Chương trình “Chạm tay vào quá khứ”

05/07/2013

“Cuộc sống xô bồ cuốn chúng ta đi, một ngày nọ vô tình chạm phải kỷ niệm cũ, có bao giờ bạn tự hỏi: Cuộc sống là gì?”

Bên cạnh việc tổ chức biểu diễn những tác phẩm kinh điển trong kho tàng nghệ thuật thuật thế giới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp. HCM còn rất chú trọng đễn việc khuyến khích việc phát triển sáng tác trong lĩnh vực này đối với các tác giả Việt Nam.

Để sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm đòi hỏi quá trình đào tạo hết sức công phu, vì đây là những loại hình có tính học thuật cao nhất của âm nhạc và múa. Ngoài thế hệ những tên tuổi đã rất thành công trong hai lĩnh vực này: Nguyễn Văn Nam, Ca Lê Thuần, Đỗ Hồng Quân, Vĩnh Lai, Hoàng Cương, Trần Kim Quy, Vũ Việt Cường, Ngô Thanh Phương … những năm gần đây, HBSO đã quy tụ được lực lượng sáng tạo khá mạnh gồm những nhạc sĩ và biên đạo trẻ được đào tạo rất bài bản từ nước ngoài: Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Đinh Lăng, Trần Mạnh Hùng, Phan Thị Hồng Châu, Phúc Hải, Phúc Hùng … Hàng năm Nhà hát đều đặn giới thiệu tới công chúng những tác phẩm mới của chính nhạc sĩ và biên đạo Việt Nam, chuyển tải không khí mới, những xúc cảm và ngôn ngữ mới của cuộc sống hiện đại.

Chương trình lần này sẽ ra mắt một số tác phẩm chưa từng biểu diễn: “Chạm tay vào quá khứ” của hai anh em biên đạo Phúc Hải, Phúc Hùng; “Vô đề cầm”- Vũ Việt Anh và một số sáng tác gần đây nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn: “Đất mẹ” – Trần Mạnh Hùng, “Linh nham đêm” – Trần Đinh Lăng, “Đám cưới” – Nguyễn Mạnh Duy Linh…

Sự phát triển nền âm nhạc và vũ kịch Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo và tạo điều kiện, môi trường tốt cho đội ngũ sáng tác. Những chương trình âm nhạc và múa đương đại của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp.HCM là những cố gắng góp phần vào sự nghiệp ý nghĩa này.

Phần I:

Vũ Việt Anh: “Vô đề cầm” cho đàn đáy, bộ gõ và dàn nhạc dây

Đàn đáy: NS ƯT. Anh Tấn

Nguyễn Mạnh Duy Linh “Đám cưới” cho bộ gõ: glockenspiel, xylophone, vibraphone, marimba & tubular bells.

Trần Mạnh Hùng “Đất Mẹ” cho đàn bầu và dàn nhạc dây.

Đỗ Kiên Cường “Giấc mơ tình yêu” cho flute, oboe, clarinet và 2 piano

Trần Đinh Lăng “Linh Nham đêm” cho soprano và dàn nhạc thính phòng.

Soprano: Ngọc Tuyền

Chỉ huy dàn nhạc: Trần Nhật Minh

Dàn nhạc thính phòng HBSO

Phần II:

MÚA ĐƯƠNG ĐẠI “CHẠM TAY VÀO QUÁ KHỨ”

Kịch bản & Biên đạo: Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng

Âm nhạc: Vũ Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Henryk Górecki

Biểu diễn: Đoàn Vũ kịch

20h00 ngày 9/ 7/ 2013 tại Nhà Hát Thành Phố, 7 Công Trường Lam Sơn, P. Bến Nghé, Q.1, Tp HCM

Vé được bán tại:

Phòng bán vé Nhà Hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, số 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1,Tp HCM.

