Ca sĩ Thụy Uyên: Những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim

25/06/2019

Mang chất giọng đặc biệt, mỗi lần Thụy Uyên cất tiếng hát, người nghe lại thấy cả phố núi Đà Lạt lãng đãng sương khói, đẹp đấy mà buồn đấy. Đi qua thăng trầm đời người, chị hiểu âm nhạc có sức mạnh như thế nào. Âm nhạc vá víu phận người, an ủi khiếm khuyết xác thân. Thấm thoắt, cuộc thi “Giai điệu trái tim” – sân chơi ca hát thiện nguyện dành cho người khuyết tật do chị tổ chức đã lên tuổi thứ 6.

- Bây giờ, nhắc đến cuộc thi ca hát cho người khuyết tật, người ta sẽ nhớ ngay đến “Giai điệu trái tim”. Cơ duyên nào khiến chị quyết định tổ chức sân chơi cho những thân phận chịu nhiều thiệt thòi này?

+ Năm 2014, thỉnh thoảng đi hát cùng các đoàn từ thiện, tôi có dịp gặp gỡ nhiều người khuyết tật. Họ luôn nhìn tôi bằng ánh mắt ngưỡng mộ và bày tỏ khao khát một ngày sẽ được đứng trên sân khấu. Một lần, những người bạn khuyết tật ấy rủ tôi đến xem họ tập văn nghệ.

Ca sĩ Thụy Uyên.

Tôi hết sức ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều giọng ca đẹp trú ngụ trong hình hài khiếm khuyết. Có bạn thấp nhỏ, chân tay biến dạng nhưng vẫn cố rướn cổ cho vừa chiếc micro. Có bạn khiếm thị, rờ rẫm tìm chỗ ngồi, nhưng một khi đã ôm guitar là lột xác thành tay đàn điêu luyện.

Họ hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn: "Mệt quá đôi chân này/ Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi/ Mệt quá thân ta này/ Nằm xuống với đất muôn đời"... Nghe họ hát, tôi lặng người. Dường như dị tật không là gì khi họ cất tiếng hát. Tôi có cảm giác đó là tiếng hót của loài chim lạ trong bụi mận gai.

Về nhà, tôi không chợp mắt được, cứ trăn trở mãi: “Tại sao nhiều người khuyết tật hát hay như thế mà lại không có một sân chơi để họ thể hiện, giao lưu?”. Sáng hôm sau, tôi hẹn họ đi cà phê rồi hỏi: "Tụi em muốn có một sân chơi để thi ca hát không?". Chưa kịp dứt câu, họ đã reo lên: "Được chứ, tổ chức đi chị Uyên". Vậy là tôi rút tiền túi, bắt tay làm. Không ngờ mùa đầu mà đã có hàng trăm thí sinh đăng ký. Họ thuộc đủ thành phần lứa tuổi và phần lớn là lao động nghèo.

- Có một thời, cái tên Thụy Uyên là bảo chứng phòng vé tại các phòng trà ca nhạc tại TP Hồ Chí Minh lẫn nhiều show diễn ở các tỉnh thành vì chất giọng trầm khàn hiếm có. Tại sao bẵng đi nhiều năm liền, chị dừng con đường sự nghiệp đang lên mà dồn hết tâm huyết vào cuộc thi “Giai điệu trái tim”?

+ Với tôi, âm nhạc là “người tình” mà tôi không bao giờ rời bỏ. Âm nhạc cứu rỗi và cho tôi thăng hoa. Vậy nên khi tạm dừng chạy show để tập trung lo cho tổ ấm nhỏ thì tôi vẫn không quên người tình ấy. Lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng tôi vẫn trở về xứ sở mù sương hát với bạn bè, đồng nghiệp cho vơi bớt nỗi nhớ.

Ca sĩ Thụy Uyên và các thí sinh khuyết tật của cuộc thi “Giai điệu trái tim”.

Tổ chức cuộc thi ca hát cho người khuyết tật cũng là cách để tôi tình tự với âm nhạc, cùng giữ lửa đam mê với những con người kém may mắn. Bây giờ, gia đình nhỏ đã khá ổn, tôi chạy show nhiều hơn, tham gia các cuộc thi ca hát như “Tình bolero” 2019 để đánh dấu sự quay trở lại trên con đường nghệ thuật.

