Âm nhạc - Sợi cảm xúc nối những tâm hồn
Trí Nguyễn – nghệ sĩ piano và đàn tranh, và Dương Nguyên Khang – đã theo học 9 năm chuyên ngành piano – người sáng lập nhóm Germer, đang có những hướng đi rất thú vị trong con đường đưa nghệ thuật hàn lâm đến với đại chúng.
Đều là những người sinh trưởng ở Sài Gòn, cùng theo đuổi con đường âm nhạc hàn lâm, Trí Nguyễn đã định cư tại Pháp gần 30 năm trong khi Nguyên Khang cũng từng tham gia giao lưu học tập tại Pháp.
Trí Nguyễn từng đưa âm nhạc dân tộc, qua sự kết hợp của cây đàn tranh với tứ tấu dàn dây của Tây phương, đến với khán giả châu Âu. Nguyên Khang cùng các bạn thành lập nhóm Germer để mang nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt. Hai con đường nghệ thuật tưởng chừng rất “ngược chiều”, vậy mà nhờ những cơ duyên được mảnh đất Sài Gòn xe chắp, Trí Nguyễn và nhóm Germer sẽ cùng đứng chung một sân khấu, trong buổi giao lưu âm nhạc tại địa điểm quen thuộc - cà phê Overture vào ngày 26/2 tới đây. Qua một bài phỏng vấn nhanh, chúng ta hãy cùng lắng nghe và cảm nhận sự “hòa điệu” giữa hai tâm hồn nghệ sĩ,
Hai người có thể chia sẻ đôi chút về nước Pháp, nền văn hóa và tính cách Pháp đã có tác động như thế nào đến tư duy thẩm mỹ cũng như phong cách âm nhạc của mình?
Nguyên Khang:
Được học tiếng Pháp trong khuôn khổ chương trình song ngữ Việt - Pháp từ năm 6 tuổi, tình yêu với nước Pháp và văn hóa Pháp đã đến với Khang rất tự nhiên. Lớp 11, Khang tham gia chuyến đi giao lưu học tập với trường La Bruyère ở Versailles (Pháp). Đến xứ người, mới thấy không nơi nào bằng quê hương mình, mới thấy nhớ thấy thương Việt Nam. Nhưng cũng nhờ vậy mới trực tiếp cảm nhận được những cái hay cái đẹp của mảnh đất này. Có thể nói, sự hòa quyện của tâm hồn Pháp và Việt Nam trong Khang là nguồn cảm hứng cho ý tưởng thành lập Germer.
Trí Nguyễn:
Trí rời Việt Nam khi cũng đã đôi mươi nên luôn ý thức giữ gìn cội rễ văn hóa. Trí vẫn nói song song cả hai ngôn ngữ Pháp – Việt trong suốt 28 năm qua. Với Trí, nước Pháp là nơi để học tập và sinh sống, mình luôn có ý thức học hỏi, ghi nhận, những cái hay cái đẹp trong cách ứng xử và con người Pháp. Nhưng trên hết vẫn là niềm yêu mến thiết tha với những giá trị truyền thống của Việt Nam, không chỉ trong nếp sống mà cả âm nhạc.
Mới đây, anh Trí Nguyễn đã về Sài Gòn giới thiệu và tặng album Consonnances cho người thân, bạn bè. Germer cũng đã có những buổi diễn miễn phí giới thiệu nhạc cổ điển tại một số quán cà phê tại Sài Gòn, vậy hai người có cảm nhận như thế nào về người yêu nhạc cũng như gu nghe nhạc ở đây?
Trí Nguyễn – nghệ sĩ piano và đàn tranh.
Nguyên Khang:
Vì Germer chỉ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhạc cổ điển nên chỉ xin đề cập đến lĩnh vực này. Qua vài buổi biểu diễn và nhận được các phản hồi từ phía khán thính giả, Khang nhận ra rằng người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ rất cởi mở để thử và tìm hiểu những thể loại nhạc mới. Ngay cả nhóm cũng rất ngạc nhiên vì những khán giả thuộc thế hệ 9x tham dự chiếm đến gần 90% các buổi diễn và đa phần các bạn thích thưởng thức các bản nhạc buồn, chậm rãi, khác xa với một giới trẻ thích sôi động, náo nhiệt như chúng ta thường nghĩ.
Trí Nguyễn:
Trí chưa có cơ hội được diễn ở quê nhà nhưng lần trở về giới thiệu album Consonnances đã nhận được rất nhiều tình cảm nồng hậu từ bạn bè, thậm chí là cả những người chưa từng quen biết trước đó mà chỉ qua sự giới thiệu, họ nghe một vài bản trên Youtube và thích thú. Điều đó thực sự khiến Trí hãnh diện. Và còn một điều khiến mình vui sướng hơn nữa là đàn tranh cổ truyền được tán thưởng bởi chính giá trị Việt thuần túy của nó.
