Chương trình hòa nhạc 'Chúng tôi đã trở lại'

11/06/2020

Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam (VNSO) trân trọng thông báo tổ chức chương trình hòa nhạc “WE RETURN | CHÚNG TÔI ĐÃ TRỞ LẠI” thay cho lời cảm ơn của chúng tôi đến tập thể các y bác sĩ, quân đội nhân dân Việt Nam, và tất cả những người ở tuyến đầu chống đại dịch Covid-19.

Được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình hòa nhạc “WE RETURN | CHÚNG TÔI ĐÃ TRỞ LẠI” sẽ công diễn vào lúc 20h00 ngày 19/6/2020 tại Phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, số 77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Đây là chương trình biểu diễn có quy mô hoành tráng, liên kết giữa 03 dàn nhạc lớn nhất của Việt Nam: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với sự tham gia của hơn 130 nghệ sĩ hàng đầu trong ngành Âm nhạc hàn lâm, hứa hẹn sẽ đem lại một nguồn năng lượng tích cực cho khán thính giả, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của chúng ta sau đại dịch Covid-19.

Nội dung chương trình hòa nhạc:   

Tác phẩm:

G. ROSSINI Overture from Opera “La Gazza Ladra”

J. S. BACH Concerto for Oboe and Violin D-minor, BWV 1060

F. POULENC Concerto for 2 Pianos and Orchestra in D-minor

O. RESPIGHI Pini di Roma

Giới thiệu nghệ sĩ

Nhạc trưởng: HONNA TETSUJI

Độc tấu:

Oboe HOÀNG MẠNH LÂM

Violin NGUYỄN THIỆN MINH

Piano NGUYỄN HUY PHƯƠNG

Piano NGUYỄN TRINH HƯƠNG

HONNA TETSUJI

Honna Tetsuji học với Giáo sư C. A. Buente Yamada Kazuo và Inoue Michiyoshi; theo học tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw (1989 - 1991) và tại London Sifonietta (1995 - 1996).

Honna Tetsuji được bổ nhiệm làm Chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995-2001) và là Chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1998-2001). Ông được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam  mời làm Cố vấn Âm nhạc và Chỉ huy dàn nhạc (2001-2009). Ông trở thành Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam kể từ năm 2009.

Các giải thưởng của ông bao gồm: Giải Nhì tại cuộc thi chỉ huy Quốc tế Tokyo (1985), Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Arturo Toscanini, Italia (1990), Giải Nhất và giải Bartok tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải Fresh Arrtist của giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel Music (1995), Giải Khuyến khích của Sân khấu Nghệ thuật Osaka sau khi chỉ huy tất cả các bản giao hưởng của Franz Schubert (1997), Giải thưởng của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (2009), Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2011), Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Giải thưởng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (2018) và Giải thưởng đặc biệt của Quỹ Âm nhạc Watanabe Akeo (2019).

Năm 2001, Honna đã chỉ huy trong chuyến lưu diễn TOYOTA CLASSIC qua 8 quốc gia Châu Á, bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Phillipines, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei với Dàn nhạc Nagoya Philharmonic.

Honna đã từng chỉ huy trong vô số dàn nhạc, bao gồm: Dàn nhạc Philharmonic della Scala tại Milano, Dàn nhạc Sinfanica dell Emillia Romagna “Arturo Tócanini”, Dàn nhạc Mozarteum Orrchestra Salzburg Filharmonia London, Dàn nhạc Giao hưởng Radio Hungary, Dàn nhạc giao hưởng Prague Radio, Dàn nhạc Slovenian Philharmonic, Dàn nhạc Romanian Radio, Dàn nhạc Dàn nhạc Malaysia, Dàn nhạc Thượng Hải, Dàn nhạc Giao hưởng Thẩm Quyến, Dàn nhạc Phillipines Philharmonic và hầu hết các dàn nhạc tại Nhật Bản.

Honna được mời chỉ huy trong nhiều liên hoan Quốc tế, bao gồm: Carinthischer Sommer tại Áo, the Salzburg Spring Festival, the Bartók Festival tại Hungary,Mostly Mozart Festival tại Tokyo, Liên hoan Mùa thu tại Seoul, Asian Music Festival Tokyo,Oulunsalo Music Festival tại Phần Lan, Suntory Summer Festival, Ditto Festival tại Seoul, Karuizawa International Music Festival “La Folle Journee au Japon” và “Milano Musica”, Liên hoan âm nhạc Đương đại tại Teatro alla Scala, vv.

Ông cũng từng làm việc với nhiều nghệ sỹ hàng đầu thế giới, bao gồm: Martha Argerich, Elisabeth Leonskaja, Cyprian Cacaris,bPeter Resel, Đặng Thái Sơn, Philippe Entremont, Cecil Licad, Reiner Honek, Christian Tezlaff, Igor Oistrach, Maximillian Hornung, Dieter Fluri, Stefan Shilli, Alessandro Carbonare, Wolfgang Tomböck và Premysl Vojita.

