Ca sĩ Thanh Thúy trăn trở với dòng nhạc truyền thống, cách mạng

05/10/2015

Nữ ca sĩ muốn bước vào con đường đạo diễn các đêm nhạc truyền thống - cách mạng sau khi đoạt giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc tại hội diễn nghệ thuật toàn quốc.

Gần một tuần sau cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thúy vẫn lâng lâng niềm vui. Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 TP HCM do chị làm phó đoàn đoạt được huy chương vàng tại sự kiện này. Cá nhân Thanh Thúy được trao giải Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.

Khi hội diễn toàn quốc này khép lại, chị thở phào nhẹ nhõm và mới có giấc ngủ ngon. Trước đó, trong hai tháng, nghệ sĩ cùng hơn 80 thành viên của Quân khu 7 ngày đêm luyện tập, lên kế hoạch dàn dựng một trong số chương trình có quy mô, mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của đơn vị mình.

Trong vai trò đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật, Thanh Thúy kết nối 11 tiết mục ca múa, nhạc riêng lẻ trở thành một tổng thể hài hòa với tên gọi chung "Khúc tráng ca miền Đông". Chị và ê-kíp không ít lần thức trắng đêm để hoàn thành mọi khâu, kịp tiến độ dự hội thi, so tài cùng 21 đoàn nghệ thuật toàn quốc.


"Theo tôi biết, người nữ đi theo công việc đạo diễn sân khấu âm nhạc không nhiều vì lĩnh vực này khá áp lực. Tuy vậy, tôi rất muốn theo đuổi, nhất là dàn dựng các đêm nhạc truyền thống - cách mạng", Thanh Thúy nói.

Trong vòng 70 phút, "Khúc tráng ca miền Đông" mang đến hình ảnh người lính thời chiến lẫn thời bình, hình ảnh thế hệ trẻ năng động xây dựng quê hương, đất nước. Tổ hợp biểu diễn đoạt Huy chương vàng nhờ hài hòa về cảm xúc, chỉn chu, sáng tạo về kỹ thuật sân khấu. Nhiều khán giả nhận xét trong số chương trình nhạc truyền thống cách mạng hiện nay, chương trình này mang chủ đề người lính nhưng không khô cứng, cũ kỹ trong cách thể hiện. 11 tiết mục là sự tổng hòa về các loại hình nghệ thuật: ballet, đương đại, nhạc kịch quy mô nhỏ. Phần thanh nhạc được kết hợp khéo léo từ chất opera, nhạc trẻ đến âm hưởng dân ca các vùng miền.

Phần lớn nhạc phẩm trình diễn đều là ca khúc mới, được đặt hàng từ các nhạc sĩ như: Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Xuân Phương... Thanh Thúy kể, trước hội diễn, chị và nhạc sĩ Xuân Phương ngồi lại với nhau rất nhiều lần để tìm ý tưởng ca khúc về những nữ chiến sĩ miền Đông. Cả hai đọc lại các tác phẩm văn học, tài liệu về địa đạo Củ Chi, về các trận chiến năm xưa... "Nhạc sĩ Xuân Phương là người miền Bắc, đây lại là ca khúc đặt hàng nên chúng tôi lo lắng liệu anh có chuyển tải hết được chất của người miền Đông vào ca khúc. Nhưng thực sự ai cũng bất ngờ khi bài Nữ du kích miền Đông được biểu diễn trữ tình và thấm thía", Thanh Thúy chia sẻ.


Đặt hàng ca khúc mới, dàn dựng đậm chất nghệ thuật là cách Thanh Thúy truyền sức trẻ cho dòng nhạc cách mạng. Trong ảnh: tốp ca nữ trình diễn bài hát "Phố" - sáng tác mới của Võ Thiện Thanh. một tiết mục của chương trình "Khúc tráng ca miền Đông".

Hội thi khép lại, nhưng chị và các nhạc sĩ, biên đạo trong êkíp đã trăn trở làm thế nào để chương trình quy mô này đến được với nhiều khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ. "Nếu không thể mang cả chương trình dài 70 phút để đi diễn, chúng tôi hy vọng có thể xé lẻ từng tiết mục để phục vụ khán giả các nơi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối với Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM hoặc các tỉnh thành để tìm cơ hội tái diễn, duy trì chương trình", chị nói.

Đây là lần đầu Thanh Thúy thể hiện khả năng dàn dựng sân khấu âm nhạc. NSƯT chỉ vừa tốt nghiệp ngành đạo diễn tại trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM. Vở cải lương tốt nghiệp mang tên Huyền thoại tình yêu được chị kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và chất nhạc kịch đạt điểm xuất sắc. Ngay sau đó, Thanh Thúy dồn sức cho Khúc tráng ca miền Đông với mong muốn góp phần thổi làn gió mới vào dòng nhạc cách mạng.

Mong muốn lớn nhất của Thanh Thúy sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đạo diễn xuất sắc là được cống hiến sức mình cho Đoàn nghệ thuật quân khu 7 TP HCM, thực hiện thêm nhiều đêm nhạc truyền thống cách mạng.

"Có một thực tế là dòng nhạc này đang được biểu diễn khá nhiều trên thị trường. Tuy vậy, so với quy mô ở hội diễn chuyên nghiệp, các chương trình chạy show bên ngoài ít có điều kiện đầu tư về mặt chất lượng, thời gian dàn dựng, cộng thêm quan niệm còn khô cứng về nhạc cách mạng khiến dòng nhạc này dễ đi vào lối mòn trong biểu diễn, phối khí, hòa âm, dàn dựng... Nếu được đầu tư đúng về chất lượng nghệ thuật, nhạc cách mạng sẽ gần gũi với người trẻ hơn", chị nhận xét.


Thanh Thúy bên con trai 15 tuổi.

Người trẻ đầu tiên mà Thanh Thúy chinh phục được chính là con trai 15 tuổi của chị. Trong đêm thi Khúc tráng ca miền Đông vừa qua, biết mẹ bận rộn với đoàn, con trai chị từ TP HCM một mình xuống Bà Rịa ủng hộ tinh thần mẹ. Khi tiết mục cuối cùng vừa khép, cậu đến bên mẹ chia sẻ cảm xúc về tiết mục, nhất là với ban nhạc của quân khu. Cậu quyết định xin mẹ được học tại Học viện âm nhạc để đi theo con đường âm nhạc của mẹ. "Tôi muốn định hướng con đi theo chuyên ngành piano vì con trai tôi có nền tảng về môn này. Điều tôi thấy vui nhất là đêm nhạc đã khiến con thích thú và xác định được hướng đi của mình. Trước đó, nó còn đắn đo về việc sẽ chọn lĩnh vực nào để theo đuổi", chị kể.

Từng thành công trong việc đóng phim, thời gian dài vừa qua, Thanh Thúy ngừng diễn xuất, dồn sức cho lĩnh vực đạo diễn âm nhạc. Mỗi ngày, ngoài 8 tiếng đồng hồ làm công tác quản lý Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, chị bận rộn với vai trò một Đại biểu Hội đồng Nhân dân của TP HCM. Là một thiếu tá, chất lính và chất nghệ sĩ luôn hài hòa trong Thanh Thúy, giúp chị đủ bản lĩnh vượt qua được những áp lực của nghề đạo diễn.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...