Chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc biệt “ĐIỆN BIÊN PHỦ CONCERT”

23/04/2014

Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam trân trọng thông báo tổ chức chương trình Hòa nhạc đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ Concert” diễn ra vào 02 đêm thứ 4 và thứ 5 ngày 7&8 tháng 5 năm 2014 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Chương trình Hòa nhạc “Điện Biên Phủ Concert” được dàn dựng công phu và trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNHGHVN), chỉ huy: Giám đốc Âm nhạc, Chỉ huy chính của DNGHVN người Nhật Bản- Honna Tetsuji.

Trong chương trình này còn có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ violin tài năng Bùi Công Duy, với bản giao hưởng thơ viết cho đàn violin và dàn nhạc “Poeme, Op. 25” được nhà soạn nhạc Ernest Chausson viết vào năm 1896.

Ernest Chausson, tên đầy đủ là Amedee-Ernest Chausson sinh ngày 21/1/1855 ở Paris Pháp và mất ngày 10/6/1899 tại Limay, Pháp. Ông là nhà soạn nhạc có ít nhiều các tác phẩm đã đưa tên tuổi của ông lên đứng đầu trong số các nhà soạn nhạc người Pháp ở cuối thế kỷ 19. “Poeme, Op. 25” được bắt đầu viết vào tháng 4 năm 1896 và hoàn thành vào ngày 29 tháng 6, Chausson viết tác phẩm này trong kỳ nghỉ ở Florence, Ý. Tác phẩm này được nhiều nghệ sĩ violin chọn để thu âm và biểu diễn. Tác phẩm cũng được đông đảo mọi người công nhận là tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất của Chausson. Poème Op.25 là thể loại concerto viết cho đàn violin, đã được viết theo yêu cầu của Eugène Ysaÿe. Chausson cảm thấy bất công với nhiệm vụ này và đã viết thư cho Ysaÿe: “Tôi hầu như không biết bắt đầu từ đâu với một bản concerto, đây là một việc lớn, một nhiệm vụ quái quỷ. Nhưng tôi có thể thực hiện nhiệm vụ này với một tác phẩm ngắn hơn. Tác phẩm này sẽ được viết theo trường phái tự do với một số đoạn trong đó violin chơi một mình”.

Đặc biệt trong chương trình Hòa nhạc “Điện Biên Phủ Concert”, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ công diễn lần đầu tiên trên thế giới tác phẩm “Giao hưởng Điểm hẹn” của nhạc sỹ người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiện Đạo.

Ông sinh tại Hà nội năm 1940. Ông đến Pháp năm 1953 và tham gia nhạc viện quốc gia Paris vào năm 1963. Ông tự coi mình là "người thừa kế hai nền văn minh: phương Đông và phương Tây". Ông đã cố gắng để tạo ra một tổ hợp âm nhạc bằng cách xây dựng âm nhạc dựa trên vi khoảng thời gian, màu sắc âm thanh, cấu trúc nhịp điệu và độ dài thời gian. Ông hy vọng sẽ được xem như tác giả của một loại nhạc "trữ tình và đam mê của một nhân vật anh hùng". Ông đã giành nhiều giải thưởng danh tiếng như:giải nhất giải thưởng Olivier Messiaen Erasme Fondation của Hà Lan) ,giải caplet André ( Académie des Beaux-Arts ) của Hàn lâm viện mỹ thuật Pháp, Huân chương kháng chiến, giải thưởng vinh danh nước Việt và các giải thưởng khác. Nhiều tác phẩm của ông đã được trình chiếu ở nhiều địa điểm nổi tiếng như Nhà hát Champs Elysees, Quảng trường Lille, Liên hoan âm nhạc Avignon, Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Oliver Messien của đài phát thanh Pháp. Hơn 93 tác phẩm của ông với nhiều thể loại giao hưởng, opera, v.v trong đó hơn 10 tác phẩm được viết cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã được xuất bản và in ấn bởi 2 nhà sản xuất Jobert và Salabert (Paris). Ông vừa mới hoàn thành bản Giao hưởng Tiên Du cho Đại dàn nhạc dân tộc và bản Giao hưởng Điểm hẹn ( Thiên sử vàng ) cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Giao hưởng Điểm hẹn do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đặt viết cho dịp kỷ niệm 60 năm chiến tích Điện biên, dài khoảng 25 phút và gồm 4 chương :

Chương 1. Rồng Tiên : Bộ gõ và dàn dây với những phức điệu âm u, huyền bí đưa một dòng nhạc trữ tình từ đàn vibraphone ngân vang tượng trưng cho sự ra đời của con cháu Lạc hồng. Dàn nhạc từ từ vang dội rồi dàn dây lại trở về phức điệu huyền bí âm u.

