Ca trù du ngoại ký
Ca nương Phạm Thị Huệ vừa có chuyến đi giới thiệu ca trù cho học sinh ở thành phố Cleveland (bang Ohio, Mỹ) kéo dài 3 tháng. Thời gian rảnh, chị còn lập nhóm chơi nhạc world-music. Huệ đang ở Đài Loan để dạy nhạc truyền thống Việt Nam.
Ca nương Phạm Thị Huệ (người mặc áo dài) mang văn hóa Việt Nam
và ca trù đến với các trường học ở Cleveland- Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lúc mới đến Cleveland, văn hóa hợp chủng quốc khiến Huệ choáng ngợp. Nhưng sự ngạc nhiên và quan tâm của khán giả Mỹ dành cho ca trù làm chị tự tin hẳn. Thoạt đầu chị cứ nghĩ sẽ dành 3 tháng để dạy ca trù ở một trường nhưng sang đến nơi mới biết 12 trường tiểu học và trung học đang đợi.
Hát ca trù, chơi bóng chày
Mở đầu mỗi buổi, chị giới thiệu vài nét về địa lý, văn hóa... Việt Nam, chẳng hạn lịch sử nghìn năm giữ nước, về chữ Nôm, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, nhà thờ đá Phát Diệm... Sau đó chị nói về ca trù và diễn. Tất cả gói trong một tiết học.
“Cũng là lớp 4 nhưng ở những trường chất lượng cao, học sinh tích cực đặt câu hỏi rồi ngồi xem chăm chú như cụ non. Nghe nhạc mình hỏi có lạ không, bảo không có gì lạ, cảm nhận được ngay. Tức là các em rất cởi mở với các loại hình văn hóa khác nhau như một người lớn hiểu biết. Ở những trường của học sinh da màu, các em thụ động hơn một chút...”. Nhưng cũng có nơi chị được trẻ da đen đón nhận nồng nhiệt, các bé không chỉ hỏi han mà còn xông lên thử đàn, xem tóc tai “cô giáo” ra làm sao.
Với học sinh trung học, Huệ dành nhiều thời gian hơn. Tầm tuổi này, các em hầu như đều chơi một nhạc cụ hoặc theo một môn nghệ thuật nào đấy. Các em mang sáo, trống hay violon đến hòa tấu cùng đàn đáy, qua đó Huệ dạy các em cách cảm nhận và chơi với âm thanh. Cũng có khi chị chơi với các em chuyên hip-hop.
Trên nền đàn đáy, có em nhún nhảy đọc rap, đại ý: “Sau giờ học ở trường chúng tôi đi sinh hoạt nghệ thuật. Hôm nay có một nghệ nhân ca trù đến, chúng tôi rất thích thú...”. Cô trò, khách chủ được dịp vui cười hả hê.
Mai mối Huệ với Young Audiences là nghệ sĩ Jen Shyu người gốc Indonesia từng sang Việt Nam học ca trù. Sau đó đại diện của tổ chức này sang Việt Nam dự các buổi diễn của Huệ và yêu cầu chị thử làm một buổi nói chuyện về ca trù tại một trường quốc tế ở Hà Nội, quay video lại và gửi sang Mỹ để xét duyệt. Huệ trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia dự án này, tiếp theo là một họa sĩ ở TPHCM. |
Ở Cleveland có khu chỉ dành cho người da đen. Ở đó có những trường học sinh vào cổng phải qua máy soi để xem có mang hung khí trong người.
“Khu da đen nghèo, nhiều tệ nạn. Luật là dưới 18 tuổi phải đến trường. Bố mẹ không cho con đến trường có thể bị phạt, nhưng nhiều em vẫn không đi học”- chị Huệ kể.
Ca nương Phạm Thị Huệ có dịp tiếp cận cuộc sống trong những khu da đen nhờ ông Ken- người tình nguyện bổ túc tiếng Anh cho chị. Ông Ken dạy bóng chày cho trẻ lang thang hoặc mồ côi, qua đó mong các em nhận thức tích cực về cuộc sống, không sa vào nghiện hút. Huệ theo chân ông đến những con phố chết- địa bàn của các băng nhóm và người vô gia cư.