Đặt và giao vé: 08 3823 7419; Ms.Hương: 0989874517

Email: info@hbso.org.vn; website: http://www.hbso.org.vn

Giá vé: 400.000 - 350.000 - 200.000 - 80.000(vé sinh viên)VNĐ

 

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ VÀ NGHỆ SĨ

Trần Mạnh Hùng – Nhạc sĩ

Trần Mạnh Hùng sinh ngày 18 tháng 2 năm 1973 tại Hà Nội, bắt đầu học âm nhạc cổ truyền từ năm lên 10 tại Trường VHNT Hà Nội và tốt nghiệp đại học sáng tác dưới sự hướng dẫn của cố nhạc sĩ nhà soạn nhạc Đàm Linh. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Học viện ANQG Việt Nam, anh về công tác giảng dạy âm nhạc tại Trường ĐHVHNT Quân Đội.

Tác phẩm tiêu biểu:

- Liên khúc giao hưởng “Một nửa cõi trầm” (2007) công diễn lần đầu tiên vào tháng 10/2007 với dàn nhạc giao hưởng VN, chỉ huy Tetsuji Honna.

- Giao hưởng thơ cho Violin và dàn nhạc “Lệ Chi viên” (2009) viết theo yêu cầu của Đài TH DW CHLB Đức, công diễn lần đầu tiên tại Boon (CHLB Đức) trong liên hoan âm nhạc Quốc tế mang tên Beethoven vào tháng 9/2009 với dàn nhạc giao hưởng HN, chỉ huy Claire Levecher, solist Bùi Công Duy.

- Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” (2010) viết theo yêu cầu vủa VNSO, công diễn lần đầu tiên vào tháng 6/2012 trong chương trình hoà nhạc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tại nhà hát lớn Hà Nội với dàn nhạc giao hưởng VN, chỉ huy Tetsuji Honna.

- Tứ tấu đàn dây số 2. (2007)

- “Đất Mẹ” viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. (2010)

- Năm 2008, Trần Mạnh Hùng và Gustav Anderson (Thuỵ Điển) cùng viết nhạc cho vở Rock Opera “Giấc mơ & Hiện Thực” theo yêu cầu của SIDA Thuỵ Điển. Vở nhạc kịch này được công diễn lần đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 5/2009. Ngoài ra, anh cũng viết nhiều Romance va ca khúc cho giọng hát với dàn nhạc:”Thế Tôn ca”; “Thiêng liêng Tổ Quốc tôi”; “Gió lộng bốn phương”; “Khúc giao mùa”; “ơi Mẹ Làng Sen!”; “Giấc mơ mùa lá”; “Quê Mẹ”; “Thế Giới không chiến tranh”…

"Đất Mẹ" là những cảm xúc rung lên từ cây đàn độc đáo nhất của Việt Nam, nó là mạch nguồn của âm thanh bản địa cổ truyền, là cả trăm thứ tiếng nhạc trầm bổng du dương được sinh ra từ bầu mẹ vẫn thắm đượm yêu thương và khát vọng của dân tộc cả mấy ngàn năm.
Trong tác phẩm này, tác giả đã khai thác tính năng của đàn bầu trong một không gian âm nhạc đa sắc màu như muốn hoạ bức tranh quê trải dài một dải Bắc-Trung-Nam.

Nguyễn Mạnh Duy Linh - Nhạc sĩ

Nguyễn Mạnh Duy Linh theo học piano tại Nhạc viện TP.HCM từ năm 1988. Năm 2000 anh theo học khoa Sáng tác tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk (CHLB Nga) và tốt nghiệp Cử nhân Sáng tác Âm nhạc loại xuất sắc vào năm 2005. Anh tiếp tục theo học Cao học tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk và tốt nghiệp Thạc sĩ Sáng tác Âm nhạc loại xuất sắc với các tác phẩm viết cho hòa tấu thính phòng và bản Concerto Grosso cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây vào năm 2008.

