Có các xu hướng khác nhau trong sáng tác ca khúc hiện nay?

21/09/2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời đại thông tin bùng nổ mở ra một không gian bao la cho nghệ thuật âm nhạc. Khả năng trực tiếp giao lưu văn hóa, giao lưu âm nhạc giữa đầu này với đầu kia đất nước, đầu này với đầu kia địa cầu chẳng còn là chuyện khoa học viễn tưởng. Khát vọng đi tìm cái mới lạ của nhạc sĩ sáng tác chưa lúc nào gặp điều kiện thuận lợi như lúc này. Nếu tình hình sáng tác ca khúc Việt Nam trở nên phong phú đa dạng chưa từng thấy, thì cũng không phải điều đáng ngạc nhiên. Và, nếu đúng là đã định hình các xu hướng sáng tác khác nhau, thì các xu hướng đó là gì? Ta có thể nói gì về hiện trạng sáng tác ca khúc - một thể loại chưa bao giờ đánh mất vị trí chủ đạo trong đời sống âm nhạc của chúng ta?

Trong quá trình bảy thập niên phát triển, ca khúc Việt Nam thường được xây dựng theo một trong hai nguồn chính: thứ nhất - lấy mẫu mực từ âm nhạc ngoại quốc, thứ hai - dựa vào âm nhạc cổ truyền dân tộc. Ngoài ra còn có thể nói đến loại thứ ba - cố gắng dung hòa các yếu tố của cả hai bên “nội - ngoại”. Tuy không phải lúc nào cũng thấy ranh giới tách biệt giữa loại trung gian với bên này hoặc bên kia.

Nay cũng vậy, ca khúc vẫn đang tiếp tục định hình từ các nguồn âm nhạc nói trên. Đồng thời sự sáng tạo luôn mang theo dấu ấn thời đại, thời đại mở cửa, hòa nhập nhưng phải cố không hòa tan. Từ đây đâm chồi thêm  vài nhánh nhỏ đi tìm (hoặc bắt chước) những cái mới lạ. Thành bại ở mỗi nhánh đến đâu còn phụ thuộc vào sức sáng tạo nghệ thuật của riêng từng tác giả. Thử điểm qua đây vài chi vài nhánh đại diện cho hai họ - bên ngoại cũng như bên nội.

Thứ nhất: ảnh hưởng của âm nhạc ngoại quốc.

Dễ viết, dễ hát, dễ nghe nhất là những ca khúc giống hệt nhạc giải trí nước ngoài. Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Hoa, Nhật, Đại Hàn..., cứ thứ gì thịnh hành trên thị trường âm nhạc giải trí, thì ở ta cũng kịp thời cho ra ngay cái tương tự. Ca khúc kiểu này thường được bình chọn vào danh sách những bài hát yêu thích, những Top ten. Vì có lượng công chúng khổng lồ nên chúng cũng dễ đạt tới con số khổng lồ. Cho nên luôn có ngộ nhận trong giới thưởng thức cũng như giới sáng tác: coi những ca khúc đại chúng được pop-rock hóa là đại diện chính, thậm chí duy nhất của nền ca nhạc đất nước hôm nay.

Ảnh hưởng Jazz bắt đầu thấy rõ ở một vài tác giả trẻ. Một chút blues, một chút soul... với những tiết tấu, những quãng giai điệu đặc trưng của Jazz làm cho bài hát trở nên mới mẻ (có thể cũ người mới ta), và rất Tây. Nhưng cái kiểu Tây này khó hát khó thuộc hơn kiểu Tây thuận tai thuận giọng trong loại nhạc phổ thông (pop-rock).

Càng không dễ nắm bắt là loại bài hát ít tính giai điệu. Người viết đánh vật với cái mới lạ trong tiết tấu trúc trắc, đường nét giai điệu gãy khúc, vụn vặt, làm khó cho cả người hát lẫn người nghe. Biểu diễn và thưởng thức bài hát tính cách, mượn chút hơi hướng “âm nhạc hiện đại” này rất kén người.

Âm nhạc truyền thống châu Âu vẫn là cơ sở chính cho bài hát gần với tính chất kinh viện, như romance - một thể loại lâu nay vẫn được phổ biến với cụm từ ca khúc nghệ thuật. Vốn là sản phẩm độc quyền của các tác giả được đào tạo chính quy, nhờ cuộc thi và trại sáng tác romance do Hội Nhạc sĩ tổ chức, ca khúc nghệ thuật đã bắt đầu bước ra khỏi “tháp ngà”. Nhưng quan niệm về ca khúc nghệ thuật đôi khi vẫn quá giản đơn: một số người chỉ quen tư duy đơn âm nên phải nhờ người khác viết phần đệm piano cho bài hát có trước của mình - thế là thành ca khúc nghệ thuật! Trong đó, phần đệm vẫn chỉ là nền, chưa ngang tầm với phần hát như trong cuộc đối thoại tay đôi thường thấy ở thể loại romance. Mặc dù rất được khuyến khích, ca khúc nghệ thuật chủ yếu vẫn để dùng trong chương trình giảng dạy khoa thanh nhạc các nhạc viện, chưa hoàn toàn “phá rào” hòa nhập vào đời sống ca nhạc đại chúng.

