Cố nhạc sĩ Thanh Sơn: Dấu son bolero trong nền âm nhạc Việt

02/07/2013

Trước Thanh Sơn, tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào có số lượng bài hát phổ biến rộng rãi và được nhiều người thuộc đến vậy.


Nhạc sĩ Thanh Sơn

Bởi bài nào ông viết cũng ngọt ngào, vừa dễ hát, dễ nhớ và rất dễ đi vào lòng người, từ những tình khúc áo trắng đến những câu hát quê hương…

Nhạc sĩ của những khúc ca học trò

Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn, tôi tin rằng trong tâm trí của không ít chúng ta thể nào cũng vọng lên vài câu nhạc chế, kiểu như: “mỗi năm đến hè nhà em nấu chè…” hoặc “mùa xuân sang có hoa anh đào, mùa hè sang có hoa đào anh…” Điều này cho thấy tính phổ biến trong những sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Trước 1975, nhạc sĩ Thanh Sơn được nhiều người biết đến với ca khúc Nỗi buồn hoa phượng. Bài hát này được tác giả chắp bút từ một kỷ niệm với cô bạn cùng lớp có cái tên khá đặc biệt là Nguyễn Thị Hoa Phượng, khi ông đang theo học tại trường Hoàng Diệu - Sóc Trăng vào năm 13 tuổi. Tình cảm bắt đầu thân thiết thì hè năm sau đó, Hoa Phượng theo gia đình về lại Sài Gòn. Ông có hỏi xin địa chỉ thì cô buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, hai người bặt tin nhau. Một ngày hè năm 1963, đi ngang qua một sân trường, ông bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm, kỷ niệm xưa ùa về… Và, vào một đêm hè oi bức, Nỗi buồn hoa phượng ra đời. Qua tiếng hát say đắm của ca sĩ Thanh Tuyền, tên tuổi nhạc sĩ Thanh Sơn nhanh chóng được giới mộ điệu đón nhận sau sáng tác đầu tay Tình học sinh không mấy thành công vào năm 1962. Nỗi buồn hoa phượng, đến giờ vẫn được rất nhiều thính giả yêu thích, bởi nó đã thay họ gởi gấm biết bao tâm sự, nỗi niềm.


Bìa đĩa Nỗi buồn hoa phượng

Có điều ít ai biết, trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Sơn đã từng là ca sĩ.


Thanh Sơn khi còn là ca sĩ

Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938 tại Sóc Trăng, trong một gia đình khốn khó có 12 anh chị em. Tuổi thơ cơ cực, ông phải theo gia đình di chuyển rất nhiều nơi. Từ nhỏ, ông đã mê ca hát, và có duyên học nhạc với thầy Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu.)

Vì gia đình nghèo khó nên nghiệp đèn sách của ông không đến nơi đến chốn. Năm 1959, ông lên Sài Gòn mưu sinh với đủ nghề làm thuê, ở mướn và nhờ cơ duyên, ông quen với nhạc sĩ Lam Phương. Cũng trong năm đó, Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức cuộc thi tuyển chọn ca sĩ. Vốn có giọng hát hay và từ lâu ôm ấp mộng làm ca sĩ, chàng trai Lê Văn Thiện ghi tên tham dự với bài Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương dưới nghệ danh Thanh Sơn. Đoạt giải cao nhất trong kỳ thi đó, chàng trai nghèo nhớ mãi giải thưởng là một chiếc radio và cây đàn guitare. Từ đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và hát tại Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Trở thành ca sĩ, ông mày mò tự học sáng tác từ cuốn Để sáng tác một ca khúc phổ thông của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Được bài nào thì ông nhờ các ca sĩ đàn anh Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng... xem xét, chỉnh lý lại giùm. Sự cần cù cộng với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của ông cuối cùng cũng đã được đền đáp.

Sau thành công của Nỗi buồn hoa phượng, Thanh Sơn ngừng ca hát chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp với những nhạc khúc dành cho tuổi học đường. Thanh Sơn viết về học trò như viết cho chính mính, viết để nuối tiếc, hoài niệm về tuổi thơ, vì nhà nghèo không được học hành đến nơi đến chốn! Các ca khúc: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng... được người nghe đón nhận nồng nhiệt. Riêng các bài hát học trò, tới nay ông có hơn 200 bài. Ngoài đề tài học trò, ông còn viết nhiều bài trữ tình khác có dấu ấn rất riêng: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào, Đoản xuân ca,…

Nhạc sĩ của quê hương

Cũng trong năm 1959, nhạc sĩ Thanh Sơn kết hôn với người con gái Lê Thị Hương quê ở Bình Định. Bà là người phụ nữa đôn hậu, bình dân nhưng là tác nhân để lại nhiều dấu ấn thú vị trong các sáng tác của ông. Trong một lần đi Đà Lạt, khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của vợ, ông đã viết bài Mùa hoa anh đào chứ không có sự liên quan nào với nước Nhật như nhiều người nghĩ.


