Có một tâm hồn nghệ sĩ trong người “dũng sĩ” cứu pháo Điện Biên

08/05/2014

Đằng sau vẻ kiên cường của một người chiến sĩ đã anh dũng lấy thân mình cứu pháo tại chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, ít ai biết rằng, người cựu chiến binh 81 tuổi Nguyễn Thế Vinh còn mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ với khúc tráng ca “Siết chặt vòng vây” đã trở thành động lực tinh thần, cổ vũ các chiến sĩ Điện Biên chiến đấu tiêu diệt quân thù.


Dũng sĩ cứu pháo trên chiến trường Điện Biên năm xưa nay là NGƯT, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện
Hà Nội, Nguyễn Thế Vinh.

Năng khiếu âm nhạc “thiên phú”

Mặc dù không sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, nhưng cậu bé Nguyễn Thế Vinh đã sẵn mang trong mình tình yêu và niềm đam mê âm nhạc. Đến năm 10 tuổi, cậu đã bắt đầu tập chơi đàn ghita, học thổi kèn acmonica – thứ nhạc cụ khi đó được thế hệ trẻ rất yêu chuộng.

Năm 1945, khi tản cư ở Việt Trì (Phú Thọ), cậu bé Vinh đã theo Việt Minh đi cướp chính quyền. Trong thời gian ở đây, cậu cũng tham gia một vai diễn trong vở nhạc kịch “Hội nghị Diên Hồng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khi mới 13 tuổi. Đến nay, khi đã trở thành một cụ ông 81 tuổi, những lời nói đầy khí thế thể hiện trong vở nhạc kịch đó, Nguyễn Thế Vinh vẫn còn nhớ nguyên vẹn.

Trong thời gian 2 năm học tập tại trường Nguyễn Thái Học (nay là trường Trần Phú) ở Vĩnh Yên, chàng trai trẻ Thế Vinh vẫn tiếp tục niềm đam mê âm nhạc của mình bằng việc sáng tác các ca khúc cho trường, lớp như bài hát “Học sinh vui tiến” để truyền đạt và phổ biến cho các bạn cùng trang lứa.

Kể từ đó, với mỗi chặng đường đã đi qua, mỗi dấu ấn trong cuộc đời, đặc biệt là khi vào quân ngũ, dù ở đâu, làm việc gì, dù là những việc nhỏ nhất như đi gánh củi, chở gạo, đi bắt sâu cùng nhân dân, cảm xúc sáng tác trong người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thế Vinh luôn dạt dào và đều được anh ghi lại bằng những ca khúc để luôn khắc sâu những ký ức và kỷ niệm đẹp trên đường đời.

Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất và không thể nào quên trong cuộc đời của cựu chiến binh, nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh gắn liền với khúc tráng ca “Siết chặt vòng vây” được ông viết ngay trên trận địa khốc liệt trong gần cuối giai đoạn 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ.


Bài hát "Siết chặt vòng vây" được nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh sáng tác năm 1954.

Theo lời của nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh, trong khoảng thời gian từ ngày 20 -30.4.1954, cuối giai đoạn 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội 816 của ông được lệnh hành quân đi từ phía bắc qua những đồi ở phía đông bắc của Điện Biên như đồi A1, đồi C1, đồi E…để làm nhiệm vụ bí mật áp sát sân bay Hồng Cúm để phát huy hỏa lực, cắt đứt đường vận tải cuối cùng của địch.

Trong quá trình hành quân, người chiến sĩ trẻ chợt nảy ra ý nghĩ, dường như toàn quân ta trên mặt trận đang siết chặt vòng vây, ai cũng tâm niệm làm sao phải tạo ra thòng lọng để quật ngã máy bay địch, tất cả đại đội đều quyết tâm phải tận dụng thời cơ bắn hạ bằng được máy bay địch, chặn đường tiếp viện của chúng.

Ý nghĩ đó cùng những hình ảnh cả đại đội hành quân kéo pháo trong đêm tối mưa ướt mà không có đèn chiếu sáng, hình ảnh những chiến sĩ công binh mở đường… cứ ẩn hiện trong tâm trí người chiến sĩ trẻ. Khi đó, cả đại đội hành quân trong đêm rất vất vả, ô tô phải tắt hết đèn. Mặc dù công binh đã dọn dẹp đường cho xe chạy thông suốt nhưng do đêm tối và mưa ướt nên việc di chuyển vẫn vô cùng khó khăn. Hai đồng chí được cử mặc dù màu trắng đi phía trước ô tô để làm tiêu cự dẫn đường, giúp lái xe nhìn theo 2 đốm sáng để đi đúng đường.

