Arnold Schoenberg: Đừng thận trọng khi tiếp cận

08/05/2017

Âm nhạc Schoenberg quá thường xuyên bị coi là đáng sợ và khó hiểu. Nhưng nghệ sĩ piano Pina Napolitano lại tìm thấy ở đó vẻ đẹp và niềm đam mê. Cô cho rằng, khi nghe Schoenberg, tất cả những gì chúng ta cần là một tâm trí cởi mở.

Tác giả bài viết là nghệ sĩ piano người Ý, đã thu âm trọn bộ tác phẩm piano của Arnold Schönberg với hãng Odradek Records. Cô đang lưu diễn Piano Concerto Op.42 của Schoenberg (phiên bản chuyển soạn cho dàn nhạc thính phòng gồm 14 nhạc công) cùng các tuyệt tác khác của trường phái Vienna đệ nhị.

Tại sao các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc và các nhà âm nhạc học thích nói về Schoenberg nhưng âm nhạc của ông vẫn khá hiếm khi được biểu diễn và dường như khiến cả công chúng lẫn nhà tổ chức ái ngại? Ngoài vài dịp xuất hiện trở lại (trong mục Nhà soạn nhạc của tuần trên kênh Radio 3 hay được trình diễn tại liên hoan “The Rest is Noise” của Trung tâm Nghệ thuật Southbank năm 2013), ông hiếm khi được nghe ở Anh. Dữ liệu của BBC Proms cho thấy nhạc Schoenberg chỉ được trình diễn 73 lần trong lịch sử 122 năm của liên hoan âm nhạc cổ điển lớn nhất thế giới này, trong khi với nhạc Brahms là 823 lần. Tôi vừa được mời nói chuyện về Piano Concerto của Schoenberg trên kênh Radio 3 nhưng họ có ý muốn tôi biểu diễn chỉ một trong số tác phẩm của ông cùng với hai tác phẩm của Brahms.

Chính giáo sư piano của tôi, Bruno Mezzena, là người đầu tiên khuyến khích tôi chơi nhạc Schoenberg. Mezzena đã học sáng tác với Sangiorgi, một học trò của Schoenberg. Lúc đó, tôi mới biết rất ít về các tác phẩm của Schoenberg. Vài năm trước đó, tôi tình cờ được nghe Piano Concerto của ông – nó ở trong cùng đĩa nhạc với một concerto thời Lãng mạn khác mà tôi muốn mua. Tôi đã không hoàn toàn hiểu nó nhưng nó gây ấn tượng mạnh với tôi và khiến tôi tò mò. Điều chủ yếu thôi thúc tôi là sự tò mò. Tôi cảm thấy tin tưởng vào bản nhạc và tin chắc rằng hẳn phải có cái gì đó sẽ dẫn dắt tôi trong thứ âm nhạc mà tôi chưa hiểu này; rằng ở đó có một vẻ đẹp mà tôi phải khám phá. Tiếp theo là những năm tháng hạnh phúc với việc nghiên cứu Schoenberg.

Âm nhạc của ông thường bị kêu là mang tính trí óc, lạnh lùng và cố ý làm khó. Nhưng tôi tìm thấy ở đó một sự kết hợp không thể tách rời giữa trí tuệ và đam mê, giữa kỷ luật và tính biểu cảm. Những tình cảm mà nó truyền tải là những tình cảm vĩnh cửu của phận người – cũng là điều được biểu hiện trong âm nhạc thời kỳ Lãng mạn – nhưng ngôn ngữ thì khác. Cuộc cách mạng đầu thế kỉ 20 bao trùm mọi lĩnh vực khoa học và nghệ thuật đã chạm tới âm nhạc thông qua Schoenberg, người phá vỡ hệ thống thang âm từng thống trị suốt ba thế kỷ trước đó. Từ các mảnh vỡ đã sinh ra các ngôn ngữ âm nhạc khác nhau mà đầu tiên trong số đó là âm nhạc chuỗi của Trường phái Vienna đệ nhị.

Dù có sự mới lạ mang tính cách mạng nhưng âm nhạc của Schoenberg có mối liên hệ rất chặt chẽ với các truyền thống đi trước, đặc biệt là với âm nhạc cuối thế kỉ 19 mà các giai điệu vũ khúc, cách phân nhịp, cấu trúc nhịp và hình thức của nó vẫn được giữ lại. Có lẽ tác phẩm của Schoenberg mà tôi yêu thích là bộ năm tiểu phẩm cho độc tấu piano Op 23. Bộ tiểu phẩm này là âm nhạc chuỗi và mang tính thử nghiệm. Cứ như thể ông đang tạo ra ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình, thông qua các hình thức âm nhạc như fugue, sonata và waltz, đồng thời thể hiện một cách mãnh liệt những đam mê và cảm xúc về thời đại mình – những năm 1920: dự cảm về sự bất ổn và nỗi sợ hãi, cùng với lòng nhiệt thành dành cho cái mới, cho sự cách tân. Đây là một thế giới lơ lửng giữa niềm hân hoan và nỗi lòng tan rã, giữa sự chấm dứt của một kỉ nguyên và sự khai sinh của thời kỳ hiện đại – thế kỉ 20, với tất cả những nỗi đau và những chân trời mới mẻ mà ở đó chúng ta chỉ là những đứa trẻ.

