'Bấm máy' vở kịch hát 'Ngàn năm mây trắng'
Ngày 18/7, tại Hà Nội, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lễ khởi công tác phẩm kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Vở kịch được dàn dựng và đăng ký tham dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019, do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Lễ khởi công vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng”.
“Ngàn năm mây trắng” được chuyển thể từ kịch bản văn học của Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, do Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), Nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên (Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) đồng đạo diễn. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và sự góp mặt của một số nghệ sỹ thuộc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, ông viết vở kịch này từ đề tài và cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị. Lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta đã có vô vàn Hòn Vọng Phu: Người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó… Trong nhóm các sự tích về Hòn Vọng Phu, câu chuyện về nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lay động lòng người.
Năm 1997, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ đã đến thăm, chiêm bái tượng đá nàng Tô Thị và đã viết bài thơ “Trước nàng Tô Thị”. Sau này, bài thơ tiếp tục là cảm hứng, là tứ để ông viết vở kịch “Ngàn năm mây trắng” vào đầu năm 2019.
“Ngàn năm mây trắng” vừa là vở kịch hát, vừa là sự thử nghiệm có tính “lột xác” của các nghệ sỹ và của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Với chủ đề ca ngợi những chiến binh Việt Nam dũng cảm đã lấy máu mình bảo vệ giang sơn của Tổ quốc, ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của người phụ nữ Việt.
Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác). Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế.
Cũng vì hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn đó là Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương.
Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên cho biết: “Ngàn năm mây trắng” sẽ là vở kịch hát, mà phần “hát” ở đây bao gồm cải lương, chèo, hát xẩm và hát văn Huế, giúp khán giả có những trải nghiệm thú vị khi cùng lúc được thưởng thức nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Thiết kế mỹ thuật trong vở diễn cũng được ê kíp sáng tạo thống nhất lấy những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam, nhằm xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam.
(Nguồn: https://baotintuc.vn/)