Sự đón nhận từ phía khán giả cũng như những bạn bè và người thân đối với album Consonnances, với những buổi biểu diễn của Germer tác động thế nào đến các anh?
Nguyên Khang:
Nguyên Khang rất vui và hài lòng khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều phía mặc dù nhóm Germer chỉ được thành lập chưa đầy 6 tháng. Tuy nhiên, sự đón nhận ngày càng rộng lớn đó cũng chính là một áp lực với bản thân Khang và với nhóm, những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức và biểu diễn. Nhưng hy vọng với nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu, lời khuyên từ các nhà chuyên môn và cả những phản hồi từ phía người tham dự, chất lượng các chương trình của nhóm sẽ ngày một được nâng lên, để không chỉ có Khang hay Germer hài lòng mà còn cả những khách tham dự, dù khó tính nhất, cũng hài lòng nữa.
Dương Nguyên Khang – đã theo học 9 năm chuyên ngành piano, trung cấp Nhạc Viện TpHCM
Trí Nguyễn:
Rất hài lòng. Thực sự trước khi mang Consonnances về Việt Nam, Trí rất lo lắng về phản ứng của người nghe bởi âm nhạc dân tộc được hòa âm với nhạc phương Tây. Nhưng chính nhờ những đón nhận tích cực và sự thoải mái của mọi người đã khiến Trí thở phào nhẹ nhõm. Điều đó như một món quà động viên tinh thần rất lớn cho mình.
Cùng có xuất phát điểm từ piano và nhạc cổ điển, cả hai cũng vẫn theo đuổi con đường biểu diễn cổ điển chuyên nghiệp, vậy tác giả và trường phái âm nhạc nào là sở trường cũng như sở thích của mỗi người?
Nguyên Khang:
Người ta vẫn hay nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Hễ một tác phẩm nào phù hợp với tâm tư của mình, nói lên được tiếng nói sâu thẳm trong lòng mình, thì mình sẽ yêu nó. Thực tế ai cũng có rất nhiều bản nhạc phù hợp với tâm tư tình cảm của bản thân, vì vậy rất khó để nói rằng mình thích nhất tác giả hay trường phái nào. Bản thân Khang thì cảm thấy thích các nhạc sĩ thời kỳ Lãng Mạn, đặc biệt là Frédéric Chopin. Nhưng, sở thích này chỉ là tương đối và Khang vẫn mong có thể khám phá ra được nhiều tác giả, tác phẩm hợp với những tâm sự của mình trong tương lai.
Trí Nguyễn:
Trước đây, sở trường của Trí là biểu diễn những tác phẩm của Debussy và những nhạc sĩ thời kỳ Lãng Mạn như Chopin, Liszt. Càng về sau, khi trở lại với những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn đến phong cách nhạc thời kỳ Khai Sáng (Baroque) như Bach, Mozart… Trí càng thấy bị cuốn hút. Sự tinh khiết trong âm nhạc của những tác giả này có thể không đòi hỏi sự cầu kỳ và phức tạp trong kỹ thuật nhưng rất khó thể hiện trọn vẹn được thần thái, tâm hồn của tác phẩm.
Album Consonnances
Các anh thích phong cách biểu diễn như thế nào?
Nguyên Khang:
Có thể do Khang chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Á Đông, lại sống thiên về nội tâm, nên rất thích phong cách biểu diễn đơn giản, trang nhã và kín đáo (cũng có thể là ảnh hưởng từ phong cách biểu diễn của Chopin). Khang quan niệm tâm điểm của biểu diễn âm nhạc không gì khác hơn chính là âm nhạc và tất cả mọi yếu tố khác đều phải hướng đến việc tạo ra một âm thanh “đẹp”. Chính vì vậy mà các động tác khi biểu diễn (gestes) Khang đều tiết giản, để chỉ còn lại những động tác thực chất hướng đến sự hoàn thiện của âm thanh. Chính vì sự tiết giản đó mà phong cách biểu diễn trở nên khá kín đáo, không cầu kỳ. Nhưng dù sao Khang cũng đón nhận và trân trọng mọi phong cách biểu diễn, miễn là phong cách đó tạo ra được những âm thanh tuyệt vời, như chính âm nhạc.
Trí Nguyễn:
Suy nghĩ đầu tiên của Trí trước mỗi buổi biểu diễn là làm cách nào để khán giả cùng “lưu thông” với mình. Nghệ thuật càng được đón nhận một cách tự nhiên thì người nghệ sĩ mới cảm thấy thoải mái, bay bổng.
Tại sao hai người lại chọn thực hiện Consonances/ Germer thay vì đi con đường biểu diễn/ tiếp cận công chúng theo cách truyền thống?
