Beethoven thì chỉ có một!

02/04/2020

Buổi chiều mùa xuân, tôi thấy mình run run, có phần dè dặt nhưng cũng hạnh phúc và vinh dự xiết bao khi bắt đầu đặt bút viết đôi điều về cuốn sách này – Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời - lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam. Đây thực sự là một cuốn sách đồ sộ, công phu và vô cùng giá trị về âm nhạc và cuộc đời của đại thiên tài Ludwig Van Beethoven.

Tôi đã theo học âm nhạc cổ điển 22 năm, quãng thời gian đủ để tôi thấy mình nhỏ bé vô cùng trước biển trời mênh mông của âm nhạc cổ điển, một thế giới âm nhạc đầy màu sắc qua các thời kỳ lịch sử và cũng là quãng thời gian giúp tôi thấy rõ: Âm nhạc - thực sự cần thiết cho mỗi chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta trở nên đẹp đẽ và bao dung hơn. Trước khi cầm chiếc archet kéo những nốt nhạc đầu tiên trên những dây buông C-G-D-A (Đô-Son-Rê-La) của cây đàn Cello cỡ 4/4, tôi đã học qua vài tác phẩm của nhạc sĩ Beethoven trên nhạc cụ piano và organ. Tôi cũng nhớ như in những giờ học về lịch sử âm nhạc, từng bối cảnh mà trên đó âm thanh hào hùng của dàn kèn đồng mà cô giáo khi ấy đã mở cho cả lớp nghe; những buổi phân tích về âm nhạc của Beethoven với các hình thức phong phú, các thể loại khác nhau mà ông đã sáng tác. Cảm xúc của tôi khi ấy, cũng như bây giờ, vẫn luôn là: choáng ngợp, ngưỡng mộ, ngỡ ngàng và yêu quý sâu sắc một thiên tài sống trong thời kỳ chuyển giao của âm nhạc cổ điển, người đã bắc cầu mở màn một thời kỳ âm nhạc mới: âm nhạc lãng mạn. Tôi tin chắc rằng, không chỉ những người yêu âm nhạc cổ điển nói riêng hay quan tâm đến âm nhạc nghệ thuật nói chung mới biết đến cái tên Beethoven. Tôi cũng tin rằng, dù không phải ai cũng hiểu sâu về âm nhạc của Beethoven nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nhạc của ông.

Trong một lần thử nghiệm, tôi đã mang cello ra phố phường chơi một bản Sonata số 3 giọng La trưởng Opus 69 mà Beethoven đã viết cho cello và piano trong tổng số 5 bản Sonata tuyệt diệu của mình. Lúc đó, nhiều người chưa biết bản nhạc đó tên gì, viết bởi ai và ra đời khi nào, nhưng sức hấp dẫn mê hoặc trong bản thân giai điệu một cách tự nhiên giữ chân họ lại. Và khi tôi giới thiệu đây chính là bản nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven, thì không ai lấy làm bất ngờ.

Giai điệu âm nhạc của Beethoven cũng vang lên trong nhiều bộ phim như Saturday night fever (dùng phiên bản disco từ Giao hưởng số 5), Die hard (từ khúc Ode to Joy) hay The Kings Speech (từ Giao hưởng số 7).

Beethoven vượt lên tất cả những nghịch cảnh éo le của cuộc đời, từ tuổi thơ cơ cực, nợ nần, người cha nghiện ngập và người mẹ qua đời sớm đến bệnh tật triền miên; những cuộc tình dang dở, những bình phẩm chê bai về ngoại hình cũng như biết bao sóng gió do tính cách nóng nảy của ông gây nên; và hơn hết là sự suy giảm thính giác khiến ông thậm chí không còn nghe được gì, chỉ khi nhìn thấy khán giả vỗ tay ông mới biết tác phẩm của mình thành công ra sao. Vượt trên tất cả, ông đã mang đến một kho tàng âm nhạc tuyệt đỉnh và vô giá cho nhân loại. Chính Beethoven đã từng nói: Âm nhạc là tài sản vô giá của nhân loại nó không chỉ của riêng cho cung đình hay nhóm người nào, âm nhạc trước hết phục vụ quần chúng.

Cuốn sách này thực sự là một tài sản quý giá giúp nhiều người hiểu sâu, rõ và chính xác về Beethoven. Một cuốn sách truyền nguồn cảm hứng khát khao sống vươn lên một cách mạnh mẽ. Các tác phẩm của Beethoven - chính xác hơn là các kiệt tác của ông - từ bản Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Pha trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)...; các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer...; các Concerto piano số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Concerto Violin giọng Rê trưởng...; các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont... và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v. đã khiến Beethoven ghi danh vào lịch sử như một Beethoven duy nhất. Cuốn sách này sẽ đưa chúng ta đắm chìm trong những cung bậc âm thanh qua các thời kỳ cuộc đời người nhạc sĩ được phác họa chân thực và chi tiết. Những kiệt tác của Beethoven được phân tích hết sức kỹ càng.