Trên ô tô cùng Ken ra sân bóng, chị có dịp trò chuyện với hai cậu bé tầm tuổi 13-14. Một cậu kể đã nhìn thấy cảnh giết người trên phố và kinh nghiệm của cậu là phải cẩn thận khi định kết bạn ngoài đường vì “nếu bắt tay với kẻ xấu mà hôm sau mình không nhập hội nó có thể khử mình luôn”.
Cậu bé này cũng nhận thức được rằng nếu không đọc sách thì sẽ không biết suy nghĩ, không suy nghĩ thì sẽ không hiểu được cuộc sống xung quanh. Trong khi cậu bạn đi cùng lầm bầm: “Đọc sách chỉ tổ nhức đầu”.
Ra sân bóng, Huệ được giúi vào tay cây gậy dành cho trẻ em. học sinh của Ken ném bóng cho Huệ đánh. Hình như chúng cố tình ném dễ để quả nào Huệ cũng đỡ được. Đến khi thầy Ken ra sân, phát nào cũng trượt. Ken than thở: “Đời tôi chưa bao giờ bị như này!”. Bọn học sinh thì khoái trá la ó đề nghị để Huệ thay Ken làm huấn luyện viên.
Tổ chức mời Huệ sang Cleveland tên là Young Audiences (tạm dịch là Công Chúng Trẻ). Hằng năm quỹ này mời 12 nghệ sĩ nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực từ sân khấu tới hội họa khắp thế giới đến để giới thiệu về nghệ thuật của dân tộc mình cho học sinh Cleveland. Dù không được trả lương, nhưng các nghệ sĩ được chu cấp đầy đủ để sống và làm việc, được mang cả gia đình sang ở cùng.
Gặp Mẫu Thoải kiểu Mỹ
Ngoài việc đi “khoe” ca trù với giới trẻ Mỹ, Huệ còn lập nhóm nhạc tên là Merging Clouds (tạm dịch là Hợp Vân). Chị được giới thiệu với một nghệ sĩ guitar gốc Brazil, một người chơi tabla (loại trống của Ấn Độ). Trong một buổi diễn, bà Linda- một nghệ nhân hát và chơi trống châu Phi- lên ngẫu hứng, trở thành thành viên thứ tư. Hằng tuần họ tập với nhau. “Mỗi lần tập lại ra một tác phẩm mới. Mọi người đều ngạc nhiên”, Huệ kể.
Cô giáo Phạm Thị Huệ trong những giờ lên lớp.
Các tác phẩm hình thành trên tinh thần ngẫu hứng. Chẳng hạn có khi Huệ đang tìm cách giới thiệu nhạc cụ với các bạn, chị “phịa” ra một điệu sáo nửa Tây nửa ta, trong khi anh Brazil nghịch đàn guitar. Một lúc sau Linda tự ngâm nga theo kiểu của mình. Vậy là thành tác phẩm Children of the light (tạm dịch: Những đứa con của ánh sáng).
Cũng có khi họ cùng chơi theo kiểu jazz, Huệ ngẫu hứng trên 3 nốt của ca trù trong khi những thành viên còn lại cũng chẳng biết đó là ca trù. Cũng có khi chị đưa vào chất liệu Tây Nguyên vì nghe ra cùng âm hưởng với thứ đàn 1 dây của Brazil. “Những lúc ấy thấy âm nhạc không còn biên giới”- Huệ nói - “Nó không xa gì nhau lắm giữa châu Phi, Ấn Độ và Việt Nam”.
Huệ và Linda rất hợp nhau. “Nói chuyện về tôn giáo, nhân sinh quan, tư duy âm nhạc- tất tần tật thấy như trưởng thành cùng đất nước, cùng gia đình”, Huệ kể. Nhiều học trò môn trống của Linda nay đã thành nghề.
