Bohemian Rhapsody – Khúc tráng ca bất diệt của thiên tài lập dị
Công chiếu trong 2 tháng cuối năm 2018, bộ phim ca nhạc “Bohemian Rhapsody” - tái hiện sự ra đời và quá trình hoạt động của ban nhạc Queen của Anh - đã làm bùng nổ hàng ngàn rạp chiếu phim trên toàn thế giới, thu được tới 600 triệu USD (trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 50 triệu USD). Với số tiền thu về kỷ lục, nó đã trở thành phim đứng đầu trong danh sách những phim ca nhạc tiểu sử có doanh thu cao nhất trong lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà thính giả của đài BBC bình chọn Queen là ban nhạc vĩ đại nhất của nước Anh trong mọi thời đại. Tính triết lý trong âm nhạc của Queen, sự sáng tạo, cá tính, luôn đổi mới phong cách trình diễn và sự tôn trọng khán/thính giả… đã khiến cho những ca khúc của ban nhạc này luôn trường tồn với thời gian.
1. Được khởi động từ 8 năm trước bởi Brian May - tay guitar chính của ban nhạc, dự án làm phim “Bohemian Rhapsody” đã gặp phải khá nhiều trắc trở. Ban đầu khi tuyển lựa diễn viên, ngôi sao loạt phim hài đình đám Borat là Baron Cohen được lựa vào vai Freddie Mercury (ca sĩ chính). Tuy nhiên anh này lại khiến nhà sản xuất thất vọng vì diễn xuất quá tồi. Cohen nhanh chóng phải rời cuộc chơi.
Thêm nhiều năm tìm kiếm, phải đến năm 2016 nhà sản xuất mới tìm được nam diễn viên ưng ý là Rami Malek. Ngoài việc có ngoại hình góc cạnh khá giống Freddie Mercury, khi chính thức được nhận vai, Rami phải dành cả tháng trời tại căn hộ của Roger Taylor - tay guitar bass của nhóm nhạc và cũng là một người bạn thân của Freddie Mecury - để được nghe kể và tìm hiểu những bật mí ly kỳ về nhân vật “nặng ký” mình sắp sắm vai. Bản thân Rami thừa nhận, anh phải chịu rất nhiều áp lực, nhất là trong quá trình thu giọng. “Đây là vai diễn định nghĩa cho sự nghiệp phía trước của tôi, nếu không làm tốt, tôi hoàn toàn có thể tự giết chết mình!” – Malek cho biết.
Tạo hình diễn viên Rami Malek trong vai Freddie Mercury.
Một vị trí đặc biệt quan trọng khác - là đạo diễn - thì Dexter Fletcher là cái tên đầu tiên được chọn ở cương vị này, khởi quay từ tháng 9-2017. Tuy nhiên sự tranh cãi trong quan điểm sáng tạo đã khiến ông rời vị trí trong bất mãn và được thay thế bởi đạo diễn Bryan Singer. Song cũng chỉ được một thời gian ngắn Bryan Singer cũng bị sa thải vì đạo diễn này đã không đảm bảo tiến độ, đến muộn, hay dùng nhiều lời lẽ thô tục với Rami Malek và đặc biệt còn vướng vào một vụ bê bối tình dục. Ít ngày sau, Dexter Fletcher được gọi trở lại. Bộ phim đã được triển khai khẩn trương, và hoàn tất cảnh quay vào đầu năm 2018, bước vào giai đoạn hậu kỳ.
Chuyện phim có phần đơn giản, khi kể lại sự ra đời của ban nhạc Queen, quá trình sáng tạo những tác phẩm bất hủ như: “Bohemian Rhapsody”; “We will rock you”; “Killer Queen”; “Love of my life”… Mọi diễn biến chính đều tập trung vào ca sĩ chính của nhóm ban nhạc là Freddie Mercury: Từ một nghệ sỹ vô danh cho đến khi trở thành ngôi sao vĩ đại, bị phát hiện là người đồng tính, bị bạn bè, các thành viên trong nhóm bỏ rơi, ngập chìm trong rượu, ma túy, tình dục đồng giới và bị phát hiện nhiễm căn bệnh thế kỷ AIDS. Cuối phim là màn biểu diễn mãn nhãn, tái hiện buổi biểu diễn kinh điển tại Live Aid năm 1985 của Queen (đêm nhạc gây quỹ để giảm thiểu nạn đói ở châu Phi).
Ngày 2-11-2018, bộ phim đã được khởi chiếu và nhanh chóng trở thành một hiện tượng, gây bão trên 4.000 cụm rạp chiếu phim tại Bắc Mỹ và toàn thế giới. Dù vẫn còn không ít lời khen chê về bố cục phim, diễn xuất của diễn viên chính chưa thực sự “lên đồng”… song rõ ràng sức hút của “Bohemian Rhapsody” cũng như ban nhạc Queen là không thể phủ nhận.
