Âm nhạc là dòng chảy của mùa Xuân miên viễn

26/02/2013

LTS: Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Hải, dễ nhận ra rằng những giai điệu luôn là cảm hứng bất tận và là đề tài khiến người đối diện cứ mãi lôi cuốn vào lối trò chuyện có sức cuốn hút lạ của người nhạc sĩ xứ Quảng Bình này. Dường chừng với Nguyễn Hải, âm nhạc là dòng chảy của mùa xuân miên viễn...

Tôi sinh ra trong một gia đình công chức. Ba của tôi là một kỹ sư ngành bưu điện. Cả dòng họ nhà tôi không có ai đi theo nghệ thuật. Thế nhưng không hiểu sao âm nhạc như một bản năng thấm vào trong máu tôi từ nhỏ, để tôi quá đổi đam mê. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, chúng tôi phải học dưới những căn hầm tránh bom. Nhà tôi ở gần đoàn văn công Công an vũ trang Quảng Bình. Hàng ngày tôi thường chạy sang xem các cô, chú tập đàn, tập hát và rồi cũng học lóm chơi được hai nhạc cụ là Mandolin và Guitare từ năm 12 tuổi...".

Nhạc sĩ Nguyễn Hải bắt đầu câu chuyện như vậy trong dịp xông đất mừng xuân mới của tạp chí Âm Nhạc Việt Nam.

Khởi nghiệp

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976 từ thành phố quê hương Đồng Hới (Quảng Bình), Nguyễn Hải khăn gói lên đường vào Huế theo học khóa đầu tiên sau ngày giải phóng của Trường âm nhạc Huế. 4 năm học ở bậc trung cấp, ra trường, Nguyễn Hải được phân công về công tác tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Lúc bấy giờ ở Quảng Nam – Đà Nẵng nổi lên bởi sự kiện xây hồ chứa nước thủy lợi Phú Ninh.

"Ca khúc Hát về dòng nước Phú Ninh – một sáng tác đầu tay của tôi ra đời đã được phổ biến trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh. Là một sáng tác đầu tay nhưng tác phẩm đã thể hiện được một lối tư duy khá mạch lạc, đậm chất Quảng với những ca từ Đất Quảng quê mình ơi bao ngày mong đợi, nay nước về xuôi đất như trẻ với người, hôm nay có được những ngày, những ngày mà năm xưa ta hằng mong ước, đường về tương lai chung một ý nghĩ mới…. Tiếp sau đó là một loạt các sáng tác khác như: Niềm vui của em, Nghe em câu hát chiều nay… Thời kỳ này tôi là một nhạc sĩ của phong trào, thường viết các bài hát để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuy nhiên tôi vẫn cố gắng thể hiện được tính trữ tình, đậm chất thơ ở trong các tác phẩm. Ca khúc Niềm vui của em viết về các cô gái làm công việc sản xuất mành trúc xuất khẩu có đoạn: Em khuyên ống trúc xanh nặng nghĩa tình đất nước, em nhuộm màu trúc hồng trong bao nỗi chờ mong… một phần nào đã thể hiện được thiên hướng sáng tác đó của tôi!". NS Nguyễn Hải, kể.

Cùng lứa và cùng mang hơi thở của quê hương xứ Quảng Nam hồi đó, bên cạnh Nguyễn Hải có các nhạc sĩ: Hoàng Bích, Minh Đức, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Huy Hùng, Nguyển Duy Khoái…

Thành danh ở Sài Gòn

Ở tuổi ngoài 30, năm 1987, Nguyễn Hải thi đậu vào hệ chính quy đại học sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM. Sinh viên chuyên ngành này phần lớn là "dân có nghề" nên toàn là sinh viên... già, tất cả đều ngoài 30 tuổi!

