Báu vật sống Tây nguyên: Già làng chế tác 15 nhạc cụ

20/01/2015

Có người đã lớn tuổi, người ở tuổi trung niên và người còn rất trẻ nhưng đã cùng nhau giữ gìn những di sản văn hóa Tây nguyên. Dân trong vùng gọi họ là những báu vật sống.


Bloong Vẽ bên đàn tơ rưng - Ảnh: Phạm Anh

Già làng Bloong Vẽ (70 tuổi) ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) đã tự mày mò và chế tác được 15 loại nhạc cụ dân tộc Tây nguyên.

Mê mải tiếng đàn, tiếng sáo

Biết khách muốn “mục sở thị” những nhạc cụ do mình chế tác, già làng Bloong Vẽ mời về nhà. Điều ấn tượng nhất chính là hàng chục nhạc cụ dân tộc treo đầy trên vách gỗ làm bằng ván bìa. Dường như ông già miền sơn cước này muốn gom tất cả nhạc cụ đồng bào Tây nguyên về đây.

Trải tấm “dồ” giữa sàn nhà mời khách ngồi, già làng Bloong Vẽ kể: “17 - 18 tuổi tui mới học nhạc. Hồi đó, thấy cha thổi ống ta lun (như cây sáo, dài khoảng 0,8 m, trên thân có đục lỗ nhỏ) thấy thích lắm. Tui xin thổi thử, cha gật đầu nói “được”. Vậy là tui tập thổi nó...”. Hồi đó khi tập thổi ta lun, Bloong Vẽ “dị” lắm, thấy ai đi ngang qua cũng… đỏ mặt, vì sợ chọc. Để hết bị chọc, Bloong Vẽ quyết tâm thổi ta lun cho thật hay. “Ở nhà, ra đường hay đến chòi trên rẫy, lúc nào cũng để sẵn cây ta lun, đi chiến trường tui cũng cầm ta lun theo. Cứ rảnh hồi nào tui cầm ta lun lúc đó để tập thổi. Đến 3 tháng sau tui mới thổi rành ta lun”, già Bloong Vẽ nhớ lại.

Thế rồi, từ 1 chiếc ta lun, Bloong Vẽ tự mày mò học tiếp qua đàn bin long, eng ong ọt, đàn gor, khèn, ong eng nhâm, long gia ling ling… và rành đến 15 loại nhạc cụ như bây giờ. Không chỉ đàn hay, thổi sáo giỏi, già Bloong Vẽ còn tự sáng chế nhạc cụ cho chính mình.

Đi tìm truyền nhân

Bên bếp lửa bập bùng, Bloong Vẽ cầm ta lun thổi cho khách nghe một đoạn rồi giải thích: đây là nhạc cụ thông dụng nhất của người Triêng vùng biên giới này. Đang chìm đắm trong tiếng ta lun, già Bloong Vẽ bỗng ngưng giữa chừng, bỏ ta lun xuống sàn nhà, với tay lấy đàn bin long (đàn có 2 dây) gảy một đoạn nhạc êm dịu.

Già Bloong Vẽ bảo, trong tất cả các loại nhạc cụ do mình chế tác thì khèn là loại khó nhất và hiện giờ biết làm khèn này chỉ còn vài người. Chỉ 2 cái khèn treo trên vách, Bloong Vẽ nói mỗi năm mới làm xong một khèn. Hỏi vì sao như vậy, ông giải thích: Nhìn bề ngoài thấy ống nứa nhỏ như nhau nhưng vào rừng lựa rất nhiều cây nứa mới có một loạt ống nứa cùng kích cỡ. Sau đó về cắt ra rồi hong cho khô vừa, nếu hong ngoài nắng nhiều ống nứa sẽ nứt, vỡ, âm thanh không còn hay nữa. Làm các lỗ khèn gắn ống nứa vào phải rất dày công mới xong. Lỗ to quá không xong, nhỏ quá cũng không được, mà phải làm sao vừa vặn. Đó là chưa kể, lỗ khèn (chỗ đưa miệng vào thổi) nhìn bề ngoài bình thường nhưng phía trong nó có gắn ống kim loại bằng đồng. Đây là việc khó nhất khi làm khèn, bởi nếu ráp đồng vào to, dài hoặc ngắn, nhỏ quá thì âm thanh không hay. Vì thế, người làm khèn hay phải thuộc diện “tinh hoa” mới gắn đồng vào được. Sau đó thẩm âm, thấy âm thanh không ổn, xem như bỏ cả khèn này và làm lại khèn mới.

