Âm nhạc và con cháu chúng ta

20/07/2017

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Trong các cuộc liên hoan âm nhạc ở các vùng miền khác nhau trong nhiều năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn tổ chức hội thảo với tiêu đề âm nhạc dành người lớn. Trong Liên hoan lần thứ 31 mới đây tại TP Đà Nẵng (7-2017), lần đầu tiên hội thảo hướng tới đối tượng mới: âm nhạc dành cho những “người lớn trong tương lai”.

Sau đây là tóm lược bản đề dẫn Hội thảo “Âm nhạc thiếu nhi bồi đắp tâm hồn và nhân cách trẻ thơ”.

*

Tương lai một đất nước phụ thuộc vào thế hệ mầm non.

Tương lai của thế hệ mầm non phụ thuộc vào môi trường nuôi dưỡng - môi trường vật chất và tinh thần.

Trong môi trường tinh thần có âm nhạc chiếm phần không nhỏ, bởi âm nhạc đồng hành với con người suốt một vòng đời từ khi sinh ra đến lúc về trời.

Từ xa xưa đời người được bao bọc trong môi trường âm nhạc dân gian: lớn lên từ hát ru, hát đồng dao, trưởng thành trong hát giao duyên, hát lao động, hát tâm linh, chết đi trong hát đưa ma. Chính nhạc cổ truyền, đặc biệt là tiếng hát ru góp vốn bản sắc Việt cho các nhạc sĩ thế hệ đầu đàn, rồi chính họ đã đặt những lát gạch đầu tiên trong âm nhạc thiếu nhi.

Đến thế hệ chúng tôi - những người sinh ra vào thập niên 50-60 thế kỷ trước - đã không còn trọn vẹn những câu hát ru hời dẫn dắt vào giấc ngủ. Đồng dao cũng dần dần được thay thế hoàn toàn bằng bài ca mới. Chúng tôi đã lớn lên cùng những bài hát thiếu nhi: Một con vịt (Kim Duyên), Đội kèn tí hon (Phan Huỳnh Điểu), Đếm sao (Văn Chung)... Sau này lại cùng hát với các con các cháu Chú ếch con (Phan Nhân), Chim vành khuyên (Hoàng Vân), Con chim non (Lý Trọng),  Mẹ yêu không nào (Lê Xuân Thọ), Cháu yêu bà (Xuân Giao), Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh), Cháu lên ba (Phạm Minh Tuấn)… 

Từng trải qua cuộc sống thiếu ăn thiếu mặc thời chiến và hậu chiếu, thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta hôm nay luôn cố sao cho con cháu mình được hưởng môi trường sống đầy đủ. Vật chất có thể thừa thãi, kiến thức đôi khi quá tải. Còn món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách thì sao?

*

Nhạc thuộc phần hồn. Nhạc là Nhân. Nhân cách hình thành từ tuổi thơ. Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc lành mạnh thánh thiện luôn thuận lợi hơn để nên người, để trở thành người có tâm hồn phong phú và nhân cách hướng thiện.

Xem xét môi trường âm nhạc trước tiên ta cùng điểm qua về số lượng và chất lượng tác phẩm cho thiếu nhi.

Về số lượng: trong gia tài âm nhạc từ quá khứ thì vốn từ dân gian cổ truyền còn lại quá ít (được hát nhiều nhất có lẽ là Bắc kim thang). Còn trong nhạc mới từ các thập niên trước để lại, nhạc hát tuy nổi trội hơn nhạc đàn, nhưng bài hát phù hợp thực ra không nhiều. Sáng tác hiện nay thì sao? Các nhạc sĩ đều từng có con nhỏ, cháu nhỏ, mỗi người viết cho con, cho cháu nội ngoại chỉ 2-3 bài thôi, nhân với trên 1000 nhạc sĩ, thì số lượng bài hát thiếu nhi phải tới hàng ngàn. Thực tế không thế. Đối tượng thiếu nhi ít được ưu ái, bị bỏ quên hơn cả là tuổi nhà trẻ và tuổi choai choai.

Về chất lượng: tuổi thơ con cháu ta không phải tuổi thơ của chúng ta, không thể đóng khung tuổi thơ con cháu vào tuổi thơ ông bà cha mẹ. Cho các con hát ca khúc thiếu nhi xưa cũ - chưa đủ. Các con cần có những bài hát gắn với môi trường sống hiện tại, phản ánh đúng tuổi thơ của chính các con hôm nay.

Nhạc thiếu nhi không chỉ để giải trí, mà còn là hành trang về cái đẹp, cái thiện cho trẻ con chuẩn bị vào đời. Chơi mà học. Song bài hát nhiều khi vẫn cứng nhắc giáo điều, nặng về dạy dỗ, chứ ít khi thay lời các con muốn nói. Ca khúc không hấp dẫn, không thuyết phục thì chẳng ép được con trẻ thích, mà không thích thì không thuộc, không hát.

Bọn trẻ ngày nay biết tự chọn món ăn tinh thần theo ý thích. Hơn nữa các con còn tự chế sản phẩm cho mình. Con trẻ thời công nghệ thông tin biết sử dụng phần mềm phối khí có sẵn, tự thu âm và quảng bá bài hát trên mạng. Con cháu ta giỏi hơn ta nhiều, ta theo không kịp, thế là nảy sinh những sản phẩm kiểu như nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc té ghế, nhạc thảm họa.

