CLARA19: Cái nhìn xuyên suốt cuộc đời Clara Schumann

16/01/2019

Các viện nghiên cứu văn hóa, các nghệ sỹ của thành phố Leipzig và các nghệ sỹ khách mời quốc tế sẽ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Clara Schumann tại chính thành phố quê hương của bà. CLARA19 là dự án do chính Leipzig tổ chức với sự hỗ trợ của công ty Leipzig Tourismus und Marketing GmbH.

Hiện tại cả Clara và Robert Schumann đều là một phần di sản của Leipzig

TS. Skadi Jennicke, người phụ trách lĩnh vực văn hóa ở Leipzig cho biết: “Hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Clara Schumann là điểm nhấn hết sức quan trọng giữa hàng loạt sự kiện và lễ kỷ niệm được tổ chức trong năm 2019 của Leipzig, thành phố của âm nhạc. Sinh ra và lớn lên tại thành phố của chúng tôi, bà đã chinh phục các sân khấu lớn của châu Âu bằng tài năng âm nhạc thiên bẩm của mình. Bà cũng từng kỷ niệm 50 năm biểu diễn của mình tại Leipzig Gewandhaus. Chúng tôi cảm kích sự nghiệp và sự cống hiến của bà với âm nhạc cô điển, giờ đây bà vẫn còn được biết đến như một biểu tượng khác thường về sự khai phóng của thời đại”.

Một phần di sản của thành phố âm nhạc

Clara Schumann đã sống ở Leipzig trong vòng 25 năm. Ở tuổi lên 9, bà đã có buổi ra mắt khán giả thành công tại chính Leipzig Gewandhaus. Khi lớn lên, bà đã biểu diễn tại Paris, Vienna, Copenhagen, St. Petersburg... Nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời bà cũng diễn ra tại đây, đặc biệt là cuộc hôn nhân với nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano Robert Schumann, người mà bà đã yêu bất chấp cả sự cấm đoán cả người cha nghiêm khắc và chia sẻ nhiều thời khắc vinh quang, hạnh phúc và cả bất hạnh trong suốt cuộc đời mình. Vào năm

1878, bà đã được thành phố vinh danh tại Leipzig Gewandhaus nhân dịp kỷ niệm sự nghiệp 50 năm biểu diễn – sự nghiệp mà bà duy trì không chỉ vì tình yêu nghệ thuật mà còn là cách để bà có đủ thu nhập nuôi nấng những đứa con sau cái chết của chồng.  

Clara đã trở thành một phần đặc biệt của Leipzig – hiếm có thành phố nào ở Đức có thể vượt qua được nó về độ giàu có và phong phú về truyền thống âm nhạc. Nhà Schumann, Felix Mendelssohn Bartholdy, Johann Sebastian Bach, Richard Wagner, Edvard Grieg, Gustav Mahler và nhiều tên tuổi lẫy lừng khác đã trở thành báu vật âm nhạc nơi này. Dàn nhạc Gewandhaus Orchestra và nhà hát Leipzig Opera đã tạo dựng được danh tiếng quốc tế và các festival như Bachfest, Wagner-Festtage, MDR Musiksommer thu hút người hâm mộ trên khắp thế giới.

Năm 2018, Leipzig đã bỏ vào ngân quỹ tổ chức festival CLARA19 một khoản kinh phí 75.000 euro còn năm 2019, hội đồng thành phố còn bổ sung thêm 260.000 euro. Vậy những người yêu mến nhà soạn nhạc và nữ nghệ sỹ piano Clara Schumann sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn độc đáo nào? Giám đốc nghệ thuật CLARA19, Gregor Nowak – nghệ sỹ cello từng đảm trách vai trò giám đốc nghệ thuật và tổ chức của Dàn nhạc thính phòng Mendelssohn, và từ năm 2012 là giám đốc điều hành Schumann-Verein Leipzig để tổ chức các buổi hòa nhạc tại Schumann-Saal, bảo tàng Schumann-Haus Leipzig), cho biết, một phần của chương trình là việc tái hiện lại hành trình âm nhạc và sự nghiệp của Clara Schumann. “Các tổ chức như Gewandhaus in Leipzig, MDR Klassik & MDR Kultur, Leipzig Ballet, Schumann-Haus, Mendelssohn-Haus, Leipzig Book Fair, Young World Theatre, Leipzig Music Trail và nhiều tổ chức khác sẽ cùng đem lại cho CLARA19, một năm kỷ niệm độc đáo và phong phú trên khắp châu Âu”, Gregor Nowak nói. Người ta có thể theo bước chân của Clara tại các nơi bà sinh ra và lớn lên, thậm chí cả phòng khách nổi tiếng của bà tại Schumann House, những tác phẩm do bà sáng tác sẽ vang lên ở khắp các địa điểm biểu diễn âm nhạc, gần đây chúng được trao danh hiệu Di sản văn hóa châu Âu.