2. Ra đời cách đây đến nửa thế kỷ, đồng thời chơi một thứ nhạc được coi là tương đối “khó nghe” với nhiều người – nhạc Rock - song cho đến thời điểm này, Queen vẫn là ban nhạc được nhiều thế hệ ưa thích. Không khó để tìm ra một gia đình mà từ ông bà, bố mẹ đến con cháu đều là fan hâm mộ của Queen. Tại nhiều nơi, nhiều thời khắc âm nhạc của Queen vẫn vang lên, vẫn làm say đắm hàng triệu triệu con tim yêu nhạc.
Theo các nhà phê bình âm nhạc, thì Queen là ban nhạc theo dòng “ArtRock” hay “GlamRock”, cốt chỉ để phân biệt với “Hard Rock” hay “Heavy Metal” – rock “nặng”. Còn với đa phần thính giả, họ chẳng cần biết đó là loại nhạc nào, chỉ cần họ cảm thấy thích, rung động, đồng cảm, hoặc nói trắng ra là thấy “phê” với giai điệu, với âm thanh, ca từ… mà ban nhạc đã tạo ra.
Ban nhạc vĩ đại nhất Anh quốc trình diễn trong Live Aid 1985.
Và quả đúng như thế. Bằng tài năng và sự sáng tạo tột đỉnh của mình, âm nhạc của Queen đã làm mê hoặc người nghe bằng cả giai điệu và ca từ sâu lắng. Với tuyệt khúc “Killer Queen”: đầu tiên là âm thanh từ những cái búng tay: tạch tạch tạch… rồi giọng ca đặc biệt của Freddie cất lên: “She keeps her Moet et Chandon/In her pretty cabinet/ "Let them eat cake", she says/ Just like Marie Antoinette” (Cô ấy có một chai vang tuyệt vời/ ở trong chiếc tủ xinh xắn/ Cô nói “hãy nâng ly và ăn bánh”/ Hệt như nữ hoàng Marie Antoinette)… một cách không thể ngọt ngào hơn. Tiếp đó là những ca từ “uốn éo”, hòa cùng nhịp trống và tiếng guitar rạo rực khiến người ta chỉ muốn nhảy nhót theo.
Với nhạc phẩm “Love of my life”, bản ghi âm phòng thu bắt đầu với dải piano thánh thót, đầy rung cảm, và giọng Freddie cao vút: “Love of my life, you are hurt me/ You are broken my heart and now you leave me/ Love of my life, can not you see? …”. Giai điệu quá đẹp, và cũng rất cảm động: “Tình yêu của tôi ơi, em làm cho tôi đau đớn. Em đã làm tan vỡ trái tim tôi, và giờ đây em bỏ tôi mà đi. Tình yêu của tôi ơi, em có thấy điều đó chăng?”…
Freddie là một người luôn đầy ắp các ý tưởng. Chính vì thế mà âm nhạc của Queen rất khác biệt với nền âm nhạc đương thời. Năm 1974 Queen ra album QUEEN II, trong đó có sử dụng rất nhiều các hiệu ứng phòng thu của studio - điều được coi là cách mạng cho âm nhạc của Queen. Tiếng guitar của Brian May được đẩy lên nhiều lớp, cứ như có đến 3 cây cùng chơi vậy.
Năm 1977 album “News of the World” với tâm điểm là hai ca khúc “We will rock you” và “We are the Champions” đã vang lên trên khắp các sân vận động, và “We are the Champions” được coi như “quốc tế ca” của bóng đá và thể thao thế giới.
Song trên hết, “Bohemian Rhapsody” mới được coi là ca khúc tuyệt vời nhất của ban nhạc vĩ đại này. Ngay sau khi phát hành, single này đã khiến cho báo chí Anh quốc phải thốt lên: “Thiên trường ca phóng túng! Công phu và điên rồ”.
Phải biết rằng thời điểm ra single này Queen đã ký hợp đồng với một hãng ghi âm danh tiếng. Và yêu cầu của nhà sản xuất ngoài việc sáng tạo ra một ca khúc tuyệt vời thì còn phải đảm bảo thời lượng không quá… 3 phút. Bởi đó sẽ là thời lượng hiệu quả nhất nếu phát trên hệ thống radio, phương tiện truyền thông phổ biến lúc bấy giờ. Vậy mà ca khúc này dài đến hơn 6 phút. Thật... không thể chấp nhận được! (đấy là với các đài phát thanh).
