Ca sĩ Tân Nhàn: “Níu dải lụa đào” là “cuộc chơi” lớn của tôi với âm nhạc truyền thống
Giọng ca của dòng nhạc dân gian - ca sĩ Tân Nhàn sau một thời gian dài mới trở lại thị trường âm nhạc bằng album CD “Níu dải lụa đào” cùng 2 MV bài hát văn nổi tiếng “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và “Cô đôi Thượng Ngàn”, phát hành vào những ngày cuối năm, đầu Xuân 2019 sẽ là liveshow về âm nhạc cổ truyền.
Trao đổi với phóng viên, nữ nghệ sĩ cho biết đang bắt đầu hiện thực hóa mong ước bấy lâu nay: Lan tỏa giá trị đẹp của âm nhạc cổ truyền tới đông đảo công chúng.
Phóng viên (PV): Năm năm trước, Tân Nhàn đã mang một hơi thở mới cho âm nhạc truyền thống khi thực hiện dự án âm nhạc “Yếm đào xuống phố” kết hợp với nhạc Jazz. Sự trở lại lần này Tân Nhàn với các sản phẩm lại mang đậm tính cổ truyền. Lý do của sự thay đổi này là gì?
Ca sĩ Tân Nhàn: Khi chia sẻ về dự án “Níu dải lụa đào”, nhiều người cứ nghĩ Tân Nhàn sẽ làm “cái gì đó” tiếp tục mới, lạ với âm nhạc truyền thống. Nhưng thực tế thì các tiết mục trong dự án này Tân Nhàn hát các làn điệu, bài dân ca cổ nguyên bản như các nghệ nhân truyền dạy.
Để hát hát các làn điệu, bài dân ca cổ trong album theo kiểu nghệ nhân của Tân Nhàn đã “lấy” mất 2 năm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và học tập. Thực hiện được album, Tân Nhàn đã lặn lội đi tìm các nghệ nhân ở các vùng miền để “tầm sư học đạo”. Với ý nghĩa được chắt lọc tinh tuý từ thế hệ đi trước, để có thể chuyển tải vào album theo cách hát, cái hồn của riêng mình. Để học được lối hát của các nghệ nhân, Tân Nhàn đã dành rất nhiều thời gian để học, luyện, nghe và thẩm thấu. Đến mức con trai băn khoăn “Tại sao mẹ nghe nhạc này nhiều vậy?”. Tôi hy vọng, những nỗ lực cùng niềm yêu thích vô bờ với nghệ thuật truyền thống và sự thể hiện của mình sẽ là một nét thú vị đáng lưu tâm trong cả “rừng” hoa nghệ thuật truyền thống đã gắn bó với người Việt lâu nay.
Hình ảnh ca sĩ Tân Nhàn trong dự án “Níu dải lụa đào”.
Tiết mục “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là một tác phẩm rất nổi tiếng, gắn bó với các giọng ca âm nhạc cổ truyền hơn là theo dòng dân gian đương đại, như vậy có khó cho Tân Nhàn khi thực hiện MV cũng như đưa vào album lần này?
Khi nghe NSƯT Đình Cương (nghệ sĩ của Đoàn chèo Thái Bình) hát bài này, Tân Nhàn đã rất mê. Nghệ sĩ Đình Cương lại là một bậc thầy trong truyền dạy hát văn, nên trong hành trình tìm gặp các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc cổ truyền học tập, Tân Nhàn đã quyết tâm học bằng được với nghệ sĩ Đình Cương. Quả là một quyết định sáng suốt, NSƯT Đình Cương không chỉ tận tình chỉ bảo từng câu từng chữ khi hát, mà Tân Nhàn còn được “truyền lửa” niềm đam mê, nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống.
Rõ ràng Tân Nhàn hiện đang là giọng ca đắt “sô”, lại trên cương vị Phó trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với công tác quản lý và giảng dạy bận rộn. Vậy việc mải mê đi “tầm sư học đạo” âm nhạc cổ truyền liệu có lo ảnh hưởng tới sức hút của khán giả?
Có đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống mới thấy rằng những khán giả đã yêu nghệ thuật truyền thống luôn say mê và trung thành lắm. Tôi thấy mình không nhiều khán giả, nhưng lại là những khán giả thực sự chung thuỷ, và với tôi đó là nguồn cảm hứng bất tận để tôi không ngừng cống hiến. Tôi nghĩ là người nghệ sĩ chân chính ai cũng mong mình có những khán giả yêu mến thực sự chứ không phải những người nói yêu quý theo phong trào, hời hợt. Thường thì mỗi lần đi biểu diễn, biết Tân Nhàn sinh ra ở nơi hội tụ nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đặc sắc (Hà Nam) nên thường được yêu cầu hát chèo, hát văn…những lúc như vậy, tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc vì được khán giả quan tâm, thương quý.
