Chồng tôi

21/07/2016

Chúng tôi biết nhau từ những ngày đầu cách mạng. Anh làm bí thư chi bộ học sinh trường Khải Định (Huế), tôi được bầu làm ủy viên tuyên truyền huấn luyện của nữ sinh Đồng Khánh. Chúng tôi lao vào hoạt động yêu nước hăm hở. Những cuộc tuần hành trên đường phố dọc bờ sông Hương, những buổi họp hành… Tuổi mười lăm, mười bảy của chúng tôi như sống trong ngày hội.

Cậu Hồ (cậu của Lệ Chi – bạn thân của tôi) và các anh sinh viên tiền tuyến hoạt động Việt Minh bí mật, chúng tôi đã biết. Chúng tôi tổ chức “Đảng Sơn Hà”, tôi làm đảng trưởng, Lệ Chi đảng phó, Tịnh Nhơn thư ký, Xiêm phụ trách y tế cùng mấy bạn ủy viên.

Đêm đêm, chúng tôi trốn các cô giám thị (cô Cúc, cô Hoàn…) ra sau sân trường tập múa kiếm. Sắp hè có một cuộc nói chuyện của giám hiệu trường có mặt lão Sonhy mật thám, tôi bàn với Lệ Chi lấy trộm khẩu súng lục của cậu Hồ, tìm cách ám sát lão ta.

Chuyện chưa vào đâu thì Cách mạng bùng nổ, chúng tôi suốt ngày tung tẩy ngoài đường. Gọi là nữ sinh Đồng Khánh mà hai đứa đều tóc bông-bê (cắt ngắn), hai chân chòi đạp mấy cái xe đạp nam mà sau này các anh Nguyễn Tăng Hích (cố bộ trưởng Bộ Văn Hóa Trần Hoàn), anh Nguyễn Đức Nam vẫn còn nhắc đến để đùa giỡn.

Anh Hích, anh Căn, anh Phan Giếp, Hoàng Triều, chị Kinh, chị Nguyệt Tú… học trên tôi nhiều lớp, hoạt động giỏi, chúng tôi cảm phục nhưng đó là những thần tượng cao vời ít khi chúng tôi được gặp mặt.

1949, từ Bình Trị Thiên - Hương Khê, tôi được chuyển về học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng – Châu Phong. Vừa lên chuyến đò dọc đã có mấy anh chị lớn ra bến đón. Trưa ăn cơm ở phạn điếm, có một anh nhìn tôi cầm đũa liền đùa: “Nữ sinh Đồng Khánh khéo tay”. Đó là một anh cao, thanh tú, trắng trẻo, dáng thư sinh con nhà giàu với đôi mắt to, sáng, vừa tươi lại vừa nghiêm. Nghe họ gọi nhau tôi được biết đấy là anh Khánh Căn – một cái tên theo tôi là đẹp và tiếng tăm tôi đã nghe nhiều.

Trên một chuyến đò dọc từ Huế ra, tôi đã nghe một đồng chí lãnh đạo công an hồi đó (anh Ngọc) nhận xét: “Thanh niên Huế có Khánh Căn là triển vọng”. Trường có chi bộ, các anh chị hoạt động sôi nổi. Gần gũi chúng tôi có anh Chỉnh, anh Khánh Căn, anh Cừ, chị Tú.

Cuối năm học (1949), các anh chị ra trường, tản mát đi nhận công tác nhiều nơi. Anh Khánh Căn ra Việt Bắc. Chúng tôi chưa biểu lộ gì tuy trong lòng thầm có cảm tình. Tiễn anh, tôi tặng một chiếc khăn nhỏ. Sau đó là phong trào tòng quân rầm rộ… Tôi tình nguyện vào đoàn văn công mặt trận bộ Bình Trị Thiên và Trung Lào do anh Bửu Tiến làm đoàn trưởng.

Mấy năm tiếp theo là thời gian khó khăn nhất của đời tôi: suýt chết trong một trận địch càn. Về trường Huỳnh Thúc Kháng rồi gặp lại nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sinh ra cháu Hoài ở Hà Tĩnh trong sự bao bọc của bà con bạn bè. Cho đến một chiều nọ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lên tìm đưa tôi về Đoàn Văn công Trung ương Hà Nội. Thế là tôi vội gửi Hoài cho bà ngoại và người mợ để ba lô lên đường.

