kịch“Hoàng đế thợ da” (đạo diễn Vũ Minh). “Bài ca tình yêu”là tên ca khúc trong vở kịch đó và bây giờ đã trở thành ca khúc độc lập, bởi vì theo tôi, lứa tuổi của tôi cùng với thế hệ của mình khái niệm, diễn tả về tình yêu của chúng tôi là như vậy: Đằm , sâu lắng và không ồn ào chút nào. Mà điều đó có từ khởi nghĩa tháng 8, rồi chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới thế rồi đến được với nhau để nên vợ nên chồng. Rõ ràng đó là thế hệ đã trải qua nhiều đau khổ nhiều gian nan cho nên nó ngọt ngào, đằm thắm và nói thật là nó không ồn ào. Đấy cũng là một đặc trưng mà tôi muốn diễn đạt lại trong “Bài ca tình yêu”.
PV: ….nhưng điều gì khiến ông đưa bài hát viết cho thiếu nhi “Mướp con”phổ thơ Phạm Đông Hưng, vào chương trình Recital ?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Trong một chương trình nên làm sao có nhiều mầu sắc cho nên bên cạnh bài nói về chiến tranh, về đất nước, cũng có những ca khúc người lớn hát nhưng dành cho các cháu mẫu giáo, nó trong trẻo, ngây thơ đem lại một mầu sắc mới để rồi tiếp tục trở lại những ca khúc với những tâm tư của thế hệ chúng tôi. Nó đem tới sự phong phú cho chương trình, với những câu thơ “Có phải đâu bụng đói/Mướp con luôn kêu meo/Mà là cho chuột biết/Nơi đây luôn có mèo…” - rất hài, rất hóm và tôi rất thích nên đã phổ nhạc và để giọng Baryton hát.
PV: Thưa nhạc sĩ, chương trình “Bài ca tình yêu”ông dự định sẽ diễn ra ở đâu?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Chương trình này tôi đã báo cáo với Hội Nhạc sĩ, Hội Nhạc sĩ hoan nghênh và tới đây Hội sẽ làm việc với Học viện quốc gia Việt Nam , có lẽ buổi biểu diễn đầu tiên sẽ ở Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam vì đó là nơi đào tạo ra tất cả các chuyên ngành về âm nhạc. Lần đầu tiên biểu diễn ở đó có cái hay: kiểm duyệt luôn ngôn ngữ của chương trình này là những ca khúc nghệ thuật đã được chưa, bởi vì đây là nơi toàn các thầy, trò của học viện nghe, tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để mình sửa đổi, nâng cao chương trình của mình, nâng cao ngôn ngữ âm nhạc nói chung của mình trong đó có ngôn ngữ dành riêng cho ca khúc nghệ thuật.
PV: Có thể thấy đây là một chương trình được đầu tư khá cẩn thận của nhạc sĩ, từ khâu chọn bài tới phối âm, phối khí….nhưng chả lẽ chương trình chỉ diễn ra 1-2 buổi tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam thôi hay còn được tổ chức ở đâu nữa, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Doãn Nho:Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, thì muốn là biểu diễn đầu tiên tại Học Viện rồi sau đó sẽ biểu diễn tại trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội rồi tới Hội âm nhạc Hà Nội, và nếu thành công thì dự định sẽ biểu diễn trong Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9/2016.
PV: Cảm ơn nhạc sĩ và chúc Ông có những buổi biểu diễn thành công chương trình “Bài ca tình yêu”!