Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch: Nặng lòng với nhạc cổ truyền

12/01/2021

Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch là một trong 3 nghệ sĩ của Việt Nam được Tổ chức World Masters - Những bậc thầy thế giới (WMOC) công nhận là nghệ nhân thế giới. Không chỉ giỏi chế tác nhạc cụ truyền thống từ những vật liệu đơn giản như trúc, ống tre hay vỏ quả bầu nậm, quả dừa, ông còn là người tìm lại “tiếng của cha ông” với sợi dây tơ tằm. Sau khi nghỉ hưu, ông dành tâm huyết cho việc chế tác nhạc cụ, làm dây tơ và tham gia biểu diễn trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc, mang tiếng hát mộc và tiếng đàn dây tơ giới thiệu đến công chúng.

- Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch là người chơi thành thục rất nhiều nhạc cụ truyền thống, thế nhưng trong tôi, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh ông kéo nhị và hát xẩm. Hẳn là cây đàn nhị gắn bó với ông từ rất lâu?

- Đầu tiên tôi học đàn nguyệt. Khi ra trường, về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, tôi chơi đàn nguyệt. Sau đó tôi học thêm đàn đáy, rồi tự học đàn bầu và đàn nhị. Chơi nhiều nhạc cụ nhưng khi hát xẩm và kéo được nhị, tôi mới thấy đó là tiếng lòng thứ hai của mình. Cây đàn nhị và người hát là một. Khi kéo nhị, tâm hồn mình hòa vào đó, nói “tay đàn miệng hát” là thế.

- Trong những năm gần đây, khi không còn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, công chúng yêu nhạc thấy ông xuất hiện nhiều trong các chương trình của nhóm Đông Kinh cổ nhạc với các nhạc cụ dây tơ cổ truyền. Trở về với cổ truyền thì lại thành lạ, vì sao vậy thưa ông?

- Bây giờ dây nilon xuất hiện, độ bền cao hơn thì người ta thích hơn. Hơn nữa, bây giờ không ai làm dây tơ. Người làng Vạn Phúc thấy bán dây tơ rẻ nên cũng thôi, không bán nữa. Vì vậy, tiếng nhạc ngày xưa khi ông cha ta kéo dây tơ cũng không còn nữa. Tiếng của dây tơ khác hẳn so với các chất liệu khác. Cụ Nguyễn Du khi miêu tả tiếng đàn có viết: “Trong như tiếng hạc bay qua - đục như tiếng suối mới sa nửa vời”, tiếng đục có trong tiếng đàn đáy. Dây tơ là loại dây tự nhiên, không vang. Làm thế nào để khôi phục tiếng đàn của ông cha là điều tôi đau đáu từ lâu. Khi tôi làm dây tơ cho các loại nhạc cụ dân tộc, được nghe cụ Phó Thị Kim Đức nói: “Lâu lắm mới được nghe tiếng dây tơ”, tôi thấy rất mừng. Với trách nhiệm của người giữ gìn âm nhạc dân gian, tôi làm điều đó để thỏa mãn mong muốn của mình, cũng là để các nghệ nhân khác cùng được nghe lại tiếng tơ, khơi dậy tiếng lòng, để cho con cháu lắng nghe, tiếp nhận.

- Ông làm dây tơ như thế nào?

- Khi con tằm nhả tơ, qua nước sôi thì người ta kéo tơ lên. Thêm một chút “công nghệ tự nhiên” để các sợi tơ xoắn lại với nhau, sao cho tròn dây để không gây ảnh hưởng đến âm thanh. Khi thử dây thì "tay phải làm, tai phải nghe", cả một sợi tơ dài mình chỉ cần búng một cái là biết có chuẩn hay không. Mỗi loại nhạc cụ cần có loại dây tơ to, nhỏ khác nhau. Tất cả tôi đều dùng tay để làm.

Một số nhạc cụ do NSND Xuân Hoạch chế tác.

- Tiếng của dây đàn bằng tơ khác gì dây bằng nilon?

- Dây cước hay còn gọi là dây nilon có tiếng vang hơn. Còn với dây tơ tằm, tiếng vang rất vừa, tiếng đục hẳn đi so với dây nilon. Ngày xưa các cụ không có dây nilon thì đánh bằng gì? Chính là bằng dây tơ! Nếu người Pháp không sang Việt Nam thì làm gì có dây sắt mà cho vào đàn bầu? Chỉ có dây tơ hoặc dây gai. Với người nghe nhạc truyền thống Việt Nam, người ta vẫn thích nghe tiếng của dây tơ hơn. Tiếng dây tơ gần gũi như tiếng người. Giọng hát của mình với tiếng đàn quyện vào nhau để “đồng âm”. Tất cả các nhạc cụ dân tộc của tôi bây giờ đã chuyển sang dùng dây tơ.

- Ngoài việc tham gia đều đặn các chương trình của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, tôi thấy ông còn say sưa truyền dạy âm nhạc cho lớp trẻ?

- Tôi là người được học bài bản về âm nhạc dân gian nên luôn đắm chìm với nó. Sau 41 năm công tác, bây giờ nghỉ hưu, tôi tham gia nhóm Đông Kinh cổ nhạc với mong muốn đóng góp một chút để động viên lớp trẻ, nếu ai yêu thích, ai có khả năng thì cứ đến đây tôi dạy cho. Bây giờ cũng không thể bắt lớp trẻ “làm cái cũ”, “học cái cũ” ngay được mà phải từ từ lan tỏa.

Hiện tôi đang tham gia chương trình dạy hát xẩm cho các em nhỏ tại đình Bích Câu vào mỗi chiều chủ nhật. Nhiều phụ huynh yêu thích cũng đến học. Lớp có khoảng 20 cháu nhỏ. Nhà tài trợ mong muốn tôi giúp các cháu tiếp cận với hát xẩm, ban đầu là những bài hát rất quen thuộc như: “Tre xanh”, “Công cha nghĩa mẹ”, các bài ca dao... với tinh thần là “truyền lửa” để các cháu cảm nhận được bộ môn này.

- Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...