Hậu duệ tài năng của Nguyễn Tuân và nỗi niềm 'thiếu quê hương'
Được ưu tiên về nước khi xảy ra đại dịch, nhưng Bảo Quyên - Quang Tiến - hai chị em vốn là cặp song tấu độc đáo của làng nhạc cổ điển Việt, SV Trường ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt đã chọn ở lại xứ người.
Hai chắt ngoại của cố nhà văn Nguyễn Tuân vì thế thấm thía hơn bao giờ cảm giác "thiếu quê hương" - như chính tên một tác phẩm để đời của cây tuỳ bút nổi tiếng.
"Đêm nằm mơ phố"
Một sáng Frankfurt, năm Covid thứ nhất, Bảo Quyên sững người phát hiện một sợi tóc bạc của mình rơi trên phím dương cầm. Sợi tóc bạc đầu tiên ở tuổi 26, giữa mùa giãn cách.
Cặp song tấu độc đáo của làng nhạc cổ điển - Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến
Và đó là một cảm giác lạ lùng, vừa hoang mang vừa như là phấn khích, khi đó gần như là một chỉ dấu của... sự trưởng thành. Một cột mốc khó khăn với một cô gái nhỏ khi phải làm "trụ cột", vừa là chị vừa là mẹ để xoè cánh che chở cho cậu em trai vừa mới kịp làm quen với cuộc sống xa nhà nơi xứ người, trong một cái năm không dễ gì thích nghi ngay với cả người lớn. Cũng là năm học mà hai chị em cùng phải đứng trước hai kỳ thi quan trọng: chị tốt nghiệp cao học, em thi lên ĐH, tại một địa chỉ đào tạo âm nhạc uy tín của Đức: ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt.
"Những tuần đầu của năm Covid với cháu là một chuỗi hoảng loạn, rồi tiếp tới là làm quen, học cách tích cực vui vẻ đối mặt và vẫn cố gắng học thêm bài mới, cố gắng có ích...
Những tháng em trai cháu chuẩn bị kỳ thi đầu vào, cháu chuyển từ các trạng thái bồn chồn đến hoảng loạn, rồi gọi về cho ba mẹ để cả nhà trấn an lẫn nhau, nhưng cũng không dám nói ra nỗi lo với em vì sợ làm em thêm áp lực. Thà là chính mình đi thi thì còn chủ động lo lắng căng thẳng được. Thế nên chỉ biết cầu nguyện, nhìn em và thương em..." - Quyên nhớ lại.
Trần Lê Bảo Quyên
Nếu không vì Covid, giờ này, cô SV trường ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt hẳn đã cầm trong tay tấm bằng Thạc sĩ, chuyên ngành biểu diễn. Kỳ thi vì thế sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 tới, muộn hơn nửa năm so với lịch trình. Covid một mặt cũng giúp cô gái có vẻ ngoài mảnh khảnh này có thêm cơ hội "câu giờ" cho việc khổ luyện, dốc sức tối đa cho kỳ thi quan trọng sau hơn 8 năm mài tay trên những phím đàn tại xứ người. "Chương trình thi tốt nghiệp cao học của cháu dự kiến sẽ kéo dài khoảng gần 80 phút với 5 tác giả vĩ đại tiêu biểu là Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Claude Debussy, Alexander Skrjabin và Sergei Rachmaninoff.
Trong đó, là một bài Bình Quân Luật giọng Rê trưởng BWV 874, 1 Sonata cho Piano của Mozart, cũng như 2 Sonata cho Piano của Skrjabin và Rachmaninoff, nửa đầu của tập Etude cho Piano của Claude Debussy (6 bài Etude). Tất cả đều là những tác phẩm lớn kinh điển và phức tạp về nội dung âm nhạc lẫn kỹ thuật thể hiện sự tài ba đỉnh cao của các nhạc sĩ vĩ đại. Lý do chọn vì đó là những tác giả gắn kết với cháu từ hơn một thập kỷ trước, khi cháu bắt đầu chập chững bước chân vào thế giới biểu diễn piano, tận đến giờ vẫn là sự yêu thương day dứt và gắn kết...".
"Kỳ thi thì không thi trước thì thi sau. Nhưng đối với cháu, không được về Việt Nam để chứng kiến sự già đi của ba mẹ thì nó là cảm giác biền biệt sợ hãi..." - Quyên nói.
