Cố nhạc sỹ Hoàng Tạo: Thầm lặng, khiêm nhường và hiệu quả
Lính trẻ yêu âm nhạc, nhất là thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân không thể không yêu thích mấy bài hát hay, nói về họ: "Những mùa bay đôi", "Tôi trở thành pháo thủ", đặc biệt là "Tên lửa về bên sông Đà". Tác giả những bài ca này là cố nhạc sỹ Hoàng Tạo, cả đời mặc áo lính, trước khi nghỉ hưu làm việc ở Phòng Văn nghệ Quân chủng Phòng không - Không quân.
Ngoài những ca khúc vừa nhắc ở trên, Hoàng Tạo còn có nhiều bài khác được công chúng ưa thích: "Đưa em đi hái măng rừng", "Em ca Sơn La", "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện", "Tuổi xanh Mộc Châu", "Khúc ru tìm đồng đội", "Bình Sơn yêu thương"…
Trong số gần 500 ca khúc của mình, Hoàng Tạo đã tự tuyển lựa để in thành tập "Theo dấu măng rừng". Ngoài ca khúc, anh còn sáng tác khí nhạc (nhạc không lời) gồm một số tiểu phẩm viết cho các nhạc cụ độc tấu, nhạc cho phim, múa và sân khấu, chủ yếu là để phục vụ đoàn văn công quân chủng anh đang làm việc.
Tôi và Hoàng Tạo có môi trường làm việc rất khác nhau. Nhưng có mối quan hệ anh em, bạn bè thân thiết. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ từng chi tiết cụ thể cái lần đầu tiên gặp và tiếp xúc với Hoàng Tạo. Dịp ấy là khoảng năm 1980. Hồi đó, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam luôn là nơi lui tới của các nhạc sỹ sáng tác bởi đây là nơi phát huy tác dụng âm nhạc rất hiệu quả.
Ban này khi ấy cứ mỗi tuần dành một buổi tiếp các nhạc sỹ đến gửi bài. Mấy nhạc sỹ gạo cội trong Ban sẽ thẩm định rồi giới thiệu tác phẩm trên làn sóng. Một lần, tôi đến gửi tác phẩm, thấy một anh bộ đội không còn trẻ có nước da đen như cột nhà cháy, dáng người nhỏ thó, gầy guộc, nhưng đôi mắt thì sáng và hàm răng trắng bóng.
Cố nhạc sỹ Hoàng Tạo và bìa tuyển tập ca khúc của anh có tên "Theo dấu măng rừng".
Có lẽ vì nước da quá đen nên càng tôn thêm cái màu trắng của răng mỗi khi anh ta cười. Nụ cười hiền khô, rất tươi nở trên gương mặt ít nhiều hốc hác nhưng nhân hậu khiến tôi có cảm tình ngay. Sau đó, qua giới thiệu, tôi được biết đó là Hoàng Tạo. Tôi đã nghe danh, đặc biệt rất ưa thích mấy bài của tác giả này (đã kể ở trên), nhất là bài "Tên lửa về bên sông Đà" ("Đêm nay ta về bên sông Đà, rừng phấp phới nở hoa. Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt…").
Lần ấy, tôi thấy Hoàng Tạo trình ra một bài mới sáng tác không giống với phong cách âm nhạc quen thuộc của anh là luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới nhưng giai điệu ít nhiều gồ ghề, có phần trúc trắc, mà mượt mà, giản dị hơn nhiều. Thường thì nhạc sỹ nào không hát được sẽ mời ca sỹ đến hát hộ mình. Nhưng Hoàng Tạo đã tự hát.
Tuy nhiên, anh không có giọng, hát lại vấp váp nhiều nên các vị trong Hội đồng thẩm định tác phẩm đã nói tôi hát hộ. Tôi có cảm tình với bài này vì có giai điệu khá hay, lại ngắn gọn nên đã cầm văn bản hát luôn. Các vị gật gù có vẻ ưng ý, chấp nhận bài hát. Lúc ra về, Hoàng Tạo rủ tôi vào quán nước để đàm đạo. Anh nói với tôi:
- Hôm nay không có San hát hộ, mình mà tự hát thì "nốc ao" rồi.
- Ồ! Các vị ấy toàn những nhạc sỹ tầm cỡ (Lê Lôi, Hồ Bắc, Vũ Thanh, Nguyễn An), có lỗ tai chuẩn đấy. Họ phân biệt được giá trị tự thân của tác phẩm. Đâu phải do hát hay mà lừa được tai họ.
Từ đó, tôi và Hoàng Tạo trở nên quen biết, thi thoảng tìm gặp nhau. Thời ấy chưa có điện thoại nên muốn chuyện trò là phải đến gặp nhau chứ không như bây giờ, thân thiết mà cũng chỉ gọi điện thoại, có khi nhiều năm không gặp, trừ dịp Tết nếu là ruột thịt. Tôi thích cái tính ít nói, có chiều sâu, giản dị đến xuề xòa, đại khái trong sinh hoạt nhưng hóm hỉnh, vui vẻ và rất chân thành, khiêm nhường của Hoàng Tạo. Anh hầu như không để ý đến trang phục, đầu tóc, hình hài, trừ khi vận quân phục thì bắt buộc phải tề chỉnh. Con người như thế nhưng trong làm việc, nhất là sáng tác thì cực kỳ cẩn thận, khó tính. Anh tìm tòi, lựa chọn, tính toán từng chi tiết nhỏ nhất mà người sáng tác khác dễ cho qua. Một lần anh vừa hoàn thành một ca khúc, có một từ còn lưỡng lự, anh hỏi tôi:
- Nguyễn Đình San rành về ngôn ngữ, cho mình hỏi: Giữa hai từ "dâng đầy" và "vun đầy" nên chọn từ nào?
