Còn đó bản tình ca anh đã viết

25/03/2016

Trung tuần tháng ba, nhận lời mời của Đài Truyền hình Bình Phước, tôi lên đường đi thực tế sáng tác ở các đồn biên phòng Đak Ka, Đak Ơ, Đak Quýt, Hoa Lư, Tà Nốt và hai huyện Hớn Quản, Chơn Thành.

Đang trên đường ra cột mốc 69 ở đồn biên phòng Đak Ơ thì tôi nhận được tin báo: nhạc sĩ Thanh Tùng đã qua đời. Lòng tôi như chùng lại. Vượt qua bảy trăm mét lên dốc xuống đồi để đến cột mốc biên giới giữa rừng rậm Việt Nam – Campuchia mà tưởng chừng như đi tới mấy cây số! Thế là nốt nhạc thứ 3 trong 7 nốt của nhóm nhạc sĩ Những người bạn đã tiếp nối Trịnh Công Sơn, Từ Huy bước chân vào cõi vĩnh hằng.

Ai vội đi để ai còn đứng đó, tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi… Những con đường nhỏ, những đóa hoa ngoài sân, những giọt nắng bên thềm… từ nay đã vắng ánh mắt nhìn xa xăm cô đơn của anh nhưng vẫn còn đó những bản tình ca anh đã viết.

 
Nhạc sĩ Thanh Tùng

Và những giai điệu đẹp ấy luôn được trải trên nhịp điệu slowsurf trong những bản tình ca dịu ngọt đi cùng năm tháng trong lòng tuổi trẻ nhiều thế hệ say đắm tình yêu: Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Giọt sương trên mi mắt, Em và tôi, Chuyện tình của biển, Câu chuyện nhỏ của tôi, Lời tỏ tình của mùa xuân, Lối cũ ta về, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè…

Tham gia sinh hoạt trong CLB Sáng tác Trẻ Thành Đoàn TP. HCM từ năm 1982, có thể nói trong suốt 15 năm sau đó là giai đoạn sáng tác rất sung sức của anh. Năm 1991 nhóm nhạc sĩ Những người bạn ra đời, gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên. Sự sắp xếp thứ tự căn cứ vào số tuổi trên giấy khai sinh. Đến khi Từ Huy qua đời mới biết anh lớn hơn Thanh Tùng 5 tuổi do đó nhóm mới đưa Từ Huy xếp trước Thanh Tùng.

Phóng khoáng và chân tình. Nhạc sĩ Thanh Tùng luôn được mọi người quý mến. Tôi nhớ gặp anh lần đầu tiên trong lớp bồi dưỡng sáng tác, thanh nhạc do Bộ Văn hoá - Thông tin (bây giờ là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại số 7 Phan Kế Bính (TP. HCM) từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc ấy anh còn trai trẻ cao ráo. Anh hướng dẫn về môn chỉ huy vốn là môn chính anh tốt nghiệp ở Triều Tiên. Tình bạn khởi đầu từ đó.

Tôi không biết anh bắt đầu sáng tác từ lúc nào, chỉ biết bài đầu tiên anh viết trong một dịp rất tình cờ. Lúc bấy giờ hãng đĩa ASIA thực hiện một đĩa nhạc về công trình thủy điện Trị An. Thiếu một bài. Thanh Tùng là người phối âm phối khí cho chương trình này do đó anh lập tức viết bài Mặt trời Trị An cho đủ chương trình. Cũng trong thời gian này anh đưa cho tôi xem bài hát mới: Hát với chú ve con, bài hát nhanh chóng đi vào phong trào nhạc trẻ được đông đảo bạn trẻ yêu thích.

Anh em trong nhóm nhạc sĩ Những người bạn thường trêu anh là "nhạc sĩ ngồi" vì trong đa số tác phẩm của anh hay nhắc đến từ "ngồi"! Ví dụ "có những lúc tôi ngồi một mình" (Cám ơn mùa thu), “Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn” (Ngôi sao cô đơn), “Ai trao em nụ hoa, cho nụ hoa đến bên tôi ngồi” (Câu chuyện nhỏ của tôi), “Mùa xuân rất hiền, lặng yên ngồi nghe tôi hát; còn em lặng yên ngồi nghe lời tỏ tình của mùa xuân” (Lời tỏ tình của mùa xuân)…

Một trong những quy ước của nhóm nhạc sĩ Những người bạn là mỗi tháng họp một lần, mỗi người phải "báo cáo" tác phẩm mới. Ai không có ca khúc mới phải chịu phạt: lo chầu nhậu cho anh em. Không biết có cố ý hay không mà Thanh Tùng luôn là người "tình nguyện" chịu phạt! Cũng có thể, vì lúc bấy giờ anh hoạt động kinh doanh khá tốt nên muốn... bao mọi người chăng!

Khi ngã bệnh, Thanh Tùng tránh gặp mọi người. Anh như người sống ẩn dật, xa cách mọi mối liên hệ, xa cách hẳn mọi người. Kỷ niệm trong tôi với anh là những chuyến đi lưu diễn của nhóm nhạc sĩ Những người bạn từ những trường đại học tại TP. HCM đến trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, sau đó là trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân Hà Nội..., Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng.

Xin thắp một nén hương để tưởng nhớ đến anh – người nhạc sĩ tài hoa: nhạc sĩ Thanh Tùng.

Tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Tùng

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948, ông mất ngày 15/3/2016 tại Hà Nội. Sự nghiệp sáng tác của ông được ghi nhận với khoảng 200 ca khúc, trong đó có nhiều bài hát được đặc biệt yêu thích: Hát với chú ve con, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về…

 

Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào 8h - 10h30 ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

TP.Hồ Chí Minh 21/3/2016

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...