Cellist Trần Hồng Nhung, đoạt giải tài năng trẻ tại Nga
Nghe tin Trần Hồng Nhung đoạt Giải 3 Cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ biểu diễn trẻ mang tên Sergei Sergeyevich Prokofiev (Сергей Сергеевич Прокофьевв) tại Nga, chúng tôi rất đỗi vui mừng (chúng tôi ở đây là hai nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ và tôi người viết bài này). Mừng vì cái chung, người Việt trẻ giờ đây đoạt giải quốc tế ngày càng nhiều trong khắp các lĩnh vực, bên cạnh đó là cái riêng, Trần Hồng Nhung là cháu ruột NSND Trần Thị Mơ, đứa cháu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng như chỉ gắng gượng đủ sống đi học phổ thông thôi đã khó, mà giờ đây đã trở thành một người được ghi danh tại cuộc thi quốc tế danh giá…
Câu chuyện về sự vượt khó vươn lên của Nhung rất cảm động. Bố Nhung là anh ruột của Trần Thị Mơ. Gia đình họ Trần sống ở Thái Nguyên, trong khi các người anh và em của bố Nhung lớn lên đi học, đi làm hoặc theo đuổi giấc mơ nghệ thuật thì bố vào bộ đội, qua ba cuộc chiến, vào Nam lại ra Bắc, sang Campuchia, đến khi trở về mang hội chứng chiến tranh, không hòa nhập được đời sống bình thường. Kết hôn vội vã vì tuổi đã cao không tìm hiểu, bố mẹ của Nhung đã không có cuộc sống như các cặp vợ chồng khác. Mẹ Nhung chia tay bố, để lại đứa con 3 tháng tuổi là Nhung. Nhung lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của bố và bên nội, cũng như ảnh hưởng niềm đam mê âm nhạc nghệ thuật của gia đình họ Trần. Thế rồi người cô ruột Trần Thị Mơ phát hiện ra ở đứa cháu gái của mình tiềm năng âm nhạc cùng cá tính nghệ thuật nên đợi khi Nhung đủ 6 tuổi, bố của Nhung đã đưa con về Hà Nội, để cô Mơ giúp đỡ. Trần thị Mơ nhờ bố chồng mình là Nhạc sĩ (NS)Hoàng Dương đào tạo. NS Hoàng Dương không chỉ nổi danh với những sáng tác khí nhạc và ca khúc mà còn là một nhà sư phạm tài ba, đồng thời là một nghệ sĩ cello có tiếng. Ông có công đầu trong việc xây dựng bộ môn đàn violoncelle và Khoa Đàn dây của Nhạc viện Hà Nội, người đã cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy bộ môn violoncelle hơn 40 năm, kể từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn violoncelle trong đó có những cellist tên tuổi như Ngô Hoàng Quân, Trần Thị Mơ…
Cũng như cô ruột của mình thuở nào, Nhung bỡ ngỡ về Hà Nội theo học nghệ thuật. Không ít người từ tỉnh nhỏ về thành phố lớn mang theo một giấc mơ nhưng vì thiếu ý chí giấc mơ ban đầu ấy đã tan thành mây khói, dành thời gian cho những ăn chơi, đua đòi để rồi đổ tại mọi sự cho số phận. Nhưng, Nhung thuộc typ người khác, rất đáng chú ý ngay từ khi bước chân vào ngôi nhà của NS Hoàng Dương. Buổi đầu tập nhạc, cây đàn cũ của cô Mơ cho còn cao hơn người, nhưng Nhung đã loay hoay tìm cách “chinh phục”. Rồi đến những bản nhạc, những buổi tập và cuộc sống đầy khó khăn của hai bố con trong điều kiện eo hẹp chỉ có đồng lương phục viên của bố. Vừa học văn hóa vừa học chuyên môn, chỉ một năm học kèm cặp, Nhung đã đỗ vào sơ cấp Nhạc viện Âm nhạc quốc gia, rồi lên trung cấp, giành học bổng sang Nga. Điều mà không phải mấy ai đã làm được. Khi Nhung được học bổng ra nước ngoài, bố Nhung đã rất mừng, tiễn đưa con gái với niềm hy vọng, một ngày nào đó được nhìn thấy con mình trên sân khấu với cây đàn và dòng âm thanh bác học dào dạt chảy dưới ánh sáng đêm diễn. Chỉ mới 3 tháng xa con, phần vì thương nhớ con, phần vì di chứng chiến tranh phát tác, bố Nhung đã lâm bệnh nặng, gia đình cũng đã cố gắng hết sức cứu chữa nhưng không còn hy vọng nữa. Nhung lại phải quay về bên bố, lúc này Nhung đang chuẩn bị thi tốt nghiệp dự bị tiếng Nga…
Về đến Hà Nội thì cũng là lúc bố đã hôn mê sâu trong bệnh viện vì tai biến mạch máu não. Cây đàn lúc nào cũng bên người, vừa chăm bố, vừa nghĩ đến kỳ thi trước mắt, đến việc học lâu dài…Ngồi bên bố, Nhung nước mắt lưng tròng, biết bao lần Nhung thầm ước bố khỏe lại…Nhưng, mệnh trời đã sẵn, bố Nhung nhìn thấy con và biết con có bản lĩnh để theo đuổi con đường sự nghiệp là ông mãn nguyện, ông trút hơi thở cuối cùng với nụ cười phảng phất trên môi. Nhung đổi vé máy bay, cùng gia đình lo xong tang lễ rồi quay trở lại trường (trước đó Trần Thị Mơ đã kịp viết thư xin lùi giờ thi cho cô cháu gái). Trước khi trở lại nước Nga, Nhung chào bố bằng một câu âm thầm trong tâm “Con sẽ cố gắng phấn đấu, trước hết để trở thành một con người đúng nghĩa bố ạ. Cùng với đó, con sẽ phấn đấu cho sự nghiệp mà bố con mình cùng mong đợi…”.
