Bế mạc Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016: Hội tụ và lan tỏa
Tối 18/10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Festival Âm nhạc mới Á – Âu đã bế mạc sau 6 ngày diễn ra (từ 12 – 18/10) với 11 buổi hòa nhạc chính thức cùng 100 tiết mục được công diễn cùng nhiều hoạt động tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 bế mạc vào tối 18/10
Đến tham dự lễ bế mạc có ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam; Nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga; Nhà soạn nhạc, Giáo sư Isao Matsushita – Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL); PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016”.
Với chủ đề “Âm nhạc – hội tụ và lan tỏa”, Festival đã đem đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc đẳng cấp và hấp dẫn. Qua Festival, BTC đã giới thiệu tới công chúng những tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới. Đây được đánh giá là một Festival âm nhạc lớn, hội tụ những tài năng âm nhạc thế giới.
Giải thưởng dành cho các nhà soạn nhạc trẻ - Cuộc thi các nhà soạn nhạc trẻ châu Á ACL: Giải Nhất được trao cho nhà soạn nhạc trẻ của Đài Loan (Trung Quốc) – Po-Chien Liu
Không chỉ vậy, Festival lần này còn có sự tham gia của hơn 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ và nhạc công… đến từ gần 30 quốc gia trên thế giới. Tại đây, các nghệ sĩ, nhạc sĩ… đã giao lưu, quảng bá những tác phẩm mới của mình, đồng thời, đưa ra những xu hướng phát triển âm nhạc mới của các nước Á – Âu.
Phát biểu tại lễ bế mạc PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016 cho biết, thông qua một chuỗi các hoạt động cùng 11 buổi hòa nhạc với hơn 100 tiết mục được biểu diễn ở các thể loại, từ giao hưởng, hợp xướng, hòa tấu thính phòng đến các bản nhạc dân tộc Việt Nam được trình bày liên tục trong 6 ngày, từ 12 – 18/10, công chúng có thể nhận thấy được quy mô và tầm cỡ của một sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất trong năm nay tại Việt Nam.
Giải thưởng tưởng niệm ACL Yoshiro Irino lần thứ 34 được trao cho nhà soạn nhạc trẻ của Việt Nam –Trần Lưu Hoàng.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga - Nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin mong muốn: “Tôi mong rằng Festival Á-Âu sẽ trở thành một truyền thống. Cách đây 2 năm, Festival âm nhạc Á-Âu đã được tổ chức ở Việt Nam với nhiều thành công vang dội, năm nay tiếp tục được tổ chức ở Việt Nam như một truyền thống cần được nối tiếp.
Nhà soạn nhạc, Giáo sư Isao Matsushita – Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) lại tin tưởng rằng, việc Việt Nam trở thành thành viên Hiệp hội các nhà soạn nhạc tại châu Á Thái Bình dương vào năm 2014 và 2016, năm đầu tiên Việt Nam tổ chức đăng cai Festival các nhà soạn nhạc Châu Á, chắc chắn là bước phát triển tương lai của nền âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Stepan Iakovich (Nga) biểu diễn tại buổi bế mạc festival
Ngay sau lễ bế mạc, BTC đã trao giải cho các cuộc thi diễn ra trong khuôn khổ Festival. Đầu tiên là giải thưởng giành cho các nhà soạn nhạc trẻ - Cuộc thi các nhà soạn nhạc trẻ châu Á ACL: Giải Nhất được trao cho nhà soạn nhạc trẻ của Đài Loan (Trung Quốc) – Po-Chien Liu; Giải Nhì thuộc về nhà soạn nhạc trẻ của Nhật Bản – Hisataka Nishimori; Giải Ba được trao cho nhà soạn nhạc trẻ của Philippines – Jonathan M. Domingo.
Các tác giả có tác phẩm biểu diễn trong đêm Gala bế mạc
Giải thưởng tưởng niệm ACL Yoshiro Irino lần thứ 34 được trao cho nhà soạn nhạc trẻ của Việt Nam – Trần Lưu Hoàng.
Giải thưởng cuối cùng mang tên Tsang-Houei Hsu đã thuộc về nhà soạn trẻ của Việt Nam – Nguyễn Minh Trang.
Cùng với đó, Nhà soạn nhạc, Giáo sư Isao Matsushita – Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á (ACL) cũng đã công bố các thành viên trong chấp hành mới của ACL gồm: Chủ tịch - Nhà soạn nhạc, Giáo sư Isao Matsushita (Nhật Bản); Phó Chủ tịch – Dan Yuhas (Israel) cùng 3 thành viên – Chris Adams (New Zealand), Seung Jae Chung (Korea) và Ting Yi Ma (Đài Loan).
Nhạc trưởng Tetsuji Honna, nhạc trưởng Zoe Zeniodi và ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc DNGHQG Việt Nam
Tại đêm diễn bế mạc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Zoe Zeniodi, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng các nghệ sĩ Violon - Stepan Iakovich, nghệ sĩ Piano - Werner Heinrich đã mang tới cho khán giả cùng bạn bè quốc tế 8 tác phẩm âm nhạc ấn tượng.
Khép lại đêm bế mạc, BTC đã trao Bằng chứng nhận nhóm nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
(Nguồn: hanoimoi.com.vn)