Vợ chồng nhạc sĩ lúc còn trẻ

Ông còn thường kể với bà về sự giàu đẹp, màu mỡ của quê hương Sóc Trăng và hứa ngày hòa bình sẽ đưa bà đi khắp vùng châu thổ. Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới thực hiện được lời hứa đồng thời khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Cứ thế, những khúc hát quê hương tươi sáng, trong trẻo lần lượt ra đời. Chính sự trải nghiệm từ đời sống thật và sự thẩm thấu của những câu hát điệu hò của vùng sông nước Cửu Long đã nuôi dưỡng tâm hồn Thanh Sơn, tạo nên những sáng tác về Nam Bộ rất thật, rất đặc trưng, không lai tạp: Hành trình trên đất phù sa, Gợi nhớ quê hương, Hình bóng quê nhà, Hương tóc mạ non, Em về cây lúa trổ bông… Phải chăng vì lẽ ấy mà các bài hát của ông, dù chỉ nghe qua một lần là có thể nhớ và nhẩm hát theo?

Thanh Sơn không chỉ được những ca sĩ hát dòng nhạc quê hương, dân ca trữ tình tìm đến đặt bài mà còn có những “khách hàng” rất đặc biệt là những địa danh ở ĐBSCL để ông viết nên: Áo mới Cà Mau, Bạc Liêu hoài cổ, Tình em Tháp Mười, Socsơbai Sóc Trăng, Nhớ Cần Thơ, Xứ lụa Tân Châu, Về Châu Đốc, Yêu dấu Hà Tiên, Hát về Vĩnh Long, Áo trắng Gò Công, Chiều mưa xứ dừa… cũng một số địa danh trên khắp ba miền đất nước: Non nước hữu tình (miền Bắc), Trở lại thành phố sương mù (Đà Lạt), Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (Huế), Quê hương 3 miền,…

Trong thời nhạc thị trường thịnh hành, nhạc Thanh Sơn vẫn có một chỗ đứng rất riêng và cao quý trong lòng người nghe cũng như các nghệ sĩ qua nhiều thế hệ, từ thập niên 60 của thế kỷ trước: Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trang Mỹ Dung,… cho đến sau này: Bảo Yến, Thanh Lan, Nhã Phương, Cẩm Ly, Quốc Đại, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng,…

Hơn hết, người ta còn yêu quý ông ở tính cách thẳng thắn, phóng khoáng, hiền lành như bản tính của người miền Tây. Nhạc của ông, ca sĩ nào hát, nhớ thì gửi ông chút đỉnh tiền tác quyền, còn không nhớ, ông cũng chẳng đi đòi. Các ca sĩ trẻ mới vào nghề, đến xin bài, thấy nghèo quá, ông cho luôn chứ chẳng tiền bạc gì. Bài hát được các tỉnh đặt hàng, ông cũng chỉ cầm tiền tượng trưng rồi tặng lại cho bà con nghèo.

Trước khi biết mình sắp mất, ông dặn con cháu không nên làm đám tang rườm rà, ảnh hưởng bà con lối xóm. Ý nguyện của ông là hoả táng xác, mang tro cốt thả ngoài sông lớn nhưng bị người con trai thứ 5 phản ứng. Ông ngậm ngùi làm thinh. Vùng vằng mãi, ông mới chịu cho con trai lên Bình Dương tìm mua đất, chuẩn bị phần mộ cho mình. Tháng 4 năm 2012, ông mất sau một cơn tai biến tại Sài Gòn, để lại sự tiếc thương cho hàng triệu trái tim người yêu nhạc. Với gia tài âm nhạc đồ sộ gần 500 bài hát ở nhiều chủ đề, mỗi bài hát đều mang phong vị riêng, sự ra đi của ông là một mất mát rất lớn cho nền âm nhạc nước nhà.

Nhạc của Thanh Sơn hồn hậu và giản dị như sông nước, con người miền Tây mà ông là một phần trong đó. Đã có người ví, nhạc ông như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò, dòng sông, hàng dừa rủ bóng, cánh đồng đầy cò trắng, ngạt ngào hương mạ xanh rờn thắm đượm tình quê… Phải chăng chính sự giản dị mà nồng đượm ấy đã xoáy vào lòng người nghe và tạo nên sức sống bền bỉ cho nhạc của ông?

(Nguồnhttp://xahoi.com.vn)

D

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...