Chương 2. Tình ca : Bắt đầu sáo ngân vang một giai điệu trữ tình, tiếp theo dàn violoncello với một câu bi hùng rồi dàn dây quyện nhau kết và bị bộ kèn đồng và bộ gõ cắt đứt.

Chương 3. Thời nô lệ : Dàn dây dày dặc từ trầm lên cao và các đàn khác vào từng khối mầu sắc khác nhau tượng trưng cho sự xâm lăng và thời nô lệ.

Chương 4. Điểm hẹn : Dàn nhạc từ từ dâng lên rồi bay ngang dọc bầu trời để kết thúc trong khải hoàn bằng cụm nốt tonal rê giáng trưởng (ré bémol Majeur ).

Tác phẩm cuối cùng trong chương trình Hòa nhạc đặc biệt “Điện Biên Phủ Concert” được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn là bản Giao hưởng số 3 “Giao hưởng Anh hùng” (Symphony no.3 Eb major Op.55 “Eroica”) của nhà soạn nhạc vĩ đại L.v. Beethoven.

Ludwig van Beethoven sinh ngày 17 tháng 12 năm 1770 tại Bonn, vùng Rhineland nước Đức. Sau đó, ông rời đến sống ở Vienna từ năm 1792 cho đến khi qua đời. Cha và ông nội của Beethoven là những nhạc sĩ cung đình. Ludwig kế thừa truyền thống gia đình trong khuôn khổ mẫu mực, trở thành một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của lịch sử. Phong cách âm nhạc mạnh mẽ, sôi nổi của Beethoven thấm đẫm trong các tác phẩm của ông, tràn đầy sự tự tin và lòng nhiệt thành. Một lần nữa, sự bất hòa được hòa giải bằng niềm hân hoan. Sự chết chóc, hủy diệt bị xóa tan bởi giai điệu hoan hỷ. Cơn sóng dữ ập đến cuộc sống riêng tư của ông trong đó có sự kiện ông bị điếc vĩnh viễn năm 29 tuổi đã thử thách tinh thần lạc quan trời sinh của ông. Ông đã vượt qua những khó khăn nhờ một chế độ sáng tác nghiêm ngặt. Thậm chí, trong quãng thời gian sáng tác sau này của mình, âm nhạc của Beethoven còn tự do hơn, giàu hình ảnh hơn.

Trong những ngày cuối đời, trên giường bệnh, Beethoven vẫn không khỏi nghiền ngẫm kế hoạch sáng tác Giao hưởng số Mười. Tuy có tính cách ngang ngược, sống sượng nhưng Beethoven vẫn được người dân thành Viên kính trọng, tôn sùng như một người con vĩ đại. Trái tim ông đã vĩnh viễn ngừng đập ngày 26-3-1827. Lễ tang của Beethoven được tổ chức với sự viếng thăm của 20.000 bạn bè và những người hâm mộ.

Bản “Giao hưởng Anh hùng” đánh dấu sự trưởng thành của tác giả trong giai đoạn giữa của sự nghiệp sáng tác. Một thời kỳ gồm rất nhiều những tác phẩm hoành tráng chứa đựng chiều sâu cảm xúc và kết cấu âm nhạc chặt chẽ. Đây là bản giao hưởng được công nhận là một tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách âm nhạc cổ điển của những năm cuối thế kỷ 18, đồng thời, tác phẩm cũng cho thấy đặc điểm nổi bật của phong cách lãng mạn sẽ thống trị trong thế kỷ 19. Bản giao hưởng số 3 được bắt đầu viết ngay sau khi bản giao hưởng số 2 hoàn thành vào tháng 8 năm 1804, và được trình diễn lần đầu tiên vào 7 tháng 4 năm 1805.

Tác phẩm bao gồm 4 chương:

Chương 1. Allegro con Brio

Chương 2. Marcia funebre : Adagio assai

Chương 3. Scherzo : Allegro VIVACE

Chương 4. Finale : Allegro molto

Để có thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Nguyễn Hoàng Việt
Phụ trách Truyền thông
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Ðịa chỉ: 226 Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 38331448
Fax: (84-4) 38334968
E-mail: ngeevie@gmail.com

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.