Quay lại Nga và thi tốt nghiệp ngôn ngữ, rồi thi chuyên môn cello vào Nhạc viện mang tên Gnhexin và đỗ đầu ở đây. Tuổi trẻ xa nhà, Nhung còn gặp những áp lực khác: nhớ nhà, nghĩ ngợi rất nhiều về sự cô đơn của người bố, thời gian biểu kín đặc cho học, cho biểu diễn, rồi chuyện bất đồng ngôn ngữ, khí hậu khắc nghiệt, khác biệt văn hóa giữa các sinh viên trong học viện…nhưng Nhung bảo: “tất cả những áp lực đó tôi đều đã trải qua. Tôi buộc mình phải trải qua, không cho phép mình một lựa chọn khác”. Tiếng Nga đã từng là một ngôn ngữ phổ thông ở Việt Nam những năm trước năm 1990, nhưng giờ đây tiếng Anh đã thay thế ở lớp người mới. Sinh sau năm 1990, Nhung chỉ biết tiếng Nga thông qua các bản nhạc của thầy cô, lớp người trước học ở Nga đã mang về từ đất nước này. Khi sang đến Nga, Nhung hoàn toàn bị choáng ngợp bởi thứ ngôn ngữ tuyệt hay đó nhưng lại không hề quen thuộc với mình. Nhung hiểu rõ rằng, khi ra nước ngoài ngôn ngữ là cầu nối đến với tri thức nhân loại, không có nó, người ta như vấp vào một bức tường chắn. Tiếng Nga không dễ chinh phục, việc tiếp nhận kiến thức mới ở trường nhạc tại Nga của bất kỳ ai cũng là việc vô cùng vất vả. “Tôi không hiểu thầy cô giáo, tôi cũng không hiểu những người bạn của mình đang nói hay đề cập đến cái gì. Nhưng với sự thân thiện và nhiệt tình của các thầy cô giáo cũng như các bạn, tôi đã học tiếng Nga vô cùng hiệu quả…” - Nhung giãi bày - “Tôi luôn tự nhủ, phải vượt mọi khó khăn, rào cản để đạt được những gì mình muốn, những gì gia đình mong đợi và hơn cả là để chạm được vào ngôi đền nghệ thuật…”.
Khi được hỏi: ân tượng nào mạnh nhất, đáng nhớ nhất trước, trong và sau Cuộc thi nổi tiếng này? Nhung trả lời: “Kỷ niệm khó quên nhất là vào buổi sáng trước khi đi thi. Khi vừa bước chân ra khỏi kí túc xá, trời bỗng đổ mưa rất to. Lúc đấy, một mình đứng giữa khoảng lặng, mọi cảm xúc dồn nén trong 2 năm bỗng ùa về. Tôi đã đứng khóc một mình giữa cơn mưa, giữa những con người hoàn toàn xa lạ… Khóc một hồi rồi tôi trấn tĩnh lại, tự nhủ, tất cả những gì đến với mình trước nay chưa bao giờ là dễ dàng, mà mình thì không phải là kẻ dễ bị khuất phục. Chính vì vậy, càng khó khăn tôi lại càng phải trở nên mạnh mẽ hơn. Và, cũng chính cơn mưa ấy, đã đem đến cho tôi một cảm xúc mãnh liệt. Tôi đã đàn với cảm xúc ấy trong bài thi…”. Và mới năm thứ Nhất, Nhung đã đoạt giải cuộc thi danh tiếng này. Ngoài ra Nhung còn nhiều lần tham gia biểu diễn ở Dàn nhạc trẻ châu Á và hiện nay là bè trưởng cello của dàn nhạc sinh viên tại Học viện Âm nhạc Gnhexin.
Nhung cũng sớm hiểu, con đường nghệ thuật không dễ dàng cho bất kỳ ai? Để đi được và đứng vững trên con đường ấy, mỗi người phải luôn có một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, đồng thời phải có một tình yêu mãnh liệt với sự nghiệp mình đã lựa chọn. Cô bé 20 tuổi vui vẻ trả lời: “Tôi cũng giống như bao người khác, muốn trở thành một người nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, được yêu quý và trân trọng bởi tài năng và sự cống hiến... thì không có cách nào khác là phải giành toàn bộ cuộc đời cho nó”.
Tin tức về Giải 3 trong Cuộc thi bay rất nhanh, gia đình và bè bạn đều mừng cho Nhung. Cuộc thi danh giá này dành cho tuổi trẻ các lứa khác nhau toàn Nga được tổ chức hằng năm tại Maxcơva. Mỗi lần có hàng trăm thí sinh với nhiều bộ môn: thanh nhạc, viola, violin, cello…Trần Hồng Nhung ở môn cello, năm nay có 100 thí sinh chia làm 3 bảng. Bảng của Nhung có 30 thí sinh từ các nước đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Và Trần Hồng Nhung đã ở bục vinh quang này, khi tuổi đời mới ngoài 20./.