Chân dung người phụ nữ đặc biệt

Clara Schumann trên đồng 100 mark Đức.

Ban tổ chức CLARA19 sẽ đem lại cho người yêu âm nhạc của bà một cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời đặc biệt của bà từ quan điểm hiện đại. Là ngôi sao ở thế kỷ 19, Clara Schumann – con gái của nhạc sư Friedrich Wieck – đã đấu tranh cho cả nghệ thuật lẫn tình yêu của mình. Bằng cách đó bà đã định hình ra thời đại của mình hơn bất cứ người phụ nữ cùng thời nào khác.

Với mục tiêu này, chương trình của CLARA19 cũng phong phú và phức tạp như những gì trải qua cuộc đời bà – người đã trở thành nguồn cảm hứng và là nàng thơ của cả hai nhà soạn nhạc thời kỳ Lãng mạn, Robert Schumann và Johannes Brahms. Do đó, không chỉ có âm nhạc, CLARA19 còn gắn kết nhiều lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật, của người hâm mộ ở khắp các lứa tuổi và sở thích. Do đó, trọng tâm của năm kỷ niệm sẽ là các sáng tác của bà, phạm vi hoạt động nghệ thuật của bà và cả hôn nhân với Robert Schumann, cũng như các hoạt động biểu diễn quốc tế của bà. Những xung đột giữa sự nghiệp với cuộc sống gia đình, thời kỳ được biết đến như một thần đồng và câu chuyện đấu tranh đòi tự do lựa chọn nghề nghiệp, tình yêu sẽ được nêu như một phần không thể thiếu của Clara Schumann.

CLARA19 sẽ khai mạc vào ngày 26/1/2019 với một gala tại trường đại học Âm nhạc và sân khấu Felix Mendelssohn Bartholdy. Điểm nhấn của năm sẽ là Festival Schumann từ ngày 12 đến 29/9/2019 nhằm kỷ niệm ngày sinh của Robert Schumann (13/9/1819) và ngày cưới (12/9/1840). Bảo tàng Schumann-House trên đường Insel, nơi Clara và Robert Schumann sống 4 năm đầu sau khi kết hôn, sẽ có triển lãm với các hiện vật được nhà giám tuyển và chuyên gia về Clara Schumann là Beatrix Borchard lựa chọn, giới thiệu.

Trong hai ngày 12 và 13/9, nghệ sỹ piano Lauma Skride với nhạc trưởng, Gewandhauskapellmeister Andris Nelsons và dàn nhạc Leipzig Gewandhaus Orchestra biểu diễn bản piano concerto Op. 7 của Clara Schumann.

Không chỉ Leipzig mà một số nơi trên khắp nước Đức cũng tưởng nhớ Clara. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên DW vào năm 2017, Markus Schuck, nhà sáng lập và giám đốc Festival Schumann của thành phố Bonn - nơi Schumann qua đời vào năm 1856 và là nơi chôn cất của cả hai vợ chồng nhà soạn nhạc, cho biết: “Năm 2019 – một năm trước đợt kỷ niệm ngày sinh của Beethoven, chúng tôi sẽ kỷ nhiệm 200 năm ngày sinh Clara Schumann, đặt bà vào vị trí nổi bật, xứng đáng với danh tiếng của một nhà soạn nhạc tài năng và một nữ nghệ sỹ piano nổi tiếng nhất thời đại mình và là người mẹ của 8 đứa con. Khi chuẩn bị tổ chức đợt kỷ niệm này, tôi biết mình sẽ húc đầu vào đá nhưng bằng mọi cách, tôi không thể để lỡ cơ hội”.

(Nguồn: từ leipzig.de, DW, The Guardian.)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...