Cô gái Hà Nội nhớ phố, nhớ nhà, nhớ cả vị phở từng được cố ngoại cô - nhà văn Nguyễn Tuân tả trong tuỳ bút "Phở" nổi tiếng: "Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại...".
Ấy là hồi tác giả "Thiếu quê hương" sang Phần Lan dự Đại hội Hoà bình thế giới, năm 1957, cũng từ trời Âu mà mơ gió Hà thành: "Thì ra gần đây chúng tôi héo hắt đi, vì xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà nhớ nước, trong cái nhớ nhà nhớ đất nước, có cả một sự nhớ ăn phở nữa...". Nhớ cái không khí Tết tươi vui rất Hà Nội nơi hàng phở ở quê nhà: "Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết...".
Những dòng văn được ông cụ viết từ tận 64 năm trước, vậy mà lạ sao, cứ như là được viết thay cho tấc lòng "đêm nằm mơ phố" của những người con Hà Nội nơi trời Âu sau bao lâu cách núi cách sông vì đại dịch.
Que diêm cổ tích
Ngoài ra, với chị em Quyên, còn là một nỗi canh cánh khác: Ấp ủ lời hẹn đã là thường niên từ 2 năm nay - Le Chauffage Concert (Hoà nhạc "Sưởi ấm"), nơi cặp song tấu piano/violin hiếm hoi là chị em ruột này từng đưa tới những màn trình diễn thăng hoa, ăn ý. Bằng vào những kiến thức tươi nguyên vừa học được nơi xứ người, bằng tình yêu Hà Nội càng lúc càng được đắp đầy hơn sau mỗi chuyến trở về, lại càng bị dồn nén sau hơn một năm trời xa cách vì đại dịch; bằng sự đồng cảm với nhiều mảnh đời bất hạnh tại quê nhà và hẳn nhiên còn bằng cả sự thấu hiểu của tình chị em, sau những chặng thắm thiết song hành...
"Mặc dù trái ngược về tính cách, đôi khi có những bất đồng, và trước khi có Tiến sang, cháu thảnh thơi hơn, ít áp lực hơn do không phải có trách nhiệm với ai, cả về mặt pháp lý và đời sống hàng ngày, nhưng nếu ba mẹ không “nhường” Tiến cho cháu, có lẽ cháu không thể học được thế nào là đùm bọc đỡ đần, hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của yêu thương…” - người chị nói.
"Sưởi ấm” mang ý nghĩa “kép”. Đó trước hết là trải nghiệm riêng của hai chị em trong suốt những năm tháng dài miệt mài khổ luyện, “tầm sư học đạo”, dưới cái lạnh lắm khi thấu xương của mùa đông Frankfurt, không ba mẹ, người thân bên cạnh, ở vào độ tuổi mà thường ra còn được nằm trong sự chở che, bảo bọc của gia đình.
Nhưng “sưởi ấm”, trên hết, là mong muốn được cùng nhau góp thêm một que diêm cổ tích, để phần nào xua bớt giá lạnh nơi những phận đời kém may mắn mà chương trình hòa nhạc cổ điển thường niên này hướng tới. Đó cũng là lý do mà kể từ năm 2019, giữa lịch học bận rộn, hai chị em vẫn luôn cố gắng thu xếp về Hà Nội để biển diễn cho chương trình nhằm mục đích gây quỹ từ thiện.
Trần Lê Quang Tiến
Nếu xét về xuất thân, có thể nói Quyên và Tiến quả thực đã có được một khởi đầu thuận lợi và may mắn, khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống “văn võ song toàn”, với cụ ngoại là nhà văn Nguyễn Tuân, ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - một trong “tứ trụ của hội họa Việt Nam” và ông nội là Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tên của Tiến cũng chính là được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động trong thành (Bảy Tiến), còn cái tên Bảo Quyên chính là mượn lại tên bà ngoại (Nguyễn Quyên Quyên - con gái lớn của nhà văn Nguyễn Tuân), với ý nghĩa “bảo tồn cái đẹp”.