Trong lĩnh vực opera, ông cũng từng chỉ huy trong nhiều vở opera của Mozart, các vở opera hiện đại như: “Chung Hyang” của Takagi Toroku và “Orpheo of Hiroshima” của Akutagawa Yasushi, “Momo” của Ichiyanagi Toshi và “Satyricon” của Bruno Madera. Tại Vietnam, Honna chỉ huy trong nhiều vở opera, bao gồm: Opera “Cô Sao” của Đỗ Nhuận và Opera “Lá Đỏ” (Công diễn thế giới lần đầu tiên)) của Đỗ Hồng Quân,”Yuzuru” của Dan Ikuma,”Bamboo Princess” của Numajiri Ryusuke, Ballet ”Firebird” của I. Stravinsky và Ballet ”Spider’s Thread” của Akutagawa Yasushi với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Ông đã thu âm nhiều CD với Dàn nhạc Nhật Bản Philharmonic, Dàn nhạc Nhật Bản New Philharmonic, Dàn nhạc Metropolitan, Dàn nhạc La Tempesta Chamber (Phần Lan), Dàn nhac Nipponica và Slovenian Philharmonic.

HOÀNG MẠNH LÂM

Hoàng Mạnh Lâm bắt đầu học kèn Oboe từ năm 12 tuổi tại Học viện Âm nhạc quốc Gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Ngô Phương Đông.

Năm 2007, anh tham gia lớp học hòa tấu nâng cao tại Thụy Điển dưới sự giảng dạy của Giáo sư Asger Sevendsen tại thành phố Malmo.

Năm 2011, anh theo học khóa học nâng cao tại Đại học Temple University, Philadelphia, Mỹ với học bổng toàn phần của quỹ Wesbenson, dưới sự giảng dạy của giáo sư Peter Smith (thành viên của dàn nhạc Philadelphia).

Anh từng là thành viên trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Sayowe (Thái Lan), Dàn nhạc Giao hưởng Cisma (Trung Quốc), Dàn nhạc Internationale Junge Orchesterakademie (Đức). Anh là giảng viên kèn Oboe tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Anh đã từng biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh và là khách mời trong Liên hoan Âm nhạc “Vietnam Connection”…

Năm 2019, anh đoạt Giải Nhì trong Cuộc thi quốc gia Âm nhạc Mùa thu.

NGUYỄN THIỆN MINH

Nguyễn Thiện Minh theo học Violin từ năm lên 7 tuổi tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự giảng dạy của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình trong 3 năm, sau đó tiếp tục theo học NSND Nguyễn Châu Sơn trong 10 năm học còn lại tại Việt Nam. Trong quãng thời gian đó, Minh đoạt Giải Nhất tại Cuộc thi Âm nhạc quốc gia Mùa thu tại Hà Nội (2007) và giành Giải Nhất tại Cuộc thi Concerto Quốc tế ASEAN tại Jakarta, Indonesia (2009).

Anh biểu diễn solo với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Với vai trò là một nhạc công, anh biểu diễn với: Dàn nhạc Trẻ châu Á tại Thái Lan, El Sistema Orchestra (Venezuela), “Landfill Harmonic” Orchestra (Paraguay) tại Na Uy, Den Norsk Opera Orketer, Oslo Philharmonic và Nordic Philharmonic tại Na Uy; lưu diễn cùng Oslo Camerata tại Na Uy, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, và Brazil. Anh cũng xuất hiện trong các liên hoan âm nhạc như: Beethovenfest tại Đức (2009) và Valdres Summer Festival tại Na Uy (2009, 2010).

Nguyễn Thiện Minh hoàn thành bậc học Đại học và Cao học với thành tích xuất sắc  dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Stephan Barratt-Due từ Học viện Âm nhạc Barratt Due tại Oslo, Na Uy, dưới sự bảo trợ của Transposition, một chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao Na Uy.

Từ năm 2017, Nguyễn Thiện Minh trở lại Việt Nam và giảng dạy Violin tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Từ sự tìm tòi, khám phá nhiều thể loại nhạc khác nhau, Minh đã sáng tạo và biểu diễn độc tấu trong nhiều chương trình hòa nhạc và dự án rộng khắp cả nước.