- Nhiều người khuyết tật đam mê ca hát nhưng chúng ta rất thiếu sân chơi ca hát chuyên nghiệp dành riêng cho họ. Không ít người mạnh dạn đăng ký thi gameshow đình đám trên truyền hình nhưng họ không cạnh tranh nổi những người lành lặn và có sắc vóc. Chị có chạnh lòng vì điều đó?

+ Đúng là nhiều người bạn khuyết tật mà tôi quen biết từng đi thi các cuộc thi đình đám như “Giọng hát Việt”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, “Việt Nam Idol”… nhưng không được vào sâu vòng trong dù họ rất có tài. Nghe tâm tình của họ, tôi hiểu họ mong mỏi có một sân chơi âm nhạc dành riêng cho mình như thế nào. Bởi vì ở đó không so kè chuyện sắc vóc, kỹ năng biểu diễn,  mà chỉ thực sự là nơi để lời ca và nốt nhạc thăng hoa.

- Dù cuộc thi vẫn ở tầm “vui là chính” nhưng chị luôn tổ chức bài bản, mời dàn giám khảo uy tín không kém gì một cuộc thi chuyên nghiệp. Đó có phải là sức hút để cuộc thi ngày càng mở rộng quy mô?

+ Đó chỉ là một phần thôi. Với tôi, cuộc chơi âm nhạc lúc nào cũng phải nghiêm túc, chỉn chu, chứ không hời hợt, dễ dãi được. Nên ngoài việc chọn lựa địa điểm, dàn nhạc chất lượng…, tôi luôn mời những nghệ sĩ tên tuổi, uy tín ngồi ghế nóng hoặc làm khách mời.

Mùa giải năm ngoái có sự góp mặt của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, thạc sĩ thanh nhạc Lý Hoàng Kim, nhạc sĩ - Đại tá Võ Công Phước (Trưởng đoàn Ca múa nhạc Quân khu 7), ca sĩ Đức Minh, ca sĩ Huỳnh Lợi (giải 3 Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh 1998), nhạc sĩ Nguyễn Tánh, nhạc sĩ Lê Huy Cầm… để trao đổi, góp ý về chuyên môn cho các bạn.

Những năm trước nữa thì có ca sĩ Hà Vân, MC Thanh Bạch, ca sĩ Lân Nhã, ca sĩ – nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương…  Cuộc thi vào tháng 7 năm nay tuy chỉ diễn ra tại Lâm Đồng chứ không ở TP Hồ Chí Minh như mọi năm, nhưng tôi cũng cố gắng để chương trình chỉn chu nhất.

- Những năm đầu, chị tự bỏ tiền túi để tổ chức cuộc thi. Giờ đây, vì ý nghĩa nhân văn của chương trình, ngoài sự giúp đỡ của bạn bè, cuộc thi đã thu hút nhiều nhà hảo tâm, trong đó có Báo Công an nhân dân. Nhớ lại thuở “vạn sự khởi đầu nan”, điều gì đã thử thách chị?

+ Mỗi lần tổ chức, tôi ôm đồm gần hết công việc, từ lo nơi ăn chốn ở miễn phí cho các bạn thí sinh đến việc tập nhạc cho họ. Bạn bè cứ bảo mình “khùng” khi rảnh hơi đi vác tù và hàng tổng. Có năm khó khăn và mệt mỏi quá, tôi tính buông xuôi. Nhưng cứ gần đến tháng 5 là người khuyết tật khắp nơi lại hỏi thăm, mình lại không kìm lòng được.

Ca sĩ Thụy Uyên trong chương trình “Tình bolero” 2019.

Nhìn các bạn hát say sưa, hát hồn nhiên quên trời, quên đất và sung sướng khi nhận được các phần quà, nghe giám khảo góp ý nhận xét cho phần trình diễn về sau càng hay hơn, tôi vui quên mệt. Cũng may có rất nhiều người bạn nhiệt huyết tình nguyện làm đội dìu đỡ, cõng bê thí sinh lên sân khấu; người thiết kế băng rôn; người kêu gọi thí sinh tham gia; người tài trợ địa điểm tổ chức… và sự chung tay quý báu của các nhà hảo tâm.