Môi trường nhạc tự phát không kiểm soát được. Còn môi trường nhạc chính thống thì sao?

Trước hết, về chương trình ca nhạc TV. Các game show cho trẻ nhỏ ngày càng nở rộ trên sóng truyền hình, liệt kê không nổi: Giọng hát Việt nhí, “Đồ rê mí”, Gương mặt thân quen nhí, Tìm kiếm tài năng nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Biệt tài tí hon,... Một tháng nữa còn có thêm Thần đồng âm nhạc (wonder kids) của đài HTV.

Điểm cộng ở đây là có nhiều sân chơi âm nhạc cho các con để phát hiện những tài năng sớm, giúp các con tự tin hơn. Còn điểm trừ: thí sinh nhí chẳng khác gì người lớn thu nhỏ. Các con hát bài người lớn theo phong cách người lớn với tinh thần ganh đua thắng - thua không kém gì người lớn.

Đây là những nguy cơ có thật: 1/phản nghệ thuật: khuyến khích bắt chước, bản sao càng giống càng được đánh giá cao; 2/phản giáo dục: tuổi dễ tổn thương bị biến thành mục tiêu của báo chí và dân cư mạng: thích thì cho đi tàu bay giấy, chán thì “ném đá” không thương xót. Với áp lực thi thố căng thẳng lên sóng kéo dài nhiều tuần nhiều tháng, lại bị báo chí “chăm sóc” hơi kỹ theo kiểu soi mói nhất cử nhất động, không biết các con có thực sự được vui chơi, được ca hát, được sống trong âm nhạc một cách hồn nhiên, hay bị nhào nặn thành các chiến binh đấu đá và nguy hiểm nữa là hoang tưởng về sự nổi danh quá sớm?

Phần quan trọng của môi trường âm nhạc thuộc về giáo dục. Giáo dục âm nhạc ở ta đã là khởi đầu tốt để nuôi dưỡng phần hồn con người hướng thiện và nhân ái chưa?

Ở tuổi nhà trẻ - mẫu giáo - nhi đồng, các bé không thật sự yêu thích bài hát dành cho trẻ con, thậm chí bé thích xem quảng cáo hơn chương trình ca nhạc thiếu nhi. Đừng trách con cháu chúng ta không thích ca hát, mà cần xem lại món ăn tinh thần cho con trẻ đã đủ hấp dẫn chưa. Không phải vô cớ luôn có những nhận định bài hát thiếu nhi đã chán lại thiếu. Các con luôn bị già trước tuổi khi buộc phải mượn bài hát có lời lẽ và tầm cữ giai điệu dành cho độ tuổi lớn hơn.

Ở tuổi học sinh tiểu học và phổ thông, các con càng ngán học nhạc. Đừng trách các con không có năng khiếu. Xướng âm vẹt mấy nốt đồ-rê-mi vẫn không có nổi chút kiến thức sơ đẳng về âm nhạc. Cũng đừng chê con cái chúng ta dốt. Sách giáo khoa âm nhạc sau nhiều đợt soạn đi soạn lại trông dày dặn và màu mè hơn, nhưng vẫn giữ nguyên lối học ấu trĩ. Trẻ con không được học cách cảm thụ âm nhạc, chẳng hề được học cách nghe và tưởng tượng theo âm thanh không lời.

Muốn tìm giải pháp thì phải rõ nguyên căn. Vậy, ta hãy thử cùng nhau trả lời một cách trung thực: vì đâu con trẻ không được hưởng môi trường âm nhạc lành mạnh, vì ai trẻ con trong chương trình ca nhạc thiếu nhi không còn là trẻ con, và vì sao nhạc không lời cho thiếu niên nhi đồng vẫn chỉ là con số 0?

Còn bao nhiêu điều về hiện trạng môi trường âm nhạc thiếu nhi cần xem xét. Trong thời gian hạn hẹp ở đây tôi chỉ xin khơi gợi vài câu hỏi thảo luận như sau:

- Ta có gì trong gia tài bài hát thiếu nhi - những bài hát tuổi thơ sống cùng các thế hệ trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ đến con cháu?

- Sáng tác mới cho thiếu nhi hiện nay - Tại sao thiếu? Tại sao các con không thích?

- Con cháu ta đang hát gì, nghe gì, xem gì?

- Thấy gì từ các chương trình ca nhạc và truyền hình thực tế cho thiếu nhi?

- Internet và âm nhạc thiếu nhi - vấn đề không phải cấm đoán mà dạy con tự bảo vệ mình, tự là bộ lọc tốt bằng cách nào? 

- Giáo dục âm nhạc trong học đường có phù hợp với yêu cầu cần có chưa?

- Tại sao chỉ chú trọng dạy hát hơn là dạy cảm thụ âm nhạc? Phải chăng đó là sự thắng thế của cái nhìn thấy được, cái thước đo để báo cáo thành tích? Còn cảm thụ âm nhạc thì vô hình không đo đếm được nên không được quan tâm, song chính từ đây mới tạo nên hiệu quả tốt nhất để bồi đắp tâm hồn và tính cách con người.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...