NGUYỄN HUY PHƯƠNG

Nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Nguyễn Huy Phương thi đỗ hệ sơ cấp chuyên ngành piano tại Nhạc Viện Hà Nội năm 1981. Từ năm 1989 đến 2001, anh học chuyên ngành piano biểu diễn hệ Trung cấp, Đại học và Cao học tại Học viện Âm nhạc mang tên Gnessin ở Matxcova, Nga. Cũng tại đây, anh đã xuất xắc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật năm 2003. Từ năm 2003, Nguyễn Huy Phương trở thành giảng viên piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nguyễn Huy Phương được công nhận là giảng viên dạy giỏi các năm học 2007-2008 và 2008-2009. Năm 2009, anh được bổ nhiệm là Trưởng bộ môn Đệm hát và Hòa tấu thính phòng thuộc khoa Piano - Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Từ năm 1999, Nguyễn Huy Phương xuất hiện trong các chương trình recital, hòa tấu thính phòng trong nước và quốc tế (Nga, Nhật, Trung Quốc). Năm 2009, anh được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao Giải Người đệm đàn piano hiệu quả nhất trong cuộc thi “Hát thính phòng - Nhạc kịch” lần thứ IV. Nhiều  học sinh do anh hướng dẫn đã giành được giải thưởng tại các cuộc thi piano trong nước và quốc tế. Nguyễn Huy Phương hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc. Một số bài viết của anh về nghệ thuật âm nhạc đã được công bố trên các tạp chí, báo Việt Nam và nước ngoài. Năm 2015, anh được bổ nhiệm là Phó khoa Piano Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Anh đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kể từ năm 2020.

NGUYỄN TRINH HƯƠNG

Tiến sĩ Nguyễn Trinh Hương bắt đầu học piano tại Nhạc viện Hà Nội năm lên 7 tuổi. Năm 1989, cô sang Matxcơva (Nga) theo học tại Trường Âm nhạc Gnessin. Năm 1994, cô tiếp tục học tập tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Matxcơva và tốt nghiệp trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại đây. Năm 2000, cô đã đoạt giải III tại Cuộc thi Piano Quốc tế được tổ chức tại Rome – Ý.

Từ năm 2007, Nguyễn Trinh Hương là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với thâm niên hơn 10 năm giảng dạy, cô đã đào tạo ra nhiều học sinh, sinh viên giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi  quốc gia, các cuộc thi quốc tế Khu vực Đông Nam Á  - Indonesia, Thailand, Malaisia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn, Nguyễn Trinh Hương đã biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh và International Chamber Players. Cô đã biểu diễn nhiều chương trình độc tấu, hoà tấu thính phòng ở Việt Nam, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Thuỵ Điển, tham gia biểu diễn nhiều lần tại Liên hoan Âm nhạc “Giai điệu mùa thu” và biểu diễn ba năm liên tiếp tại Liên hoan Âm nhạc “Vietnam Connection”. 

Cô hiện nay đang là thành viên Hội đồng quản trị của Festival Vietnam Connection và giảng dạy tại khoa Piano – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Giới thiệu tác phẩm:

G. ROSSINI Overture from Opera “La Gazza Ladra”

“Con chim ác là ăn cắp” là vở kịch mê-lô hay vở opera có chủ đề bán thần thoại bao gồm hai chương của Gioachino Rossini, với phần lời của Giovanni Gherardini. Vở kịch nổi tiếng nhất với khúc mở màn (overture) – gây ấn tượng với việc sử dụng âm thanh của trống lẫy. Phần đáng chú ý trong khúc mở màn này là gợi lên chủ đề chính của vở kịch: con chim ác là vô cùng thông minh chính là kẻ ăn cắp.

J. S. BACH Concerto for Oboe and Violin D-minor, BWV 1060

Bản concerto viết cho kèn Oboe, đàn Violin và dàn nhạc được nhà soạn Johann Sebastian Bach (1685-1750) viết từ năm 1717 đến năm 1723. Sự tương phản về màu sắc giữa hai nhạc cụ solo đã tạo nên sự lôi cuốn ngoài sức tưởng tượng ở các chủ đề đối đáp trong tác phẩm. Bach đã cân bằng những tương đồng và những đối nghịch về kỹ thuật và âm điệu của hai nhạc cụ độc tấu, khiến cho phần mở đầu của tác phẩm trở nên thú vị và đầy cảm hứng.

F. POULENC Concerto for 2 Pianos and Orchestra in D-minor

Bản concerto viết cho hai đàn piano và dàn nhạc giọng Rê thứ, FP 61, được F. Poulenc soạn trong khoảng thời gian hơn ba tháng mùa hè năm 1932, là một trong những kiệt tác về thể loại nhạc giao hưởng của ông. “Poulenc là người kiên định nhất trong việc phát triển và duy trì phong cách rạch ròi, đơn giản, rõ ràng và bao gồm cả sự ảnh hưởng từ âm nhạc phổ biến”. Những yếu tố này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm concerto này.

O. RESPIGHI Pini di Roma

Ottorino Respighi  (1879 -1936) - nghệ sĩ violin, nhà soạn nhạc, nhà âm nhạc học, đã trở thành một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của Ý đầu thế kỷ 20. “Pini di Roma” (“Những cây thông La Mã”) là tác phẩm thơ giao hưởng viết cho dàn nhạc được hoàn thành năm 1924 của Ottorino Respighi. Tác phẩm miêu tả những cây thông ở bốn khu vực khác nhau trong thành Rome tại những thời điểm khác nhau trong ngày.

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.