BACH vĩ đại (1685-1750)

26/02/2015

(Kỷ niệm 330 ngày sinh của Bach)

Tôi từng có ý tưởng xây một ngôi Đền âm nhạc để thờ tự những nhạc sĩ có công lao to lớn đóng góp cho lịch sử nghệ thuật. Không gian thiêng ấy sẽ chìm trong tiếng nhạc thánh thót và ngôi vị cao nhất dành cho nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Johann Sebastian Bach – người “nhạc sĩ vĩ đại của mọi thời đại”.

Bach sinh ra trong một gia đình có đến bảy đời làm âm nhạc. Gia đình họ Bach cung cấp cho nước Đức nhiều thế hệ nhạc sĩ và tên tuổi sáng chói thuộc về dòng họ Johanh đời thứ 7. Bach một mình tỏa sáng suốt chiều dài lịch sử, người ta trao cho ông đủ mọi vương miện, từ kiệt xuất, thiên tài cho đến ngôi vị cao nhất là Vĩ đại (Greatest Bach). Bach Vĩ Đại trở thành danh xưng khu biệt với những thành viên khác trong đại gia đình, đồng thời cũng là “vòng nguyệt quế” mà người đời có thể truy tặng.

Theo tiêu chí khu biệt giữa thiên tài và nhân tài ở lĩnh vực nghệ thuật, người ta thường dựa vào tầm ảnh hưởng. Nhân tài có phạm vi ảnh hưởng ở cấp độ quốc gia, còn thiên tài tác động trên toàn thế giới. Mặc dù loài người đã trải qua nhiều biến động, nhưng tầm ảnh hưởng của một vĩ nhân vẫn không thay đổi để thu hẹp phạm vi tác động. Đương thời, Bach sống như một tu sĩ khép kín, gần ba phần tư sáng tác tập trrung vào đề tài tôn giáo, có người gọi ông là "Người viết Phúc âm thứ năm", thậm chí được miêu tả như "Nhà thần học viết bằng những phím đàn". Bach để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, kỳ vĩ với trên 1000 tác phẩm xuất hiện nhiều thể loại phong phú, từ những sáng tác viết cho đàn Orgue, Clavico, độc tấu lute, violon, violoncelle, flute, song tấu Clavico và nhạc cụ khác, Concerto, tổ khúc, Canon, Sonata, Tam tấu, Prelude và fugue, Fantasia và fugue, Patirta, Invention, Bình quân luật, Tocacta và fugue; các tác phẩm thanh nhạc, như Cantata, Aria, Missa, Passion, Oratorio, Hợp xướng… Việc tổng kiểm kê gia tài âm nhạc của Bach có tính chất như một thao tác kỹ thuật, nhưng qua đó phần nào hiện lên tầm vóc của một vĩ nhân.

Sinh ngày 21 tháng 3 năm 1685, tức sớm hơn người nhạc sĩ đồng hương George Frideric Handel hai ngày tại Eisenach, Saxe-Eisenach, song cuộc đời Bach dường như tương phản với Handel. Giữa hai ngày đó là hai thế giới khác biệt, từ thân phận, địa vị, sự nghiệp cho đến phong cách âm nhạc… Tên tuổi của Handel sớm vượt khỏi biên giới nước Đức, bay khắp châu Âu, có lẽ vì thế mà phong cách âm nhạc chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa, đặc biệt là Anh và Ý. Nhạc Handel có khuynh hướng chủ điệu, sở trường về thanh nhạc, tư duy hòa thanh và mở ra con đường kết nối với hậu thế. Còn Bach giống như một tín đồ kiền thành, thủy chung với âm nhạc phức điệu, tư duy bằng nhạc đàn, phong cách âm nhạc thuần khiết. Handel sống quảng giao, nhập thế. Bach khép kín, xuất thế. Handel có tuệ nhãn như một nhà Kinh tế học, nhìn ra cơ hội phát triển sự nghiệp và sớm tung hoành khắp những kinh đô âm nhạc hoa lệ của châu Âu, làm mưa làm gió trên đất Ý, hưởng vinh quang trên nước Anh. Handel biết lắng nghe “tiếng lòng” của người đương thời, nhìn vào gia tài âm nhạc của ông, người ta có thể đoán biết được thị hiếu thẩm mỹ, trình độ biểu diễn của nghệ sĩ hay cơ cấu dàn nhạc lúc bấy giờ. Bach lại thiên về khuynh hướng nội tâm, sống riêng, khép kín. Bach ít khi quan tâm đến nhạc của mình có thể thực hiện như thế nào? Ông chỉ phụng sự lý tưởng thẩm mỹ cá nhân. Handel chết tại nước Anh, hưởng quốc tang như một công thần. Bach tỏ ra vụng về trong việc thiết kế con đường đời, sống cơ hàn, cần mẫn, chết ngày 28 tháng 2 năm 1750 và bị mất xác sau gần 150 năm người ta mới tìm thấy lại quan tài của ông để đưa về an táng tại nghĩa trang nhà thờ St Thomas ở Leipzig. Có lẽ, điểm chung của Bach và Handel là một sự nghiệp âm nhạc kỳ vĩ với thành trì vững chắc đi vào lịch sử âm nhạc thế giới và được người đời dành những vị trí trang trọng để tôn thờ. Người đời ngày càng ghi nhận công lao đóng góp to lớn của Bach, trong số những nhạc sĩ thiên tài liệt vào hàng sùng tín nhạc Bach đáng kể có: W.A. Mozart, L.V. Beethoven, Robert Schumann, Felix Mendelssohn… Riêng Beethoven từng chê bai Haydn, không thèm nghe nhạc kịch của Mozart, vì “sợ ảnh hưởng đến sự độc đáo trong âm nhạc của mình”, vậy mà đã dành tặng cho Bach những lời lẽ mang tính chất tụng ca, như “Cha đẻ của hòa âm”, “Bach là đại dương bao la”; Mendelssohn thì nỗ lực phục hưng danh tiếng của Bach bằng cuộc trình diễn St Matthew Passipn năm 1829 tại Berlin. Năm 1850, Hội bach (Gesellschaft) được thành lập nhằm quảng bá những tác phẩm âm nhạc của Bach.