“Làm xong khèn, thổi không hay phải bỏ đi là chuyện thường”, Bloong Vẽ nhìn nhận. Hay đơn giản như khèn sừng trâu thổi vào khai hội đâm trâu cũng thế, nhìn thì nó như cái sừng trâu bình thường, nhưng làm sao để chọn lựa sừng phù hợp, khoét lỗ trên sừng… có khi phải mất cả nửa tháng, một tháng mới hoàn thành. Theo Bloong Vẽ, khi chế tác nhạc cụ, nếu việc tìm nguyên liệu khó 1 - 2, thì cách làm và sử dụng nguyên liệu khó đến 9 - 10. Còn như sáo gor, cũng làm bằng cây nứa, dài trên dưới 1 m, khoét một lỗ khoảng 1/4 chiều dài trên thân ống nứa. “Ai không biết cách, khoét… cả đời cũng không thổi được. Cả làng Đăk Răng, giờ chỉ có mình tui làm được sáo gor”, già Bloong Vẽ nói.

Tiếng tăm của Bloong Vẽ ngày càng vang xa, ông đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh, trong nước. Lâu lâu lại có các đoàn từ Hà Nội, Huế, từ miền Nam tìm đến để chiêm ngưỡng và học đàn, thổi sáo, sau đó lại mua những nhạc cụ do Bloong Vẽ chế tác. Ngoài việc không… giấu nghề, Bloong Vẽ còn làm thêm nhạc cụ bán cho khách để có tiền “tái đầu tư”. Thế nhưng, điều trăn trở nhất trong lòng của già Bloong Vẽ là chưa tìm được “truyền nhân”. Ông tâm sự, vì quá mê nhạc, từ thời trẻ ông say mê mày mò tập đàn, thổi sáo và chế tác nhạc cụ, để trước là cho bản thân, sau nữa để cho dân tộc mình mãi mãi giữ gìn nét văn hóa truyền thống hay. Vậy mà mấy năm nay, 5 đứa con của ông và hàng trăm học sinh trong xã lẫn các xã xung quanh được dạy nhưng chưa ai chơi nhạc được như ông.

“Chơi nhạc cụ dân tộc Tây nguyên thì có rất nhiều người, còn “hay” và chơi được nhiều nhạc cụ lại không mấy người”, già Bloong Vẽ bỗng trầm ngâm. Trong số những người được ông dạy, có 18 người Bloong Vẽ “ưng bụng” thì chỉ được 2 người khá nhất. Có điều, mỗi người chỉ chơi được 8 nhạc cụ mà thôi. Bloong Vẽ muốn truyền cho 2 người này đủ 15 nhạc cụ, nhưng vẫn chưa đạt.

“Báu vật” có một không hai

Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi (Kon Tum), ông Trần Văn Chí cho hay: “Già làng Bloong Vẽ là “báu vật” có một không hai ở huyện này và cả tỉnh Kon Tum. Chính những người luôn đau đáu gìn giữ văn hóa dân tộc mình là những gì mà khách du lịch đến và đi luôn nhớ mãi. Hiện địa phương đang xây dựng hai làng du lịch cộng đồng ở Đăk Mế, xã Bờ Y và Đăk Răng, xã Đăk Dục.

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...