Các thành viên trẻ thế hệ 9X trong nhóm Germer do Nguyên Khang sáng lập
Nguyên Khang:
Công bằng mà nói thì nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam cũng không hẳn là không phát triển. Chúng ta có những nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế như Đặng Thái Sơn, cũng có những phòng hòa nhạc lớn vẫn sáng đèn thường xuyên. Nhiều buổi diễn nhạc cổ điển rất đông người tham dự. Tuy nhiên, Khang không muốn nhạc cổ điển chỉ khép kín trong bốn bức tường Nhạc Viện hay phòng hòa nhạc hay chỉ dành riêng cho một bộ phận công chúng nào đó. Chính vì thế Khang mới lập ra Germer, mang nhạc cổ điển đến với công chúng một cách rộng rãi hơn nữa bằng những hình thức hoàn toàn mới lạ, phù hợp với sở thích của họ. Mục đích không gì khác hơn đưa nhạc cổ điển đến với đông đảo người yêu nhạc Việt Nam.
Trí Nguyễn:
Ở nước ngoài, thường chỉ trong các festival văn hóa, người bản xứ mới biết đến những thứ âm nhạc của các dân tộc khác. Là người Việt Nam sống trên đất Pháp, Trí biết rõ, người Pháp sẽ không bao giờ bỏ tiền đi xem một chương trình biểu diễn đàn tranh. Bởi vậy, Trí mong muốn đưa đàn tranh ra khỏi biên giới của nhạc truyền thống, lần đầu tiên giới thiệu với thế giới âm nhạc và một nhạc cụ đặc trưng của Việt Nam.
Điều gì khiến hai người tin tưởng Consonnances/ Germer sẽ thành công?
Nguyên Khang:
Khang cũng chưa biết phải định nghĩa thành công là gì nữa, chắc phải để cho thời gian trả lời câu hỏi này. Nhưng với những gì Germer đã đạt được, dù nhỏ, cũng là những thành công của nhóm và chắc chắn điều này nằm ở những khán giả của Germer. Sự ủng hộ của những người tham dự và yêu mến sẽ hứa hẹn cho những thành công kế tiếp, dù lớn dù nhỏ của Germer.
Trí Nguyễn:
Thành công hay không mình không thể đoán định khi đưa ra một điều mới. Trí làm album Consonnances không đặt nặng việc phải thành công hay đạt được giải thưởng gì, chỉ đơn thuần muốn giới thiệu với khán giả Pháp nét đẹp của âm nhạc Việt Nam truyền thống. Sau này, rất may mắn được đón nhận nồng nhiệt thì đó không phải thành công do cá nhân Trí mà chính bởi bản thân âm nhạc dân tộc đã quá hay, đủ sức chinh phục người nghe rồi.
Nghệ thuật càng được đón nhận một cách tự nhiên thì người nghệ sĩ càng thăng hoa.
Hai người mong muốn gì ở khán giả?
Nguyên Khang:
Chỉ hai chữ “Cởi mở”. Mong rằng khán giả sẽ đón nhận tất cả những gì Germer mang đến với tinh thần cởi mở, chỉ khi thật sự cởi mở thì lúc đó âm nhạc mới vào tâm hồn mình và trở nên trọn vẹn được.
Trí Nguyễn:
Khán giả cảm thấy vui thích sau buổi diễn.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất khi thực hiện Consonnances / những chương trình của Germer?
Nguyên Khang:
Kỷ niệm lúc thành lập nhóm chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Buổi họp đầu tiên của 3 người Khang, Kỳ Nam và Hà Trinh là vào ngày 3/9/2014, khi đó đã quyết định lập fanpage facebook và bắt đầu thực hiện buổi diễn đầu tiên vào ngày 27/9/2014. Chỉ chừng vỏn vẹn chưa đến một tháng, với 5 người (sau có thêm hai bạn vào cùng tổ chức) phải xoay sở mọi thứ, từ tìm địa điểm đến lên chương trình, tìm nghệ sĩ, truyền thông… Nhưng cũng nhờ buổi đầu vất vả ấy mà thấy quý trọng hơn những gì nhóm đã đạt được (dù vẫn còn khiêm tốn) ngày hôm nay.
Trí Nguyễn:
Có 2 kỉ niệm vô cùng sâu sắc với Trí. Quá trình Trí thực hiện album Consonnaces rất dài, mất tới hơn 9 tháng nhưng thu âm chỉ vẻn vẹn trong 3 ngày. Người kĩ sư âm thanh thu âm cho Trí khi nghe bản đầu tiên trong album đã thốt lên: Hay quá! Đó là lần đầu tiên anh ấy nghe đàn tranh và nhạc dân tộc của Việt Nam nhưng đã thích ngay, điều đó làm Trí rất hãnh diện. Kỉ niệm thứ hai, là cũng trong thời gian hoàn thành Consonnances thì mẹ Trí chuẩn bị về Việt Nam. Khi thu đoạn ngâm ru trong bản Hoài Xứ, cứ hát được nửa chừng Trí lại nghĩ tới việc không được thường xuyên thăm hỏi mẹ, cầm lòng không đặng mà khóc, khiến cho cả e-kip cũng xúc động theo nên phải thu tới 7, 8 lần. Tới giờ cảm giác về lúc ấy vẫn rất mạnh mẽ trong lòng Trí.
