Bộ đôi quan họ…
Nhà văn Đỗ Chu viết tùy bút “Thăm thẳm bóng người” có kể lần nghe hát quan họ cùng bạn bè ở ngôi nhà có giàn hoa trên thành phố Bắc Ninh mà người hát là cặp liền chị Minh Phức – Lệ Ngải, hai nghệ sĩ có tiếng ở miền đất đi đâu cũng hay gặp người ta làm nghề thủ công, thấy người ta buôn bán, vui chơi và ca hát.
Hai liền chị Minh Phức – Lệ Ngải.
Vốn là chỗ thân tình lâu năm, cũng có lần hai liền chị đón nhà văn Đỗ Chu mà đi cùng là GS - nhà thơ Kevin Bowen từ Mỹ sang Hà Nội, rồi về Bắc Ninh nghe hát. Người khách nước ngoài lặng đi nghe quan họ khiến liền chị cũng phải ngạc nhiên. Mới đây trở lại Hà Nội trong triển lãm giới thiệu những bức chân dung vẽ các bạn văn nghệ sĩ Việt Nam cùng những dòng cảm nhận về họ, trong số đó có bức chân dung Đỗ Chu, nhà thơ cựu chiến binh Kevin còn nhắc lại kỷ niệm cái lần đi nghe hát không thể quên ấy.
Hai liền chị Minh Phức – Lệ Ngải (thứ tư và thứ năm từ phải sang) trong một cuộc hát
tại làng Ngang Nội.
Hai liền chị vốn có tiếng trong những người hát, người chơi quan họ nhiều năm nay ở tỉnh Bắc sông Cầu. Sự nổi tiếng ấy, không giống như kiểu các nghệ sĩ đã quen thuộc với công chúng yêu quan họ mọi miền qua sân khấu ca múa nhạc cổ truyền, qua phát thanh, truyền hình như các NSƯT Thúy Cải, Khánh Hạ, Hải Xuân, Quý Tráng, Quang Vinh… và NSND Thúy Hường. Cũng không theo kiểu các liền anh, liền chị trưởng thành trong phong trào hát ở làng quan họ cổ mà báo chí hay tìm đến như CLB quan họ Đặng Xá, CLB quan họ Hòa Đình… hay các chị Khen, chị Hài, chị Sang, chị Thềm… ở làng Diềm. Minh Phức – Lệ Ngải từ trong làng quan họ bước lên đoàn dân ca quan họ từ khi mới thành lập, cùng với các nghệ sĩ thuộc “thế hệ khai phá” đi “ba cùng” ở nhà các nghệ nhân khắp các làng quan họ cổ, rồi bao năm, vừa giữ gìn vốn liếng vàng ròng ấy, vừa biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Cho đến khi rời đoàn, các chị lại trở về không gian mà trước kia mình đã từ đó ra đi, mà thực chất, dù suốt tuổi thanh xuân theo đoàn, các chị cũng không thoát ly khỏi hồn vía, mùi vị của quê hương đồng đất bao giờ!
Nghe có vẻ vòng vèo, nhưng cái chất “nghệ sĩ nhà nước” pha trộn với cái dáng vẻ liền chị trong dân gian, cái hình bóng nghệ nhân chốn bờ tre gốc lúa ở trong Minh Phức – Lệ Ngải chị là như thế! Hai chị có họ với nhau, là chị em họ trong một đại gia đình ở làng quan họ cổ Ngang Nội – xã Hiên Vân, Tiên Du bây giờ, có những ông bác, ông chú, ông anh và các cụ trước nữa là nghệ nhân, là thầy đàn, thầy hát, là nhạc công, trải đời với dân ca cổ nhạc ở trong làng thôn, trong gánh hát một thời, rồi đến các đơn vị nghệ thuật.
Chúng tôi đã ngồi nhiều giờ trong nhiều dịp hội Lim, ở làng Ngang Nội quê hai liền chị, ở ngôi nhà thờ trong làng Trang Liệt – Từ Sơn – quê hương nghệ sĩ Vũ Tự Lẫm – “phu quân tài hoa” của liền chị Minh Phức, để nghe các chị hát. Để thấy lòng mình lại được rung lên, một con đường mở rộng rãi và thân thiết, qua bến bãi, vườn tược, cây cỏ và những triền đồi thấp, đón mình về lại không khí thuần hậu của làng quê xưa trong những phong tục nhịp nhàng và hội lễ triền miên không dứt.
