Ca sĩ Lan Anh: “Âm nhạc đích thực đang bị lép vế”
- Gần đây, một số vấn đề của nhạc Việt được dư luận đào xới, trong đó có sự lo ngại về sự phát triển của thị trường âm nhạc, chị có nhận xét gì về sự phát triển này?
- Tôi nghĩ rằng, thị trường âm nhạc cũng như nhiều ngành nghề khác, nó đang đi đúng theo quỹ đạo phát triển của nó, nghĩa là theo thời thế thôi. Đơn cử như, cứ một dạo khán giả thích nhạc nhẹ, nhưng một dạo sau thích nhạc đỏ và giờ thì nhạc nhẹ lại lên ngôi. Đó là thuận theo nhu cầu của xã hội đương đại.
Nhiều khi giá trị đích thực không được đánh giá cao mà lại bị lấn át bởi những giá trị ảo. Nhận xét này nó đúng với thị trường âm nhạc hiện tại. Bởi trước quá nhiều những thứ “xúc tác” ảnh hưởng đến âm nhạc như các gameshow truyền hình… thì nó buộc âm nhạc đi theo một định hướng nhất định. Nó không bao gồm chỉ mỗi tính nghệ thuật mà kèm theo đó là quảng bá, quảng cáo… kiếm lợi nhuận. Điều đó đúng thôi, vì kinh doanh thì buộc phải kiếm lời.
- Bị tác động bởi những yếu tố thị trường như vậy, chị có thấy lo ngại. Bởi thường thì những nghệ sĩ theo dòng nhạc chính thống như chị, trong dòng chảy này, rất dễ bị lãng quên?
- Thực tế là dòng nhạc chính thống đang bị lép vế so với dòng nhạc thị trường. Giải trí đang lấn át nghệ thuật. Nên nhiều giá trị bị đảo lộn. Đó cũng là một điều đáng buồn, âm nhạc chính thống rất ít có cơ hội để đến gần với công chúng, ít khi được đứng trên sân khấu, ít khi được lên truyền hình và càng ít hơn đối với những sân chơi truyền hình thực tế đang đầy rẫy ngoài kia.
Nhiều khi mình cứ nghĩ vui rằng, không biết làm thế nào để đến gần được hơn với công chúng. Hay là cũng nên có những chiêu trò: xách cái túi hàng hiệu, ăn mặc thật sexy… để được chú ý đến hơn. Nhưng nói thực là, những thứ đó không hợp, thôi thì cứ để “hữu xạ tự nhiên hương”. Mình đến với khán giả bằng trái tim, bằng giọng hát của mình là đủ rồi. Con đường mình theo là con đường dài, không nên và cũng không thể vội vã.
- Nghe có vẻ chị đang “tủi thân”?
- Thực ra cũng có lúc tủi thân chứ. Mình không có ý so sánh gì giữa các dòng nhạc, bởi mỗi bên sẽ có những thế mạnh riêng. Nhưng là thời cuộc nó như vậy, mình cũng đâu biết phải làm sao. Thực tế thì mình hiểu cái “thời cuộc” đó nên mình cũng không bận tâm nhiều. Hiện tại, với mình chỉ là được hát, được giảng dạy và có một bộ phận khán giả yêu thích là hạnh phúc rồi. Đánh bóng tên tuổi, nó cũng không làm nên giá trị.
- Chị đã vậy, nhưng chị có thương cho những lứa học trò của mình? Bởi trong khi nhiều thế hệ học trò của chị phải “mài mông” trên ghế nhà trường, rồi đến lúc ra trường để được công chúng biết đến là cả một con đường dài. Trong khi hiện tại, nhiều gương mặt trẻ khác không được đào tạo nhưng có thể nổi tiếng sau chỉ một đêm?
- Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không thể phủ nhận có nhiều gương mặt trẻ ở các cuộc thi họ có năng khiếu thực sự. Họ có những cảm nhận về nhạc lý, cảm thụ âm nhạc rất tốt… có khi tốt hơn cả những sinh viên mà Lan Anh đang truyền dạy. Nên nó không phụ thuộc vào xuất phát điểm. Bạn trẻ nào tìm được cơ hội để xuất hiện, thì cứ nắm lấy… Nhưng còn để lâu dài thì đối tượng nào khi bước vào con đường chuyên nghiệp cũng phải học tập.
Thực tế, mỗi khóa sinh viên của mình ra trường có khi chỉ một, hai em là đi được đến cuối cùng với nghề. Mà phải nỗ lực rất nhiều, vấn đề học thuật chỉ là cơ bản, còn “chèo lái” ra sao là ở bản thân họ. Đương nhiên, dòng nhạc mà họ theo cũng quyết định phần nào thuận lợi hay khó khăn cho con đường đi đó. Như hiện tại, thì theo giải trí, theo nhạc trẻ… sẽ dễ “nổi” hơn dòng nhạc chính thống rồi.
- Là một nghệ sĩ đồng thời cũng tham gia công tác giảng dạy, chị nghĩ sao khi có ý kiến đánh giá cho rằng: 99% ca sĩ trẻ hiện tại chưa biết đọc nốt nhạc?
- Con số này cũng có vẻ hơi quá nhỉ?! Mình nghĩ cũng nhiều, nhưng không đến mức đó. Chắc là con số mang tính chất tượng trưng thôi. Như vậy, để thấy rằng, yếu tố học tập chưa thực sự được đề cao. Điều đó cũng đúng với thời cuộc thôi. Bởi số lượng ca sĩ trẻ thành công từ những cuộc “thi thố” trên truyền hình là khá cao nên xảy ra tình trạng này cũng là dễ hiểu.
Nhưng, Lan Anh vẫn trung thành với ý kiến của mình là, cần phải có học thuật. Kiến thức âm nhạc nó rất là quan trọng, không chỉ để phục vụ cho việc người ca sĩ biết hát. Mà nắm được kiến thức âm nhạc, nhạc lý… sẽ nâng tầm ca sĩ hơn lên, hiểu được những cảm xúc âm nhạc tốt thì sẽ thể hiện ca khúc tốt hơn. Thực tế, âm nhạc của Việt Nam cũng không quá rích rắc, nên tối thiểu cần phải “vỡ” được bài hát… để chuyển tải đến khán giả một cách tốt nhất. Sự ngô nghê là không nên có…
- Vậy, để mong muốn một điều gì cho thế hệ ca sĩ trẻ, đồng thời cũng là cho những người đang được cho là “thiệt thòi” khi theo dòng nhạc chính thống ở đây là gì, thưa chị?
- Mình mong muốn những giá trị âm nhạc thực sự phải được tôn vinh và được đặt đúng chỗ. Mình tin rằng, những nỗ lực đều sẽ có những giá trị riêng. Nên các bạn trẻ, đi theo con đường âm nhạc chính thống không nên vì thế mà sốt ruột. Mọi đóng góp đều chân quý và những giá trị mang tính lâu bền thì cũng khó có thể mất đi.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
(Nguồn: http://petrotimes.vn)