Liệu Consonances / Germer có phải là lựa chọn của trái tim? Cái Được lớn nhất hai người nhận được khi quyết định lựa chọn theo trái tim mình?
Nguyên Khang:
Đối với bản thân Khang, cái Được không đến sau sự lựa chọn theo trái tim, nhưng sự lựa chọn theo trái tim, biết mình cần gì để chọn lựa, đó chính là cái Được lớn nhất rồi! Ngay từ những ngày đầu lập nhóm đến nay, Khang luôn tâm niệm rằng dù cho thành công hay thất bại đi nữa, được sống trong niềm đam mê của mình và sẻ chia nó với người khác đó là một niềm hạnh phúc to lớn nhất. Dĩ nhiên sau khi Germer đi vào hoạt động, cái Được ban đầu còn được nhân lên bằng những tình cảm nồng hậu mà bạn yêu nhạc dành cho Germer. Cái Được đó không phải là cái Có - Được để giữ cho riêng mình, mà là cái Được để tiếp tục san sẻ cho những người chung quanh. Tình yêu với nhạc cổ điển đã thúc đẩy Khang lập Germer và nhận được càng nhiều tình cảm của khán giả thì cũng đồng nghĩa Khang phải mang Germer đến với càng nhiều người hơn nữa. Hơi nghịch lý nhưng cái Được nằm trong cái Cho Đi.
Trí Nguyễn:
Đối với người sống nhiều năm ở Pháp như Trí, trái tim luôn nhắc nhớ mình không bao giờ được quên quê hương nguồn cội. Cả hai nhạc cụ vẫn luôn đồng hành với Trí trong cuộc sống là piano và đàn tranh. Nhưng thực hiện được Consonnances, với Trí là niềm thỏa mãn rất lớn vì nó minh chứng trái tim mình vẫn là người Việt Nam.
Dù chơi đàn tranh hay piano thì trái tim mình vẫn là người Việt Nam.
Một câu hỏi riêng tư, hai người có bao giờ tưởng tượng, mình sẽ làm nghề gì hay trở thành người như thế nào nếu không có âm nhạc?
Nguyên Khang:
Khang còn nhớ một câu thành ngữ tiếng Latinh: "verbis defectis musica incipit" (tạm dịch: Khi lời nói không còn đủ sức diễn tả, âm nhạc sẽ vang lên). Âm nhạc là tiếng lòng vang lên từ cõi sâu thẳm của tâm hồn, và nếu không có nó, chắc Khang sẽ cảm thấy bứt rứt trong lòng lắm, vì sẽ có những tâm tư, cảm nghĩ mà chẳng bao giờ lời nói có đủ sức lột tả. Nhưng thật ra cũng thú vị để thử tưởng tượng xem mình sẽ là gì nếu không có âm nhạc. Có thể là một nhà kinh tế, một kỹ sư, một nhà văn hay nhà triết học gì đó. Dù sao thì Khang vẫn hài lòng với cái mình đang theo đuổi hiện tại và tin rằng, nếu không có âm nhạc, phong vị cuộc sống đã bị giảm đi phân nửa.
Trí Nguyễn:
Thực ra, âm nhạc cũng như bất cứ môn nghệ thuật nào, đều rất khó theo đuổi bền lâu. Chơi nhạc thì ai cũng chơi được nhưng không nhiều người sống được bằng nghề vì nó rất cô đơn, và cũng bởi kẻ thù lớn nhất của âm nhạc là sự tự mãn. Do đó, Trí luôn cảm thấy may mắn vì đã sống được bằng âm nhạc. Nhưng từ nhỏ Trí đã được cha mẹ rèn luyện trong sự nghiêm khắc với những giá trị thẩm mỹ của người xưa, nên nếu không làm nhạc thì chắc vẫn sẽ làm những nghề có liên quan đến thẩm mỹ hoặc phát triển nghệ thuật, như họa sĩ, hoặc giảng dạy về lịch sử nghệ thuật chẳng hạn.
Rất cám ơn hai nghệ sĩ Trí Nguyễn và Nguyên Khang đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả của NgheNhìn Việt Nam. Chúc hai nghệ sĩ luôn tìm được những niềm cảm hứng bất tận và dồi dào trên con đường nghệ thuật của mình.
(Nguồn: http://nghenhinvietnam.vn)