- Nhưng anh phải cho biết "dâng đầy" cái gì chứ. Phải rõ văn cảnh mới lựa chọn chuẩn xác được.
Thế là anhg hát ca khúc mới sáng tác có cụm từ "niềm vui dâng đầy". Tôi nói với anh:
- Nếu là tôi, sẽ chọn "vun đầy" thay vì "dâng đầy".
Anh gật gù rồi hỏi lại vì sao, tôi nói tiếp:
- "Vun đầy niềm vui" sẽ có ý chắt chiu, thu gom, vun vén, nâng niu cái niềm vui không dễ bỗng chốc có thể có. Còn "dâng đầy" chỉ có một nghĩa là niềm vui nhiều, tràn ngập, trào dâng.
Hoàng Tạo có vẻ tâm đắc, chấp nhận ngay ý của tôi.
Thế là sau lần đó, hầu như viết được bài nào mới, anh lại đạp xe đến nhà tôi để hát cho tôi nghe, mong được góp ý, đặc biệt "gà" cho anh sửa ca từ. Nhưng vì chỉ là đàn em, lại chưa có bề dày sáng tác như anh nên tôi dè dặt, chỉ khi quá rõ tôi mới góp. Hoàng Tạo không mắc tật "văn mình, vợ người" như nhược điểm phổ biến của nhiều người cầm bút. Anh nói chóng chán tác phẩm của mình mà khi mới hoàn thành thì rất thích thú, vừa ý. Tôi nói đó là dấu hiệu của người còn sáng tạo được nhiều, chứ cứ thích mãi, nhấm nháp mãi những gì mình đã có thì chỉ dậm chân tại chỗ, không bao giờ có được cái gì mới giá trị. Anh bảo chưa chắc. Chẳng qua là lúc đầu chủ quan, dễ dãi mà thôi.
Hoàng Tạo là thế. Anh không bỏ qua bất cứ lời góp nào của bất cứ ai về tác phẩm mới ra đời của mình, và rất tiếp thu, chứ không bảo thủ, giữ lấy được ý mình mặc dù người khác khó chấp nhận. Một lần, anh hát cho tôi nghe một ca khúc mới viết về đề tài nông nghiệp. Có một từ, tôi phải đề nghị anh sửa ngay, nếu không sẽ cực kỳ… nguy hiểm! Đó là "…Nghe đất cựa mình trăn trở….".
Tôi thấy anh viết đã rất rõ lời do khéo xử lý thanh điệu của ca từ. Nhưng "cựa mình" vẫn rất tệ hại. Tôi đề nghị sửa lại thành "trở mình" cho… an toàn. Như vậy thì từ "trăn trở" sau đó phải sửa vì nếu để sẽ trùng lặp do trước đó đã có chữ "trở" rồi. Nhưng lúc ấy tôi chưa nghĩ được chữ nào thay thế. Hẹn nhau cả hai cùng nghĩ trong thời gian sớm nhất.
Rồi ngay sau đó, tôi đi công tác Sài Gòn mấy tháng. Khi ấy vẫn chưa có điện thoại nên không thể trao đổi trực tiếp. Khi ra, tôi tìm đến chơi Hoàng Tạo, hỏi anh về bài hát còn bỏ dở kia thì anh nói: "Sau đó, mình cũng đi thực tế và bận nhiều việc nên vẫn chưa nghĩ được chữ nào đích đáng để thay thế". Tôi nói thế thì bây giờ ta cùng trở lại việc sửa cái lời "rắc rối" ấy. Anh nói: "Thôi, mình không thấy thích bài đó nữa".
Lần khác, sau nhiều ngày không gặp, tình cờ tôi và Hoàng Tạo gặp nhau giữa đường. Cả hai vào quán cóc hàn huyên. Tất nhiên là câu thăm nhau đầu tiên là chuyện sáng tác. Anh hát cho tôi nghe một bài mới viết về bộ đội phòng không - đề tài rất quen thuộc của anh. Thấy một bác chừng trên 70 tuổi lắng nghe, tủm tỉm cười, anh nói với họ:
- Cháu hát chắc dở quá phải không bác?
- Nghe các ông nói chuyện, tôi biết các ông là nhạc sỹ. Vậy thì sao có thể hát được bằng ca sỹ. Mình hát sẽ làm hại bài của mình, lại vất vả.
-Nhưng bác nghe bài này thấy thế nào? Nếu là ca sỹ giỏi như Thu Hiền hay Thanh Hoa thì liệu có nghe được không bác?
- Anh hỏi thì tôi xin phép nói thật lòng: Hơi ngang ngang anh ạ. Chúng tôi là người bình thường, chẳng biết gì về âm nhạc nhưng nghe phải thấy xuôi tai, ngọt ngào chứ cứ trúc trắc thì không thấy hay.
Thế là sau đó, Hoàng Tạo sửa đi sửa lại. Tôi thấy so với trước, rõ là nghe thấy thuận tai, hay hơn nhiều. Bài đó về sau được nhiều ca sỹ quân đội hát. Anh cứ cảm ơn mãi ông già ngồi quán cóc bữa ấy đã góp ý thật đích đáng. Nếu không, chưa chắc bài hát đã có được số phận tốt.
Hoàng Tạo sinh năm 1936 ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc. Lúc đầu, anh là cán bộ tài chính trong quân đội. Do đam mê sáng tác âm nhạc mà được đơn vị cho đi học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Học xong, anh công tác ở Đoàn Văn công Phòng không - Không quân rồi về Phòng Văn nghệ quân chủng này cho đến lúc nghỉ hưu. Những năm cuối đời, anh sống ở TP Hồ Chí Minh và mất tại đây vào năm 2004. Năm 2007, anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)