Ca sĩ Tân Nhàn và NSƯT Đình Cương biểu diễn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” trong buổi giới thiệu dự án âm nhạc.
Đến bây giờ Tân Nhàn cũng tự hào với nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian dài đã có vị trí tốt trong đời sống âm nhạc. Công việc ổn định, cuộc sống bình an và nhất là ông xã (ca sĩ Tuấn Anh) ủng hộ khi tôi muốn được thực hiện những dự án nghệ thuật có ý nghĩa, có giá trị. Tất nhiên, tôi không mang tham vọng là làm được điều gì vang dội cho sự phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam, điều đó có vẻ xa vời và cần nhiều người làm chứ một mình tôi không thể làm nổi, nhưng tôi vẫn cố gắng hết mức có thể trong khả năng của mình, trước hết là để truyền cảm hứng đến những học sinh, những khán giả yêu mến tôi. Thế hệ nghệ sĩ tiếp nối chúng tôi muốn lưu giữ và phát huy giá trị mềm mại của âm nhạc cổ truyền, để đưa những giai điệu đẹp vào trong đời sống âm nhạc đại chúng.
Được biết Tân Nhàn cũng đang chuẩn bị một liveshow âm nhạc mang chủ đề của album “Níu dải lụa đào” kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, phải chăng Tân Nhàn đang đặt nhiều giấc mơ cho âm nhạc cổ truyền?
Giấc mơ góp sức cho âm nhạc truyền thống của Tân Nhàn không phải vì sở thích, vì muốn làm cái gì đó “là lạ”, hay chỉ là “cuộc chơi”, mà Tân Nhàn với tư cách của một người giảng viên đang dạy rất nhiều sinh viên âm nhạc, với tư cách một nghiên cứu sinh âm nhạc thấy mình cần có trách nhiệm với công cuộc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, không chỉ học hát từ các nghệ nhân, Tân Nhàn còn dày công tìm tòi tài liệu, nghiên cứu và tiến tới xây dựng giáo trình giảng dạy, bởi hiện nay trong Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang thiếu giáo trình bài bản về âm nhạc truyền thống.
Tôi nghĩ mình đang ở độ tuổi phù hợp để quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống. Hiện tại, tôi muốn xuất hiện với tư cách không phải một ca sĩ dòng dân gian mà là một người có sự tìm tòi và nghiên cứu sâu về âm nhạc truyền thống. “Níu dải lụa đào” là “cuộc chơi” lớn của tôi với âm nhạc truyền thống. Ngoài ra tối cũng sẵn sàng tặng album “Níu dải lụa đào” tới khán giả, bao nhiêu khán giả muốn nghe, tôi tặng bấy nhiêu, càng lan tỏa được nhiều tình yêu nghệ thuật truyền thống càng quý giá. Ngược lại, nếu khán giả trân trọng nỗ lực của tôi, khi nhận đĩa, khán giả có thể đóng góp kinh phí gây quỹ cho CLB “Ngôi sao nhỏ” mà tôi đang ủng hộ. Toàn bộ số tiền nhận được sẽ giúp đỡ những em nhỏ có tài năng mà hoàn cảnh khó khăn được theo đuổi nghệ thuật. Trong suốt 4 năm hoạt động, CLB “Ngôi sao nhỏ” đã có nhiều buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân ung thư, giúp đỡ các học sinh nghèo vùng cao, hỗ trợ các em nhỏ nghèo cả về vật chất và tinh thần. Với ý nghĩa đó, tôi rất mong được khán giả của mình đồng hành…
Đồng thời, với dự án này, tôi nghĩ cũng là dịp để “đo” sự mặn mà của khán giả với nghệ thuật truyền thống. Nếu khán giả mặn mà, tôi tin sau tôi sẽ có những nghệ sĩ sẵn sàng làm những dự án giống như tôi, góp phần giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống của nước nhà. Tôi nghĩ, đó cũng là trách nhiệm của các nghệ sĩ đối với thế hệ mai sau.
Xin cảm ơn Tân Nhàn và chúc chị đạt được nhiều mơ ước!
Album “Níu dải lụa đào” gồm các làn điệu, bài dân ca cổ: “Đào liễu”, “Duyên phận phải chiều”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, “Tương phùng tương ngộ”, “Lúng liếng”, “Ngồi tựa song đào”, “Mục hạ vô nhân”, “Cô đôi thượng ngàn”. |
(Nguồn: http://www.qdnd.vn)