Chúng tôi đi thanh niên xung phong
Sau chuyến tập kết cuối cùng, bắt đầu năm 1955, chúng tôi là thanh niên học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn vượt tuyến ra miền Bắc đặng tìm cho đời mình con đường đi lý tưởng. Bằng mọi cách chúng tôi phải đến được Hà Nội. Có người đi bằng tàu biển ra tận Hải Phòng (lúc này Hải Phòng chưa được tiếp quản), rồi lên Hà Nội. Còn chúng tôi thì đi bộ, đến Quảng Trị theo đường dây bí mật, trốn trong ghe thuyền đánh cá của đồng bào, rồi vượt ra Cửa Việt, tấp vô bờ Bắc Cửa Tùng của huyện Vĩnh Linh.
Chúng tôi đến Hà Nội, ở trong khu vực nhà thờ phố Hàng Bột, là trạm tiếp đón đồng bào miền Nam. Ai ai cũng đều muốn cắp sách đến trường, nhưng cả mấy trăm người đều rủ nhau ghi tên vào Đoàn Thanh niên Xung phong Trung ương và sẽ đến các công trường phục hồi kinh tế miền Bắc sau cuộc kháng chiến thắng lợi. Chúng tôi thấm nhuần lời dạy của cấp lãnh đạo: Lực lượng Thanh niên Xung phong là một trường học lớn, sau Quân đội Nhân dân…
Thời gian đầu chúng tôi phải tự trang bị. Ra phố, đến chợ mua nón lá, ba lô, dép lốp… Rạng sáng ngày 15-8-1955, các đại đội tân binh với trang phục chẳng giống bất kỳ một binh chủng nào, sắp hàng nối bước hành quân lên Vũ Ẻn - Phú Thọ. Gần mười ngày đường ai cũng rã rời, bàn chân rộp phồng như nổi bong bóng, vai đeo ba lô tê dại, nước da bắt nắng gió đã ngả màu hồng đen.
Đơn vị chúng tôi là Đội 36, được bổ sung thêm những anh em đã từng là liên lạc viên hoặc trinh sát viên của bộ đội Nam Bộ tập kết và các anh em là học sinh của vùng tự do Liên khu 5. Cán bộ khung của tiểu đội, trung đội, đại đội là những cựu Thanh niên Xung phong Đội 40 từ Điện Biên Phủ về. Trong số này có Nguyễn Trọng Huấn - nay là kiến trúc sư. Lúc này, chúng tôi đã được trang bị như bộ đội chính quy, chỉ không có súng ống mà thôi. Nhiệm vụ của toàn Đội 36 là san lấp, đắp đất làm lại một số đoạn đường xe lửa từ Hà Nội đi Lào Cai.
Hằng ngày cứ 5 giờ sáng, chúng tôi quẩy quang gánh, vác cuốc xẻng, lưỡi mai ra công trường. Đến 5 giờ chiều mới về nơi đóng quân rồi tha hồ nhảy xuống sông Thao lặn hụp, tắm rửa cho trôi đi đất đỏ trung du. Chúng tôi đào đất, móc hàm ếch, gánh đất, đầm mặt đường. Không khí những ngày lao động chân tay đầu tiên thật háo hức, tươi vui, có khi nhìn nhau ôm bụng cười muốn tréo quai hàm. Bởi vì có ai quen đào đất, gánh gồng đâu! Mấy cậu học trò đất Sài Thành lưng còng xuống, hai tay nâng đòn gánh cứ nhảy nhót trên vai, mà trên hai cái sọt chỉ có vài cục đất bự hơn trái cam. Có anh may cái áo gối bé tí để lót dưới đòn gánh cho êm vai. Có cậu mới cuốc đất vài nhát đã phồng tay, mỏi lưng…
Rồi dần dà, chúng tôi chẳng những thông thạo các kỹ xảo trong lao động mà còn liên tục phát huy sáng kiến, tăng năng suất, được lĩnh tiền thưởng. Phong trào gánh từ hai sọt đất lên bốn sọt rồi sáu sọt đã lôi cuốn không khí thi đua khắp công trường. Dường như không có ngày nghỉ ngơi, bởi chủ nhật chúng tôi phải vô tận rừng chặt nứa vác về đan sọt, chặt tre về đẽo làm đòn gánh, chặt cành cọ khô cho nhà bếp… Vùng này có nhiều đồi trồng bưởi bòng, cam quýt, chuối tiêu. Bà con vừa bán vừa biếu. Sức trai mà lao động thì ăn hoài chỉ mỏi miệng chứ chưa thấy no. Cho nên cái bịnh bội thực ở các tiểu đội là chuyện thường nhật.