Brahms đã tiên liệu nỗi giằng xé này một cách sâu sắc và thấu suốt. Giao hưởng số 4 của ông báo trước sự kết thúc của truyền thống âm nhạc Lãng mạn. Người viết tiểu sử ông, Jan Swafford, đã ví tác phẩm này như “một khúc ca tang lễ dành cho di sản [của Brahms], cho một thế giới hòa bình, cho tầng lớp trung lưu Áo-Đức đã vinh danh và am hiểu âm nhạc hơn bất kỳ thứ văn hóa nào khác.” Brahms là người kế thừa cuối cùng của một truyền thống liên tục, đại diện cuối cùng của thế giới ngày hôm qua, của kỷ nguyên Lãng mạn, với ngôn ngữ âm nhạc nhất thể bị thống trị bởi điệu tính. Song nhà soạn nhạc lớp trước đã nhận ra thiên tài của nhà soạn nhạc lớp sau và sau khi nghe Tứ tấu đàn dây giọng Rê trưởng mà Schoenberg viết năm 1897, đã đề nghị cấp cho ông một khoản thu nhập chính thức (mà với lòng kiêu hãnh đặc trưng, Schoenberg đã từ chối).

Trở lại câu hỏi ban đầu của chúng ta: tại sao Schoenberg ngày nay ít được biểu diễn thế? Ở phạm vi rộng, tôi tin là do định kiến: định kiến của những người có kiến thức âm nhạc và đồng nhất nhạc cổ điển với nhạc có điệu tính; và định kiến ngược lại ở những người tin rằng mình thiếu kiến thức âm nhạc và để thưởng thức nhạc Schoenberg thì phải biết phân tích âm nhạc cũng như nhận ra các chuỗi 12 âm, v.v ... Chẳng điều nào trong những điều trên là đúng cả. Điệu tính chỉ là một tình tiết trong câu chuyện về âm nhạc phương Tây và ai đi dự một buổi hòa nhạc các sáng tác theo kỹ thuật 12 âm cũng có thể và nên có những mong đợi giống như những người đi dự bất kỳ buổi hòa nhạc nào khác: để được xúc động, để được nghe kể một câu chuyện.

Như mọi ngành nghệ thuật, âm nhạc cũng thường được coi là một hình thức giải trí: nếu cái gì đó không làm hài lòng ngay lập tức, nếu nó gây bất ngờ hay gây sốc, hay nếu nó không thể mua vui bằng những trò “nhào lộn” (thứ mà âm nhạc Schoenberg thường tránh, không như nhiều âm nhạc viết sau đó, chẳng hạn như các Etude của Ligeti), chúng ta liền cảm thấy khó chịu. Trong phòng triển lãm, chúng ta có thể bước nhanh qua một bức tranh mà chúng ta không thích hay chúng ta không “hiểu”, cũng như chúng ta có thể bỏ qua một đoạn trong một cuốn sách hay gấp hẳn sách lại. Nhưng âm nhạc đặt chúng ta vào thế thụ động, nó sở hữu và định đoạt thời gian của chúng ta. Chúng ta có thể mua một vé hòa nhạc, nhưng sau đó âm nhạc mua thời gian của chúng ta và chúng ta phải lắng nghe. Chúng ta ở trong tình trạng bị động tương tự ngay cả khi nghe các bản thu âm: âm nhạc xâm chiếm thính giác của chúng ta, thứ giác quan dễ bị tổn thương nhất, cũng là thứ giác quan mà chúng ta ít kiểm soát được nhất. Bất cứ thứ gì gây phiền nhiễu hay cần nhiều nỗ lực và sự tập trung luôn có nguy cơ bị khước từ.

Về cơ bản, âm nhạc của Schoenberg đòi hỏi niềm tin. Nó cần người nghe thoát khỏi những định kiến về sự có nghĩa và cái đẹp. Và nó đòi hỏi nhiều thời gian hơn các loại âm nhạc khác, đòi hỏi được nghe đi nghe lại. Sau cùng, ai mà có thể thưởng thức một bức tranh của Picasso nhanh chóng như một bức tranh của Renoir, hay Ulysses [của Homer] nhanh chóng như Ước vọng lớn lao [của Charles Dickens] kia chứ?

Ngọc Anh dịch

(Nguồn: http://tiasang.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...