Trong thời gian theo học tại đây, các tác phẩm của anh thường xuyên được biểu diễn tại các thành phố của Nga như Magnitogorsk, Chelyabinsk, Perm, Moscow và đặc biệt là vào tháng 2 năm 2006, anh được mời tham dự “Festival các nhạc sĩ trẻ nước Nga” tại Moscow với tác phẩm “Passing-by” dành cho tứ tấu đàn dây. Năm 2007, với tác phẩm Concerto cho violon và dàn nhạc, anh đoạt giải Nhạc sĩ Xuất sắc nhất của Liên hoan Âm nhạc Quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Chelyabinsk (Nga).

Năm 2009, anh được Viện Goethe (Đức) mời tham dự workshop về Quản lý Nhà hát–Dàn nhạc tại Manila (Philippines). Tháng 3/2010, anh được Bộ Văn hóa và Giáo dục Mỹ cùng với Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật J. F. Kennedy (Washington, Mỹ) mời tham dự workshop về Quản lý trong Nghệ thuật tại Washington và New York. Tháng 10/2011, anh được mời tham dự Liên hoan Âm nhạc Đương đại dành cho các nhạc sĩ trẻ Đông Nam Á, do viện Goethe tổ chức tại thành phố Bandung – Indonesia.

Các sáng tác của anh thường xuyên được các nghệ sĩ và dàn nhạc của Nhà hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM trình diễn, đặc biệt là tại các Gala Nghệ thuật Hàn lâm “Giai Điệu Mùa Thu” vào năm 2009, 2010 và 2011. Tháng 9 năm 2011, bản Concerto Grosso cho violon, piano, bộ gõ và dàn dây của anh được nghệ sĩ Bùi Công Duy cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi trong chương trình hòa nhạc “Điều Còn Mãi”.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia viết nhạc cho các tác phẩm múa đương đại như “Những Ô Cửa Sổ”, “Chuyển”, “Nước”, “Đối Thoại”, “Những Mảnh Ghép Của Giấc Mơ” và các vở kịch truyền hình của Đài Truyền hình TP.HCM. Anh đồng thời là giảng viên khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học của Nhạc viện TP.HCM.

“Đám cưới” là một chương nhạc trong câu chuyện âm nhạc “Tình yêu và phản bội”, một câu chuyện huyền thoại về công chúa Mỵ Châu. Tình yêu đam mê bị lợi dụng, dẫn đến sự diệt vong cả một vương triều. Duy Linh và 4 nhạc sĩ trong nước và quốc tế khác cùng viết tác phẩm này trong “Dự án âm nhạc hữu nghị Transposition Việt Nam – Nauy – 2012”

Trần Đinh Lăng – Nhạc sĩ

1995 Tốt nghiệp Đại học sáng tác tại Nhạc Viện Hà Nội dưới sự hướng dẫn của cố nhạc sĩ Đàm Linh. Năm 2000 Tốt nghiệp Cao học sáng tác tại Nhạc Viện TP. HCM dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam. Anh đã từng nhận Giải khuyến khích cuộc thi nhạc sĩ trẻ VN tổ chức tại Pháp năm 1993, Giải A tác phẩm Ngũ tấu “Trôi” – giải thưởng hàng năm Hội NSVN 2010. Hiện nay, anh tham gia giảng dạy tại Khoa Sáng Tác – Chỉ Huy – Âm nhạc học, Nhạc Viện TP. HCM.

"Đêm giấu lửa" là một liên khúc Nhạc - Thơ, Thơ - Nhạc. Không gian âm nhạc đưa người nghe đến một thế giới huyền ảo, có mặt hồ, có ánh Trăng lành lạnh, những bóng cây tạo thành những hình thù kỳ lạ, mơ hồ ...trong đó tập trung nhất là hình ảnh một người phụ nữ yếu ớt, cô đơn sống với những ký ức đã cũ, những khát khao, dằng xé ...Cùng với nhiều trạng thái cảm xúc khác sẽ được thể hiện trong tác phẩm.

Vũ Việt Anh - Nhạc sĩ

Năm 2007, Vũ Việt Anh tốt nghiệp cử nhân khoa sáng tác tại Đại học Auckland, và năm 2011, anh đã hoàn thành chương trình đào tạo Cao học chuyên ngành sáng tác tại Đại học Waikato – New Zealand.