Cứ mỗi tuần đều có tổ chức liên hoan văn nghệ. Chúng tôi quây quần trên các sân gạch bên bờ sông Thao và hát vang:
…Thanh niên xung phong
Lắng nghe lời Bác Hồ
Dạy chúng ta:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!
Thanh niên Xung phong thời ấy không có con gái. Cho nên trong tiết mục múa Bình minh trên nông trường (bài hát của Liên Xô), cánh đàn ông phải giả gái, lấy vỏ chăn bông quấn quanh thắt lưng làm váy đầm, má, môi bôi giấy nhang đỏ chót…
Nhớ một ngày chủ nhật được nghỉ ngơi giặt giũ, tôi bèn mượn cây đàn mandoline của Ngô Đông Hải rồi chui vô vườn chuối từng tưng suốt buổi, nghêu ngao một bài hát vừa phịa ra, đặt tên Sáng trên công trường:
Sáng tinh mơ sương rơi mạt (mát) cả người,
Nhịp quang gánh cuốc xéng (xẻng) cười hát trên vai
Anh cùng tôi thi đua tranh sức bền dai
Xây đắp con đường Hà Nội đi Lào Cai…
Bây giờ nghe lại thật tức cười, chứ hồi ấy thì quá đã. Ra mặt đường, cả C361 đều hát rân trời, thật sướng cái bụng, phồng cái mũi!
Rồi có những ngày chúng tôi nhận phần việc phải tát cho cạn một cái ao, nạo vét hết bùn để lấp đất, vì đường sắt phải băng qua đoạn này. Gió mùa đông bắc tràn về. Các chàng trai Nam Bộ lần đầu giáp mặt với cái rét miền trung du Bắc Bộ. Cũng chẳng sao, chúng tôi lót thêm giấy trong áo trấn thủ, hái lá chuối khô trải thêm trên nền đất rồi phủ tấm vải bạt lên, nằm chen chúc từng tổ tam tam vẫn ấm áp tình người. Nhưng trời rét cóng mà lội xuống ao nạo vét sình lầy thì khác với đi dạo hồ Hoàn Kiếm! Còn anh nuôi thì gánh cơm ra toàn là nếp ẩm mốc đã ngả màu vàng, cùng với món thịt bò kho dai nhách để nguội lạnh nên mỡ bò đóng từng cục, bỏ vô miệng ngậm lại thì lưỡi, nướu, răng kết dính lại ú ớ không nói nên lời. Đây là nếp được cung cấp từ các kho tồn đọng trong chiến dịch Điện Biên. Điều kỳ lạ là chẳng có ai chê mà tranh nhau nuốt để chống lại cái rét, nạp ca-lo mà tiếp tục đào cuốc, gánh gồng.
Đến cuối năm 1955, chúng tôi được lệnh về công trường xây dựng Nhà máy Chè Phú Thọ. Ở đây, có một lực lượng mới là nam nữ thanh niên Hà Nội thuộc trường “Đại học nhân dân” lên lao động chân tay.
