Cánh chim không mỏi thủy chung cùng dòng nhạc dân tộc
Gần nửa thế kỷ cống hiến, NSND Thanh Hoa đã gặt hái nhiều vinh quang. Thế nhưng, người nghệ sĩ tài năng vẫn như cánh chim không mỏi bay khắp phương trời để mang nhạc dân tộc đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Gặp NSND Thanh Hoa buổi sáng mùa hè rực rỡ, trông nghệ sĩ Thanh Hoa trẻ hơn so với tuổi thực. Ca sĩ “Tàu anh qua núi” kể lại câu chuyện cuộc đời và âm nhạc của mình bằng một giọng nói vang, khỏe khoắn.
Ở tuổi ngoài 60, nhiều nghệ sĩ đã lui vào tấm màn nhung sân khấu, nhưng NSND Thanh Hoa vẫn tràn đầy những dự định âm nhạc cho riêng mình. Thanh Hoa là số ít nghệ sĩ vừa hát, vừa làm quản lý. Bà là người đầu tiên mở phòng trà nhạc đỏ tại Hà Nội mang tên phòng trà Aladin và là GĐ Cty âm nhạc Thanh Hoa Concert, GĐ Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng “Tinh hoa nghệ thuật Việt”. Gần đây, bà đang thực hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ truyền lửa cho các thế hệ sau, các ca sĩ trẻ đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể tiếp cận được với tính đa dạng, phong phú của âm nhạc dân tộc.
NSND Thanh Hoa vẫn tràn đầy những dự định âm nhạc. Ảnh: TL
9 năm gần đây, bà đã tổ chức nhiều chương trình đưa các ca sĩ trẻ vừa được giải hoặc ca sĩ có tên tuổi của Việt Nam sang biểu diễn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cuối năm 2013, bà sang dạy lớp thanh nhạc đầu tiên cho 10 học sinh tại TP Praha (Đức). Trong chặng đường đầu tiên, bằng tình yêu âm nhạc, bà đã thành công khi được nhiều người Việt ở đây ủng hộ và đăng ký học. Bà kể: “Có những chị, cả đời chưa lên sân khấu, sau khi học lớp thanh nhạc ngắn hạn 20 ngày cũng đã tự tin hát trước đông người, hay có hai vợ chồng cùng học, khi vợ căng thẳng vì phải hát trên sân khấu, người chồng chạy lên, kịp thời ứng thí, vỗ nhịp động viên vợ…”.
Năm 2014, sau hơn 2 tháng ở Đức, nghệ sĩ Thanh Hoa đã giảng dạy thanh nhạc và phong cách trình diễn cho 30 học sinh. Đa số học sinh của bà có khoảng cách lớn về tuổi tác, có học sinh 40 – 50 tuổi, có những học sinh 16 - 17 tuổi nhưng đều đam mê ca hát và mong muốn được học các bài hát mang âm hưởng giai điệu quê hương. Ban ngày, học sinh của bà bận rộn với công việc nhưng khi buổi học diễn ra họ lại trở thành những ca sĩ luôn nỗ lực trên sân khấu…
Dù đã là ca sĩ nổi tiếng, gặt hái thành công với giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước, song trong ký ức, bà vẫn đau đáu về tuổi thơ vất vả của mình.
Sinh ra trong gia đình đông con tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội, thuở nhỏ Thanh Hoa phải làm lụng vất vả, gánh vác một phần trách nhiệm gia đình. Từ sáng sớm, Thanh Hoa phải đi lấy sườn nấu nước phở cho cửa hàng. Chiều đi học, bà ghé qua cửa hàng rửa bát thuê. Đêm bà đi nắm than trong nhà máy ở Thanh Xuân. Dường như đồng cảm với những người lao động xa xứ, nên trong sâu thẳm tâm hồn của người nghệ sĩ, Thanh Hoa luôn “đèo bòng” trách nhiệm là làm sao truyền lại ngọn lửa âm nhạc cho những người Việt Nam trên toàn thế giới.
Trải qua những thăng trầm, biến cố của cuộc đời, Thanh Hoa đã tôi luyện cho mình “bản lĩnh thép” trước những khó khăn của cuộc sống. Trong lớp học thanh nhạc được tổ chức tại cộng đồng của người Việt Nam ở Đức, việc luyện thanh vô cùng vất vả bởi chất giọng còn “ngọng nghịu” tiếng Việt của bà con. Tuy nhiên, bằng tình yêu với âm nhạc, bà luôn cảm thấy công việc đó thú vị. Có những kỷ niệm khi về nước khiến bà nhớ mãi, đó không phải những ca sĩ chuyên nghiệp, nên khi yêu cầu các học sinh hát tròn vành rõ chữ là khó, phải luyện tập vất vả. Có học sinh người Đức, thích hát bài “Nếu như anh đến” do Văn Mai Hương thể hiện, phải luyện giọng hơn 10g đồng hồ mới phát âm được.
Với kinh nghiệm và niềm yêu vô bờ bến dành cho dòng nhạc truyền thống, bà luôn tin và sẵn sàng làm từ những điều nhỏ nhất để học trò của mình vững vàng trên con đường ca hát. Người nghệ sĩ ấy giống như cánh chim không mỏi trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.
(Nguồn: http://www.baomoi.com)