Cậu bé chăn vịt một thời với tác phẩm “Dòng sông ai đã đặt tên”
Khi nghe tựa đề “Dòng sông ai đã đặt tên?” nhiều người thường nhầm tưởng với tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhưng cũng có một bài ca mang tên như vậy của một nhạc sĩ từng một thời rất được yêu mến, nhất là các em thiếu nhi. Người nhạc sĩ đó chính là Trần Hữu Pháp một người con của miền đất võ Bình Định.
Duyên số của cậu bé chăn vịt
Sinh ra trong một gia đình vốn theo Nho giáo ở làng quê nghèo huyện Hoài Ân, cậu bé Trần Hữu Pháp có những ngày ấu thơ vô cùng vất vả. Dù chỉ mới 12 tuổi, Trần Hữu Pháp phải đi chăn vịt thuê để phụ giúp gia đình. Năm 14 tuổi cậu bé tham gia vào đội Thiếu sinh quân và hoạt động cách mạng từ đó, đây là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của một cậu bé chăn vịt. Trần Hữu Pháp lại là một người đa sầu đa cảm và có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, hơn nữa vào đội Thiếu sinh quân cậu cũng được đào tạo âm nhạc một cách bài bản hơn nên cậu sớm bộc lộ được tài năng của mình.
Chúng tôi đã có dịp đến thăm người nhạc sĩ tài hoa Trần Hữu Pháp tại tư gia của ông. Với tuổi 81 đang phải chiến đấu với bệnh tật, nhưng vẻ mặt vẫn mang nụ cười rất hóm hỉnh đậm chất một nhạc sĩ đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam. Trò chuyện với chúng tôi, dù vì bệnh tật ông không còn nhớ được nhiều nhưng trong ký ức của ông vẫn luôn in đậm những kỷ niệm gắn liền với những vần thơ hay lời ca trong thời hoạt động cách mạng của mình.
Mặc dù đang ở trên giường bệnh, nhưng nhạc sĩ vẫn nở nụ cười khi được nghe những
câu chuyện đổi mới của quê hương Bình Định.
Ánh mắt của nhạc sĩ vẫn ánh lên một nỗi nhớ sâu sắc dù rằng có những hồi ức mà ông không thể diễn tả trọn vẹn ngay lúc này. May mắn thay, bà Hồng Thị Như Thuần, người bạn đời của nhạc sĩ đã giúp chúng tôi ghi lại những hồi ức và những chiến công của chồng mình. Đối với ông, vì tuổi cao sức yếu và những căn bệnh có thể cướp đi một phần trí nhớ nhưng có lẽ với rất nhiều người và với riêng người bạn đời của ông thì những vần thơ, những ca khúc của ông sẽ chẳng bao giờ mai một. Bà Thuần còn xúc động đọc lại vài dòng thơ của chồng mình cho chúng tôi nghe:
“Những dòng sông tôi đã đi qua
Từ sông Hồng đến sông Volga
Từ sông Hương đến sông Danuýp
Mỗi dòng sông là một bản tình ca…”
Nghe những câu thơ của chính mình nét mặt vị nhạc sĩ già trở nên rạng ngời phấn khởi. Ông hóm hỉnh kể cho chúng tôi về người bạn đời của mình, về cuộc gặp gỡ kết nên duyên vợ chồng hơn 60 năm về trước. Đó là vào năm 1954, trên đường chuyển công tác từ Bình Định ra Bắc, khi qua thành phố Vinh (Nghệ An) nhạc sĩ bị sốt rét và phải nằm lại trạm đón tiếp Cửa Hội để điều trị.
Đó cũng là lần đầu tiên ông gặp cô y tá dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt sáng long lanh và đặc biệt là giọng nói cử chỉ hết sức dịu dàng đúng chất “Huế thương”. Trái tim của người lính nhạc sĩ si tình đã bị đánh cắp từ đó. Nhưng rồi khỏi bệnh ông lại phải tiếp tục ra Bắc, gác lại sợi tơ tình vừa kết nối.
Sau này, trong một buổi diễn văn nghệ tình cờ đôi “uyên ương” đã gặp gỡ và nhận ra nhau. Cũng sau lần đó hai người đã thổ lộ tình cảm của mình và kết nên duyên vợ chồng.
Người nhạc sĩ vang bóng một thời
Từ một cậu bé chăn vịt tại một làng quê nghèo, sau khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng và được đào tạo âm nhạc, Trần Hữu Pháp đã cho thấy tài năng thiên bẩm của mình bằng những ca khúc tuyệt vời. Tác phẩm “Em yêu anh thương binh” ra đời khi nhạc sĩ chỉ mới 17 tuổi đã nói lên tài năng thiên phú của ông. Ngoài công tác cho các đoàn Văn công tại miền Bắc sau năm 1954, nhà xuất bản Âm nhạc, Trưởng Ban Văn nghệ Đài phát thanh Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, ông còn từng là phóng viên của báo Tiền Phong.
Dấu ấn mà đến hôm nay mà nhạc sĩ vẫn không thể nào quên đó là vào năm 1984 nhạc sĩ được cử đi tham gia Hội nghị quốc tế bàn về âm nhạc tại Praha (Tiệp Khắc cũ). Tại đây tác phẩm “Mùa xuân Praha” ra đời, dấu ấn này cũng để lại trong lòng bè bạn quốc tế sự thán phục, trân trọng tình cảm của đất nước và con người Việt Nam. Trần Hữu Pháp còn được xem là một cây nhạc sĩ “xuất thần” khi đi đến đâu ông cũng dùng một ca khúc để lưu lại kỷ niệm về vùng đất và con người nơi đó.
Như khi đến Liên Xô, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp viết bài “Còn mãi trong tôi chiều Matxcơva” và bài “Người về Paris” để nhớ đến Bác Hồ khi Người hoạt động ở Paris trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Và trong hàng loạt tác phẩm của Trần Hữu Pháp đã đoạt giải trong nước và quốc tế, bài “Hành khúc dưới ngọn cờ hòa bình” đã được chọn làm bài ca chính thức của phong trào thiếu niên và nhi đồng quốc tế tại Bungari năm 1992.
Sau năm 1975, nhạc sĩ được cử về Huế và giữ chức vụ Chủ tịch Hội âm nhạc Bình - Trị - Thiên. Cái duyên với người con gái Cố Đô, cũng như với mảnh đất thơ mộng trữ tình này đã giữ nhạc sĩ lại đây cho đến bây giờ.
Cho đến nay, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã sáng tác hơn 400 tác phẩm từ thơ, ca khúc. Mỗi ca khúc là một nốt thăng trầm của từng giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc, hay nhiều ca khúc gắn với mỗi địa danh mà nhạc sĩ đã đi qua.
Hơn 60 năm đam mê và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật. Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được Nhà nước tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì và Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn âm thầm lặng lẽ để sưu tầm nhạc dân gian để hoàn thành tiếp những tuyển tập ca khúc mới. Đó là bài hát ru “Nguồn gốc hô bài chòi” của quê hương Bình Định và tập ca khúc “Gửi Huế cung đàn”…
Đến nay, khi đã nằm trên giường bệnh nhưng người nhạc sĩ tài hoa ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm với quê hương Bình Định. Ông vẫn rất hào hứng khi nghe kể về những thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của quê hương.
(Nguồn: http://dantri.com.vn)