Chúng tôi làm đủ thứ việc. Nào là cầm xà beng dộng xuống đá ngầm, moi thành lỗ chừng một mét để thợ nạp thuốc nổ phá đá. Nào là đập đá ra nhiều loại bằng cái búa tạ vài ki-lô. Nào là gánh đá từ hầm sâu tha lên cho các lò nung vôi. Nào là bửa từng khung củi to tướng, rồi thay phiên trực để hầm vôi…
Phải kể qua về hai “ngôi sao” đơn ca một thời vang bóng: mỗi lần liên hoan văn nghệ, Nguyễn Văn Tài (hiện nay chơi violon trong ban nhạc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) ôm đàn ghi-ta và cất giọng ngân có hột bài hát Trên đỉnh núi Lê-Nin và Minh Lộc (hiện nay là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng) trỗi giọng hát bài “tủ” của mình là Nhạc rừng.
Vài tháng sau, khoảng một trăm anh em (trong đó có tôi) được điều về gần Hà Nội, làm ở công trường xây dựng Nhà máy Gỗ Cầu Đuống. Nhiệm vụ của chúng tôi là đào thành những cái bể to tướng để ngâm gỗ và lái tàu lu, rải đá làm đường quanh khu vực nhà máy. Chúng tôi chia nhau đóng quân trong nhà dân bên bờ đê sông Đuống với bạt ngàn cây dâu tằm ăn. Sau những ngày nặng nhọc, ai cũng mong cho mau đến chủ nhật để cuốc bộ qua cầu Long Biên, đi dạo loanh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, rong chơi khắp phố phường, rồi rủ nhau ngồi trên ghế đá, nhai bánh mì, ăn cà rem. Chiều lại lang thang về Cầu Đuống để ngày mai, ngày mốt “chơi” với sình lầy, mưa nắng.
Bỗng một buổi trưa đang cặm cụi trên công trường thì có lệnh: ai là đoàn viên Thanh niên Xung phong, ai là nguyên học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn thì tập hợp lại gặp vị đại diện phòng quản lý học sinh miền Nam của Bộ Giáo dục. Thế là chúng tôi cho vào kho những dụng cụ đồ nghề, chạy về thu xếp đồ đạc, chia tay cô bác nơi đóng quân, rồi sắp hàng hành quân về thủ đô ngay chiều hôm ấy. Anh em từ các công trường tập kết về trường Nguyễn Trường Tộ, gặp nhau mừng vui khôn xiết. Đứa nào đứa nấy đen thui như cục than hầm mà dày dạn phong trần hơn. Vài ngày sau, đồng chí Vũ Kỳ đến thăm và đưa chúng tôi vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Khoảng mấy trăm đứa đâu có quần áo chưng diện, chỉ có mỗi bộ phục trang Thanh niên Xung phong đã bạc màu, đầu gối, bả vai đã sờn chỉ, lại vá chằng vá đụp nhiều kiểu. Khi gặp Bác, ai ai cũng đều xúc động, không cầm được nước mắt. Bác dạy bảo chúng tôi giờ đây hãy cố gắng học tập đặng sau này về xây dựng miền Nam. Bác đãi mỗi đứa một ổ bánh mì, một gói bánh kẹo, rồi cho ở lại xem hai bộ phim: Con hươu vàng và Y Ren về nhà ngay.
Cuối tháng 8-1956, chúng tôi chia tay nhau. Số đông trở lên Thái Nguyên học trường Lương Ngọc Quyến, số còn lại thi vô các trường chuyên nghiệp.
Mấy chục năm qua, anh em đã trưởng thành, hầu hết đều có cương vị trong xã hội. Nhiều người đã nghỉ hưu hoặc đã hy sinh nơi chiến trường miền Nam. Do cuộc sống có nhiều thay đổi, mỗi người mỗi nơi ít có dịp gặp mặt… Riêng tôi, hình tượng sống động, không ngại hy sinh, không nề gian khổ của người Thanh niên Xung phong luôn luôn nung nấu trong tôi, để những năm sau được thể hiện trong ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (1968) và Khúc hát người đi khai hoang (1977).