Bach lập thuyết bằng âm nhạc, phát ngôn thông qua tác phẩm. Hai tập “Bình quân luật” (Das Wohl Temperierte Klavier) là bằng chứng sống động cho thấy ông ủng hộ phát minh của Vecmaister về hệ thống thang âm Bình quân chia một quãng tám thành 12 nửa cung đều nhau, mỗi nửa cung bằng 100 cents. Bất chấp phản ứng của đồng nghiệp, trong đó có Handel, Bach ra sức “ca ngợi” khả năng kỳ diệu của hệ thống thang âm này qua việc kiến tạo cách thức chuyển điệu linh hoạt thông qua đẳng âm, nâng cao khả năng, kỹ thuật diễn tấu đàn phím. Ngày nay, luật Bình quân đã trở thành “luật quốc tế” trong lĩnh vực âm nhạc.

Trong giới âm nhạc không phải ai cũng thích nhạc Bach, nhưng khi đã thích dễ đi đến “nghiện”, một trong những tên tuổi cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp phụng sự âm nhạc của Bach đó là Pianist lừng danh người Canada Glenn Gould. Glenn Gould được đánh giá như một pianis kỳ dị vào bậc nhất, không dừng lại ở tư thế ngồi chơi quái đản, thấp hơn thường lệ, vừa đàn vừa hát lẩm bẩm theo nhạc… đó mới chỉ là phần nổi của diện mạo, ẩn hiện đằng sau con người này là một tài năng hiếm có và một tinh thần trọng thị tuyệt đối với âm nhạc của Bach. Nhà viết kịch người Áo Thomas Bernhard từng nhận định rằng: “Bach và Gould gần như luôn được nhắc đến trong cùng một hơi thở của nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và pianist vĩ đại nhất.” Goud dành gần cả cuộc đời để tôn thờ nhạc Bach, khởi đầu từ những bản Variations. Năm lên 7 tuổi, Gould chơi qua 24 prelude và Fugue trong tập 1 “Bình quân”. Ông là người đầu tiên thu âm hai tập “Bình quân” của Bach với phong cách âm nhạc đầy cá tính. Âm nhạc của Bach qua sự sáng tạo của Glenn Gould biến ảo dị thường, thu hút, hấp dẫn như ma lực. Bach đã để lại một gia tài đồ sộ cho nhân loại, còn Glenn Gould tiếp tục làm nên sự nghiệp của mình bằng cách chinh phục những tác phẩm của Bach.

“Bach” theo tiếng Đức có nghĩa là “dòng suối”, còn theo nhận định của nhà soạn nhạc thiên tài thế kỷ 18 Ludwig van Beethoven, Bach là “Đại dương bao la”. Xét cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, âm nhạc của Bach như dòng suối tinh khiết, chảy hối hả ra đại dương vô cùng. So với tác phẩm các nhạc sĩ khác, âm nhạc của Bach đạt tới độ lưu loát hiếm thấy. Nó có lẽ được phát triển từ hai chiều: hướng tâm và hướng thượng, thông qua hàng loạt đề tài liên quan tới tôn giáo làm công cụ giao tiếp với Thượng đế, đồng thời hướng vào trái tim chủ thể người sáng tạo. Nhạc Bach đi giữa cảm tính và lý tính. Nó đòi hỏi ở người chơi sự minh mẫn, tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái ngưng thần, chìm sâu vào nội giới. Nhạc Phức điệu được mệnh danh là “Trò chơi của những con số”, song Bach đã kết hợp với “Nghệ thuật của lỗ tai” khiến cho các “con số” biết nhảy múa, sống động, đầy mê hoặc. Với bản thể của một “con người tôn giáo”, Bach đã “tụng kinh” âm nhạc suốt cuộc đời, qua đó cho thấy chiều hướng tâm trở thành mạch chủ đạo trong cội nguồn sáng tạo. Những đóng góp, cống hiến của Bach đối với nhân loại là vô bờ bến. Chúng ta đang sống trong một thế giới chìm đắm trong âm nhạc của Bach. Đương thời Bach như ngôi sao cô đơn lẻ loi bên trời, nhưng ông đã làm nên một thời đại, thời đại của nghệ thuật Baroque trong âm nhạc, người đời có thể quên đi Vivaldi, Scarlatti, thậm chí kể cả Handel (phần nhiều những vở nhạc kịch làm nên tên tuổi của Handel đã vắng bóng trên sân khấu hơn 100 năm nay), nhưng Bach thì không! Bach đã viết tên mình lên tòa lâu đài tráng lệ của nghệ thuật bằng chính những tác phẩm kiệt xuất. Với gia tài nguy nga, đồ sộ, Bach trở thành một trong những vì tinh tú sáng vào bậc nhất trên bầu trời âm nhạc thế giới.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...