Một số ca khúc thuộc các nhánh vừa kể trên còn sử dụng thêm những nét giai điệu hoặc chồng âm (trong phần đệm) gần gũi với chất liệu âm nhạc cổ truyền dân tộc. Tùy thuộc vào liều lượng “chất liệu nội” cân bằng với “chất liệu ngoại” hay không, mà ta có thể xếp bài hát vào vị trí trung gian, hay cho nó “mang họ” ngoại hoặc nội.

Thứ hai: ảnh hưởng âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Phổ biến nhất là những bài hát sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian các vùng miền khác nhau. Có những tác giả chuyên gắn bó với dân ca một miền đất nào đó. Lại lần nữa phải nhấn mạnh sự sáng tạo cá nhân của nhạc sĩ, bên cạnh những thành công đáng kể trong hướng sáng tác này vẫn có những bài hát một màu luẩn quẩn với chất liệu dân ca quen thuộc, nghe không khác một bài dân ca đặt lời mới.

Tìm tòi chất liệu mới, một vài người hướng về nghệ thuật chuyên nghiệp cổ truyền ít được khai thác trong các thập niên thời chiến, như ả đào, chầu văn... Những bài hát này thường khó thể hiện, đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật nghề nghiệp và đủ ngấm nghệ thuật ca nhạc dân tộc. Chính ở đây hình thành không ít bài hát có giá trị nghệ thuật lâu bền.

Một nhánh có thể gây nhiều điều tranh cãi nhất, đó là “nhạc sến”. Tạm xếp vào đây, vì mặc dù được viết theo phong cách boléro, “nhạc sến” vẫn là sản phẩm rất Việt Nam, nói đúng hơn, rất Nam bộ. Loại nhạc này từng hưng thịnh ở đất phương Nam với các phái: “sến sang” và “sến dơ”. Cho đến nay, nhạc sến vẫn có công chúng của mình, chủ yếu là công chúng bình dân ở phía Nam, nơi mà sến (cùng loại nhạc giải trí dễ nghe) vẫn được những chiếc xe bán kẹo kéo chở đi khắp phố phường. Vẫn còn đối tượng nghe thì vẫn có những sáng tác đi theo phong cách sến.

Như vậy, xét về chất liệu âm nhạc, có thể chia ca khúc ra hai “họ” chính và một loại trung gian. Ở mỗi dòng họ lại có vài nhánh hướng tới các phong cách khác nhau, có cái đạt đến vị trí đáng kể, có cái đang trên con đường định hình, và cũng có cái còn lẻ tẻ ở mức thử nghiệm. Nếu gạt bỏ được mọi sự dè dặt và khắt khe trong đánh giá, thì có lẽ cứ gọi luôn tất cả những cái đó là các xu hướng trong sáng tác ca khúc hôm nay?

Trên đây là những gì có thể nói về các xu hướng sáng tác ca khúc, nhìn từ góc độ hoàn toàn cá nhân. Xem như một sự khơi mào cho cuộc bàn luận cần thiết giữa những cách nhìn khác nhau. Cũng như thế, rất có thể sẽ mỗi người mỗi ý trước câu hỏi “phải làm gì trước hiện trạng sáng tác này?”.

Phải làm gì...?

Một ông A bình tĩnh: chẳng làm gì cả! Giả dụ với loại nhạc “nước đường”, cứ để mặc ai đó đang háo ngọt uống cho đã thèm, uống đến khé cả cổ, ngán rồi ép nữa cũng chẳng dám uống thêm. Thứ giải khát nhất thời sẽ tự động biến đi như mọi thứ thời trang phải đến lúc hết mùa.

Một bà B nhìn xa: thả nổi là làm hại công chúng, dẫn đến bệnh hoạn trong thẩm mỹ âm nhạc, giống như cái người xài đường cho lắm rồi khổ sở vì chứng tiểu đường, vì những hậu họa do lượng đường trong máu quá cao.

Một anh C nhắc nhở: lý luận phê bình sinh ra từ thực tiễn sáng tác nên nó luôn đi sau sáng tác. Không mượn nó dạy khôn, vạch đường chỉ hướng cho sáng tác.

Một chị D dung hòa: âm nhạc nào có công chúng đó. Không thể quy sáng tác vào một mối, một khuôn. Muốn sáng tác muôn màu muôn vẻ thì sao cứ gay gắt trước những biểu hiện tìm tòi cái mới lạ, sao không thể độ lượng hơn trong thái độ chấp nhận lớp nhạc sĩ trẻ đang thay thế lớp già?

Ý nào cũng có lý.

Cái khó ở đây là sự có mặt đúng chỗ, đúng lúc và đúng mức của lý luận phê bình âm nhạc, không thờ ơ mà cũng chẳng thô bạo, không lạc quan tếu mà cũng chẳng quá bi quan. Người phê bình suy cho cùng cũng là người thưởng thức, chỉ khác người thưởng thức bình thường ở chỗ họ có thể chỉ ra cái hay cái đẹp trong tác phẩm và giải thích được “vì sao đẹp, vì sao hay” một cách nghệ thuật và khoa học.

Vậy, xin để các nhạc sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới mẻ, rồi từ đó sẽ có những tác phẩm phê bình thực sự. Đến lượt những tác phẩm phê bình với sự đánh giá cái hay cái dở một cách thuyết phục, sẽ ảnh hưởng tích cực vào cảm nhận âm nhạc của công chúng và, đương nhiên, vào chất lượng sáng tác trong tương lai.

8-7- 2001

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...