Vượt lên trên mọi nỗi gian lao vất vả với ý chí quật cường của người chiến sĩ Điện Biên, Nguyễn Thế Vinh đã viết nên những ca từ hào hùng, tràn đầy khí thế để cổ vũ, động viên tinh thần anh em: “Siết chặt vòng vây quân ta chiếm bốn phía núi rừng/ Siết chặt vòng vây quân ta tới sát những chiến hào/ Anh em ơi! Anh em ơi! Lựu pháo hiên ngang dội nát những đồi cao”.

Ca khúc “Siết chặt vòng vây” ra đời ngày 2.5 và đã được chiến sĩ trẻ Thế Vinh truyền đạt lại cho anh em để mọi người cùng hát theo, tạo thành lời cổ vũ, thúc giục lên đường quyết tâm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.

Nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ, trong bài hát này, ông muốn ca ngợi các chiến sĩ bộ binh, công binh, pháo binh và các chiến sĩ phòng không, tất cả các binh chủng lớn phối hợp tiêu diệt để đánh trận cuối cùng từ ngày 1.5-7.5, trận tổng công kích kết thúc chiến dịch.

Dũng sĩ Điện Biên trở thành nhà giáo ưu tú

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, với năng khiếu âm nhạc nổi trội, chiến sĩ trẻ Nguyễn Thế Vinh được cấp trên đưa về xây dựng đoàn văn công phòng không không quân (lúc đó gọi là đoàn văn công sư đoàn 367) và là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ xây dựng đoàn văn công này.

Ông công tác ở đoàn văn công khu vực Hà Nội, một vài năm sau sáp nhập với đoàn văn công quân khu 4 ở Vinh, Nghệ An. Từ đó, Nguyễn Thế Vinh là đội trưởng đội nhạc, chỉ huy hợp xướng của đoàn văn công, cùng anh em mang lời ca, tiếng hát đi phục vụ bộ đội ta ngoài biên phòng, hải đảo.

Năm 1959, Nguyễn Thế Vinh thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), học khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy. Bằng tài năng và thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giảng viên và được cử sang Liên Xô tu nghiệp tại Nhạc viện Traicopxki.

Năm 1985, sau một thời gian trở về nước, ông được đề bạt làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội và đến năm 1992, danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thế Vinh đã được phong tặng cho người thầy có nhiều đóng góp cho nền giáo dục âm nhạc Việt Nam thời kỳ đó.

NGƯT.Nguyễn Thế Vinh tạm gác sự nghiệp sáng tác, dành nhiều thời gian và tâm huyết viết hàng chục cuốn sách về âm nhạc để đào tào các thế hệ sau. Những đóng góp đó của ông được ghi nhận bằng hàng chục huy chương, bằng khen, giấy khen về sự nghiệp trồng người.

Dũng sĩ Điện Biên năm xưa nay là người thầy giáo tóc bạc tự hào nói với tôi rằng, dù đi đâu ông cũng “đụng” học trò của mình, từ “trên không” học trò của ông là một nữ tiếp viên hàng không, đến “dưới nước” là một cán bộ văn hóa về hưu ra làm kinh tế, hay đi tỉnh nào cũng gặp học trò là Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở văn hóa…Người thầy giáo già trầm ngâm: “Người làm nghề giáo, thấy học trò của mình trưởng thành ở mọi nơi, mọi cương vị như vậy là hài lòng rồi”.

“Trong cuộc đời tôi có hai giai đoạn khác nhau: Giai đoạn thanh thiếu niên học tập và tham gia quân đội, và giai đoạn trở thành nhà giáo đào tạo âm nhạc. Dù ở giai đoạn nào, tôi vẫn mang trong mình tinh thần của một chiến sĩ Điện Biên, làm việc hết công suất với tất cả tâm huyết, không những bằng sức lao động chân tay mà bằng cả tâm hồn và trí óc để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào. Ở giai đoạn nào cũng hài lòng đã làm tốt với yêu cầu của thế hệ mình đang sống”. (NGƯT- Nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh).

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...