Với hai bộ quần áo vải, dép cao su, nón cũ, tôi cùng anh Vũ Lương (sau này là chỉ huy dàn nhạc) vất vả lắm mới tới thủ đô, tìm vào Bộ Văn Hóa.

Người đầu tiên tôi gặp lại là anh Khánh Căn. Anh đang chơi bóng bàn. Qua phút bỡ ngỡ, chúng tôi xiết đỗi vui mừng. Bạn cùng trường từ Huế, một thời hàn vi gian khổ. Chúng tôi đều đã thay đổi, già dặn hơn, trưởng thành hơn.

Tôi về Đoàn văn công TW, bắt đầu một cuộc sống mới, biểu diễn phục vụ ở thủ đô và các thành phố khác. Ngoài anh Khánh Căn thường lui tới Đoàn, còn có anh Đặng Đình Hưng, anh Xuân Khoát, anh Nguyễn Văn Thương, anh Đào Vũ… đều ở khối tuyên huấn TW, từng thân thiết với nhau từ hồi Việt Bắc.

Anh Khánh Căn ngỏ lời xây dựng gia đình với tôi… Quả thật tôi chưa hoàn hồn sau lần qua sông đầu tiên nên tâm sự: “Em còn lo lắng nhiều bề, rất sợ những đổi thay vội vã”.

Tết đến, chúng tôi ra Bờ Hồ hái lộc, đón giao thừa. Anh rủ tôi lên chúc Tết anh Tố Hữu – vốn là người mà anh Căn làm thư ký trong những ngày kháng chiến ở Việt Bắc.

Vừa thấy chúng tôi, anh Tố Hữu vui mừng: “Tổ chức đi thôi”. Anh Căn phân trần: “Chúng tôi còn khó khăn, sợ chưa làm tốt”. Anh Tố Hữu lại nhiệt tình: “Khỏi lo, để bọn mình giúp”. Thế là với tâm hồn nồng hậu của nhà thơ, cũng là nhà lãnh đạo, anh cho gửi giấy mời vào mồng bốn Tết.

Gia đình cậu mợ tôi chưa ra Hà Nội, chỉ có Đệ đại diện, người dự toàn là lãnh đạo của Bộ Văn hóa Thông tấn xã, Báo Nhân dân. Đoàn tôi, ngoài mấy anh phụ trách, còn có Kỳ Lân mang theo đàn tới phục vụ đám cưới.

Sau khi tuyên bố xong thì chính cô dâu là tôi hát mấy bài. Thời đó mọi sự giản đơn và thân tình, mọi người đều thân ái vui chung. Tôi quá bỡ ngỡ, lại lo lắng nhiều bề nên cứ để trôi theo hoàn cảnh, vui buồn lẫn lộn. Chỗ ở chưa có, về sau cũng không ổn định. Anh Căn làm báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống, sát bên Hồ Gươm, trung tâm thành phố. Tôi ở tận Cầu Giấy – khu văn công tập trung.

Thuở đó xe đạp đã là hiếm vì mới từ rừng về. Cho tới lúc các con lớn rồi anh Căn vẫn đi chiếc xe đạp cà tang đi khắp hướng đón các con về ngày nghỉ (Hoài ở Lê Phụng Hiển với cậu mợ Phiên, Châu ở trại trẻ miền Nam - ấp Thái Hà, Như ở trại trẻ Vụ Nghệ thuật dưới Thanh Xuân) về Cầu Giấy rồi chiều lại trả về nơi cũ.

Anh Căn nhiều năm làm ở Ban thư ký báo Nhân Dân, trực đêm về muộn, rất xấu cho sức khỏe vốn yếu của anh. Anh mất mẹ từ mấy tháng tuổi, ông bà nuôi là chính. Lên năm, sáu tuổi, anh có kế mẫu rất học thức, tế nhị, đôn hậu, thương yêu anh như con đẻ nhưng ít có cơ hội gần.

Nhà anh có bốn anh em trai, cụ ông là người làm thơ tự do lớp đầu tiên trong lịch sử văn thơ nước ta (cụ Lê Khánh Đồng) lại là thầy thuốc đông tây y giỏi. Cụ từng là giám đốc bệnh viện khu IV trong thời kỳ chống Pháp, sau về Hà Nội là viện phó Viện Đông y.

Cả nhà chuyên chú học hành, sáng tạo, đầy nhà là sách. Sự khôn ngoan lo liệu trong cuộc sống, nhất là về tiền của, danh lợi rất sơ sài, vụng về.

