Góp đóa hoa đẹp cho vườn âm nhạc thành phố

17/02/2021

Trưởng thành nhanh trong môi trường nghệ thuật qua học tập hơn 8 năm tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Nai và Nhạc viện TPHCM, cùng 20 năm là ca sĩ chính của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trong biểu diễn chuyên nghiệp, Lê Anh Tuấn (sinh năm 1978) đã tạo dựng một bề dày thành tích trong hoạt động âm nhạc, đáng để các ca sĩ trẻ phấn đấu học theo.

Trong biểu diễn, anh đoạt nhiều giải thưởng cao như: Năm 2004, giải tư Tiếng hát Truyền hình TPHCM (đồng thời đoạt luôn giải báo chí bình chọn hát nhạc truyền thống hay nhất và giải hát hay nhất về TPHCM), giải ba Tiếng hát Truyền hình tỉnh Đồng Nai; năm 2001, giải ba Tiếng hát Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; năm 2002, giải nhì Tiếng hát Truyền hình tỉnh Tây Ninh, giải nhì Giọng hát hay hàng tuần trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM; năm 2003, giải tư Tiếng hát Truyền hình tỉnh Lâm Đồng… 

Ca sĩ Lê Anh Tuấn

Tên tuổi ca sĩ Lê Anh Tuấn luôn gắn liền với những tác phẩm truyền thống cách mạng như: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Bài ca Trường Sơn, Đường chúng ta đi, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người, Dòng máu anh hùng, Tình ca… Với giọng tenor, quãng rộng, mượt mà ấm áp, truyền cảm đầy nội lực, anh luôn làm cho khán giả mê say. Ngoài vai trò là ca sĩ, Lê Anh Tuấn còn sáng tác nhiều ca khúc như: Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác (đoạt giải C giải thưởng Tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM năm 2018 và Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020), Mẹ là ánh trăng soi, Ký ức Đồng Lộc, Tự hào truyền thống Thanh niên xung phong, Tuổi thơ thành phố vì môi trường xanh…

Thời gian gần đây, cùng với văn nghệ sĩ thành phố và cả nước tham gia phòng chống dịch Covid-19, Lê Anh Tuấn đã sáng tác, biểu diễn và cùng nhóm bạn hoàn tất video ca khúc Người thầy thuốc vì nước quên mình (lời thơ của nhà thơ Phạm Phương Lan). Như tên gọi của ca khúc (ca ngợi tinh thần làm việc ngày đêm của tập thể y bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện, trung tâm dã chiến trên tuyến đầu chống dịch), bằng giai điệu du dương, tình cảm sâu lắng mang tính tự sự qua giọng ca truyền cảm của Lê Anh Tuấn, ca khúc là bức tranh đẹp về tấm lòng người chiến sĩ khoác áo blouse trắng ở bệnh viện, khu cách ly, chấp nhận mọi khó khăn để dốc sức, dốc lòng phục vụ nhân dân. 

Ca khúc Người thầy thuốc vì nước quên mình do Lê Anh Tuấn sáng tác và biểu diễn như một đóa hoa âm nhạc xinh tươi góp thêm hương sắc rực rỡ trong vườn hoa âm nhạc nước nhà góp phần khẳng định nhân cách, tinh thần Việt Nam trong công cuộc chống dịch Covid-19.

Bài: Nguyễn Trung

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...