"Sau 5 năm học, tôi lại có thêm một “gia tài” là những sáng tác mới, đặc biệt là những tác phẩm khí nhạc. Tác phẩm tốt nghiệp đại học sáng tác của tôi là Giao hưởng thơ (Symphony pòeme) có tiêu đề Đất Mẹ. Đây là một tác phẩm mà tôi viết để tặng mảnh đất miền Trung quê hương, dựa trên mạch cảm xúc của bài thơ Miền Trung của nhà thơ Nguyễn Thế Khoa mà ở đó những câu thơ của những con người miền Trung thật dễ có chung mối đồng cảm: Bắt đầu như là giọt lệ/ Bắt đầu như thể nỗi đau/ Tình ca quê mình là thế/ Thương nhau trường đoạn thương nhau…. Giao hưởng thơ Đất Mẹ được xây dưng trên hai chủ đề của hình thức sonate: chủ đề 1 mang âm hưởng của hò mái nhì Huế và chủ đề 2 dựa trên bài Lý thương nhau của dân ca miền Trung. Tiếp sau đó tôi viết tiếp Giao hưởng thơ thứ hai Đất chín rồng, tác phẩm này đã được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Khác với Giao hưởng thơ Đất Mẹ, Giao hưởng thơ Đất chín rồng được viết dựa trên ngôn ngữ âm nhạc của các điệu thức dân ca Nam Bộ, âm nhạc mang tính chất trữ tình nhưng cũng đầy chất hào hùng, mạnh mẽ…". NS Nguyễn Hải, chia sẻ.

Tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, Nguyễn Hải tiếp tục hoạt động âm nhạc ở thành phố được nhìn nhận là một trung tâm văn hóa lớn vào bậc nhất cả nước. Thời kỳ này một số sáng tác của Nguyễn Hải đã được phổ biến khá nhanh. Có thể kể đến ca khúc Tình mẹ, một bài hát chứa chan tình cảm, dễ thương được mở đầu bằng nét nhạc mang âm hưởng của hát ru trên tiết nhịp 3/8 như nhịp võng đưa: Ngày nào mẹ ru con, mẹ ru con. Ngọt ngào lời yêu thương, lời yêu thương. À à à ơ à ơ, à à ơ à ơ… Lời ru con mang theo có màu áo qua tháng năm mẹ dãi dầu bao mưa nắng. Ôi tình mẹ dạt dào như biển cả bao la, ôi lời mẹ ngọt ngào như một khúc dân ca. Suốt đời con mãi không quên…. Bài hát được trình bày bởi Tam ca áo trắng trong album Suối nguồn yêu thương của Phương Nam phim sản xuất, sau đó được phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Năm 2000 bộ sách Giáo khoa giảng dạy âm nhạc cho học sinh phổ thông được nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, trong đó bài hát Khúc ca bốn mùa của Nguyễn Hải được chọn in trong sách giáo khoa âm nhạc của lớp 7. Theo đánh giá của giới phê bình, đây là một bài hát dành cho thiếu nhi được đông đảo các em trong cả nước yêu thích. Bài hát có cấu trúc cân đối, dễ thương, ca từ đẹp mang đầy chất văn học, khi hát lên đã tạo được ấn tượng đẹp cho người nghe: Hạt nắng, hạt nắng cho mẹ ra đồng. Hạt mưa, hạt mưa cho cây lúa trổ bông. Hạt nắng, hạt nắng trên vai em đến trường. Hạt mưa, hạt mưa cho cây vườn thêm xanh….

Một loạt các khúc khác của Nguyễn Hải cũng được giới thiệu, phổ biến như: Từng hạt mưa ru, Giữa em và tôi, Tình người đất Việt, Bến đợi… Nhiều nhà phê bình âm nhạc nhận xét giai đoạn sáng tác này của Nguyễn Hải mang đậm tính chất trữ tình, lời ca được trau chuốt, giàu hình tượng: “Từng hạt mưa rơi, mưa rơi ngoài trời, từng giọt buồn rơi, rơi vào lòng người. Từng chiều mưa rơi, mưa rơi trên phố, con phố lặng thầm nằm nghe tiếng mưa…” (Từng hạt mưa ru), “Em là dòng suối mát, để tôi mãi khát bên em một đời. Em là hạt mưa rơi, để tôi chiếc lá mong em từng ngày…” (Giữa em và tôi), “Bến đợi chờ ai? Người đợi người, người ơi. Dòng sông xưa đã cạn, con thuyền giờ đã xa, chỉ có con tim mỏi mòn một bến đợi…” (Bến đợi).

 Khi âm nhạc là lẽ sống

Năm 2009, NS Nguyễn Hải lại tiếp tục với sự nghiệp học tập của mình ở bậc cao học. Trong thời gian của 3 năm học, Nguyễn Hải hoàn thành được hai tác phẩm khí nhạc, đó là bản Tứ tấu dây (String quartet) gồm 3 chương và tác phẩm Giao hưởng No 1 “Bến Hải” gồm 4 chương, đây cũng là tác phẩm tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành sáng tác của tôi vào năm 2012.