Tuy nhiên, hãy cảm nhận sự công phu, kỳ vĩ qua ca khúc này. Mở đầu là giọng ca da diết của Freddie: “Is this the real life? Is this just fantasy?/Caught in a landslide, no escape from reality/ Open your eyes, look up to the skies and see…” (Phải chăng đây là cuộc sống thực? Hay chỉ là tưởng tượng?/ Trên những trận cuồng phong của đất trời, chẳng còn lối thoát nào cả/ Hãy mở mắt ra, nhìn lên bầu trời và ngắm nhìn…)
Đó là câu chuyện về một cậu bé phải sống trong cảnh nghèo đói, cô đơn, với bao bất công dồn nén. Cậu đã dùng súng bắt chết người. Và sau đó là cảm giác đau đớn, sợ hãi, giằng xé…
Đan xen vào những lời ai oái, thống thiết đó là những bè hoà âm đan xen chằng chịt, với những đoạn thu chồng đến 180 lần, hết lớp này đến lớp khác, tưởng như giọng hát vang lên từ một nơi nào xa lắm. Rồi tiếng guitar khoáng đạt và lắt léo, ngọt ngào của Brian May; chất giọng opera cao vút của Mercury, với những ca từ cực kỳ đặc biệt: Bismillah, no! We will not let you go.. Galileo… khiến người nghe khi thì muốn nổ tung, lúc lại rơi nước mắt vì cảm động!
Bohemian Rhapsody sau khi phát hành đã ngay lập tức chiếm vị trí số 1 tại Anh đến hơn 2 tháng liền, đoạt danh hiệu Ca khúc hay nhất trong năm.
Và nếu như nghe kỹ, thính giả có thể thấy trong các ca khúc của Queen cũng đậm chất triết lý. Ngay từ “chất nhạc” của Queen đã là sự hoà trộn tuyệt vời giữa hai thái cực vốn được coi là đối nghịch trong âm nhạc: Rock và trường phái Opera. Một bên được coi là mạnh mẽ, sôi động với bên kia là nhẹ nhàng, sâu lắng. Âm nhạc của Queen bên cạnh những tiết tấu nhanh, mạnh, dồn dập của trống và guitar, thì cũng đậm đặc chất âm hưởng nhạc nhà thờ, và nhất là opera. Chất giọng ngọt ngào, trầm bổng nhiều sắc thái rất đặc biệt của Freddie Mecury, piano sâu lắng, guitar trau chuốt, và rất trong. Vì thế nên trong các tác phẩm của Queen, ta không thấy sự khập khiễng khi những chuỗi giai điệu chuyển từ piano sang guitar…
Vẫn trong ca khúc trứ danh “Bohemian Rhapsody”, người ta có thể cảm nhận được rất rõ sự xuất hiện của tính tôn giáo ở trong nó. Đầu tiên là “Bái hỏa giáo” mà gia đình Freddie đang theo. Đó là sự đấu tranh giữa “thiện” và “ác”, giữa ánh sáng và bóng tối luôn đeo đuổi mỗi con người từ khi sinh ra. Tuy nhiên, đến cuối bài hát, ta lại thấy tinh thần của Phật giáo: “Any way the wind blows” (Như những ngọn gió, tôi đến rồi đi, chẳng để lại chút gì).
3. Hiếm có một nghệ sỹ nào có những phẩm chất như Freddie. Sự sáng tạo không giới hạn, phong cách trình diễn tuyệt vời, tâm hồn yêu nhạc đến điên dại… của anh đã “thổi” vào cả ban nhạc, khiến cho các thành viên khác (đều rất tài năng) cũng “lên đồng” theo. Nhờ vậy, họ đã sáng tạo ra những ca khúc tuyệt vời mà không thể lẫn vào đâu được.
Bên cạnh đó, phong cách biểu diễn của ban nhạc cũng như ca sĩ chính cũng thực sự đặc biệt. Freddie luôn xuất hiện trên sân khấu như một... vị thần kỳ dị với hàm răng vổ, chòm ria mép rậm rạp, mái tóc bóng mượt vuốt ngược về sau, chiếc áo ba lỗ trắng và quần jeans bó sát. Khi lại cởi trần và chỉ khoác lên cổ dải lụa nhiều màu… Anh hát mà như trút hết ruột gan trên sân khấu. Bao nhiêu thế hệ người hâm mộ phải phát điên vì sung sướng và rơi lệ vì xúc động bởi những bài hát của Queen.
Queen cũng là ban nhạc rất tôn trọng khán giả, những buổi diễn “live” của họ không chỉ đơn giản là “hát cho đồng bào tôi nghe” mà còn muốn khán giả là một phần của ban nhạc, biểu diễn cùng họ. Bởi thế mà ca khúc: “We will rock you” đã ra đời. Khán giả sẽ giậm chân, vỗ tay theo nhịp cùng với ban nhạc, đồng thời hát theo luôn. Sau này có rất nhiều ban nhạc đã học theo phong cách này, thường xuyên giương micro xuống mời khán giả hát cùng, khiến cho cả sân khấu và người đến xem như muốn hòa làm một.
Cùng với tài năng thì sự tôn trọng khán giả, sự sáng tạo không ngừng nghỉ… đã tạo nên một ban nhạc vĩ đại như Queen. Và có lẽ nó cũng là khuôn mẫu rất đáng để các ca sĩ, ban nhạc Việt Nam học tập.
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/)