Vợ chồng tôi đều là cán bộ nên nghèo, đồng lương ít ỏi, phải nuôi ba con mà gia đình lại phân tán nhiều nơi. Dẫu sao chúng tôi cũng đã có những thời gian hạnh phúc: chồng thổi sáo, vợ hát hoặc ngâm thơ. Châu kéo violon với chú Phan Phúc, chú Hòa… Anh Căn và Hoài đều chơi bóng bàn khá nên các bạn diễn viên đều thích đấu với họ. Anh Căn có lần được giải nhất bóng bàn nhà báo. Như bé nhất nhà, suốt ngày chạy theo chị Nhật, con nuôi của Đoàn để tập múa. Nhiều lần ở khách sạn Phú Gia, Như được đặt lên bàn ăn múa điệu “Chămpa”. Khách nước ngoài hoan nghênh nhiệt liệt.

Tất cả cứ thế, vô tư và vui vẻ. Trong một ngách của Tòa soạn báo Nhân dân - 71 Hàng Trống, vợ chồng con cái mời ông nội tới giỗ bà Xuyên (mẹ đẻ anh Căn). Ông rì rầm khấn vái, các cháu rúc rịch đùa nghịch phía sau, chúng tôi áy náy mà lại buồn cười.

Quãng 1962, chúng tôi được phân một căn hộ ở khu tập thể Nam Đồng. Theo chế độ trưởng ban, anh Căn có thể có hai phòng nhưng vì các con ở nhà trẻ, tôi ở Cầu Giấy nên anh chỉ nhận một phòng khoảng 16m2. Ngay từ bấy giờ, kiểu suy nghĩ đơn giản như thế đã khiến chúng tôi luôn luôn chịu thiệt thòi…

Về Nam Đồng, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn căng thẳng. Các cháu sơ tán về nông thôn, vợ chồng luôn phải đi công tác xa, nếu ở Hà Nội là thay nhau đi thăm. Cùng đi thì phải đèo, đường nông thôn gặp mưa phải vác xe và lội bùn. Các cháu ngóng bố mẹ dài cổ, gặp nhau được mấy tiếng, cho một bữa ăn tươi rồi lại lặn lội đường xa trở về, cũng không có tiền để quà cáp lại cho con.

Mỗi con người cũng như mỗi gia đình đều có cách vận hành riêng: thành bại, lận đận hay thanh nhàn là do ở sự sáng suốt, khôn ngoan, chọn được hướng đi đúng và gặp may mắn thuận lợi.

Thuở đầu theo cách mạng, chồng tôi khá xuất sắc. Từ năm 1946 đã được anh Tố Hữu và anh Nguyễn Chí Thanh giới thiệu vào Đảng – là bí thư chi bộ hai trường: Khải Định và Huỳnh Thúc Kháng.

Sau khi tốt nghiệp tú tài, anh được điều ra Việt Bắc làm ở Tuyên huấn Trung ương,cùng cơ quan với các anh Tố Hữu,Nguyễn Văn Linh,chị Vũ Thị Thanh…, đã từng thảo nên chương trình cải cách giáo dục đầu tiên do đồng chí Trường Chinh chủ trì.

Hòa bình lập lại,anh về báo Nhân Dân. 1972, Trung ương điều anh sang phụ trách ban văn nghệ Đài Giải phóng lúc đó còn ở Quán Sứ và Đại La. Các biên tập viên văn nghệ Đài luôn nhớ tới anh với một niềm kính yêu trân trọng. Họ đều nhất trí là anh rất tận tụy với công việc, thương yêu dìu dắt chu đáo anh em.

Về sau anh được điều vào thành phố Hồ Chí Minh, vợ con ở lại miền Bắc. Một mình tự phục vụ mọi mặt, mẹ tôi thường lui tới khen con rể: “Anh ấy hiểu biết rộng, ăn ở tử tế, có tình mà mạ khen nhất là xa vợ mà không hề dây dưa trai gái”.

Do ở rừng nhiều năm, công tác căng thẳng, anh ra đi năm sáu mươi tư tuổi. Anh trọn đời hiến thân cho lý tưởng cách mạng, là một tấm gương trí thức yêu nước nồng nàn, có tâm hồn trong sạch, cao thượng, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, hào hiệp cưu mang những người yêu thế mà không tính toán. ...

(Trích hồi ký)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...