Và nối liền đến xuân này, CD quan họ cổ “La rằng” với giọng hai liền chị cùng với liền anh Tự Lẫm và học trò của ba thầy: Anh ba bé Đình Vũ, đã nên vóc nên hình. Chờ mong mãi, sửa soạn mãi, bao năm đợi một ấn phẩm kỷ niệm đời đi hát, đi chơi quan họ, nay mới… sắp thỏa. “La rằng” tập hợp một số những bài cổ ít khi xuất hiện trước công chúng. Quan họ có những bài vừa hiếm, vừa lạ, vừa khó. Hiếm, lạ, bởi dù đều đã có từ lâu, nhưng ít được trình diễn, cũng một phần bởi khó khi giai điệu “vòng vo”, “phức tạp”, thời lượng dài, đòi hỏi cao ở chất giọng, sức khỏe và cả trí nhớ nữa. Những bài như thế, Minh Phức – Lệ Ngải đã nằm lòng từ thuở đầu xanh đi học các cụ hồi năm 1969 đến đầu những năm 70. Nay lớp người cao tuổi, lão luyện trong nghề chơi quan họ từ cả nửa thế kỷ trước thì đâu còn ai nữa, mà chỉ có lời quan họ xa xưa qua truyền khẩu của các cụ ấy, được Minh Phức – Lệ Ngải chép trong những cuốn vở học sinh giờ đã ngả vàng. Và những lời ca dài lâu ngút ngát ấy được cặp đôi tóc cũng sợi đen sợi trắng ngoài sáu chục hôm nay, thường thường lại giở ra cất giọng với riêng mình, và lâu lâu, hát cho một số nhà nghiên cứu của Bắc Ninh, của Viện âm nhạc ghi lại.
Hai liền chị Minh Phức – Lệ Ngải (thứ ba và thứ tư từ phải sang) trong một cuộc hát ở hội Lim.
Ấn phẩm hiếm hoi chuẩn bị ra với những người nghe sẽ mến mộ ấn phẩm đậm phong vị cổ truyền, mến mộ những người một đời mang theo câu hát làm tài sản. Có thể số người tìm nghe sẽ chưa được nhiều, nhưng sẽ như mưa dầm thấm lâu, và trọn vẹn được một giấc mơ nhỏ đã nuôi bao năm ròng, thế là quý lắm! Rồi biết đâu từ đây lại có thể thêm niềm tin và điều kiện để hoàn thành những trông ngóng khác. Bởi một CD thì “đựng” khoảng chục bài, còn hàng trăm bài theo lối cổ nữa.
Chúng tôi biết dự định bao năm vẫn là dự định của thầy mình - nhà giáo – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ - Khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, cứ ước sẽ xin được trường hay xin được đâu đó, một dự án hay chương trình thu lại những bài bản quan họ mà hai “bà chị” thân thiết đang gìn giữ. Thầy sắp nghỉ hưu rồi mà ước ao này chưa lấp đầy. Cũng như hai liền chị, những ước ao vẫn thường gửi vào câu hát – như bài “Phùng quan xuân hội” trong ấn phẩm tới đây. Hát rằng: “Phùng quân xuân hội kiến xuân huê/Hướng dương quỳ nhất bất tương ly/Độc tiếu thanh phong, kê hàm minh nguyệt/Nữ nhân đồng tâm/Duyên lý sở nguyện, bất kiến đồng tâm…”. (Dịch nghĩa (Theo bài “Về bài quan họ “Phùng quan xuân hội” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ trên khoavanhoc.edu.vn): Hội xuân gặp người cùng ngắm hoa xuân/Như hoa quỳ hướng dương không lúc lìa nhau/ Đêm riêng cười với gió mát, cho tới khi gà say gáy ánh trăng trong/Chúng em một lòng/Duyên đà sở nguyện sao chưa gặp người đồng tâm…).
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)