Tôi rất ấn tượng khi đọc những bức thư mà nhạc sĩ gửi cho mọi người, như lá thư viết cho Tiến sĩ Joseph Wilhelm Freiherr von Schaden ở Augsburg khi mong muốn được chấp nhận lời xin lỗi kèm theo xin gia hạn món nợ. Hay là thư Beethoven viết cho người bạn từ thuở ấu thơ với những cảm xúc đặc biệt sâu sắc. Đặc biệt là lá thư gửi cho một cô bé chưa từng gặp mặt khi cô bé đã gửi quà và thư đến cho Beethoven. Trong lá thư đó, ông viết: “Nghệ sĩ đích thực thì không ngạo mạn. Thật không may, anh ta thấy rằng nghệ thuật không có giới hạn. Anh ta có một nhận thức mơ hồ về mức độ đạt được mục tiêu của mình; và trong khi những người khác có thể ngưỡng mộ anh ta thì anh ta than vãn rằng mình chưa đạt tới điểm mà thiên tài giỏi hơn đã soi đường cho anh ta như một mặt trời xa”. Cũng trong lá thư ấy, Beethoven ân cần nhắc nhở cô bé hãy luyện tập và không chỉ chơi đàn mà còn phải đi sâu vào cái tiềm ẩn bên trong âm nhạc: “Hãy kiên trì, không chỉ rèn luyện nghệ thuật của mình mà còn phải gắng sức tìm hiểu ý nghĩa bên trong của nó; nghệ thuật xứng đáng với nỗ lực này. Bởi chỉ nghệ thuật và khoa học mới có thể nâng con người lên ngang tầm với các vị thần”. Lời nhắc ấy dường như còn dành cho tất cả chúng ta.

Tôi hy vọng và tin tưởng sâu sắc rằng, khi được ra mắt tại Việt Nam, cuốn sách này sẽ làm dấy lên một làn sóng yêu nhạc cổ điển mạnh mẽ. Khi nhịp sống tất bật dễ cuốn con người đi nhanh hơn, nói nhanh hơn, làm nhanh hơn... thì chính những cuốn sách giá trị như thế này sẽ khiến chúng ta có cơ hội đi chậm lại, thở và chiêm nghiệm sâu hơn. Tâm hồn từ đó sẽ tỏa ngát hương như những đóa hoa. Tôi cảm được một niềm vui sướng trọn vẹn trong âm nhạc Beethoven khi cầm trên tay cuốn sách này. Cuốn sách vô cùng lôi cuốn khiến tôi thật khó dứt ra mỗi khi đến giờ luyện cello, nó truyền cho tôi nguồn năng lượng vô tận giữa cuộc sống hữu hạn vô thường này. Tôi hy vọng độc giả sẽ cảm thấy may mắn khi cầm trên tay cuốn sách này, bởi bất kỳ ai muốn vươn tới cái đẹp Chân - Thiện - Mỹ, hạnh phúc và tự do, thì người đó sẽ tìm đến âm nhạc của Beethoven. Cuốn sách này là để giúp bạn bước vào con đường đó.

  Hà nội ngày 20/02/2020
“Lời tựa sách”
Tiến sĩ, nghệ sĩ Cello Đinh Hoài Xuân

Box:

Cuốn sách thuộc bản quyền tiếng việt của công ty cổ phần Sách Omega Vietnam. Dài 734 trang
Người dịch: Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh.
Hiệu đính: Trang Trịnh

Hội đồng xuất bản:
TS Nguyễn Ngọc Anh, TS Nguyễn Tuệ Anh; Nguyễn Cảnh Bình, TS Nguyễn Tuấn Cường, Vũ Trọng Đại, TS Phạm Sỹ Thành, TS Trần Toàn Thắng, ThS Đậu Anh Tuấn, PGS TS Lê Anh Vinh, TS Trương Minh Huy Vũ.

Đơn Vị hợp tác xuất bản:
CELLO FUNDAMENTO CONCERTS,
SAIGON CLASSICAL

Đơn vị bảo trợ truyền thông:
TẠP CHÍ TIA SÁNG, TRẠM ĐỌC.

Tác giả: Lewis Lockwood:
Lewis H. Lockwood là một nhà âm nhạc học người Mỹ có lĩnh vực chính là âm nhạc thời Phục hưng Ý. “ Beethoven, âm nhạc và cuộc đời” của ông được đề cử giải Pulitzer. Ông đang giảng dạy tại đại học Princeton và đại học Harvard, nơi ông được vinh danh là Giáo Sư Âm nhạc danh dự Fanny Peabody. Hiện ông đang sinh sống taih Brookine, Massachusetts.
https://en.wikipedia.org/wiki/Lewis_Lockwood

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...