NS Nguyễn Hải, tự sự: Là một người con sinh ra ở mảnh đất miền Trung, nơi có nhiều con sông chảy qua, mỗi dòng sông nơi đây đều mang một dấu ấn, và là một nhân chứng của lịch sử. Dòng Bến Hải - con sông nằm trên vĩ tuyến 17 – nỗi đau về sự chia cắt một thời của đất nước. Bến Hải còn là ý chí quật cường, khát vọng tự do và hòa bình của một dân tộc. Khi đất nước bị chia cắt (1954) tôi chưa sinh ra. Nhưng lớn lên trong suốt những năm dài của chiến tranh tôi đã chứng kiến những cuộc chia ly đầy nước mắt, những tháng ngày dài của sự xa cách, nỗi nhớ đến quặn lòng của hai bờ Bắc – Nam bên dòng Bến Hải… Ký ức đó cứ đọng lại mãi trong tôi và ngôn ngữ của âm nhạc Giao hưởng đã giúp cho tôi thể hiện được đầy đủ nhất những cảm xúc của mình khi nhớ về những tháng năm lịch sử đó.

Giao hưởng số 1 “Bến Hải” gồm 4 chương, được viết từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 7 năm 2012 mới hoàn thành.

Chương I: Allegro – animato được viết ở hình thức sonate với 2 chủ đề tương phản. Chủ đề 1 là chủ đề của dòng sông lúc êm đềm, lúc dâng trào cuộn chảy. Âm nhạc mang chất liệu của dân ca miền Trung. Chủ đề 2 là chủ đề của bóng tối thế lực chiến tranh. Âm nhạc của chương I đầy tính xung đột, kịch tính…

Chương II: Andante – sensible được viết ở hình thức 3 đoạn phức. Đây là một chương nhạc gây nhiều cảm xúc cho người nghe bởi tính chất tha thiết, trữ tình… Mở đầu là sự đối thoại của hai nhạc cụ bộ dây solo là Violin và Violincelle, như những lời tâm sự đầy tình cảm tha thiết, nhớ mong của một đôi trai gái hai bờ Nam – Bắc bên dòng Bến Hải.

Chương III: Allegro espressivo được viết ở hình thức sonate với hai chủ đề không tương phản. Âm nhạc của chương III đầy tính hào hùng, mạnh mẽ nhưng cũng tha thiết, trữ tình… Mang âm hưởng của dân ca Nam Bộ, trong chương này tác giả như muốn hướng về miền Nam trong những tháng ngày đau thương nhất nhưng vẫn ngoan cường, anh dũng đấu tranh bằng một niềm tin son sắt…

Chương IV: Allegretto agitato được viết ở hình thức 3 đoạn phức. Âm nhạc của chương IV là sự tổng kết của 3 chương nhạc trước đó. Là chương kết, âm nhạc đầy chất hoành tráng, mạnh mẽ nhưng vẫn toát lên được chất trữ tình, đầy khát vọng như hướng đến một ước mơ của hòa bình, sự sum họp…

Ngôn ngữ âm nhạc của tác phẩm là sự kết hợp giữa tính dân tộc và hiện đại mà ở đó hòa âm của tác phẩm không theo những quy luật của hòa âm cổ điển mà theo sự sắp xếp của lối chồng âm quãng 4, quãng 5, quãng 2… GS.NGND.

Nhạc sĩ Hoàng Cương nguyên Giám đốc nhạc viện TP.HCM và là thành viên của Hội đồng chấm thi tốt nghiệp thạc sĩ nhận xét “Tác phẩm đã đạt được hiệu quả tốt về mặt hòa âm và phối khí. Mặc dù giữa các chương tác giả không sử dụng tiêu đề nhưng người nghe cũng có thể hiểu được bởi hình tượng và nội dung tác phẩm được tác giả thể hiện khá rõ nét…”.

Là một nhạc sĩ sáng tác, tôi còn là một nhà giáo – Giảng viên giảng dạy các môn kiến thức âm nhạc và chuyên ngành sáng tác tại Trường cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Nhạc viện TP.HCM. Sáng tạo âm nhạc và đào tạo những sinh viên âm nhạc, với tôi có lẽ đã quá đủ hạnh phúc khi tôi chọn âm nhạc như một lẽ sống của chính mình!". NS Nguyễn Hải chia sẻ như vậy bên ly rượu mừng xuân mới Quý Tỵ với độc giả tạp chí Âm Nhạc Việt Nam.

(Nguồn: http://www.songnhac.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...