Ngoài việc sáng tác một số ca khúc nhạc trẻ, Việt Anh còn sáng tác khí nhạc, nhạc phim và âm nhạc dành cho múa. Vào tháng 7/2007, tại Cuộc thi Tác phẩm múa ít người do Hội Nghệ Sĩ Múa Việt Nam tổ chức, Việt Anh đã được trao giải Nhạc Sĩ Trẻ cho phần âm nhạc của tác phẩm múa Tiếng Chuông.

Năm 2009, Việt Anh là đồng tác giả của tác phẩm múa đương đại Những ô cửa sổ - Chương trình đạt giải Bạc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2010, tác phẩm Những đồi cát của anh đã được nhận giải thưởng của Hội Âm nhạc TP.HCM. Trong Chương trình hòa nhạc của Thời báo Kinh tế Sài Gòn năm 2011, anh đã giới thiệu đến người nghe nhạc tác phẩm đầu tiên của anh viết cho dàn nhạc giao hưởng được mang tên “Vàng son”…

Hiện nay, Việt Anh đang công tác tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh với chức danh Phó Trưởng Phòng Tổ chức biểu diễn. Anh cũng là thành viên của Hội Âm Nhạc Thành Phố và Hội Nhạc Sĩ Việt Nam.

“Tôi bị cuốn hút bởi tiếng đàn đáy như một tiếng gọi từ tâm linh. Với tôi đàn đáy không chỉ là một nhạc cụ tuyệt vời mà còn nhiều hơn thế. Tôi gặp gỡ nghệ sĩ Anh Tấn, tài hoa của anh là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tôi. Tôi ấp ủ về một tác phẩm kết hợp giữa đàn đáy với các nhạc cụ phương Tây, đặt tính ngẫu hứng đặc trưng của Ca trù vào trong sự sắp đặt của tiết tấu, hòa âm trong âm nhạc hàn lâm. Tác phẩm không thể thực hiện được nếu thiếu sự đồng hành và những đóng góp sáng tạo của của nghệ sĩ Anh Tấn”

Đỗ Kiên Cường – Nhạc sĩ

Đỗ Kiên Cường là một nhạc sĩ sáng tác, nhạc trưởng, nghệ sĩ biểu diễn tài năng. Anh hoạt động rộng khắp cả ở Mỹ và Việt Nam. Anh cũng đã nhận được những hợp đồng viết nhạc ở Mỹ và ở Châu Á.

Trong khi học tập ở thành phố New York, anh biểu diễn rất nhiều tác phẩm mới với nhiều phong cách khác nhau của nhiều nhạc sĩ đương đại dưới sự dẫn dắt của giáo sư Tania Leon. Trong thời gian này, anh đã sáng tác những tác phẩm mới với cách viết mới mẻ để thể hiện sự mở rộng khả năng thể hiện của nhạc cụ cùng với những ứng dụng với âm nhạc điện tử.

Năm 1999, Đỗ Kiên Cường là người sáng lập, phụ trách nghệ thuật, sáng tác, và là nhạc trưởng của Dàn nhạc Trẻ Hà Nội. Mục đích của dàn nhạc này là biểu diễn các thể loại âm nhạc từ cổ điển đến đương đại. Dàn nhạc đã biểu diễn nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ. Ngoài những buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc, dàn nhạc xuất hiện rất nhiều trên kênh truyền hình của Việt Nam

Anh từng giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội cũng như là nghệ sĩ biểu diễn cho Dàn nhạc Giao hưởng Vũ kịch Tp. Hồ Chí Minh và giảng dạy tại Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh.. Hiện nay anh là giảng viên âm nhạc của trường Troy University - STU campus tại Tp. Hồ Chí Minh và Trường ĐHKHXH&NV ĐHQG Tp. HCM.