- Trong suốt 6 mùa thi, chị ấn tượng với những thí sinh nào?

+ Có nhiều thí sinh coi cuộc thi như tổ ấm thứ hai của mình. Mùa nào họ cũng thi, nhưng không phải để tranh giải, mà để giao lưu và hát với những mảnh đời cùng cảnh ngộ. Thí sinh khiếm thị Huỳnh Thảo Tâm Thương là một ví dụ, chị bảo hát để nhìn thấy cuộc đời bằng âm nhạc và xóa tan những nhọc nhằn của cuộc sống.

Chàng trai tàn tật Mai Khánh Phụng, quán quân “Giai điệu trái tim” lần 4 cũng khiến tôi nhớ mãi khi Phụng khoe nhờ chương trình  mà lần đầu tiên cả nhà  Phụng ôm nhau khóc sung sướng như vậy. Má Phụng cứ bảo bà không ngờ thằng con tật nguyền lê la khắp chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương bán kẹo kéo để được thỏa chí hát hò lại ẵm giải nhất.

Hay đôi vợ chồng Đào Lâm Thanh Danh và Võ Thị Bé Hoang. Dù đều mù lòa, cuộc sống nghèo khó nhưng họ luôn như hình với bóng. Đi thi hát, họ cũng cùng đăng ký. Nghe họ song ca bài "Chuyện tình không dĩ vãng", tôi mới hiểu thế nào là hạnh phúc giản đơn.

- Là cuộc thi chỉ dành cho thí sinh khuyết tật, hẳn sân chơi này có rất nhiều điều khác biệt, độc đáo so với các cuộc thi ca hát thông thường?

+ Có lẽ không cuộc thi nào có được hình ảnh bộn bề kỳ lạ mà cảm động như "Giai điệu trái tim". Sau khi MC giới thiệu phần thi kế tiếp, phía dưới lục tục người dìu, kẻ đỡ, cõng thí sinh lên sân khấu. Có thí sinh tự di chuyển bằng xe lăn, bằng chiếc ghế, nạng gỗ, cây gậy lọc cọc... Những người mù thì bá vai vào nhau, rồng rắn theo tình nguyện viên lên sân khấu. Ai cũng bị dị tật nhưng ai cũng ăn mặc thật đẹp và hạnh phúc đến buổi dạ tiệc dành riêng cho họ.

Các thí sinh đến với cuộc thi thuộc đủ mọi thành phần, đủ tuổi già trẻ nhưng phần lớn là người lao động nghèo. Đa phần họ không được đào tạo âm nhạc bài bản nên câu ca cất lên hoàn toàn bản năng. Có người còn hát sai lời, trật nhịp. Do đó, tôi phải mời giảng viên thanh nhạc để về luyện cho họ. Có người lần đầu lên sân khấu nên run quá, quên trước, quên sau. Mỗi lần như vậy, tôi và các tình nguyện viên phải “leo” lên sân khấu khuấy động phong trào, cổ vũ tinh thần thí sinh.

- Người ta nói “Cho đi nghĩa là nhận lại”, chị nhận lại được điều gì từ những phận đời khiếm khuyết nhưng đong đầy đam mê ca hát ấy?

Các thí sinh đa phần chỉ hát bản năng. Nhưng khi cất tiếng hát, tôi cảm giác bao nhiêu tinh túy, họ chắt hết cho người nghe. Nói như nhạc sĩ Trần Quảng Nam, họ hát bằng cả trái tim mà đôi khi giới nghệ sĩ không phải ai cũng làm được.

Tôi  rất biết ơn các thí sinh vì ngọn lửa đam mê ca hát của họ đã truyền động lực để những người làm nghề như tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa. Tôi chợt hiểu, làm con người trên cõi đời này, ai mà không có khiếm khuyết, có người khiếm khuyết ở thể xác nhưng có người khiếm khuyết trong tâm hồn. Vậy hãy sống hết mình với niềm đam mê, sở thích của mình.

- Xin cảm ơn chị và chúc cho cuộc thi ngày càng lan tỏa!

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...