"Chắc chắn rồi, hành trang giúp hai chị em vững vàng nhất luôn là tổng hoà từ ảnh hưởng của cụ Tuân, cụ Nghiêm và cụ Quang. Nếu thiếu đi 1 trong 3 sức ảnh hưởng đó, hai chị em cháu hẳn là sẽ khó được là mình như hôm nay. Có một điểm gặp thật thú vị: Khi cháu được biết tới những tác phẩm của nhà soạn nhạc Alexander Scriabin, cháu bỗng ngỡ ngàng như thể đang đứng trước những bức tranh của cụ Nghiêm. Đôi lúc dội lên những đường nét vô cùng sắc sảo, khi lại huyền bí ẩn náu, và những mảng màu hay hình khối thì vô cùng lộng lẫy tráng lệ, cũng có những tác phẩm thì lại dạt dào ấm áp đậm đà…”.
Nhưng trên hết, Quyên mê âm nhạc của Chopin. “Có lẽ vì nó lột tả được phần đa tính cách của cháu, với những đối kháng nội tâm mâu thuẫn. Cháu cũng khá là nóng nảy, không giỏi kiềm chế cảm xúc, đôi khi cực đoan với ấn tượng yêu ghét. Đó cũng là sự khác nhau tương đối với em trai. Tiến dường như khéo léo khôn ngoan và lạc quan tích cực hơn. Chính vì thế nên nhạc cụ mà hai chị em học là khá tương ứng, phù hợp với tính cách mỗi người…”.
Cùng lúc Quyên có sợi tóc bạc đầu tiên ở tuổi 26, thì tóc của Tiến, sau hơn một năm Covid, giờ đây cũng đã buộc được thành một túm dài như đuôi ngựa. Cu cậu ngơ ngác ngày nào bên cây vỹ cầm giờ vừa nhang nhác một "ông cụ non", lại đã ra dáng một nam nghệ sỹ. Ngoài đời thì Quyên rõ là "bảo mẫu", "nội tướng", nhưng lên sân khấu, lại là một hình ảnh ngược lại: Tiến đĩnh đạc rắn rỏi, Quyên tha thướt mong manh. Và dưới vầng hào quang đẹp đẽ của sân khấu nhạc cổ điển, người ta không nhìn thấy những sợi tóc bất thường của mùa Covid, chỉ thấy một tình yêu thuần khiết trước những giai điệu bất hủ, dưới những ngón tay thon dài và ánh mắt mơ màng trong veo của tuổi thanh xuân - như chưa hề có mùa giãn cách.
- Trần Lê Quang Tiến sinh năm 2002 tại Hà Nội, từng được mệnh danh là "thần đồng violin" khi sớm sở hữu bộ sưu tập giải thưởng ấn tượng: Giải Nhất cuộc thi đàn dây quốc tế Mozart tại Thái Lan (2014), Giải Nhất cuộc thi violin Quốc tế tại Kazakhstan (2016) và Giải đặc biệt cho nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại cuộc thi Tchaikovsky giành cho các nghệ sĩ trẻ (2017). Trong đó, hai giải thưởng giành được tại châu Âu được cho là thành tích gây kinh ngạc, khi VN phải chờ tới gần 20 năm sau kể từ sau Bùi Công Duy mới có được một tài năng trẻ giành giải nhất tại một cuộc thi violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu. Lại là một tài năng trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, trong một thời gian ngắn kỷ lục (Tiến bắt đầu với violin khá muộn so với chuẩn đào tạo thông thường). Cậu "học trò cưng" của Bùi Công Duy cũng là nghệ sỹ trẻ nhất từng nhiều lần tham gia biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Hiện tại, Tiến vừa tốt nghiệp tú tài hệ IB ở trường Metropolis Frankfurt (MSF) và là sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật Frankfurt (Đức). - Trần Lê Bảo Quyên (chị gái Quang Tiến) sinh năm 1994, tốt nghiệp ĐH chuyên ngành biểu diễn Piano tại Viện Hàn lâm nghệ thuật Darmstadt (Đức) và sắp sửa lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn tại trường ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt. Cô từng thách thức mình với bản Sonata dài 32 phút của nhà soạn nhạc Franz Liszt khi vừa bước qua tuổi 20 và năm vừa qua, Quyên đã giành giải đặc biệt tại một cuộc thi âm nhạc hiếm hoi được tổ chức giữa mùa Covid tại nơi cô đang theo học. |
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)