Giấc mơ tình yêu cho cảm giác hư ảo giữa thực tại và giấc mơ. Tiếng sấm đến từ xa xôi, rồi tiếng mưa, mọi thứ trở nên mơ màng, bay bổng.

Henryk Górecki – Nhạc sĩ

Henryk Górecki (1933 - 2010) là nhà soạn nhạc Ba Lan của âm nhạc cổ điển đương đại. Tên tuổi của ông vẫn chưa được biết ở đến bên ngoài Ba Lan cho đến nửa cuối thập niên 1980, và danh tiếng đã thực sự đến vào những năm 1990.

Năm 1992, 15 năm sau khi được sáng tác, bản thu âm của nhạc giao hưởng số 3 của Górecki “Giao hưởng Bài ca của Sầu Bi”, trình bày bởi giọng nữ cao Dawn Upshaw và phát hành để tưởng niệm những người đã mất trong vụ thảm sát Holocaust - đã trở thành một thành công rực rỡ cả về thương mại và phê bình học thuật trên toàn thế giới, bán được hơn một triệu bản và vượt qua doanh thu của mọi bản ghi âm nhạc giao hưởng điển hình của âm nhạc thế kỷ 20.

Trần Nhật Minh – Nhạc trưởng

Năm 1999 Trần Nhật Minh theo học tại Nhạc Viện Quốc Gia Magnitogorsk (CHLB Nga) chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng và tốt nghiệp xuất sắc vào năm 2004. Năm 2007, anh tốt nghiệp Thạc sỹ âm nhạc tại Nhạc Viện Moscow Tchaikovsky, chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Boris Tevlin. Năm 2012 anh đã hoàn thành khoá học chỉ huy tại Học viện chỉ huy dàn nhạc quốc gia Italy. Ngoài ra, anh cũng tham gia những lớp học nâng cao của các nhạc trưởng như Vladimir Spivakov, Theodore Kurenzis, Gudni Emilsson; cũng như theo học thêm khóa học Chỉ huy Dàn nhạc với nhạc trưởng của Moscow Bolshoi Theater Pavel Klinichev…

Trong thời gian học tập, Trần Nhật Minh đoạt giải Nhì cuộc thi Quốc Tế dành cho chỉ huy trẻ tại Thành Phố Vladivostock (2004) và giải khuyến khích cuộc thi chỉ huy hợp xướng chuyên nghiệp toàn Nga lần IV (2006). Ngoài ra, anh còn tham gia biểu diễn với hợp xướng thính phòng Nhạc Viện Tchaikovsky tại Nga, Pháp, Ý…

Hiện nay, anh đang công tác tại Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM trên cương vị Phó Đoàn Nhạc Kịch. Anh dã tham dự nhiều khóa học nâng cao về chuyên ngành chỉ huy hợp xướng tại Hà Lan, Mỹ, Nga. Năm 2009 anh đoạt giải “Chỉ huy Xuất sắc” tại Hội diễn Ca Múa Nhạc Chuyên nghiệp Toàn quốc trong vở múa “Những ô cửa sổ” của Nhà hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

Võ Thụy Ngọc Tuyền - Soprano

Ngọc Tuyền tốt nghiệp Cử nhân Thanh Nhạc Nhạc Viện TP. HCM năm 2005 dưới sự hướng dẫn của NSƯT Mỹ An. Cô đã đạt giải “Triển Vọng” trong “Cuộc thi hát thính phòng – nhạc kịch” lần III năm 2004, tổ chức tại Hà Nội. Năm 2011 cô tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành biểu diễn Thanh nhạc.

Ngọc Tuyền là diễn viên solist của Đoàn Nhạc Kịch Nhà Hát Giao Hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh. Cô đã đóng vai chính “Cô gái Tây Nguyên” trong Ca cảnh “Tiếng Cồng Vượt Thác” của Lư Nhất Vũ, và vai “Carmen” trong trích đoạn nhạc kịch “Carmen” của George Bizet, vai Ánh Linh trong Opera Chào Bella.

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.