Ở tuổi ngoài 60, bà biểu diễn chỉ để cho vui. Đặc biệt nhà bà cũng có điện thờ những “Mother of water”, “Mother of land”... chẳng khác nào Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn của ta. Bà cũng có những điệu hát để dâng cúng lên các vị thần linh, tổ tiên. Huệ còn tò mò về tài tiên tri của Linda nhưng do quá bận nên chưa kịp thử.
Cũng ở bang Ohio, một người chơi nhạc Việt Nam dù chưa từng đến Việt Nam tên là David đến gặp Huệ. David học nhạc từ thầy Nguyễn Thuyết Phong. Anh thổi một loại khèn mà theo Huệ đã biến mất ở Việt Nam. Họ cho khèn và đàn đáy hòa tấu cùng nhau.
David chính là người khuyến khích Merging Clouds biểu diễn trước công chúng, giới thiệu Phạm Thị Huệ với đài báo. Một dự án tìm quỹ cho nhóm nhạc thu âm và biểu diễn đang được tiến hành. Vì thế khả năng sớm quay lại Cleveland của Huệ là khá cao.
Sau Mỹ đến Trung Quốc?
Vừa từ Mỹ trở về, Phạm Thị Huệ lại tất bật chuẩn bị cho chuyến đi Đài Loan 3 tuần. Duyên đưa Huệ sang xứ Đài là cây đàn tỳ bà. Người Đài Loan tìm đến chị qua một clip chị chơi tỳ bà theo kiểu cổ trên mạng.
Ở Trung Quốc và Đài Loan, kiểu chơi đó đã thất truyền. Khoảng đầu thế kỷ XX, Trung Quốc thay đổi hệ thống phím tỳ bà- gọi là pipa- cho giống với guitar để cây đàn dễ hòa nhập với dàn nhạc giao hưởng.
Đàn tỳ bà gốc từ Ba Tư nhưng du nhập vào Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản qua đường Trung Quốc. Người Nhật gọi là biwa và giữ nguyên trạng cho tới ngày nay. Người Đài Loan đã sang Nhật học lại vốn cổ và giờ đến Việt Nam.
Từ lâu Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay) đã gắn lại phím tỳ bà cho gần với phương Tây, các kỹ thuật diễn tấu cũng thay đổi. Phạm Thị Huệ may mắn gặp nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Anh đã gắn lại phím cho đàn và khuyến khích Huệ học các nghệ nhân để chơi theo lối cổ.
“Chính thời điểm đấy tôi nghĩ sẽ sang Trung Quốc dạy lại cây đàn cổ mà họ đã đánh mất”, Huệ nhớ lại. Và 20 năm sau, ý tưởng của chị đã được thực thi ở Đài Loan.
Đáng chú ý là Dàn nhạc Cung đình Huế hiện đang dùng phải cây đàn tỳ bà cải biên, theo Huệ, đơn giản vì các nghệ nhân cứ tin tưởng nguồn đàn tỳ bà nhập từ Bắc. Trong khi những cây đàn này đều được làm theo model cải biên của Nhạc viện.
“Các lớp nghệ nhân đều đã ra đi, thế hệ tiếp nối lại chưa chú ý đến tiểu tiết để phân biệt”, Huệ cảnh báo. Đàn tỳ bà “xịn” hiện vẫn được sản xuất ở Sài Gòn, dù tỳ bà từ lâu đã bị đẩy khỏi dàn nhạc tài tử cải lương bởi guitar phím lõm.
Giữa năm ngoái, GS Wang từ Đài Loan dắt một sinh viên sang cho cô Huệ dạy tỳ bà. Còn ông học đàn đáy. Từ Việt Nam về, ông mang theo 10 cây đàn bầu, 10 đàn tỳ bà, 7 đàn nguyệt, và một cơ số đàn tranh. Chính là để chuẩn bị cho lớp học cổ nhạc Việt tại ĐH Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan vào tháng Bảy này. Huệ sẽ dạy hòa tấu nhã nhạc, chèo, ca Huế, cải lương... cho 27 học viên, và chuẩn bị cho cuộc trình diễn nhạc Việt của các nghệ sĩ xứ Đài sẽ diễn ra vào cuối tháng.
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)